Bạn đang ở đây

Giảng hòa khéo léo

Trong cuộc sống hôn nhân, mâu thuẫn giữa vợ chồng dẫn đến cãi cọ, chiến tranh lạnh là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu cả hai không khéo léo giảng hòa, tình trạng “chiến tranh” sẽ kéo dài và thường xuyên sẽ gây ra căng thẳng, mệt mỏi thậm chí chán nản và đổ vỡ hôn nhân.

giảng hòa

Nhận thức bản thân và tự chịu trách nhiệm (ảnh minh họa)

1. Tự nhận thức bản thân và tự chịu trách nhiệm

Tính cách, hành vi ứng xử và những thói quen của mỗi người là điều không dễ thay đổi. Nhưng nếu mỗi người tự nhận thức lại hành vi của bản thân (những câu nói, những hành động trong lúc cãi nhau), tự nhận ra những sai lầm của mình và tự nhận lỗi với thái độ tích cực, đồng thời tác động đến đối phương sẽ khiến đối phương có phản ứng tích cực giống mình. Cái tôi và tự ái cá nhân luôn là rào cản lớn nhất trong việc giảng hòa. Khi đã nhận thức được sự việc và hành vi bản thân, mỗi người nên dẹp bỏ tự ái để chủ động làm hòa thì cả hai mới thực sự nguôi ngoai nhanh.

2. Học cách cư xử đúng mực

Đừng tỏ ra cố chấp khi đối phương có ý định giảng hòa. Bạn nên nhìn nhận vấn đề mấu chốt của việc cãi nhau. Dù sao thì cuộc cãi vã cũng đã xong. Bạn không nên bới móc nội dung của cuộc cãi vã để truy vấn đối phương. Hãy cho đối phương cơ hội để giải thích và làm rõ hiểu lầm hoặc nghi vấn trong lòng bạn. Hoặc trường hợp ngược lại, nếu bạn nhận ra phần lỗi của mình, hãy giải thích rõ ràng cho bạn đời hiểu. Không nên tiếp tục làm ầm ĩ như trẻ con, cũng không được chỉ trích, lên án, quy kết tội lỗi hết lên người bạn đời.

3. Biết lắng nghe

Lắng nghe để hiểu người khác, nhất là bạn đời nói gì là cả một nghệ thuật. Những người có kỹ năng giao tiếp tốt thường là những người rất chịu khó lắng nghe để thấu hiểu đối phương. Việc chịu khó lắng nghe đối phương giải thích, nêu quan điểm của họ sẽ giúp bạn giảm bớt tính nóng nảy, vội vã kết tội đối phương, giảm thiểu tối đa khả năng bùng nổ xung đột trở lại, là bước khởi đầu thuận lợi cho việc giảng hòa giữa hai người.

giảng hòa

Trước tiên, cần hạn chế những lần khẩu chiến và nóng nảy (Ảnh minh họa)

4. Biết thông cảm

Nếu bạn là người ngoài cuộc, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu tại sao người bạn đời lại có hành vi như thế đối với một sự việc nào đó (mà sự việc đó chính là nguyên nhân gây ra cãi vã giữa hai vợ chồng bạn). Hãy thử đặt mình vào vị trí của người bạn đời, cảm nhận những khó khăn mà người ấy phải đối mặt để xem phản ứng của  mình với việc đó như thế nào. Có thể cách xử sự của bạn sẽ hoàn toàn trái ngược với người ấy nhưng bạn sẽ hiểu những khó khăn mà người ấy đã trải qua. Sự quan tâm và cảm thông của bạn lúc này dù có hơi muộn nhưng vẫn đủ làm bạn đời yên tâm và nỗi bực dọc tan biến.

5. Đừng ngại giải thích và bày tỏ ý kiến rõ ràng

Hai người phải giải thích và cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan đến vấn đề mà hai vợ chồng đã cãi vã một cách mạch lạc, trung thực để bày tỏ quan điểm riêng của mình cho bạn đời hiểu. Một người dù có giỏi đến mấy cũng không cách nào “đọc” được ý nghĩ đang diễn ra trong đầu người khác. Vì vậy, bạn đừng bao giờ bắt bạn đời phải “tự hiểu” bạn muốn gì!

6. Giảng hòa với thái độ mềm mỏng

Thái độ của người chủ động giảng hòa rất quan trọng, chính nó quyết định cuộc giảng hòa thành công hay thất bại. Một thái độ khơi gợi sự giảng hòa ôn tồn, nhẹ nhàng sẽ tạo sự tin cậy ở đối phương. Sự thành khẩn giúp đối phương dễ mềm lòng và sẵn sàng bước vào vòng “đàm phán hòa bình” một cách thoải mái nhất để đạt được thỏa hiệp chung và làm lành với nhau.

7. Không nhắc lại cuộc cãi vã và những lỗi lầm cũ

Một nguyên tắc rất quan trọng trong việc giảng hòa đó là việc tránh nhắc đi nhắc lại cuộc cãi vã vừa qua, không lôi sai phạm, lỗi lầm của bạn đời ra “nhai đi nhai lại”. Những điều bực dọc, khó chịu cứ phải nhắc đi nhắc lại sẽ khiến đối phương bực bội, nổi nóng đó chẳng khác nào bạn đang châm ngòi cho một cuộc cãi vã mới.

8. Các cách giảng hòa hiệu quả

- Chuẩn bị một bữa cơm với các món chồng thích là một gợi ý giảng hòa ý tứ nhất của các bà vợ.

- Sắp xếp công việc, hẹn hò chồng/vợ đi cà phê để giảng hòa, khung cảnh lãng mạn và nhạc trữ tình cùng thức uống hợp gu cũng là điều kiện tốt giúp hai người cảm thấy dễ làm lành với nhau.

nấu ăn

Nấu ăn và con cái cũng là một cách giảng hòa (Ảnh minh họa)

- Mua tặng bạn đời một món quà, có thể là vật dụng mà người ấy cần và rất thích nhưng chưa kịp mua. Ai mà không xiêu lòng trước sự chu đáo đó (dù có chủ ý!)

- Các anh chồng muốn cầu hòa với vợ có thể thu xếp công việc về sớm, xắn tay phụ giúp vợ việc bếp núc, không quên nói vài câu đùa hài hước, dí dỏm. Sự căng thẳng của vợ sẽ được thay bằng sự cảm động ngay thôi.

- Với các cặp vợ chồng đã có con, đứa con là chiếc cầu nối để hai vợ chồng làm hòa hữu hiệu nhất. Hãy nhờ con đưa “thông điệp” cầu hòa cho bố, mẹ. Con có thể gợi ý đề nghị bố/mẹ một chuyến du lịch cả nhà cùng vui, hoặc cùng nhau đi xem phim, hài kịch, xiếc…

9. Hạn chế xung đột

Muốn hạn chế xung đột dẫn đến cãi vã, mỗi người phải biết các quản lý cảm xúc của chính mình. Phải tập thói quen kềm chế, bình tĩnh, tránh “động tay động chân” hoặc nói những câu xúc phạm nặng nề tới người khác trong lúc nóng giận. Ngoài ra, chúng ta còn phải biết cách cãi để tránh gây thương tổn về mặt tinh thần lẫn thể xác.

Chuyên viên tư vấn hôn nhân gia đình William Doherty (giáo sự của trường đại học Minnesota) khuyên rằng: khi tranh cãi, đừng nổi nóng với người thích la hét. Nếu bạn kết hôn với một người hay làm ầm ĩ thì đừng la hét trở lại. Hãy mạnh mẽ, dứt khoát nhưng vẫn ôn tồn. Ví dụ bạn có thể bảo rằng “anh/em không đồng ý cách cư xử của em/anh. Nếu anh/em mà cứ như thế em/anh sẽ đi nơi khác''.

Lưu ý: Tình dục là công cụ  hữu hiệu để giải tỏa những nỗi ấm ức trong lòng. Sự gần gũi về thể xác khiến hai vợ chồng trở nên dễ chịu hơn, mọi căng thẳng được giải tỏa, họ trở nên hiền hòa, lành tính hơn, dễ lắng nghe và thấu hiểu nhau hơn.

Theo Eva

people like INLOOK.VN fanpage