Bạn đang ở đây

Cẩn thận với hàng đại hạ giá

Hàng đại hạ giá, 10 nghìn đồng/3 sản phẩm. Tông 10 nghìn đồng/ đôi. Quần bò 80 -150 nghìn đồng/ chiếc… Quá dễ để tìm những mặt hàng này tại các vỉa hè, chợ đêm, chợ SV, chợ Dịch Vọng, chợ Phùng Khoang…

“Rẻ thế mua chơi cũng được”.

Mẫu mã đa dạng, được chọn thoải mái, thử thoải mái, chỉ xem không mua cũng không bị “đốt vía”… với số tiền ít ỏi bố mẹ chu cấp cho ăn học, hầu hết SV đều hướng tới những mặt hàng đại hạ giá này.

“Đồ rẻ thế, “mua chơi” cũng được ấy chứ. SV không có nhiều tiền nên mua những đồ này thôi. Mua vậy dễ mặc lại nhanh được mua đồ mới” Thanh Mai (CĐ Hóa Chất) cười nói.

Quần áo thanh lý, đại hạ giá được bày bán la liệt suốt 4 mùa.

 

Chỉ cần bước vào chợ đêm Phùng Khoang hay chợ sinh viên, bạn cũng có thể nghe thấy tiếng loa chào mời khách hàng hay những bảng đại hạ giá, bán đúng giá được treo trên các sạp hàng. Các mặt hàng ở đây bán khá chạy vì hợp với nhu cầu và túi tiền của người tiêu dùng, phần lớn là SV và người lao động ngoại tỉnh.

“Giá treo sẵn đó rồi, cùng vừa phải nên mình cứ thoải mái chọn, không lo bị người ta nói thách hay quát mắng khi mặc cả” Hà (ĐH Thành Tây) nói.

Cũng như Hà, Hoàng Anh (tân SV ĐH KHXH&NV) chia sẻ. “Mua hàng ở chợ đêm, chợ SV thấy thoải mái hơn hẳn. Vào shop người ta nhìn mình từ đầu tới chân với ánh mắt không thiện cảm, em sợ lắm. Đó là chưa kể nhiều người còn “đốt vía” khi không bán được hàng”.

“Tiền nào của đó”

Mấy hôm trước, Nguyễn Thị Duyên (ĐH KHXH&NV)  mới mua chiếc quần  với giá 100 nghìn đồng tại chợ đêm Phùng Khoang. Vừa được các bạn khen mua đồ rẻ mà đẹp. Chỉ một tuần sau, Duyên đã than thở: “Mới giặt cái quần có 2 lần mà chiếc quần đã bạc phếch. Nhìn chậu nước giặt mà thấy ghê, đen sì ấy. Đúng là tiền nào của đó”.

Còn Lan Anh (ĐH Mở Hà Nội) thì chỉ mặc được chiếc áo len mới có 2 lần vì sau 2 lần giặt chiếc áo đã bị xùi len và “chảy xệ”.

Được biết các mặt hàng quần áo trên đều là những hàng lỗi mốt, hàng cũ đem nhuộm lại hay được nhập từ Trung Quốc về. Các mặt hàng này thường có giá rẻ hơn từ 2-3 lần so với cùng mặt hàng tại các cửa hàng hay shop lớn. Nhưng tuổi thọ của những mặt hàng này rất thấp. Chúng nhanh bị bục chỉ, phai màu, “chảy xệ”…

Còn đôi tông giá rẻ của Lê Văn Tôn (ĐH Đại Nam) thì nhanh chóng bị mòn đế, đi trơn trượt, rất đau và ngứa chân “Đi đôi tông này đau chân lắm chị ạ, thỉnh thoảng lại thấy ngứa ngứa nữa”. Những loại tông này thường làm bằng xốp nhẹ, nhanh bị mòn, đi thường bị trơn.

Dù các mặt hàng ở chợ đêm, chợ SV chất lượng không tốt nhưng luôn chật kín người mua 

 

Hàng “siêu rẻ” không những lộ rõ nhược điểm mà chúng còn không an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Đồ gia dụng như: thìa nhựa, rổ rá, lọ đựng gia vị (được bán với giá 10 nghìn đồng/ 3 sản phẩm)… đều là những loại nhựa tái chế không đảm bảo. Chỉ nhìn bằng mắt thường bạn cũng có thể thấy sản phẩm này có màu đục, trông dại dại như hàng nhái và nồng nặc mùi nhựa rất khó chịu.

Còn đồ trang sức: vòng đeo tay, vòng cổ, khuyên tai… bằng bạc, mỹ kí…có giá từ 20-80 nghìn đồng. “Những sản phẩm này nhanh bị han gỉ khi ở trong nước, màu không được sáng như bạc thật”, Nguyễn Thị Minh (22 tuổi, Hà Nam) có 1 năm kinh nghiệm bán hàng trang sức bằng bạc đã chỉ cho tôi cách phân biệt bạc với đồ mỹ kí.

mỹ phẩm bày bán la liệt

 

Mặt hàng mỹ phẩm bày bán ở chợ đêm còn có thể gây hại đối với những người có da mẫn cảm. Nguyễn Thị Loan (lớp K55-Sư Phạm Văn, ĐH Giáo Dục) mua một lọ Ponds với giá 70 nghìn đồng. Nhưng “mới bôi được 1 lần mà hôm sau, mình cảm thấy da mặt bị ngứa, nổi nhiều mụn nhỏ. Mình bỏ luôn không dám dùng nữa. Đúng là "tiền mất tật mang” Loan than thở.

Thời buổi “thóc cao gạo kém”, người lao động, hay SV không có nhiều tiền để mua sắm, nên dù biết hàng kém chất lượng song nhiều người vẫn mua. Tuy nhiên, các bạn nên cân nhắc kỹ về chất lượng, tuổi thọ cũng như mức độ an toàn đối với sức khỏe của mình trước khi mua những mặt hàng siêu rẻ này, tránh tình trạng “tiền mất tật mang” nhé!

 

Xuân Thu/ theo tinmoi

people like INLOOK.VN fanpage