Bạn đang ở đây

"Lạnh tử cung"

Bị sẩy thai, chị Nga ( Đồng Nai) đi khám và được bác sĩ cho biết chị bị “lạnh tử cung”. Tuy nhiên, Thạc sĩ- bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, đây không phải là từ ngữ chẩn đoán của y học hiện đại (Tây y) cũng như y học cổ truyền (Đông y).

tử cung

Để “thai phát triển tốt” theo quan niệm Đông y

Hoạt động kinh nguyệt và thai sản ở phụ nữ có liên quan đến hai thứ của Thận: Thận tinh và Thận khí. Thận tinh có dồi dào và Thận khí hoạt động tốt thì kinh nguyệt sẽ đúng kỳ và dễ thụ thai, thai phát triển tốt.

Thận tinh là thứ vật chất cơ bản duy trì hoạt động sống của con người. Thận tinh được cha mẹ truyền cho (gọi là Tinh Tiên thiên). Cha mẹ có lối sống không lành mạnh hay nhiễm độc sẽ để lại cho con Thận tinh không lành mạnh hoặc khiếm khuyết. Vì vậy, việc có thai hay không, thai có phát triển tốt hay không có thể do bẩm sinh từ cha mẹ.

Thận tinh luôn cung ứng cho Tạng Phủ. Hoạt động sống hàng ngày sẽ làm hao “số vốn” Thận tinh được cha mẹ để lại. Nhờ ăn uống đúng cách (thông qua hoạt động của Tạng Tỳ Vị đúng cách), hít thở khí trời đúng cách (thông qua hoạt động của Tạng Phế đúng cách), thận tinh sẽ được bổ sung (gọi là Tinh Hậu thiên). Vì vậy, ăn uống không đúng cách, hít thở khí trời không đúng cách là một trong những nguyên nhân làm hao tổn Thận tinh và do đó thai kém phát triển.

Thận khí là hoạt động của Thận tinh. Người có lối sống tình dục không lành mạnh làm hao Thận khí. Người sợ hãi đủ thứ, sợ hãi thái quá cũng làm hao tổn Thận khí. Thận khí hao tổn cũng là lý do làm rối loạn kinh nguyệt hay thai kém phát triển.

Tử cung còn có quan hệ mật thiết đến 3 Tạng: Can, Tâm, Tỳ. Kinh nguyệt có điều hòa hay không, có thai được hay không, thai nhi phát triển tốt hay không là do Huyết (máu) có điều hòa và đầy đủ hay không? Huyết không điều hòa, không đầy đủ thường do hoạt động của 3 Tạng nói trên bị rối loạn. Sự rối loạn hoạt động của 3 Tạng nói trên thường bắt nguồn từ lối sống. Người hay cáu gắt giận dữ, hoặc ít vận động chân tay có ảnh hưởng đến hoạt động của Can. Người làm việc trí óc nhiều thường ảnh hưởng đến Tâm. Người ăn uống không đúng cách, người lo lắng nhiều thường ảnh hưởng đến hoạt động của Tỳ.

Ngoài ra, việc có thai hay không, thai phát triển tốt hay không còn do Phế. Việc thường xuyên buồn phiền còn ảnh hưởng đến hoạt động của Phế.

Tử cung lạnh không phải “lạnh trong tử cung”

Tử cung “lạnh” không phải là cảm giác lạnh trong tử cung và cũng không phải bệnh. Đây đơn thuần là một cách mô tả bệnh theo Đông y bằng ngôn ngữ bình dân. Tây y không có khái niệm này.

Khí Huyết đóng vai trò quan trọng trong sự điều hòa kinh nguyệt và sự có thai. Để thai có thể phát triển cần rất nhiều Huyết đem chất dinh dưỡng đến. Huyết đến được tử cung nhiều hay ít là nhờ Khí (Khí hành thì Huyết hành). Huyết có nhiều chất dinh dưỡng và nhiều Khí nên Huyết có nhiều sức nóng. “Tử cung nóng” hàm ý tại nơi chứa và nuôi dưỡng bào thai có nhiều Khí Huyết, nhờ đó thai nhi được nuôi dưỡng và phát triển. Vì vậy, phụ nữ mang thai luôn cảm thấy “nhiệt” trong người, đây là sinh lý bình thường chứ không phải là bệnh.

“Tử cung lạnh” hàm ý tại tử cung ít Khí Huyết, kinh nguyệt sẽ ít, sậm màu, có cục, việc nuôi dưỡng thai sẽ kém khiến khó có thai, sẩy thai, sinh non hoặc trẻ sinh ra bị còi cọc.

phụ khoa

Nguyên nhân và hệ quả

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng "lạnh tử cung".

1. Bẩm sinh: cha mẹ có bệnh hoặc cha mẹ có lối sống không lành mạnh ảnh hưởng đến việc thụ thai, mang thai.

2. Dinh dưỡng: Huyết được hình thành từ thức ăn được hệ tiêu hóa (Tỳ Vị) chế biến kết hợp với khí trời do hệ hô hấp (Phế) đưa vào. Huyết kém tại tử cung có thể do dinh dưỡng không hợp lý, do rối loạn Tỳ Vị không tiêu hóa tốt chất dinh dưỡng, do thiếu Khí từ Phế, do thiếu vận động khiến cho Khí Huyết có đủ nhưng lưu thông không đều.

3. Sinh hoạt tình dục, lao lực hay lao tâm quá độ gây hao tổn Thận khí (hay chính khí) không thể bổ sung đủ Khí Huyết cho tử cung.

4. Tuổi tác: Đã già.

Tinh thần - vai trò chính trong phòng ngừa

Thạc sĩ- bác sĩ Hoàng Sơn cũng cho rằng, tình trạng này thường hay gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Đây cũng là hệ quả tất yếu của lối sống công nghiệp hóa như làm công việc phải suy nghĩ, căng thẳng trí óc nhiều; ngồi một chỗ nhiều, ít vận động; chế độ ăn uống mất cân bằng, xa rời tự nhiên.

phụ khoa

Việc phòng ngừa và điều trị “lạnh tử cung” cần căn cứ vào nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là lối sống: chế độ làm việc chân tay và trí óc, chế độ ăn uống, cách luyện tập dưỡng sinh.

Trong trường hợp, nếu “lạnh tử cung” bẩm sinh thì không có cách nào khác ngoài việc “Trời kêu ai nấy... dạ!”. Nên chấp nhận một cách vui vẻ. Tuy nhiên, cũng không hiếm trường hợp gia đình “son sẻ” hàng chục năm, khi đã biết chấp nhận một cách vui vẻ thì lại… có con. Vì vậy, không chỉ riêng “lạnh tử cung” mà hầu hết trong tất cả các bệnh, yếu tố tinh thần rất quan trọng trong quá trình điều trị cũng như hồi phục sức khỏe.

Theo PNO

people like INLOOK.VN fanpage