Bạn đang ở đây

Chuyện cơm và phở

Gia đình ngày nay hạnh phúc hơn, nhưng cũng kém bền vững hơn. Một trong những nguyên nhân mà dân gian thường hay nói đùa chính là “sáng ăn cơm, chiều hôm mò đi ăn phở”.

phở

Chỉ nhìn quãng thời gian độ mươi, mười lăm năm trở lại đây, chúng ta cũng thấy cuộc sống vật chất của mọi gia đình đã khác hẳn. Nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ, có thể nói là khá giả. Ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, máy vi tính, điện thoại di động, ô tô, nhà chung cư cao cấp, biệt thự, nhà vườn... là “chuyện thường ngày ở huyện”. Chuyện ăn uống cũng qua rồi cái thời “ăn no mặc ấm” mà chuyển thành “ăn ngon mặc đẹp”. Đã qua rồi cái cảnh công chức sáng cơm dưa, trưa cặp lồng. Quả là cuộc sống gia đình đầy đủ, văn minh và hạnh phúc hơn thật. Nhưng thói đời, “no cơm ấm cật” dễ “dậm dật mọi nơi”. Các trò tiêu khiển, các thú vui cũng từ đó mà nảy nở.
Nhiều người, đặc biệt là cánh đàn ông “sành điệu” bắt đầu có ý nghĩ theo cơ chế thoáng. Ừ thì theo thiên hạ “vui vẻ” một chút, em út một chút cho đỡ buồn, cũng có chết ai. Thế là anh chồng quay sang nhìn vợ mình với cặp mắt “bất bình thường”. Hình như dạo này bà xã có quá nhiều thói hư, tật xấu mà mình bây giờ mới phát hiện ra. "Đời tôi nào có ra gì/Vợ thì cũ, ti vi đời đầu".
Già, xấu đã đi một nhẽ. Đằng này lại còn lắm lời, thích ăn chơi hay bê trễ chuyện nhà cửa. Vắt tay lên trán, anh chợt nhận ra là câu tục ngữ: Cơm Tàu, nhà Tây, vợ Nhật chưa ổn với mình. Cơm Tàu, nhà Tây thì có rồi, còn cô vợ Nhật xinh đẹp, biết chiều chồng thì chưa thấy đâu. Sao cái số mình nó đen thế không biết. Đây là lý do rất quan trọng để đàn ông tặc lưỡi cho phép mình chọn môt giải pháp tình thế là tự đi tìm “bông hoa biết nói” để vui vẻ giải khuây.

Người ta thường định nghĩa một công chức hạnh phúc là người sáng muốn đến cơ quan, tối muốn về nhà. Đằng này những anh chồng sáng cũng muốn ra khỏi nhà sớm và chiều thì không muốn về nữa. Ăn cơm bao nhiêu ngày người ta cũng thấy chán, nên nghĩ đến phở. Đúng là phở có ngon thật, ngon nên ăn xong lại thấy thèm, muốn ăn nữa. Lâu rồi thành quen, sinh ra chán cơm, hoặc cũng túc tắc ăn cơm, nhưng vẫn ăn thêm phở.
Nhiều anh chồng giờ đây cao tay, tìm mọi cách để “đáp bãi” an toàn cho mình. Chả dại gì mà bồ bịch ở cơ quan, nơi gần lãnh thổ của ta, trước sau rồi cũng lộ mục tiêu. Với điều kiện và khả năng cho phép, ông ta thừa sức “rong buồm ra khơi xa” để thực hiện những vụ “đánh bắt xa bờ”, vừa an toàn, vừa có điều kiện ung dung tận hưởng mọi niềm vui, khoái lạc. Ăn quẩn cối xay lớ ngớ để vợ bắt được thì lôi thôi to, ra tòa “cưa đôi” tài sản thì tiếc lắm.

cơm và phở


Hoặc không may cơ quan chức năng tóm cổ thì chẳng chóng thì chầy cũng thân bại danh liệt. Cho nên, có cao thủ tá túc ở Hà Nội, nhưng tháng tháng lại bay vào TPHCM làm việc với “văn phòng đại diện” ở trong đó. Nhưng đại diện gì chỉ có một cô em trẻ đẹp tóc ngắn, váy đầm ra tiếp? Mà tiếp lại ở nhà hàng máy lạnh chứ chẳng bàn giấy, màn hình gì cả. Rồi đến lượt TPHCM ra Thủ đô, Huế, Đà Nẵng, cao nguyên Đà Lạt. Cứ có nàng đi cùng thì nước non mình đâu cũng đẹp, cũng mát mẻ, nõn nà như da “gái tơ” cả. Tiền bao chẳng nghĩa lý gì với các đại gia, các sếp. Cứ tiêu xả láng, thậm chí tiêu lạm vào tiền chùa là chính.

Nhưng rồi ông biết ăn chả, bà cũng học cách ăn nem! Ông có võ đằng ông, bà có võ đằng bà. Chuyện phá rào “thêm một lắm điều hay” đâu chỉ dành cho đàn ông. Nhiều chị em bây giờ cũng sành điệu ra phết. Anh đi ra khơi, theo luồng cá chạy thì em cũng đi lên rừng, nghe tiếng sáo ai. Chỉ cần dắt xe ra khỏi nhà, hòa vào dòng người trên phố là chẳng ai biết ai nữa.
Chàng và nàng cứ thế rong ruổi với những đam mê của riêng mình. Có những cặp, sau những thú vui như thế, rồi cũng gượng gạo quay về mái nhà mình. Lại chung xây “tổ ấm” như thế giới vẫn hòa bình, “sống chung với lũ” thế rồi thành quen. Nhưng có biết bao nhiêu gia đình cũng chính từ chuyện này mà trở thành “nát như tương”. Anh đi đường anh, tôi đường tôi, con cái thì “tan đàn xẻ nghé”.

Chuyện ông ăn chả bà ăn nem không ai còn lạ gì. Nó cũng mang lại cho đôi kẻ buồn đời những phút giây lãng mạn lên tiên thật. Nhưng rồi cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ có những tiếng cười.

Theo Đời sống gia đình

people like INLOOK.VN fanpage