Bạn đang ở đây

Đồng tiền và tình yêu

Từ lâu, người ta vẫn cho rằng, nhịp đập nóng hổi của con tim và hơi lạnh của đồng tiền là hai thứ... kỵ nhau như nước với lửa. Có người còn khẳng định: “Ở đâu đồng tiền có mặt, ở đó không có tình yêu”. Trong cơ chế kinh tế thị trường ngày nay, làm sao để tình yêu không bị đồng tiền vùi dập?

tiền và tình

Tiền hỗ trợ tình...
Tiền bạc không thể mua được tình yêu, nhưng chắc chắn nó có khả năng tô điểm cho tình yêu của bạn. Muốn tặng nàng mấy bông hoa đẹp nhân ngày Valentine? Muốn có một bữa ăn ấm cúng và lãng mạn chỉ hai người ở một nơi nào đó? Muốn kỷ niệm chàng một cái gì đó ấn tượng để chứng tỏ óc thẩm mỹ của mình? Làm thế nào đây nếu hầu bao chẳng có một xu?
Một cô gái kể, cô hồi hộp đến thao thức mãi không ngủ được khi nhận lời mời đi ăn ở một nhà hàng khá sang trọng từ chàng thạc sĩ mới du học nước ngoài về, mà cô hằng ngưỡng mộ. Nhưng thật bất ngờ, khi người hầu bàn đưa đến cái hóa đơn, chàng chìa ra cho cô với nụ cười rất hồn nhiên: “Ta chia ra, mỗi người trả một nửa, em nhỉ!”. Thực ra ở nhiều nước phương Tây, điều này không có gì lạ. Nhưng ở ta thì... Ngay lập tức, hình ảnh chàng trai hào hoa phong nhã mà cô hằng ấp ủ vụt biến mất; chỉ còn lại một anh chàng keo kiệt, bủn xỉn mà cô thực lòng không muốn ngồi gần thêm một phút nào. Thế mà anh ta còn ra vẻ lịch sự: “Ta sang bàn bên uống cà phê đi em! Khoản này thì anh mời em!”.
Có người cho rằng, thời buổi kinh tế thị trường, cái gì cũng phải sòng phẳng, tình yêu cũng thế! Họ nói có vần có điệu: “Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”. Tạp chí Money của Mỹ nêu vấn đề: “Tại sao bây giờ nam nữ bình đẳng mà khi ăn xong, các cô gái cứ thản nhiên ngồi đợi bạn trai trả tiền? Lẽ nào vì chàng trai đã có niềm vui được cùng ăn với người đẹp? Thế còn phái đẹp, chẳng lẽ các cô không vui?”.
Nữ chuyên gia tâm lý Bettina Arnt thừa nhận: “Sự bất bình của đàn ông trong trường hợp trên không phải không có lý, nhưng đã tính toán thì phải chi li. Thực ra, để nuôi dưỡng tình yêu, phái đẹp tốn kém hơn nhiều. Đàn ông chỉ biết tung hô “Cái đẹp muôn năm!” nhưng họ không biết rằng, để được khen là đẹp, chị em đã phải tốn rất nhiều chi phí. Nào là quần áo luôn thay đổi để hợp mốt, mỹ phẩm để điểm trang... những cái đó nào có rẻ. Đó là chưa kể các chàng trai thường đến nhà cô gái, nhưng muốn có một buổi tối tâm tình cũng phải chuẩn bị cái gì để vừa trò chuyện vừa nhâm nhi chứ? Chẳng lẽ những thứ đó không phải mua bằng tiền?".
Phải thừa nhận những người có nhiều tiền thì luôn có nhiều lợi thế trong tình yêu và hôn nhân. Có anh chàng tấn công một cô gái trẻ đẹp nọ bằng cách tung tiền lấy lòng tất cả những người có liên quan. Thế là từ cha mẹ đến anh chị em, ai cũng nhận được những món quà mình thích. Lại thêm cách cư xử tế nhị nữa nên ai cũng vun vào khiến cô, dù không phải người tham tiền nhưng cũng khó mà không nghiêng ngả, khi mỗi lần anh ta đến chơi là được cả nhà hồ hởi đón tiếp. Cô đành chia tay với chàng kỹ sư nghèo đang đi xin việc, theo đuổi cô đã lâu, để lên xe hoa với người chồng giàu, hơn cô đến hai chục tuổi.
Trong cuộc sống vợ chồng thì khỏi phải nói đến sức mạnh của đồng tiền. Nó đáp ứng gần như tất cả những mong muốn của gia đình. Tất nhiên, không phải cứ có tiền là có hạnh phúc, nhưng chắc chắn là trong nhà sẽ giảm đi rất nhiều cuộc cãi nhau không đáng có chỉ vì thiếu tiền.


Tiền giết tình
Nói chung, phụ nữ bây giờ thường kết hôn muộn nên trước khi bước lên xe hoa, nhiều người đã có hàng chục năm làm việc, có một tài khoản đáng kể, có khi đã có cả nhà riêng. Nghĩa là, họ đem vào cuộc sống chung những tài sản không phải là không có giá trị. Mà một khi phụ nữ đã trao trái tim cho ai thì cũng có nghĩa là trao luôn cả tài sản riêng của mình cho người đó. Phải chăng đó cũng là một lý do giải thích vì sao phụ nữ thành đạt ở các nước phát triển, ngày càng nhiều người không muốn kết hôn, nhất là với những anh chàng chưa hết tháng đã hết tiền.
Người viết bài này có quen một phụ nữ ly hôn đã hơn mười năm nay, sống với đứa con gái 14 tuổi. Chị làm phiên dịch cho một doanh nghiệp nước ngoài lương tháng trên dưới nghìn đô. Nghe nói cũng có vài ba người đàn ông đến với chị, nhưng chị vẫn chưa quyết định chung sống cùng ai. Chị cười: “Sợ nhất cái cảnh như cô bạn mình vớ được ông chồng đã chẳng kiếm ra tiền thì thôi, mà hôm nào không có mấy lon bia là mặt anh ta dài ra như cái bơm. Đúng là tự nhiên rước ngài về để ngài... cơm no bò cưỡi”!
Chị Thủy Tiên 32 tuổi, trưởng phòng kế toán một doanh nghiệp lớn, đã gắn bó với một anh chàng từ hai năm nay. Lúc định đăng ký kết hôn thì anh này trong một “phi vụ” làm ăn bị thua lỗ không những trắng tay mà còn thâm hụt vào công quỹ đến vài trăm triệu đồng. Chị thấy rõ, nếu kết hôn thì dĩ nhiên tài sản riêng của vợ phải được huy động đề trả vào chỗ thâm hụt đó của chồng, nếu như không muốn anh ta bị pháp luật “hỏi thăm”. Chị nghĩ, thật là vô lý nếu đem những gì mình ky cóp bấy lâu lấp vào cái lỗ hổng mà một tay gian lận nào đó đã cho anh ta một “quả lừa” như anh ta kể.
Thế là trước lời cầu hôn khẩn khoản của anh, chị đành phải trả lời nhẹ nhàng: Chừng nào tình hình tài chính của anh sáng sủa hơn thì hãy nghĩ đến chuyện làm đám cưới!

tiền tình


Tiền bạc phân minh
Kinh nghiệm từ các phiên tòa ly hôn cho thấy, nhiều cuộc hôn nhân lúc đầu rất đẹp nhưng về sau lại bị rạn vỡ vì những nguyên nhân mà khó ai lường trước được. Lúc đó, người phụ nữ thường ở lại với con và dù muốn hay không, họ cũng phải đương đầu với những khó khăn về kinh tế.
Cho nên, ở nhiều nước phát triển hiện nay, trước khi kết hôn, hai người thường có một quy ước bằng văn bản, trong đó có cả vấn đề tài chính. Mỗi người có tài khoản riêng ở ngân hàng, tài sản cũng mang tên riêng. Lỡ có chia tay, khỏi mất thời gian của tòa án. Người ta nhận thấy, chính những đôi có quy ước rõ ràng như thế lại sống với nhau thoải mái và bền chặt hơn.
Khi kết hôn, chúng ta thường mang theo vào cuộc sống chung nhiều ước vọng. Chẳng ai nghĩ đến tiền nong vì nó không ăn nhập chút nào với cái vẻ lãng mạn của tình yêu. Thế nhưng, số liệu từ các tòa án cho thấy không dưới 1/3 các cuộc hôn nhân tan vỡ vì lý do tài chính. Khi gia đình êm ấm, tài sản thường là của chung, đứng tên ai cũng được. Và chính điều đó đã gây không ít khó khăn cho các vị chánh án. Nếu ngay từ thuở ban đầu, chúng ta không thống nhất với nhau quan niệm về đồng tiền, thì chẳng khác nào dắt tay nhau mò mẫm đi tìm hạnh phúc.

tiền và tình


Thực tế đã cho thấy, con người thường nhìn nhận cách sử dụng đồng tiền trước và sau khi cưới không giống nhau. Chẳng hạn, cô gái nào cũng thích những chàng trai hào phóng, mạnh tay mở ví trong những cuộc vui bạn bè. Nhưng cũng chính cô gái đó, khi đã thành vợ, lại gọi tác phong ấy của anh ta là “đồ phá của, hoang phí”. Người ta thường bị chinh phục bởi những gì không mấy liên quan đến tiền nong. Nhưng tiếc rằng khi lấy nhau, người ta lại thường bị thuyết phục bởi khả năng của người bạn đời trong việc kiếm tiền. Một nghiên cứu ở Mỹ mới đây cho thấy, trong số những đàn ông bị vợ bỏ có đến 82% là những ông gặp khó khăn về tài chính. Tỷ lệ những ông chồng có nhiều tiền hoặc có thu nhập cao bị vợ đòi ly hôn chỉ có 13%.
Ngày nay, cơ chế kinh tế thị trường đang kéo theo rất nhiều thay đổi về những giá trị trong cuộc sống mà có khi chúng ta không ngờ tới, trong đó có cả cách nhìn nhận về vai trò đồng tiền trong hạnh phúc lứa đôi.

HC tổng hợp

people like INLOOK.VN fanpage