Bạn đang ở đây

Ở rễ thời hiện đại

Trước khi cưới vợ và quyết định ở rể, tôi đã nhận được không ít chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp. Rằng ở rể như “chó chui gầm chạn”, rằng ở rể thì khó đủ đường, ăn nói phải để ý từng câu từng chữ kẻo lỡ miệng là phạm thượng với người lớn, đi uống tí rượu với bạn bè về muộn cũng “bị soi”, ở nhà vào mùa hè ngồi đối diện với mẹ vợ mà mặc quần đùi thì cực kỳ bất tiện, và cái dở nhất là người ở rể không khác gì “ăn mày thời hiện đại”...

Chưa hết, có anh còn hùng hồn khẳng định ở rể chẳng khác gì “tù giam lỏng”, nhiều lúc bực mình nhưng chẳng dám nặng lời với vợ, có chuyện gì là vợ lại mếu máo đi mách “bà ngoại”. Gia đình mình đấy, nhưng chẳng có tí quyền hành nào của người đàn ông cả, từ việc lớn, việc nhỏ, vợ cũng hỏi ý kiến của bố mẹ thay vì bàn bạc với chồng. Thậm chí, đến cả chuyện thời điểm nào thì mang thai cũng do mẹ vợ lo nốt, mình có thông tin vui được làm bố cũng do mẹ vợ thông báo... Thú thật, lúc đầu tôi cũng thấy hoảng hồn...

Và rồi việc gì đến cũng đến. Thời gian đầu, từ một người sống tự do, làm quen với nếp sinh hoạt của gia đình “bên ngoại” là cả một vấn đề khó khăn, nan giải. Từ đi đứng, ăn ở, nói năng đều phải tế nhị, khéo léo, nhất là trong nhà có “cô hai” lớn tuổi nhưng chưa chịu lấy chồng nên đã khó tính lại càng khó tính hơn. Đụng cái gì “cô hai” cũng xét nét, cũng để ý tới cậu em rể để lên lớp.

ở rễ

Nhưng mọi việc thuận buồm xuôi gió hơn khi vợ chồng tôi luôn được ông bà yêu thương, dìu dắt và giúp đỡ một cách công khai, công bằng. Vợ tôi vốn là “út cưng”, nhưng ông bà cũng không hề chiều chuộng hay bênh vực con gái thái quá mỗi khi vợ chồng tôi xảy ra xích mích.

Như hôm tôi đi họp lớp về, mải vui bạn nên tôi quá chén, lết về được tới nhà đã hơn 12 giờ khuya. Nhìn chồng trong bộ dạng say khướt, không dắt nổi xe vào cửa, vợ tôi tỏ vẻ bực tức và có những lời lẽ gay gắt. Vì tự ái nên tôi quát vợ, nếu không kiềm chế thì đã “tặng” vợ một cái bạt tai, rồi sau đó chuyện vợ chồng không biết sẽ ra sao?

Lúc nằm ngủ trên phòng, tôi nghe loáng thoáng tiếng mẹ vợ nói ở dưới phòng khách: “Lần sau con không được có thái độ như vậy đối với chồng mình, có chuyện gì thì để ngày mai nói. Như vậy chồng mới tỉnh táo mà tiếp thu ý kiến chứ. Sáng mai, khi chồng con tỉnh dậy thì con phải xin lỗi chồng về những gì con đã nói hôm nay”.

Mỗi khi vợ chồng tôi có chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, ông bà lại đứng ra hòa giải và phân tích rành mạch phải - trái, đúng - sai đầy yêu thương, trách nhiệm như vậy nên cả hai cùng nghe và rút kinh nghiệm lần sau.

Đặc biệt, sống chung một nhà nhưng cả 2 ông bà không bao giờ can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của chúng tôi, mà luôn tôn trọng những suy nghĩ và quyết định của con cái, thường xuyên tạo không khí thoải mái, gần gũi để tôi không có cảm giác là mình đang ở rể. Vì thế mà “cô hai” cũng không còn “khó chịu” và xét nét đối với chàng em rể nữa.

Tất nhiên, tình cảm thương yêu và giúp đỡ tận tình, chu đáo đó không tự nhiên nảy nở mà nó thường xuyên được bồi đắp. Sống trong một gia đình có nền nếp và gia giáo, bản thân tôi luôn chủ động hòa đồng với mọi người trong gia đình, có trách nhiệm với mọi thành viên như đang sống trong gia đình riêng của mình vậy, tạo được lòng tin tưởng, không làm phiền hay để ông bà phải buồn vì mình bất cứ điều gì.

Vợ chồng tôi sống chung với ông bà ngoại đã được 6 năm 3 tháng và cậu con trai lớn năm nay đã bước vào lớp 1, tôi không những không có cảm giác gò bó, khó chịu hay bị mất cái quyền của người đàn ông trong gia đình mà còn thấy thoải mái, hạnh phúc khi 3 thế hệ luôn yêu thương, chia sẻ. Tôi thật sự yên tâm mỗi lần phải đi công tác khi ở hậu phương đã có ông bà ngoại.

PNVN

people like INLOOK.VN fanpage