Bạn đang ở đây

6 điều bạn cần chuẩn bị nếu muốn làm mẹ đơn thân

Mỗi chuyến đi cần được chuẩn bị kỹ lưỡng dù là xa hay gần, và khi bạn chuẩn bị bước sang một ngã rẽ của cuộc đời, bạn cũng cần có những sự chuẩn bị tối thiểu nếu muốn làm một “single mom”.

Không phải người phụ nữ nào cũng đủ dũng cảm để làm mẹ đơn thân. Vậy nhưng trong thời điểm hiện tại, khi mà hai chữ “đơn thân” đang trở thành xu thế của xã hội hiện đại (với một bộ phận phụ nữ) thì việc làm mẹ đơn thân lại là quyết định được phụ nữ lựa chọn để giải thoát chính mình khỏi cuộc sống có nhiều điều không như ý muốn.

Mỗi chuyến đi cần được chuẩn bị kỹ lưỡng dù là xa hay gần, và khi bạn chuẩn bị bước sang một ngã rẽ của cuộc đời, bạn cũng cần có những sự chuẩn bị tối thiểu nếu muốn làm một “single mom”.

1. Kế hoạch tài chính
Ảnh: thehealthhomehappy.com
 
Sẽ là một khó khăn lớn nếu bạn muốn trở thành mẹ đơn thân mà lại chưa có sự chuẩn bị về mặt tài chính. Bạn sẽ cần chuẩn bị một không gian, môi trường sống tối thiểu cho con của bạn như: Chỗ ở vệ sinh, an toàn, sạch sẽ, gần nhà trẻ; nóng lạnh để tiện thay rửa, tắm táp cho bé nếu là mùa đông và ngay cả trong mùa hè nếu bé ở độ tuổi dưới 1; các vật dụng tối thiểu để sinh hoạt như: Tủ lạnh trữ đồ, bát đũa, xong nồi, tủ quần áo và sinh hoạt phí hàng ngày. Nếu bạn chuẩn bị ly hôn và đang có thai, bạn cần phải lo đủ chi phí sinh nở, và sinh hoạt phí cho bạn và con cho đến khi bạn có thể gửi bé và đi làm để trang trải cuộc sống. Nếu bạn vẫn còn đang độc thân và muốn có con mà không kết hôn, bạn càng phải chuẩn bị thật kỹ càng về mặt tài chính.
 
 2. Những mối quan hệ
 
Nếu bạn là một người sống nội tâm và khép kín thì việc chuẩn bị những mối quan hệ thân thiết để có thể nhận được sự giúp đỡ kịp thời từ họ là điều bạn cần chuẩn bị. Bạn không thể chuyển hết cả đống đồ đạc của bạn và con một mình, bạn cũng không thể ôm con đi đến một nơi xa chẳng ai biết đến bạn được, khó khăn sẽ chồng chất khó khăn. Bạn cũng sẽ cần đến những người bạn để giúp bạn tìm một chỗ ở vừa vặn với mình và con, đồng thời bạn cũng cần những người bạn để có thể tâm sự, giải tỏa stress.
 
 3. Công việc
Ảnh: britnidanielle.com
 
Bạn muốn làm mẹ đơn thân thì nhất thiết bạn phải có một công việc ổn định để đảm bảo mức sống cho bản thân và con. Nếu bạn còn chưa mang thai mà mới có ý định thì bạn nên củng cố vị trí của mình, còn nếu bạn đã có con thì bạn cần có kế hoạch tìm việc, xin việc, ký hợp đồng lao động chính thức trước khi bắt đầu cuộc sống đơn thân. Và để phục vụ cho công việc của mình, bạn cũng nên có phương tiện đi lại kèm theo kế hoạch về công việc nhé.
 
 4. Tâm lý của gia đình
Ảnh: thesuccessfulsinglemom blog
 
Thường thì đối với các cặp vợ chồng đã có con thì sự tôn trọng cuộc sống gia đình riêng tư được tôn trọng tối đa. Bản thân các cặp vợ chồng trẻ cũng luôn ý thức việc giải quyết riêng với nhau khi có sự cố. Chính vì vậy, nếu bạn có quyết định ly hôn và bắt đầu cuộc sống đơn thân, bạn nên chuẩn bị tâm lý cho gia đình, bạn bè thân thiết của bạn để họ không shock và hơn hết, nếu họ được chuẩn bị từ trước, họ sẽ không làm bạn chạnh lòng với những câu hỏi cùng vẻ sửng sốt hoặc nhưng câu hỏi vô tình làm bé của bạn thắc mắc. Đối với những bạn không có ý định kết hôn, việc chuẩn bị tâm lý cho người thân trong gia đình bạn càng quan trọng. Để đứa trẻ sinh ra được nhận tình yêu thương tuyệt đối từ mẹ và gia đình của bạn, bạn nên công tác tư tưởng ngay từ khi ý định làm mẹ đơn thân  bắt đầu xuất hiện trong bạn.
 
5. Những câu trả lời
 
Có quá nhiều câu trả lời mà bạn sẽ phải nói với con. Và để bản thân mình không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc khi trả lời những câu hỏi đó của con, bạn hãy có sự chuẩn bị về các phương án trả lời cho những câu hỏi sau:
 
- Mẹ ơi, bố đâu rồi ạ? Tại sao con không có bố như các bạn, bố không yêu con à? 
Những câu hỏi dạng này sẽ được những bé từ 2,5 – 3 tuổi hỏi bạn. Và nếu con chưa từng được biết đến một người bố, bạn hãy chuẩn bị một câu trả lời hợp lý về việc này. Nếu con đã từng được sự chăm sóc của bố và nhận biết được đấy là bố của mình thì bạn cần phải có sự giải thích cụ thể về mối quan hệ giữa 2 người. Và khi làm ra những câu trả lời đó bạn tuyệt đối nên tôn trọng những nguyên tắc sau:
 
       o   Không cung cấp cho con bất cứ điều gì tiêu cực
       o   Không phải sự thật nào cũng tốt đối với con
       o   Không hứa hẹn điều gì mà không thực hiện
       o   Tôn trọng câu hỏi của con và trả lời một cách nghiêm túc
       o   Luôn khẳng định với con là mẹ yêu con – Bố cũng thế để con không bị cảm giác mất mát chi phối.
 
- Thế không nghĩ cho con nó à, sống chỉ vì con chứ vì cái gì? – Câu hỏi thường thấy của những người bạn, thậm chí họ hàng, người thân trong gia đình của bạn. Bạn phải chuẩn bị câu trả lời và sẵn sàng đối mặt với những câu hỏi có thể làm cho bạn suy nghĩ như thế này.
 
- Có nghĩ đến chuyện kiếm cho con một ông bố (kết hôn hoặc đi bước nữa) hay không? – Đây sẽ là câu hỏi mà bạn phải trả lời nhiều nhất. Bạn nên bớt suy nghĩ về những vấn đề thuộc về tương lai này. Nhưng trong từng thời điểm nhất định, bạn nên nhìn vào con để cho con những điều tốt nhất. Bạn cũng nên đặt ra cho đối tượng của mình những tiêu chuẩn đủ để làm bố của con bạn trước khi đi đến tìm hiểu.
 
Sẽ còn rất nhiều, rất nhiều những câu hỏi nhỏ nhặt làm bạn thấy tủi thân, thương con, khóc một mình. Và nếu có sự chuẩn bị từ trước với những câu trả lời hợp lý, bạn sẽ giảm thiểu được tối đa những cảm xúc tiêu cực làm ảnh hưởng đến cuộc sống mà bạn đang cố gắng giữ sự yên bình mỗi ngày. 
 
6. Giáo dục giới tính và nhân cách cho con
Ảnh: theothoughts.com
Sẽ đỡ phải nghĩ ngợi nhiều hơn khi con của bạn mang giới tính nữ và nếu bé là con trai thì điều khó khăn nhất đối với một người mẹ chính là giáo dục giới tính và nhân cách để bé trở thành một người đàn ông tự tin, bản lĩnh cũng như… đứng đắn. Mỗi đứa trẻ dù là trai hay gái cũng đều nhìn vào hình tượng người cha trong gia đình để hình thành nên những nết tính cách đặc trưng. Sự có mặt của người cha trong gia đình cũng sẽ giúp bé có một hình mẫu lý tưởng để mô phỏng trong suốt thời kỳ thơ ấu, đồng thời là nền tảng để hình thành nên nhân cách của đứa trẻ sau này. 
 
Và vấn đề giới tính đối với bé trai cũng là vấn đề mà người mẹ phải quan tâm. Bố là người mang giới tính tương đồng với bé và thật dễ dàng để bé nhận ra và hiểu biết về giới tính của mình thông qua những hình ảnh phản chiếu từ người bố mà bé yêu quý. Nhưng điều thiệt thòi cho bé nhất chính là: Bé không có bố hoặc chỉ được gần bố một khoảng thời gian rất ngắn… và con trai của bạn là một em bé hoàn toàn không có hình mẫu lý tưởng về một người đàn ông trong gia đình. Bạn có thể giải quyết vấn đề bằng cách cho bé tiếp xúc với những người thân như bác, chú với tần suất cao. 
 
Đồng thời bạn cũng nên tham gia các nhóm có cả các ông bố và bà mẹ để nhận được sự giúp đỡ, tương tác từ những người cha tâm huyết. Một điều nữa, bạn cũng nên chuẩn bị những câu chuyện nhẹ nhàng về giới tính, sách, báo về giới tính để cho bé đọc một cách ngẫu nhiên khi đến tuổi, đồng thời tìm hiểu kỹ về những phát triển, dao động tâm lý, rối nhiễu tâm lý của bé để có phương pháp xử lý kịp thời nhất.
 
Thay cho lời kết
 
Hãy là một người mẹ đơn thân vững vàng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sống của mình và con. Niềm hạnh phúc trong cuộc sống của bạn là do bạn tự tạo ra và cũng do bạn chủ động giữ lấy; như vậy không có nghĩa là bạn nên làm mẹ đơn thân. Bạn hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định làm mẹ đơn thân  bởi nó là sự đánh đổi với cả đời người, và nếu bạn đã quyết định hoặc đang là single mom thì chúc bạn luôn có sự lựa chọn đúng đắn nhất dành cho bản thân và cho con của mình.
 
Nguồn: mlog.yan.vn
people like INLOOK.VN fanpage