Bạn đang ở đây

Hành trình VCCA: thay đổi, hội nhập và nâng tầm quốc tế

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đều khẳng định rằng, Hội nghị khoa học và Triển lãm về Điều khiển và Tự động hóa (VCCA) là sự kiện hết sức quan trọng của ngành, đã có sự trưởng thành, phát triển theo hướng tiệm cận tổ chức hội nghị khoa học của thế giới.

 

Nhân 10 năm tổ chức sự kiện VCCA và chuẩn bị diễn ra VCCA 2021 tại TP.HCM, Tạp chí Tự động hóa ngày nay đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM, người đã có nhiều năm gắn bó với sự kiện này.

PGS.TS. Lê Hoài Quốc – Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM.

VCCA đã đi được chặng đường 10 năm liên tục. Với vai trò của một người làm khoa học, theo ông, điều chúng ta nhận được là gì?

PGS.TS. Lê Hoài Quốc: Bản thân tôi đã tham gia tiền thân VCCA, ngày xưa còn gọi là VICA. Đây là một hội nghị khoa học bên lề của những chương trình khoa học công nghệ quốc gia.

Ngày xưa, chúng ta có chương trình về tự động hóa, và bên cạnh các chương trình khoa học công nghệ (KHCN) cấp nhà nước. Hàng năm các nhiệm vụ KHCN được ban chủ nhiệm chương trình đề cử cho Bộ trưởng (Bộ KHCN – PV) để ra quyết định thực hiện. Cứ hai năm một lần Ban chủ nhiệm chương trình với sự hỗ trợ của Bộ KHCN sẽ tổ chức hội nghị khoa học để các nhà khoa học giới thiệu về những kết quả nghiên cứu, cũng như các dự án. Trên nền tảng của các kết quả nghiên cứu ấy người ta phát triển thêm một bước nữa thành những hệ thống gọi là “pilot” để đưa vào ứng dụng trong thực tế. Đó là tiền thân của VCCA ngày nay.

Trong 10 năm trở lại đây, chúng ta tổ chức các hội nghị về Tự động hóa và Điều khiển, gọi là VCCA, đó là hội nghị thoạt đầu cũng chỉ là hội nghị cấp quốc gia (của Việt Nam), nhưng theo thời gian khi mà hội nhập quốc tế ngày càng sâu thì ở các hội nghị lần sau chúng ta có mời những nhà khoa học quốc tế, có những công trình tiêu biểu, nổi bật để tham gia với hội nghị. Chúng ta cũng mời các chuyên gia quốc tế tham gia vào Ban chương trình thực hiện phản biện các bài báo. Hay nói cách khác, chúng ta đã dần nâng tầm quốc tế lên với VCCA.

Từ VCCA, các nhà khoa học cũng được học hỏi nâng tầm năng lực nghiên cứu, phát triển, cũng như những công bố quốc tế. Chúng ta có thể thấy rằng, nếu như ngày xưa những bài báo khoa học thường quanh quẩn trong những hội nghị quốc gia, thậm chí hội nghị cấp trường, cấp khu vực, nhưng dần về sau này chúng ta cũng có nhiều du học sinh tốt nghiệp ở các nước phát triển, có trình độ cao về tự động hóa công bố nghiên cứu của mình tại các hội nghị VCCA. Lấy ví dụ như có một số nghiên cứu sinh người Việt Nam tại Hàn Quốc đã cùng nghiên cứu sinh quốc tế khác trong nhóm của mình gửi bài báo cáo tại hội nghị. Đó là một trong những dấu hiệu để thấy rằng sự hội nhập quốc tế của sự kiện VCCA ngày càng có chiều sâu.

VCCA đã bắt đầu có sự thu hút các bài báo từ nước ngoài tham gia. Vậy với Ban tổ chức, làm thế nào để VCCA là môi trường tốt để ngày càng nhiều nhà khoa học trong nước có công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế uy tín?

PGS.TS. Lê Hoài Quốc: Gần đây, chúng ta đưa ra những thang điểm đánh giá bài báo cáo có hơi hướng theo chuẩn quốc tế, ví dụ như Scopus, ISI,… vì thế có nhiều nhóm nghiên cứu trong nước nỗ lực đi theo hướng đó, và họ cũng dành nhiều bài báo có chất lượng cao cho những công trình nghiên cứu khoa học của họ.

Hiện nay, Hội Tự động hóa Việt Nam có Chuyên san Đo lường, Điều khiển và Tự động hóa là nơi đăng các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này với định kỳ xuất bản hiện nay là 3 quyển/năm. Kể từ VCCA 2017, sau mỗi kỳ VCCA đều có các bài báo cáo được chọn lọc để đăng trên Chuyên san. Đó cũng là sự công nhận của những hội đồng uy tín của quốc gia, bởi vì trước đó (như VICA chẳng hạn) thì không có, hoặc có nhưng không chính thức. Trước đây, những hội nghị khoa học chỉ thuần túy là sự trao đổi của những nhà khoa học về những kết quả nghiên cứu trong hướng đi của mình để trao đổi với cộng đồng trong nước, đến nay chúng ta có cơ hội trao đổi rộng ra với quốc tế và xu hướng là khuyến khích đăng những bài báo bằng tiếng Anh, thay vì chỉ toàn tiếng Việt như trước đây. Chúng ta cũng khuyến khích trình bày ngay tại hội nghị bằng tiếng Anh.

Cũng có những trường hợp là các bài báo tốt (best paper) được giới thiệu cho những nhà phát hành có uy tín trên thế giới, như Springer. Đó là những điều mang lại sự khuyến khích ngày càng cao cho những nhà nghiên cứu trong nước, bởi các kết quả nghiên cứu này không chỉ được công nhận ở trong nước, mà còn được quốc tế biết đến.

Ông còn tâm đắc với điều gì từ VCCA?

PGS.TS. Lê Hoài Quốc: Bên cạnh hội nghị khoa học, hiện nay VCCA diễn ra song song đó là Diễn đàn doanh nghiệp, và Triển lãm về công nghệ Tự động hóa. Đây là những hoạt động mà tôi cho rằng nó làm cho những hội nghị VCCA ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội hơn, có sự tham gia ngày càng gắn bó hơn của doanh nghiệp. Thật ra, hiện nay trong nước đang diễn ra quá trình hơi ngược với thế giới. Chúng ta có thể thấy, nếu như ở các nước phát triển, những công trình khoa học, những tiến bộ khoa học thường đi từ phòng thí nghiệm, sau đó được kiểm chứng rồi dần được hiện thực hóa thông qua (những) nhà công nghệ để trở thành những công nghệ hay thiết bị, máy móc cụ thể có những “tính mới” để đi vào sản xuất. Trong khi đó, ở nước ta, do hoàn cảnh, điều kiện và trình độ phát triển kinh tế cũng còn hạn chế so với những nước phát triển rất nhiều, khoảng cách còn lớn. Do đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) đang đầu tư máy móc rất tiên tiến nhưng trong trường đại học lại không có. Bản thân tôi rất khuyến khích đưa sinh viên (thậm chí cả các nhà khoa học, thầy cô trong trường đại học) đến tham quan, thực tập tại các nhà máy, xí nghiệp, để tiếp cận những công nghệ mới, thiết bị mới mà vốn dĩ trong điều kiện đầu tư hiện nay của các trường kỹ thuật công nghệ trong nước là không đủ khả năng. Đó là thực tế của Việt Nam chúng ta.

Do vậy, sự kết hợp song song các hoạt động công bố khoa học, trao đổi giữa các nhà khoa học, bên cạnh đó là triển lãm những thiết bị, máy móc công nghệ mới vừa là cơ hội để DN tiếp thị, cũng vừa là cơ hội để các nhà nghiên cứu, sinh viên tiếp cận những máy móc, công nghệ mới.

Diễn đàn doanh nghiệp cũng chính là nơi để các doanh nhân, DN chia sẻ, không chỉ là cái nhìn từ phía DN đối với phát triển KHCN nước nhà, mà người ta còn mong muốn có những đóng góp cho quá trình kết hợp giữa DN với các trường đại học. Chẳng hạn như thông qua các diễn đàn như vậy DN cũng mong muốn được cung cấp những nhân lực chất lượng cho sự vận hành của nhà máy. Nhân lực đó chính là từ các trường đại học. Sự tương tác với nhau tại diễn đàn cũng là dịp để nhìn lại những chính sách phát triển KHCN cũng như trong từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ nhu cầu máy móc thiết bị tự động hóa là thực sự có nhưng nếu cứ nhập khẩu mà không thể tích hợp trong nước để đem lại giá thành thấp hơn.

Qua những hội nghị như vậy, chúng ta nhìn thấy những khiếm khuyết, những hạn chế ở trong chính sách để kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem lại. Ví dụ, rất nhiều DN trong lĩnh vực Tự động hóa tại Việt Nam thường ca thán rằng “tôi tự tích hợp ra hệ thống máy móc – thiết bị, chỉ nhập động cơ cao cấp như động cơ bước, động cơ siêu chính xác (DC/AC Servo),… nhưng rồi khi tích hợp ra máy tại Việt Nam thì giá (thành phẩm) còn cao hơn máy nhập từ nước ngoài”. Lý do rất đơn giản, đó là bởi vì nhập các linh kiện như động cơ, cơ cấu, cảm biến (sensor),.. phải chịu thuế không khác gì buôn bán linh kiện.

Hình ảnh tại Triển lãm quốc tế về công nghệ Tự động hóa diễn ra trong khuôn khổ VCCA 2017 tại TP.HCM – Ảnh Trà Giang

Ông có thể chia sẻ thêm quan điểm cá nhân về vai trò của chuỗi công nghiệp phụ trợ cho ngành Tự động hóa hiện nay?

PGS.TS. Lê Hoài Quốc: Chúng ta không thể thoát ly khỏi quy luật của thị trường, và chính thị trường quyết định. Lấy ví dụ, chúng ta muốn phát triển những chuỗi cung ứng thật phong phú để làm nền cho việc tích hợp tự động hóa trong nước một cách chủ động và cung ứng cho FDI, và cả những DN sản xuất trong nước. Thực tế đã cho thấy, có những thứ chúng ta làm được, nhưng giá thành còn cao hơn cả giá thành nhập thì rõ ràng là không phù hợp. Vì thế, góc nhìn của DN khác với góc nhìn của nhà quản lý. Câu chuyện ở đây là chính sách hội nhập để làm sao khuyến khích được chuỗi cung ứng trong nước. Như vậy, để tạo ra chuỗi cung ứng trong nước “mạnh” về lĩnh vực tự động hóa nói riêng, lĩnh vực sản xuất máy móc, thiết bị nói chung thì phải đi từ chính sách. Tức là phải nghiên cứu, hiểu đúng từng đối tượng và thậm chí phải thực hiện hậu kiểm, có nghĩa là “chính sách tôi là như vậy, anh nào tích hợp máy móc thiết bị tự động hóa trong nước để có thể cung ứng, tự cung ứng trong nước thay cho nhập khẩu để tiết kiệm,… thì anh cứ đăng ký, nếu làm sau 1,2 năm đúng chúng tôi cho anh hưởng ưu đãi”. Cá nhân tôi cho rằng, những đơn vị chân chính họ sẵn sàng tham gia một cách công bằng.

Còn câu chuyện tại sao họ làm được mà ta làm không được, tôi lấy ví dụ, ở Thái Lan, Malaysia, chuỗi cung ứng nội địa của họ rất tốt vì chính sách họ tốt. Chính sách khuyến kích nhà đầu tư nhận thấy có lợi khi tham gia. Chính thị trường quyết định, chứ không phải ý chí của cơ quan quản lý nhà nước.

Trong thời gian sắp tới, để DN lĩnh vực Tự động hóa nói chung, Cơ khí – Điện tử nói riêng có thêm nhiều điều kiện để phát triển, ở vị trí của Hội Tự động hóa TP.HCM, ông có những kiến nghị, đề xuất gì lên cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ cho các hội viên?

PGS.TS. Lê Hoài Quốc: Tôi chia ra nhiều đối tượng khác khi muốn nói đến điều này, bởi vì nói về hội viên trong hội cũng có nhiều thành phần, ví dụ như các nhà khoa học, giảng viên, nhà quản lý, đặc biệt là DN.

Trước hết, ở góc nhìn của những nhà DN mà Hội Tự động hóa TP.HCM từng tiếp xúc và trao đổi trong thời gian vừa qua. Những DN hoạt động chân chính luôn sẵn sàng chấp nhận những thuế suất quy định của nhà nước, nhưng vấn đề cần xem xét làm sao tạo ra được một khoảng không gian để họ có thể đưa vào đó những liều lượng chất xám từ đó làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm đó lên. Và với những nỗ lực đó thì chúng ta có những chính sách để khuyến khích DN. Ví dụ như DN sử dụng nhân lực, chúng ta kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp kết hợp cùng nhà trường để làm sao đào tạo đúng người mà họ cần, tức là đào tạo những gì xã hội cần. Thế thì câu chuyện bài học của những nước phát triển là gì, đó là DN sẵn sàng tham gia vào quá trình đào tạo, thông qua quỹ học bổng đóng góp, những tài trợ của DN với nhà trường, ngược lại họ phải được quyền tuyển chọn những nhân lực tốt. Tất nhiên là việc họ làm sao thuyết phục được được nhân lực đó về làm việc cho mình là chuyện của họ, và các trường phải tạo điều kiện để họ tiếp cận.

Ở góc nhìn của tổ chức hội, với các nước phát triển không phải ra trường là đi làm được ngay, phải có hiệp hội đánh giá năng lực hành nghề, sau đó mới cấp chứng chỉ hành nghề. Điều đó vừa làm nâng cao trách nhiệm của chính hội ngành nghề, và đồng thời nó là cái “bộ lọc” để khi mà công nhận người này làm việc thì yên tâm rằng họ đủ năng lực, kỹ năng để làm việc. Do đó, với Hội Tự động hóa, chúng ta cần xem xét về việc hợp tác với các trường đại học để xây dựng khung đánh giá kiến thức, kỹ năng, đủ yêu cầu cấp chứng chỉ. Các DN có thể yên tâm với chứng chỉ do Hiệp hội cấp.

Ở góc nhìn của nơi đào tạo (trường đại học, viên nghiên cứu,..), lâu nay các nơi nhận thức rất rõ, tức là phải đào tạo nghiên cứu đúng vào những cái xã hội cần. Tuy nhiên, về lý thuyết, hình thức là như vậy, nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện tốt được. Vấn đề tôi cho rằng nằm ở chỗ trách nhiệm xã hội mà hiện nay chúng ta thiếu đề cao. Tôi lấy ví dụ, ngoài mục tiêu kinh doanh, trách nhiệm xã hội của DN là phải tham gia vào đào tạo nhân lực xã hội, bằng cách tạo điều kiện tốt để tiếp nhận sinh viên của các trường tới thực tập, cọ sát thực tế. Từ đó, DN mới có điều kiện tiếp nhận được những nhân lực sau khi tốt nghiệp đáp ứng được ngay các trình độ mà DN yêu cầu. Các DN luôn kêu không tuyển dụng được người, nhưng lại không tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập để làm quen với môi trường doanh nghiệp, văn hóa của từng DN. Ở đây tôi muốn nói đến ý thức trách nhiệm xã hội của các thành phần có liên quan, từ phía các trường cũng như DN, từ đó chúng ta mới có thể cùng nhau phát triển một cách bền vững được.

Rất cảm ơn ông về những chia sẻ hữu ích trên!

(theo THĐ)

people like INLOOK.VN fanpage