Bạn đang ở đây

Bếp chung, nồi riêng

Trong cuộc sống gia đình hiện đại, ta thường thấy có nhiều thành viên chung sống với nhau nhưng lại có nhiều bữa cơm nhỏ. Việc ăn riêng mặc dù đem lại sự tự do cho mỗi cá nhân nhưng dần dần hình thành nên những vết rạn của mâu thuẫn gia đình.

bữa ăn gia đình

Ảnh minh họa

“Mạnh ai nấy ăn”

Chị họ tôi lấy chồng đã hơn 3 năm, mới đây chị xin phép bố mẹ chồng cho ăn riêng. Chị kể: “Thật may, khi tôi đề đạt nguyện vọng với bố mẹ chồng thì hai cụ đồng ý luôn”. Mẹ chồng chị mới nghỉ hưu, bác sĩ kết luận bà bị bệnh tiểu đường nên phải kiêng khem rất cẩn thận gần một năm nay. Hàng sáng, chị lo đi chợ và thường phải lựa những thực phẩm để phù hợp nhất cho bữa cơm gia đình. Chiều đi làm về, chị không ngại xắn tay nấu bữa cơm tối.

Nhưng điều bất tiện ở chỗ, nhiều lúc nấu xong mẹ chồng không vừa miệng lại tự đi nấu món gì đó ăn. Thêm vào đó, từ ngày bố mẹ chồng chị nghỉ hưu, mọi thói quen, nếp sinh hoạt cũng theo đó thay đổi. Chị nấu nướng xong thì lo tắm rửa rồi cho cậu con trai 3 tuổi ăn và chờ chồng về nên bữa tối thường vào lúc hơn 20 giờ. Bố chồng chị đi tập thể dục, có hôm ăn uống cùng mấy người bạn nên bữa tối ở nhà thường chỉ là bữa phụ.

Để cải thiện sức khỏe, mẹ chồng chị chiều nào cũng đi bộ ngoài hồ nên về nhà lúc nào thì bà dùng bữa lúc đó. Tiếng là ông, bà, con cháu ăn cơm chung nhưng thường vì thời gian biểu không trùng nhau nên “mạnh ai nấy ăn”. “Giờ đây ăn riêng là giải pháp lý tưởng nhất”, chị kết luận.

Nói tới chuyện ăn riêng, Nga - cô bạn thân của tôi bộc bạch: “Mọi người thường nghĩ con cái sống chung với bố mẹ mà muốn ăn riêng đa phần là để tránh mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu. Song, như nhà mình, để thuận tiện hơn cho con cái trong sinh hoạt, bố mẹ chồng còn gợi ý vợ chồng mình ăn riêng”.

Vừa hết thời gian nghỉ sinh và đi làm được 2 tháng thì Nga xin bố mẹ chồng được ăn riêng. Ngày ngày, mẹ chồng Nga dậy sớm đi lễ chùa tới tối mới về. Món ăn thường nhật của bà là đậu phụ, nấm, lạc rang... Trong khi đó, để có nhiều sữa cho con, Nga phải ăn nhiều món phong phú.

Hiện tại, hàng ngày, Nga chỉ cần chuẩn bị những thứ ăn hợp với dinh dưỡng của vợ, chồng và đứa con gái nhỏ 6 tháng tuổi. “Ăn riêng không có nghĩa là hoàn toàn không quan tâm gì tới bố mẹ chồng. Những ngày có món ăn nào hợp khẩu vị của bố mẹ, mình vẫn nấu nhiều để phần các cụ. Hoặc có lúc bận việc đột xuất, mình lại nhờ mẹ nấu nướng giúp.

Dịp cuối tuần, thêm gia đình của mấy chú em chồng lại quây quần nấu ăn chung. Thỉnh thoảng, ngày rằm, mồng một, mình cũng thu xếp cùng mẹ chồng đi lễ chùa và động viên chồng ăn chay với bà”, Nga tâm sự.

bữa ăn gia đình

Mất sự gắn kết?

Với nhiều cặp vợ chồng sống ở thành thị, để lo đủ điều kiện ra ở riêng không phải việc dễ dàng. Không những thế, họ cũng muốn tranh thủ sự trợ giúp từ ông, bà để chăm sóc con cái, nếu có thể. Song, ăn riêng với nhiều gia đình lại là một lựa chọn mà các thành viên thấy phù hợp thực tế cuộc sống của mình. Một bữa ăn sẽ không còn phải chia nhỏ quá nhiều lần trong buổi tối hoặc con cái sẽ không cảm thấy áy náy, lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ khi dùng bữa trước hoặc để các cụ phải chờ đợi lâu khi bản thân họ còn bận công việc, con nhỏ, bạn bè...

Sự gắn kết trong gia đình sẽ không vì việc nấu ăn riêng mà mất đi tình cảm. Điều đó vẫn có thể được duy trì ở những bữa ăn chung được thực hiện phù hợp với điều kiện sinh hoạt như: Những bữa ăn vào ngày cuối tuần, dịp đặc biệt hoặc đơn giản là bữa ăn “bất thường” cùng những món ăn mà mấy anh, em trong gia đình sống gần nhau mang đến “góp vui”.

Thời khắc quý giá ấy sẽ giúp mọi người chia sẻ yêu thương, tránh khỏi những vướng mắc, áp lực gặp phải trong cuộc sống. Sự hợp lý về thời gian, khẩu vị của bữa ăn tạo không khí vui vẻ, quần tụ cho cả gia đình. Điều quan trọng là trong cuộc sống hiện đại, khi các gia đình biết điều hòa giữa việc ăn chung, ăn riêng sẽ tạo nên tinh thần thư thái cần thiết, thỏa mãn nhu cầu tâm, sinh lý, có lợi cho sức khỏe của mỗi thành viên, đó cũng là cách cân bằng hạnh phúc gia đình.

HPGĐ

people like INLOOK.VN fanpage