Bạn đang ở đây

Làm mẹ chồng thật khó?!

Xưa nay chẳng ai ưa các bà mẹ chồng xét nét, nhưng ngày nay tin chắc rằng chẳng ai tán thành những nàng dâu giỏi giang nhưng hỗn hào. Thời nào cũng có những bà mẹ chồng tốt, con dâu hiền thảo. Dù là mẹ chồng hay nàng dâu thì giữa họ vẫn có nhiều điểm chung: Đều là phụ nữ với những thiên chức cao quý.

mẹ chồng - nàng dâu

“Ngày xưa làm dâu khó bao nhiêu, thì nay làm mẹ chồng khó bấy nhiêu!”. Đó là lời than của bà Ngọc Phương, 66 tuổi ở phường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) trong một buổi sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi như một cơn gió mạnh khiến các bà, các cụ “nổi sóng”, kêu rằng: “Ngày xưa làm dâu khó bao nhiêu, thì nay làm mẹ chồng khó bấy nhiêu!”.

Không chỉ có con dâu mới ở thế khó, cũng có những bà mẹ chồng phải than thở

Mỗi cây mỗi hoa

Bất kỳ người phụ nữ nào cũng sẽ đều trải qua giai đoạn làm dâu và làm mẹ. Dù là mẹ chồng hay nàng dâu thì cũng đều cùng yêu thương người con, người chồng, cùng vì sự hưng thịnh của gia đình. Và để trở thành một người mẹ chồng tốt thì trước hết hãy là một nàng dâu thảo hiền.

“Mẹ già như chuối chín cây/Gió lay mẹ rụng con thời mồ côi”. Thỉnh thoảng nàng dâu xinh đẹp và giỏi giang của bà Phương lại thỏ thẻ đọc hai câu thơ trên khi bà góp lời vào bàn bạc chuyện nhà cửa, họ hàng, con cái của vợ chồng anh con trai cả.

Theo chị Lan, con dâu bà thì “mẹ cứ ăn uống, nghỉ ngơi thoải mái, không phải lo nghĩ gì ảnh hưởng đến tuổi già. Mẹ mạnh khỏe để con có mẹ, cháu có bà”. Nhưng sâu xa, trong lòng bà biết rằng, nàng dâu muốn bà hãy an phận tuổi già đừng có tham gia vào bất cứ vấn đề nào của con cái. “Nó cứ nhẹ nhàng mà ghê gớm thế đấy. Tôi ức mà không nói được. Nói thì bảo mẹ già lắm điều, gia đình bất hòa, mệt mỏi lắm”.

“Tôi có con mà không được dạy, có cháu chẳng được bảo ban. Vì giờ chúng thuộc quyền quản lý của con dâu tôi rồi” – bà Minh, ở quận 6, TP HCM chua chát nói. Hơn 65 tuổi thì chồng mất, buồn bã không còn tâm trí làm ăn, bà quyết định giao lại cơ sở chuyên kinh doanh đồ gỗ nội thất cho con trai để nghỉ ngơi.

Từ ngày ở nhà, bà chợt nhận ra nhiều hơn sự khác biệt trong lối sống của mình với con cháu. Cả ngày ở nhà, ra vào với cái tivi, gọi điện thăm hỏi bạn bè cũng hết, lúc bà vui nhất là con cháu đi làm, đi học về. Nhưng về đến nhà, việc đầu tiên là chúng phải tắm rửa, ăn xong phải học bài, đi ngủ để mai còn đi học sớm… Thứ Bảy, Chủ nhật các cháu lại đi học thêm.

Về nhà, theo lệnh của mẹ, chúng “không được chơi trong phòng của bà, không được quấn bà kẻo bà mệt, không được nhõng nhẽo với bà…”. Con trai, con dâu ăn cơm xong cũng về phòng riêng, bà lại một mình vò võ với cái tivi trong căn phòng của mình. Điều bà buồn nhất là thái độ của con dâu. Lời lẽ của chị thường là trống không, sai vặt hoặc phàn nàn về chuyện giá cả đắt đỏ, bà nấu ăn không như ý chị… Có lần anh chồng góp ý cách ứng xử của vợ với mẹ thì chị nói: “Em cưới anh, tại sao lại phải cưới cả mẹ anh. Nếu bà cảm thấy không thoải mái thì mình dọn ra ở riêng”.

Còn bà Ly ở Kiến An, Hải Phòng cũng rất chạnh lòng cách hành xử của con dâu. Mỗi lần ông bà đi chơi đâu về mua quà cho cháu, chị chạy ra giằng lại để xem hạn sử dụng. Có hôm quay ngược quay xuôi để nhìn xong, chị bảo: “Còn hạn sử dụng nhưng bánh này của hãng vớ vẩn, ăn vào không khéo lại dở hơi”.

mẹ chồng nàng dâu

Lựa lời đón ý nàng dâu

Nàng dâu thời hiện đại giỏi giang, thành đạt, chủ động trong công việc và cuộc sống gia đình. Ở nhiều gia đình, các nàng dâu vô hình trung trở thành vai trò chủ gia đình. Cũng vì thế mà họ có thể ăn, ở, nói và mặc theo cách của mình. Nhiều nàng dâu thời hiện đại ra đường váy áo xênh xang, về nhà hở ngực, hở đùi đi lại nghênh ngang trước mặt bố mẹ chồng. Nhiều người trong số họ không thích “tam tứ đại đồng đường” bởi không thích sự khác biệt giữa các thế hệ. Nếu phải chung sống với bố mẹ chồng thì không “nhập gia tùy tục” được, họ tìm mọi cách để ra ở riêng.

Có một số người thì tìm cách “uy hiếp” lại mẹ chồng mình. Đạt được “chiến công” đầu, một nàng dâu khoe ngay với bạn: “Tớ chỉ cần mặt đanh lại hoặc cáu lên là bà ấy im re. Tức quá, bà ấy vào phòng khóc một mình, đố dám ho he với ông chồng tớ. Tớ để bà ấy cảm thấy không chịu được thì về quê ở cho rảnh nợ. Có bà già khác “kênh” lù lù ở trong nhà, khó chịu lắm!”… Còn cô bạn cũng chẳng kém phân: “Tớ chẳng hơi đâu mà ầm ĩ, cứ ghé sát tai mẹ chồng chọc tức cho bà chửi um. Hàng xóm toàn nghe thấy bà chửi, chứ mình có láo toét gì đâu”.

Các bà mẹ chồng thời nay đều bảo nhau rằng, muốn yên thân sống nốt tuổi già cùng một mái ấm với con với cháu thì phải biết điều, biết lựa lời và đón ý con dâu. Nếu không, sẽ phải bơ vơ quãng đời còn lại trong sự lạnh nhạt, vô tâm, thờ ơ của con cháu. Xưa mỗi khi con gái đi lấy chồng, đều được cha mẹ dặn dò: “Dâu với gia thứ nào cũng chua”, để ví mẹ chồng và nàng dâu, hai người phụ nữ không cùng huyết thống sống chung một mái nhà. Xưa, nàng dâu đoan trang tóc phải chải ngôi giữa, lời nói, dáng đi đều cẩn trọng “gìn trước giữ sau, như cầm chén ngọc, bưng thau nước đầy”.

Nàng dâu thời nay mạnh mẽ, bình đẳng, bình quyền trong mọi lĩnh vực với chồng, nhiều người thậm chí còn thành đạt, thu nhập cao hơn chồng. Cũng chính vì thế, không tránh khỏi có lúc họ coi thường chồng và những người thân trong gia đình chồng.

Theo HPGĐ

people like INLOOK.VN fanpage