Bạn đang ở đây

THƯƠNG DÀI GẤP BA LẦN YÊU

Yêu hay là thương mãnh liệt hơn? Đó tùy vào cách nhìn nhận tình cảm của mỗi người nhưng yêu là gì, thương là gì?

 

- Yêu phải hơn thương.

- Không, thương dài hơn yêu chứ!

Yêu hay là thương mãnh liệt hơn? Đó tùy vào cách nhìn nhận tình cảm của mỗi người nhưng yêu là gì, thương là gì?

“Tình yêu là một loạt các cảm xúc, trạng thái tâm lý, và thái độ khác nhau dao động từ tình cảm cá nhân đến niềm vui sướng. Tình yêu thường là một cảm xúc thu hút mạnh mẽ và nhu cầu muốn được ràng buộc gắn bó. Nó cũng có thể là một đức tính đại diện cho lòng tốt của con người, sự nhân từ, và sự thông cảm - "mối quan tâm trung thành và vị tha hướng tới người khác". Nó cũng có thể mô tả các hành động nhân văn và thông cảm đối với người khác, chính bản thân mình hoặc các con vật” – đây là khái niệm về tình yêu trên Wikipedia, nhưng thương thì không được tìm thấy.

Theo chuỗi cấp độ tiến dần của tình cảm, tôi sắp xếp là: có cảm tình, thích, rất thích, thích rất nhiều, yêu, yêu nhiều, yêu rất nhiều và cuối cùng là thương. Đi ngược lại suy nghĩ của nhiều người, tôi sếp thương là sau cùng của tất cả mọi trạng thái tình cảm.

Sở dĩ tôi sắp xếp như vậy bởi vì, hơn tất cả những tình cảm khác, như với bạn bè và người yêu, gia đình là nơi tôi thương nhất. Và chắc chắn rằng, ai cũng như tôi, đặt tình cảm gia đình là trên hết, là thương. Thương là từ bạn có thể dành cho nhiều hơn một mối quan hệ, trong đó bao gồm quan hệ yêu đương và quan hệ gia đình. Nhưng yêu thì chỉ một – quan hệ tình cảm nam nữ, nam nam, nữ nữ. Vậy có phải là thương bao trùm cả yêu không? Việc một người dưng trở thành người yêu có dễ hơn người dưng trở thành người thương không?

Bạn đã từng nghe câu “Tôi thương bà lắm” bao giờ chưa? Câu nói mà những người già hay dùng để bộc lộ tình cảm rồi vẫn có thể sống với nhau suốt đời, trong khi thế hệ trẻ hôm nay nói yêu nhau vô tư  nhưng ngày sau thì đã chia tay rồi.

Ngôn ngữ ít nhiều phụ thuộc vào hoàn cảnh, thời điểm sử dụng cũng như người sử dụng nhưng tôi luôn cho rằng, giống như người già, yêu nhau tuổi đôi mươi và thương nhau tuổi lục tuần thất tuần, những năm tháng chỉ muốn dành tất cả thời gian còn lại cho người thân. Quãng đường đi được đến chữ thương đó, dài gấp 3 lần chữ yêu.

Yêu là muốn nhưng thương là cần.

Yêu là đắm say nhưng thương bao gồm cả yên bình và sâu lắng.

Yêu là cùng hướng đến mục tiêu nhưng thương là chẳng cần biết mình cùng nhau đi đến bến bờ nào.

Yêu là biết mình đã làm gì cho họ nhưng thương là thậm chí không biết được điều đó nữa.

Yêu là yêu hết một người nhưng thương thì mãi mãi không bao giờ hết.

Yêu là vui và buồn nhưng thương là vui buồn sướng khổ đắng cay ngọt bùi.

Yêu là yêu.

Và thương là thương…

Yêu là có thể để người yêu đi ăn một mình, nhưng thương là nghĩ đến điều cô đơn đó nước mắt sẽ rớt rơi.

Tôi biết rằng, trong quan hệ tình cảm, quan trọng nhất là thái độ dành cho nhau, sự quan tâm, xúc cảm đích thực cũng như sự lo lắng đúng nghĩa bằng hành động chứ không phải ở câu chữ. Nhưng chắc chắn một điều rằng người yêu có thể mất đi, có thể được thay thế…nhưng một khi đã trở thành người thương, vị trí đó sẽ không bao giờ đổi thay.

Gin Lê/ Inlook.vn

people like INLOOK.VN fanpage