Bạn đang ở đây

Blockchain công cộng dùng cho doanh nghiệp

Blockchain công cộng có thể cho phép doanh nghiệp giao dịch với số lượng đối tác không hạn chế trong một mạng mở có khả năng bảo vệ dữ liệu và sự riêng tư cho từng thành viên.

 

Doanh nghiệp thường sử dụng blockchain riêng (private blockchain) chỉ cho phép những người được mời tham gia vào mạng hoặc họ phải tuân thủ bộ quy tắc được đặt ra bởi người khởi tạo mạng. Đó là cơ chế quản lý tập trung chỉ dành cho những người được mời sử dụng mạng ngang hàng, giao dịch phi tập trung.

Nhưng hãng kiểm toán và tư vấn Ernst & Young (EY) đang thử nghiệm mạng blockchain công cộng (public blockchain) với mục đích cho phép các công ty giao dịch an toàn trên mạng công cộng dựa trên nền tảng blockchain nguồn mở Ethereum. Bộ ứng dụng và dịch vụ Ops Chain Public Edition (PE) do phòng thí nghiệm blockchain của EY ở London và Paris phát triển, dự kiến sẽ được phát hành trong năm 2019, hỗ trợ cả token mã hóa dùng cho thanh toán và token sản phẩm và dịch vụ đơn nhất, giống như token Ethereum ERC-20 và ERC-721.

Internet cho các giao dịch kinh doanh

Cũng như Internet, blockchain công cộng là nền tảng hoàn toàn mở và bất cứ ai cũng có thể tham gia mà không đòi hỏi phải sử dụng những công cụ đặc biệt. Blockchain công cộng được biết đến rộng rãi qua việc phát hành các đồng tiền kỹ thuật số, như Ether và Bitcoin.

Trong một blockchain công cộng, bất kỳ ai cũng có thể thấy dữ liệu được truyền đi. Khóa riêng/công khai đảm bảo danh tính người dùng được dấu kín; chỉ các giao dịch xác nhận của họ là hiển thị, và không ai sở hữu blockchain công cộng. Một hệ thống biểu quyết đồng thuận giữa những người dùng xác thực các giao dịch mới nào có thể được thêm vào sổ cái bất biến.

Theo chuyên gia phân tích Martha Bennett của Forrester Research, blockchain công cộng cũng như Internet/Intranet thời kỳ đầu bị cho là không nên áo dụng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với những kết nối Internet công cộng. Nhưng điều đó sẽ sớm chấm dứt.

Blockchain có tính bất biến, dữ liệu khi đã được ghi thì không thể thay đổi mà chỉ có thể thêm vào với sự đồng thuận của các node, do vậy có nhiều tiềm năng trong việc tạo ra sổ cái công cộng phân tán cho doanh nghiệp, tiêu biểu nhất là quản lý chuỗi cung ứng, theo Paul Brody, giám đốc sáng tạo toàn cầu phụ trách blockchain Blockchain Public của EY.

Nhưng ông cũng lưu ý về việc doanh nghiệp ứng dụng blockchain công cộng vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì các đối thủ cạnh tranh của họ có thể thấy được những giao dịch từ chuỗi cung ứng từ đó biết được công ty đang mua gì, chi bao nhiêu tiền.

Để giải quyết vấn đề công khai minh bạch, EY đã thêm tính năng riêng tư thông qua việc sử dụng lần đầu tiên công nghệ mã hóa ZKP (zero-knowledge proof – chứng minh không để lộ tri thức) trên blockchain Ethereum.

ZKP là cách kiểm tra nội dung tin nhắn, trong trường hợp này là mục nhập vào sổ cái phân tán điện tử, mà không cần đọc nội dung dưới dạng văn bản rõ ràng.

“Nó được sử dụng với một số đồng tiền điện tử chú trọng về bảo mật, nhưng đây không phải là một công nghệ đã được khẳng định ở giai đoạn này”, Bennett nói.

Brody thì giải thích, ZKP là một dạng mã hóa cho phép bạn gửi một bằng chứng về sự tồn tại của tiền hoặc tài sản và có thể được chuyển đi mà không phải chỉ ra ai có tiền, giá trị bao nhiêu, hay chuyển tới cho ai. “Điều này có nghĩa là thuật toán đồng thuận vẫn có thể hoạt động chính xác và xác thực toàn bộ giao dịch”, ông nói.

Theo quan điểm của EY, công nghệ ZKP cũng sẽ giúp giảm ngay các rào cản đối với blockchain. Brody giải thích, trong một mô hình blockchain riêng, một công ty cần thuyết phục đối tác kinh doanh tham gia vào mạng riêng của họ hoặc của hiệp hội ngành, việc thiết lập mạng riêng như vậy tốn nhiều chi phí và công sức tích hợp hệ thống.

“Trong một blockchain công cộng, mạng đã sẵn sàng và một mạng tích hợp có thể đáp ứng cho tất cả các bên kinh doanh liên quan – không cần tạo ra những mạng riêng cho từng ngành hay khu vực để quản lý bảo mật”, ông nói.

EY dự kiến sẽ trình làng phiên bản Ops Chain PE và EY Blockchain Private Transaction Monitor vào năm 2019.

Tuy nhiên, Bennett của Forrester tỏ ra thận trọng về việc công nghệ ZKP có thể đáp ứng yêu cầu bảo mật cho doanh nghiệp sử dụng blockchain công cộng; bà cho biết đã trao đổi với các chuyên gia mật mã, một số người cho rằng công nghệ này đã được chứng minh đầy đủ, số khác lại nói là chưa. 

“ZKP là công nghệ tính toán chuyên sâu, hiện còn bị hạn chế chưa có khả năng mở rộng. Vì vậy, dù có tiềm năng trong tương lai nhưng hiện tại chúng ta không thấy các hệ thống trong doanh nghiệp sử dụng công nghệ ZKP trên các blockchain công cộng”. Theo bà, các doanh nghiệp sẽ còn phải đợi cho đến khi các vấn đề mở rộng trên Ethereum được giải quyết.

Vấn đề về khả năng mở rộng

Do bản chất chuỗi của nó, mỗi bản ghi mới được chèn vào một blockchain có tính tuần tự, nghĩa là tốc độ cập nhật chậm hơn cơ sở dữ liệu truyền thống vốn có thể cập nhật dữ liệu song song.

Đầu năm nay, tổ chức Ethereum Foundation đã liên hệ với cộng đồng các nhà phát triển để giúp họ khắc phục vấn đề vốn có của blockchain công cộng: không có khả năng mở rộng hiệu quả.  

Việc yêu cầu tất cả các node xử lý từng giao dịch giúp blockchain vững chắc trước các cuộc tấn công mạng, vì hacker phải hack hàng trăm, hàng nghìn tới hàng chục nghìn node mới dành được quyền điều khiển mạng, nhưng nó cũng làm chậm quá trình xử lý giao dịch, rốt cuộc hạn chế khả năng mở rộng.

Cho đến nay, Ethereum đang tìm cách giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất là “sharding”, yêu cầu một tỷ lệ nhỏ các node xem và xử lý mọi giao dịch, cho phép nhiều giao dịch hơn được xử lý song song cùng lúc; sharding không bị cho là làm giảm bớt khả năng bảo mật vốn có của blockchain vì nó duy trì hầu hết các thuộc tính bảo mật và phân quyền của một blockchain.

Giải pháp thứ hai liên quan đến việc tạo ra các lớp liên kết dữ liệu hay các giao thức “layer 2” mà xử lý hầu hết các giao dịch ngoài chuỗi (off-chain) và chỉ tương tác với blockchain nền tảng để vào và thoát khỏi hệ thống layer-2, cũng như trong trường hợp tấn công. Giao thức “layer 2” truyền dữ liệu giữa các node trong mạng LAN hoặc WAN lân cận.

Chuỗi cung ứng “hào hứng” với blockchain

Blockchain riêng đang được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực chuỗi cung ứng. IBM đã hợp tác với Maersk và Walmart, cùng một số công ty khác, sử dụng chuỗi cung ứng dựa trên blockchain đám mây. SAP cũng tung ra thí điểm chuỗi cung ứng dựa trên blockchain.

De Beers và một số người khổng lồ khác trong ngành trang sức cũng tạo ra các blockchain riêng để xác minh nguồn gốc đá quý.

James Wester, giám đốc chiến lược Blockchain toàn cầu của IDC cho biết, khả năng đảm bảo sự riêng tư trong khi vẫn duy trì được an ninh và khả năng phục hồi của blockchain công cộng rất đáng để quan tâm.

Không giống như blockchain riêng, blockchain công cộng hiện mới chỉ phổ biến trong lĩnh vực chuyển tiền điện tử hay giao dịch tiền ảo xuyên biên giới.

Brody tin rằng, việc các công ty có thể giao dịch với các đối tác kinh doanh trên cùng một mạng sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ cho blockchain phổ biến.

Trái lại, blockchain riêng sẽ đặt ra yêu cầu khác nhau cho từng trường hợp kinh doanh, Brody giải thích. Ông lấy hình tượng email được dùng trong giao tiếp giữa các công ty, dĩ nhiên một nền tảng email sẽ tiện hơn hẳn việc dùng giao thức email khác nhau cho từng đối tác kinh doanh.

“Các blockchain riêng giống như những ốc đảo thông tin. Trên blockchain công cộng, mạng đã sẵn sàng và một mạng tích hợp có thể phục vụ cho tất cả các bên kinh doanh liên quan – không cần tạo ra các mạng riêng lẻ cho từng ngành hay khu vực để quản lý bảo mật”, Brody khẳng định.

Thương Huyền

people like INLOOK.VN fanpage