Bạn đang ở đây

Chợ... bỏ hoang

Rất nhiều chợ được đầu tư hàng tỉ đồng đang phơi mưa nắng vì chẳng có ai buôn bán.

 

Chợ xã Cam Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bỏ hoang - Ảnh: VĂN KỲ

Chuyện này không chỉ thường gặp ở các chợ được xây theo chương trình 135 ở Tây nguyên, mà có cả với xã Cam Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) dưới đồng bằng.

Bỏ hoang ngay sau khánh thành

Ở Kon Tum, có chợ xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) nằm sát đường Hồ Chí Minh đã gần sáu năm nay không có người họp, một số hạng mục đã bị xuống cấp, hư hỏng. Cùng chung số phận như vậy là cửa hàng thương mại xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) được đưa vào sử dụng từ năm 2006 và bị... bỏ hoang ngay sau khi khánh thành. “Công trình được xây dựng ngay bên bờ vực chênh vênh, không có địa thế buôn bán” - ông Đoàn Xuân Trọng, chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, nhận xét.

Ở Đắk Nông, chợ trung tâm xã Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp) được xây dựng năm 2008 khá khang trang với kinh phí hơn 5,6 tỉ đồng nhưng chưa một ngày được đưa vào sử dụng. Chợ trung tâm xã Cư K’nia (huyện Cư Jút) được xây dựng và hoàn thành từ năm 2007, tổng kinh phí đầu tư trên 500 triệu đồng, nhưng năm năm qua người dân không vào chợ mà chỉ buôn bán ở chợ xã Đắk Rông bên cạnh. Tình trạng trên cũng đang xảy ra với các chợ Quảng Sơn (huyện Đắk Glong), chợ Quảng Trực (huyện Tuy Đức), chợ xã Trường Xuân (huyện Đắk Song), chợ liên xã Đắk Mol - Đắk Hòa (huyện Đắk Song).

Ông K’Bốt, trưởng Ban dân tộc, trưởng ban chỉ đạo chương trình 135 (chương trình đã đầu tư các chợ trên) tỉnh Đắk Nông, lý giải việc các chợ bị bỏ hoang là do còn thiếu nhà vệ sinh, hệ thống xử lý rác thải, kiôt và do địa điểm xây chợ chưa hợp lý. “UBND các huyện không thăm dò ý kiến người dân, tiểu thương trước khi chọn vị trí xây chợ đã dẫn đến việc chợ xây dựng không sát nhu cầu bức thiết của người dân” - ông K’ Bốt nói.

Dân không chịu vào chợ

Chợ xã Cam Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) được xây dựng gần 1 tỉ đồng nhưng các tiểu thương không chịu vào buôn bán dù địa phương không thu tiền thuê sạp. Theo bà Trần Thị Lệ Huyền - chủ tịch UBND xã, trước đây ở xã này hai chợ tự phát họp ven đường khiến giao thông gặp khó khăn, mất mỹ quan thôn xóm nên năm 2004, UBND xã đã trích ngân sách xây chợ mới, đến năm 2005 hoàn thành. “Từ khi chợ mới xây xong, chúng tôi đã nhiều lần cử cán bộ xuống vận động tiểu thương vào chợ mới nhưng không được. Có lần tôi cử thanh niên xung kích và công an xã xuống canh không cho bà con họp tại chợ cũ khoảng một tuần, nhưng khi vừa rút quân, chợ lại họp như thường. Xã cho rào bãi đất trống họp chợ tự phát thì người mua bán lại tràn hết ra đường liên thôn” - bà Huyền cho biết.

Trong khi đó, bà Đoàn Thị Thu Bồng, bán rau ở chợ hơn 10 năm, cho biết: “Xã xây chợ mới đã không họp hỏi ý kiến tiểu thương nên khi xây xong tiểu thương không ủng hộ vì không thuận tiện. Nếu xã chịu xây chợ tại bãi đất trống gần chợ này (nay đã xây trường học) thì tốt rồi”.

Khó tránh lãng phí

Trong khi các chợ mới bề thế không một bóng người thì ở các khu chợ tạm mọc cạnh các chợ chính, việc buôn bán lại diễn ra khá xôm tụ dù chính quyền địa phương dựng lên các biển “cấm họp chợ”, “cấm buôn bán” ngay tại đó là hình ảnh tương phản khá phổ biến. Để giải quyết tình trạng này, ông K’Bốt cho biết sẽ đề nghị các đơn vị khai thác giảm giá đấu thầu các kiôt, chưa áp dụng thuế, vận động tiểu thương vào chợ kinh doanh để khỏi lãng phí.

Song với nhiều trường hợp, địa phương xác định phải chuyển mục đích sử dụng chợ vì không còn cách nào khác. Ông Đoàn Xuân Trọng cho biết xã từng sử dụng cửa hàng thương mại làm chỗ ăn bán trú cho các em học sinh. Ông Hoàng Đình Tạo, chủ tịch UBND xã Cư K’nia, nói rằng xã đã kiến nghị chuyển đổi chợ sang làm trung tâm văn hóa xã và đã được tỉnh đồng ý. Ông Phạm Quốc Thụy, chủ tịch UBND xã Trường Xuân, dự định: “Xã sẽ kêu gọi mọi người hiến kế đưa chợ vào hoạt động. Nếu không được xã sẽ xin huyện cho chuyển đổi mục đích sử dụng để cho thuê làm kho bãi...”.

Riêng chợ bị bỏ hoang ở xã đồng bằng Cam Tân, biện pháp chống lãng phí có vẻ khá căng. “Sắp tới chúng tôi sẽ xin ý kiến của UBND huyện Cam Lâm để cưỡng chế tiểu thương vào chợ, sau đó cho tư nhân đấu thầu quản lý chợ theo quy định” - bà Trần Thị Lệ Huyền cho hay.

 

Theo TTO

people like INLOOK.VN fanpage