Bạn đang ở đây

Làm nông hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật

Quy trình canh tác hữu cơ tiên tiến giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh và ra hoa đậu trái tốt ngay trong vụ đầu tiên.

 

Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM - thuộc Sở KH&CN TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững tổ chức hội thảo giới thiệu “Quy trình canh tác nông nghiệp hữu cơ tiên tiến theo tiêu chuẩn USDA và JAS”.

Theo ThS. Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững, trong canh tác hữu cơ hiện nay, hai tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ phổ biến trên thế giới và được mọi người biết đến rộng rãi tại Việt Nam là chứng nhận hữu cơ USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và chứng nhận hữu cơ JAS của Nhật.

Các tiêu chuẩn hữu cơ trên giống nhau gần 95% về bộ tiêu chí kiểm định theo quy trình, đều tuân thủ nguyên tắc chung là cấm dùng phân bón hóa học, cấm dùng thuốc bảo vệ thực vật, cấm dùng hormone tổng hợp nhằm kích thích sinh trưởng, cấm sử dụng các loại cây trồng biến đổi gien… Đồng thời, phải có vùng đệm để cách ly và tránh nhiễm bẩn từ bên ngoài vào và có biện pháp ngăn ngừa xói mòn, nhiễm mặn đất.

"Quy trình canh tác hữu cơ tiên tiến theo tiêu chuẩn USDA và JAS mà Trung tâm đề xuất có hiệu quả nhanh ngay trong vụ đầu tiên nhờ sử dụng phân bón hữu cơ Eco-Nutrients được sản xuất theo công nghệ mới", ThS Hà cho biết..

Trong quá trình phát triển của cây trồng, tỷ lệ sâu bệnh hại ít vì quy trình hướng đến cải thiện dinh dưỡng giúp đất khỏe, từ đó giúp cây khỏe, và có bổ sung thảo mộc để xua đuổi côn trùng. Thêm vào đó, phân bón sử dụng trong quy trình ở dạng nước, nên hoàn toàn dùng chung được bằng hệ thống phun tưới đang có để cung cấp cho cây, giúp tiết kiệm công lao động. Vì thế, cây trồng phát triển khỏe mạnh và ra hoa đậu trái tốt ngay trong vụ đầu tiên, thậm chí tương đương với sản xuất thâm canh bằng hóa học.

ThS. Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững, giới thiệu quy trình canh tác mới tại hội thảo

ThS. Vũ Mạnh Hà khẳng định, quy trình canh tác đồng bộ như trên đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng suốt các giai đoạn phát triển của cây trồng, không cần sử dụng đến kinh nghiệm dự đoán để canh tác (trừ trường hợp có bất thường như gió bão, ngập úng). Quy trình đã được một số doanh nghiệp, làng nghề thử nghiệm thành công trên một số loại hoa tươi, cây kiểng và cây ăn trái (bưởi da xanh, sầu riêng, mãng cầu, quýt hồng, mít) ở các tỉnh Đồng Tháp, Bà Rịa, Vũng Tàu.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững sẵn sàng giới thiệu và chuyển giao quy trình cho các đơn vị có nhu cầu. Bên cạnh đó, khi các đơn vị áp dụng quy trình canh tác sẽ được hỗ trợ tư vấn, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử bằng công nghệ Blockchain.

Giải đáp thắc mắc của đại diện Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp về việc xác định truy xuất nguồn gốc ở các hộ nông dân nhỏ lẻ, ThS. Vũ Mạnh Hà cho biết, việc giám sát ở hộ nông dân hiện nay chỉ là để giúp họ làm đúng quy trình. Ích lợi mà quy trình mang lại sẽ khiến người nông dân chủ động khai báo truy xuất nguồn gốc, với những cam kết cụ thể để giành được lòng tin của người tiêu dùng.

(Theo http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/lam-nong-huu-co-theo-tieu-chuan-my-... , video Cesti.gov.vn)

people like INLOOK.VN fanpage