Bạn đang ở đây

Tác động phương tiện kỹ thuật số trong đời sống

Chúng ta thực sự biết gì về những rủi ro khi sử dụng màn hình và phương tiện kỹ thuật số?

 

Năm 1901, nhà văn người Pháp Marcel Proust đã viết một bức thư cho người thân của mình về nói về việc những người hút thuốc lá ở bên ngoài làm căn bệnh hen suyễn của ông ngày một nặng thêm. Việc hút thuốc có hại và gây tác động xấu tới những người có vấn đề về hô hấp không phải điều gì kỳ lạ trước những tiêu chuẩn xã hội năm 2018, nhưng dường như Proust cảnh báo cho chúng ta hàng thế kỷ trước.

Tất nhiên, thuốc lá cuối cùng đã gia nhập danh sách các chất nguy hiểm. Không chỉ vậy, những công ty như Phillip Morris (sở hữu thương hiệu Marlboro), RJ Reynolds (sở hữu Camel), British American Tobacco (sở hữu State Express 555 và Dunhill), đã từng che giấu việc trong điếu thuốc họ sản xuất có chất phóng xạ Polonium 210. Nhưng để phát hiện ra phải mất hơn 40 năm.

Hiện nay, có nhiều mối lo lắng mà chúng ta không thể chờ đến hơn 40 năm mới có thể phát hiện. Đã có những  mối quan ngại rằng phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể là một trong những “chất độc hại” ngày nay. Các chuyên gia y tế từ lâu đã cảnh báo những cạm bẫy của việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, bao gồm tăng nguy cơ béo phì, trầm cảm, lo âu và rối loạn giấc ngủ.

Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 7/2018  trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật số cũng có thể làm tăng tỷ lệ mắc chứng ADHD (rối loạn chức năng hoạt động), là một hội chứng của não, gây khó khăn cho trẻ và người lớn trong việc kiểm soát những hành vi cá nhân. Những người mắc ADHD thường hiếu động thái quá và giảm khả năng tập trung chú ý. Các tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng nghiên cứu không chứng minh được nguyên nhân - có nghĩa là không rõ liệu thời gian sử dụng quá nhiều có gây ra các triệu chứng ADHD hay những người có triệu chứng ADHD có xu  hướng dành nhiều thời gian bên màn hình hơn. Họ cũng lưu ý rằng các triệu chứng ADHD không giống như chẩn đoán ADHD.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (tiếng Anh: Attention-deficit hyperactivity disorder - ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, đặc điểm chung của ADHD là những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý. Căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người. Theo thống kê cứ 100 trẻ thì có từ 3 đến 5 trẻ mắc rối loạn này với một số triệu chứng bắt đầu trước tuổi lên 7. Tỷ lệ trên toàn cầu cho trẻ em vào khoảng 5% và thay đổi trong biên độ tương đối rộng do còn tùy thuộc vào phương pháp tiến hành trong nghiên cứu.

Lứa tuổi hay mắc là từ 8 đến 11, trẻ trai có khả năng mắc cao gấp 3 lần trẻ gái, khi trưởng thành bệnh có xu hướng giảm, ở tuổi 20 tỉ lệ mắc còn chừng 1% và ở tuổi trung niên là 0,5%.Còn ở Việt Nam theo một nghiên cứu tương đối quy mô trên 1.594 học sinh ở hai trường tiểu học tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ mắc bệnh là 3,01% .

Nỗi sợ hãi vô hình từ thiết bị kỹ thuật số

Giáo sư Andrew Przybylski, một nhà nghiên cứu tại đại học Oxford cho biết rằng đa phần những cảnh báo của giới truyền thông như là smartphone đang hủy hoại cả một thế hệ, làm thui chột cảm xúc của con người, gây nghiện… đều chỉ là một hình chiếu phản ánh lại nỗi sợ của chính chúng ta mà thôi.

Và các nghiên cứu này cứ lập đi lập lại mãi một điệp khúc về những tác hại của mạng xã hội, của smartphone. Một vài nghiên cứu còn có quy mô quá nhỏ và không đủ tính thuyết phục về mặt số liệu thống kê. Chưa kể tới việc có một số nghiên cứu còn đặt ra giả thiết trước và chỉ cố gắng tìm kiếm sự liên quan.

Việc sử dụng đa dạng màn hình của chúng ta khiến việc đặt câu hỏi tìm kiếm những hạn chế của thiết bị kỹ thuật số trở nên khó khăn.

Những màn hình này là cửa ngõ cho rất nhiều trải nghiệm, bao gồm tình bạn, học tập nghiên cứu, bạo lực, giải trí hay những thông tin xã hội tràn ngập.

Nhưng có những chủ đề phổ biến trong lĩnh vực nghiên cứu về tác hại của màn hình là khó khăn chung của các chuyên gia đang đối mặt. Đó là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, những tác động không đến từ kỹ thuật số, kích thước màn hình…

Loạt nghiên cứu được công bố hồi tháng 7/2018 trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ bao gồm cái nhìn mối tương quan giữa sử dụng màn hình từ nhỏ và ADHD, tập trung vào tác động của đa phương tiện cùng với mối liên kết giữa các trò chơi video bạo lực và sự hung hãn. Kết quả của báo cáo chỉ ra đó là những vấn đề riêng biệt, việc lạm dụng màn hình có tác động xấu ở một vài khía cạnh nhưng không có nghĩa là thời gian sử dụng màn hình không có tác dụng tích cực.

Bạo lực trong trò chơi

Game bạo lực luôn là chủ đề nóng bỏng trong hơn một thập kỷ game điện tử lên ngôi. Những nghiên cứu liên quan đến khả năng tăng hành vi bạo lực trong video game đã tăng lên đáng kể sau khi hai thanh niên trẻ, Eric Harris và Dylan Klebold, là hung thủ trong vụ thảm sát tại trường học Columbine hồi năm 1999, đều đã chơi tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất tên “Doom”.

Những bài báo trên tờ USA Today  với tiêu đề: “Nghiên cứu xác nhận mối liên hệ giữa các trò chơi video bạo lực và sự hung hăng về thể chất”, và “Bằng chúng về việc trò chơi video có thể gây ra sự hung hăng ở trẻ nhỏ” đã mang đến những tranh cãi về việc ảnh hưởng của màn hình và nội dung đến người sử dụng.

Báo cáo được đề cập trong những bài viết trên USA Today  được  phân tích, tổng hợp số liệu trong 24 nghiên cứu khác, đến từ nhiều quốc gia, như  Mỹ, Canada, Đức và Nhật Bản. Nó nhấn mạnh rằng, các thanh thiếu niên chơi trò chơi bạo lực có nguy cơ gia tăng hành vi bạo lực.

Những cuộc tranh luận đã diễn ra, các nhà nghiên cứu hoài nghi như Patrick Markey và Chris Ferguson đã đưa ra một số phê phán gay gắt.

Hai giáo sư tâm lý này cho biết, chỉ có khoảng 20% số hung thủ trong các vụ xả súng trường học có chơi game bạo lực. Tuy nhiên, nó không nói lên điều gì so với 70% những người cùng trang lứa của thủ phạm cũng chơi game bạo lực nhưng hoàn toàn hiền lành.

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy một vài tháng sau khi GTA được phát hành, tỷ lệ những vụ tấn công và giết người có xu hướng giảm xuống. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết để giải thích được mối tương quan này là rất khó.

Một số nhà khoa học nghĩ rằng trò chơi bạo lực có thể giúp kiềm chế khao khát bạo lực ngoài đời thực. Và những tên tội phạm có thể dùng nó để giải tỏa những bức xúc của chúng.

Bản thân nhà nghiên cứu Jay Hull và các đồng nghiệp cũng cho biết, họ không sử dụng các nghiên cứu đo lường thái độ và cảm xúc tích cực mà tập trung những người được báo cáo là có sự hung hãn thể chất trong thế giới thực. “Mối liên kết giữa trò chơi video và hành vi bạo lực là khá nhỏ (1%), nhưng thống kê cho thấy sự đáng tin cậy. Rằng sự ảnh hưởng của nội dung trò chơi vẫn tồn tại”, Hull cho biết.

Entertainment Software Association (Hiệp hội phần mềm giải trí) - nhóm vận động hành lang công nghiệp cho tổ chức E3 đã bác bỏ những giả thuyết mới này. Tổ chức này cho biết, Tòa án tối cao Hoa Kỳ, các chuyên gia y tế hàng đầu, bao gồm cả Hội Bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ, sau nhiều năm nghiên cứu đã kết luận dứt khoát rằng không có liên kết giữa game và hành vi bạo lực.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố ý định cập nhật danh sách phân loại các bệnh dịch toàn cầu (ICD) lần đầu tiên kể từ năm 1990 bằng bản ICD-11. WHO cũng cho hay ICD-11 sẽ bao gồm một loại bệnh rối loạn tâm lý mới dành cho việc chơi game quá đà. Và giờ đây, loại bệnh này đã trở thành chính thức. “Chơi game quá đà” (nghiện chơi game) được xem là một loại bệnh tâm lý. 
 
Với không quá 3% lượng game thủ bị ảnh hưởng, bệnh “nghiện chơi game” có vẻ như không phổ biến như vài người nghĩ. Tuy nhiên, với những ai nghiện game, hậu quả có thể khôn lường. Giống với những loại gây nghiện khác, nghiện game có thể hủy hoại một cá nhân, ảnh hưởng xấu đến những khía cạnh cuộc sống như công việc, trường học, và quan hệ xã hội với bạn bè, gia đình.

Nguyên nhân của các chứng bệnh đến từ thiết bị kỹ thuật số?

Những cuộc tranh luận về mối liên hệ giữa trò chơi video và sự hung hãn kéo dài hàng thập kỷ nay nhưng dường như chưa có ai đưa ra được luận chứng thuyết phục. Nhưng trên thực tế, có hàng loạt lí do để minh chứng nguồn gốc sự hung hãn từ vấn đề về gien, từ môi trường sống, từ tác động xã hội… Cũng tương tự như vậy, hiện nay các nhà nghiên cứu cũng đang tìm kiếm mối liên quan giữa truyền thông số với chứng ADHN. Từ những năm 2004, ĐH Y Washington (Hoa Kỳ) đã có những nghiên cứu về việc TV ảnh hưởng tới khả năng diễn đạt của trẻ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu 329 trẻ trong độ tuổi từ 2 tháng đến 4 tuổi với sự trợ giúp của máy ghi âm, ghi lại tất cả những gì bọn trẻ nói và nghe thấy. Kết quả cho thấy trẻ chỉ nghe khoảng 7% số từ mà người lớn nói trong mỗi giờ tivi bật, theo báo cáo của Hiệp hội Nhi và Thanh thiếu niên Hoa Kỳ.

Trong một nỗ lực để làm sáng tỏ vấn đề này, nhóm nghiên cứu của Đại học Y Washington đã tiến hành thử nghiệm với những con chuột khi đưa chúng đến vũ trường sôi động, nơi thường tạo ra những cảm giác kích thích quá mức. Thử nghiệm này liên quan đến đèn màu và âm thanh trong 6 giờ mỗi ngày và liên tục trong 6 tuần. Kết quả thử nghiệm cho thấy những con chuột quá kích thích xử lý kém hơn so với nhóm được nuôi dưỡng bình thường.

Dimitri Christakist  – Trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Y Washington nay là Giám đốc trung tâm phát triển sức khỏe và cách cư xử của trẻ em tại bệnh viện nhi đồng Seattle, Hoa kỳ cho biết: “Hiện nay có rất ít các cuộc khảo cứu về sự tương tác giữa trẻ em và thiết bị điện tử”. Bởi các vấn đề trực tiếp thử nghiệm trẻ nhỏ liên quan đến đạo đức cũng như pháp lý.

Căn cứ  vào khảo cứu bằng sự quan sát hồi năm 2004, bác sĩ Christakis cho rằng “Nếu để trẻ em xem TV quá nhiều trong thời gian tăng trưởng này, về sau óc chúng sẽ gặp trở ngại trong việc tập trung chú ý”. Ông chưa làm một khảo cứu nào về hậu quả của việc trẻ nhỏ xem iPad quá độ. Tuy nhiên ông nghi ngờ hậu quả của nó cũng tương tự như xem TV vì màn ảnh TV và màn ảnh iPad giống nhau, thậm chí màn ảnh iPad còn nhỏ hơn. Ông nói thêm: “Ưu điểm của iPad là tạo ra sự tương tác giữa con người và máy móc, nhưng đó cũng có thể là nhược điểm của nó”.

Những tài liệu về ADHD liên quan đến con người về mặt lý thuyết hiện nay thường được căn cứ dựa trên kinh nghiệm. Ine Beyens và các đồng nghiệp đã làm đánh giá những nghiên cứu mối liên quan trong 40 năm cho biết rằng, nhiều giả thuyết về phương tiện truyền thông màn hình có khả năng làm tăng nguy cơ ADHD. Tuy nhiên để tìm ra những bằng chứng thuyết phục về vấn đề đó thì rất khó. Giống như nghiên cứu về sự hung hãn, để có câu trả lời chính xác những gì cần đo lường và cách đo lường tác động của màn hình với ADHD.

Trước đây, một số nghiên cứu chỉ ra rằng từ 50% đến 90% trẻ em tuổi đi học có thể không ngủ đủ giấc và bị gán cho nguyên nhân là sử dụng các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới của Viện Internet tại Đại học Oxford cho thấy thời gian sử dụng màn hình trên thực tế rất ít ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách sử dụng dữ liệu từ Trung tâm điều tra quốc gia về sức khỏe trẻ em năm 2016 của Mỹ. Andrew Przybylski, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Mỗi giờ nhìn màn hình có thể làm giảm khoảng 3 - 8 phút ngủ của trẻ trong đêm, đây được xem là một con số không đáng kể”. Các yếu tố ảnh hưởng giấc ngủ được xác định như việc dậy sớm hay thói quen ngủ đúng giờ.

Przybylski cũng có một nghiên cứu khác về mối quan hệ giữa sử dụng truyền thông xã hội và sự chán nản. Mặc dù đã thực hiện với số lượng người nhiều hơn trong quá trình nghiên cứu, nhưng kết quả thật bất ngờ là không có sự liên hệ nào giữa hai vấn đề trên. Przybylski cho biết, sau khi thực hiện điều tra với 120 nghìn thiếu niên ở Anh về hiệu quả của khoảng thời gian dán mắt vào điện thoại lướt web hoặc chơi game, họ đã nhận được kết quả khá bất ngờ. Nó hữu ích cho đa số thiếu niên, nhất là những người chỉ dùng điện thoại 2-4 giờ/ngày.

Các vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý hay sức khỏe có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Từ gia đình cho đến thiết bị công nghệ. Không chỉ riêng trẻ nhỏ mà bất kì ai trong chúng ta cũng cần được thỏa mãn những yếu tố cơ bản như: Năng lực – khả năng về sự thành thạo, sự tiến bộ, thành tích trong một lĩnh vực nào đó. Độc lập – tự do lựa chọn của bản thân và cuối cùng là Quyền lực – niềm khao khát mình là người quan trọng trong mắt người khác. Dựa vào những yếu tố cơ bản đó, các bậc phụ huynh có thể tìm kiếm những giải pháp để “điều chỉnh” con mình tốt hơn.

Theo TGVT

people like INLOOK.VN fanpage