Bạn đang ở đây

Hãy là người dùng thông minh khi đón nhận và chia sẻ thông tin

Cùng với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của nhiều mạng xã hội như hiện nay, vấn đề chia sẻ thông tin người dùng, cũng như an toàn, an ninh thông tin đang đứng trước những rủi ro mới. Cụ thể, thời gian qua thông tin cá nhân của nhiều người bị lan truyền trên mạng xã hội hay sự chia sẻ “ào ạt” những dòng thông tin chưa được kiểm chứng đã tác động tiêu cực đến xã hội. Đứng trước thực trạng này, TS. Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc chương trình cao học Thiết kế thông tin và truyền thông, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) đã có những chia sẻ và lời khuyên hữu ích.

 

Gần đây thông tin cá nhân của nhiều người bị lan truyền trên mạng xã hội. Ví dụ như một số trường hợp: số điện thoại (vụ 8 số điện thoại chạy xe cấp cứu), hình ảnh (vụ công nhân ở Khánh Hòa bị đăng lên tiktok khi bị phạt vì “bánh mì không phải là lương thực thiết yếu”), đời tư (thông tin riêng tư của bệnh nhân Covid-19)… bị đăng công khai lên mạng xã hội. Hay các cá nhân đăng những thông tin sai lệch gây hoang mang và khiến dư luận bị dẫn dắt. Nhìn từ các trường hợp cụ thể này để khái quát về thực trạng lan truyền thông tin cá nhân trên mạng xã hội hiện nay.

 TS. Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc chương trình cao học Thiết kế thông tin và truyền thông, UEH

Theo Tiến sĩ, thông tin cá nhân bị lan truyền trên mạng xã hội tiềm ẩn những rủi ro gì?

Thực trạng lan truyền thông tin cá nhân trên mạng xã hội hiện nay tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Việc thông tin cá nhân của người (hay thậm chí là tổ chức) bị sử dụng cho mục đích lan truyền các thông tin sai lệch là rất đáng lên án. Các công ty An ninh mạng hàng đầu thế giới ghi nhận được rất nhiều vụ lừa đảo mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng xuyên suốt những tháng gần đây. Đó là chưa kể một số cá nhân thậm chí còn lợi dụng thời điểm mà tất cả mọi người đều ở nhà, thông tin rất khó kiểm chứng trực tiếp mà chỉ bằng hình thức online và share/like trên các nền tảng mạng xã hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân (ví dụ như: bán các giả dược điều trị Covid, các dụng cụ y tế kém chất lượng, thực phẩm không an toàn…) bằng hình thức dùng tên tuổi, thậm chí hình ảnh của những người có ảnh hưởng (KOL). 
 
Việc chia sẻ hết tất cả thông tin của mình vì nhiều mục đích khác nhau lên “xa lộ” internet, thì thông tin cá nhân bị lan truyền trên mạng là điều không tránh khỏi. Kẻ xấu rất dễ tận dụng nó phục vụ cho các mục đích khác nhau. Các rủi ro dễ dàng kể đến như: trở thành đối tượng trung gian phục vụ lừa đảo, tạo niềm tin giả, đánh bóng tên tuổi của những kẻ xấu. Lộ hay lọt thông tin cá nhân ở mức sâu dễ dàng bị làm phiền (Spam) mạnh, gây hoang mang và ảnh hưởng cuộc sống cũng như các công việc hằng ngày. Đó là chưa kể sẽ có người lợi dụng thông tin cá nhân đầy đủ của chúng ta để trục lợi về tài chính, ví dụ như đăng ký vay mượn tín dụng, hoặc làm các hợp đồng thuê mướn…
 
Việc các thông tin trên mạng bị chia sẻ sai lệch không kiểm chứng, theo Tiến sĩ sẽ gây tác hại gì và với góc nhìn chuyên môn thì Tiến sĩ có lời khuyên như thế nào cho mọi người?
 
Vấn đề các thông tin bị đăng trên “xa lộ” internet nói chung và các nền tảng mạng xã hội nói riêng là chuyện “không của riêng ai” và nó dần trở thành một phần không thể thiếu khi chúng ta là một tế bào của thế giới internet. Giống như cuộc sống offline bình thường cũng có những lừa lọc và dối trá thì online cũng vậy, tuy nhiên nó diễn biến nhanh hơn, khó đoán và khó phản ứng hơn. Ở Hàn Quốc và Nhật Bản có rất nhiều trường hợp bị công kích trên mạng xã hội và dẫn tới những cuộc tự tử đầy tiếc nuối, hay có những thông tin kêu gọi kích động trái với pháp luật địa phương dẫn đến những cuộc bạo động rất thường xuyên xảy ra trên thế giới. Thậm chí có những cơ quan truyền thông “không sạch” lợi dụng các nền tảng mạng xã hội chạy những chiến dịch PR/Marketing chèn ép và đánh các đối thủ cạnh tranh bằng những thông tin không chính xác là điều chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy trong những năm gần đây, đặc biệt là trong những ngày mà đại dịch Covid-19 đang diễn ra càng làm sâu sắc thêm những tác hại này.
 
Bản chất “xa lộ” internet nói chung và các nền tảng mạng xã hội nói riêng là nơi mà người dùng ngoài việc bị dẫn dắt, họ cũng sẽ tự phát hiện ra được đâu là thông tin chưa chính xác. Tuy nhiên để làm được điều này thì người dùng phải có kiến thức và kinh nghiệm. Và giải pháp tốt nhất trong trường hợp này là chúng ta – những người sử dụng mạng xã hội và internet phải thường xuyên nâng cấp kiến thức cơ bản về an toàn thông tin, chúng ta phải biết đến những địa chỉ tin cây hay các cổng điện tử update để thường xuyên kiểm tra độ trung thực và chính xác của thông tin trước đón nhận và chia sẻ, đặc biệt tránh xa những website/trang tin lừa đảo.  
 
Đâu là biện pháp để phòng ngừa việc lan truyền thông tin trên mạng xã hội để hạn chế những rủi ro trên thưa Tiến sĩ? 
 
Các biện phải từ phía người dùng: Hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân chi tiết. Tự bảo vệ mình bằng các công cụ tìm kiếm, tức là chủ động cách một khoảng thời gian “search” các từ khóa liên quan tới cá nhân (số điện thoại , email, tên tuổi…) xem thông tin của mình có trôi nổi trên internet không và tìm cách khắc phục. Luôn khai  báo bảo mật 2 lớp, hạn chế chia sẻ các dữ liệu cá nhân khi đăng nhập qua nền tảng thứ 3. 
 
Về phía cơ quan Nhà nước: Luật An ninh mạng hiện nay đã có, các chỉ thị về An toàn thông tin và An ninh mạng cũng nhiều, nhưng cần chi tiết, có các hướng dẫn cụ thể rõ ràng để các cơ quan hành pháp dễ dàng áp dụng và thực thi. Luôn cảnh báo phản hồi và cập nhật các trường hợp, diễn biến đặc biệt liên tục từ các cơ quan chịu trách nhiệm chính về An ninh mạng và An toàn thông tin như Cục An toàn thông tin hay A05 (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao).
 
Đối với các cơ quan truyền thông: Cần làm việc mạnh mẽ với các nền tảng trực tuyến quản lý nội dung như Facebook hay Google để cùng họ kiểm soát các nội dung liên quan tới thông tin sai lệch, như dịch Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và cộng đồng, như cách nước Anh và Châu  u đang thực hiện. Tăng cường thêm nữa các kênh truyền thông chính thống, cung cấp các thông tin với nội dung chính xác và minh bạch. Hạn chế tối đa những sai lầm trong câu chữ và diễn đạt vì hiện tại là thời điểm nhạy cảm, niềm tin của người dân về thông tin trên mạng đang gặp thử thách. Phối hợp với các chuyên gia đầu ngành, các cơ quan Nhà nước và cơ quan chịu trách nhiệm chính về An ninh mạng và An toàn thông tin để có những thông tin với độ chính xác cao, có kiểm chứng. Làm việc chặt chẽ với các chuyên gia có chuyên môn vì họ có nguồn dữ liệu chính xác, rõ ràng, minh bạch và nhờ đó bài đăng được kiểm chứng cũng như có độ tin cậy cao. 
 
Hãy là người dùng thông minh khi đón nhận và chia sẻ thông tin, giúp bảo vệ an toàn cho chính mình và những người xung quanh, xin cảm ơn.
people like INLOOK.VN fanpage