Bạn đang ở đây

“Giải phẫu” bánh Trung thu giá khủng

Mùa trăng năm nay, trên thị trường tiếp tục xuất hiện những hộp bánh Trung thu siêu sang có giá… trên trời. “Bình dân” nhất là khoảng 1,5 triệu – 2,2 triệu/hộp, trung bình từ 5 – 8 triệu/hộp và “đỉnh” nhất là 12 triệu/hộp.

Bánh Trung thu giá ‘khủng’ có chứa vàng ròng

Năm nay, một số hãng bánh ngọt sản xuất bánh Trung thu cố gắng tạo điểm nhấn với dòng bánh cao cấp trong khoảng giá từ 1,5 triệu – 2,2 triệu/hộp. Những cái tên như Kinh Đô, Bibica, Đồng Khánh, Hỷ Lâm Môn… đang tạo thêm ấn tượng với việc “tấn công” vào thị trường cao cấp.
Các loại bánh này thường có nhân “lạ” với những nguyên liệu hiếm thấy và sang trọng như vi cá, bào ngư, hải sâm, sò điệp Nhật, yến sào… cũng như phần thiết kế vỏ bánh, hộp đựng rất cầu kỳ, tinh tế.
 
Hộp đựng được thiết kế rất cầu kỳ, bắt mắt
 
Dòng bánh Lễ hộp Hoàng Triều của hãng Đại Phát cũng gây xôn xao dư luận. Ngoài nhân bánh sang trọng, độc đáo, dòng sản phẩm này còn sang ở chỗ, mỗi chiếc bánh đều được phun một lớp vàng ròng nguyên chất trên mặt, được đựng trong hộp sơn mài.
 
Dòng sản phẩm phun vàng của Đại Phát khá được chú ý vì trong năm 2012
này, đó là hàng độc nhất vô nhị.

Lập đỉnh về giá trong thị trường bánh Trung thu cao cấp vẫn là sản phẩm của các khách sạn, nhà hàng tên tuổi như khách sạn Hà Nội, khách sạn Daewoo, khách sạn Hilton, Fortuna, nhà hàng Long Đình…

“Dễ mua” nhất là bánh của khách sạn Fortuna, chỉ khoảng hơn 1 triệu – 3 triệu/hộp, kế đó là khách sạn Hilton với bánh chocolate được tạo hình thành các quân cờ tướng, các sản phẩm nhân truyền thống và hộp VIP kèm rượu giá từ hơn 2 triệu – gần 4 triệu/hộp.
 
Một hộp bánh của nhà hàng Long Đình

Cũng thuộc hàng sang là bánh Trung thu Long Đình với dòng An Quý. Bánh có nhân sụn cá mập, bào ngư, hải sâm; vỏ hộp được làm từ gỗ, thiết kế sang trọng, có tranh An Viên với chốt mạ vàng kèm theo rượu, trà. Giá của dòng bánh này khoảng 4,5 triệu đồng/hộp.

Không chịu kém cạnh, khách sạn Daewoo cũng tung ra thị trường dòng Montes Alpha M với mức giá hơn 6 triệu đồng/hộp. Và “đỉnh của đỉnh” trong thị trường bánh trung thu siêu sang năm nay là dòng Vương Kim Tri Ngộ của khách sạn Hà Nội, được chào bán với mức giá 12 triệu đồng, gồm 4 chiếc bánh to nhân hạt sen, hai trứng kèm theo 1 chai rượu ngoại.

Bánh giá “khủng” vì phụ kiện

Lý giải cho mức giá “khủng” của các sản phẩm bánh Trung thu cao cấp, các khách sạn giải thích, tất cả nhân bánh đều được làm bằng nguyên liệu thượng hạng nhất như đông trùng hạ thảo, trứng cá hồi, cua hoàng đế, yến sào, vi cá mập... hơn thế, lại được làm hoàn toàn thủ công bởi các đầu bếp nổi tiếng, kinh nghiệm lâu năm nên chất lượng khác hẳn với bánh công nghiệp.

Mặt khác, các dòng bánh cao cấp của các khách sạn, nhà hàng có mức giá “khủng” đều được đầu tư vào khâu trang trí và hộp đựng rất cầu kỳ. Đó là chưa kể đến chuyện, hầu hết sản phẩm bánh Trung thu “khủng” đều kèm theo trà hảo hạng hoặc rượu ngoại đắt tiền.
 
Các quầy hàng bánh Trung thu đều được bài trí rất đẹp

Đại diện của một khách sạn bật mí, những loại bánh cao cấp được họ bày bán chưa hẳn là mức giá “khủng” nhất có thể có. Bởi lẽ, có không ít khách hàng giàu có sẵn sàng bỏ ra số tiền từ 6 triệu – 8 triệu đồng hoặc hơn nữa để đặt làm một hộp bánh “độc” theo yêu cầu và chỉ cần đặt trước một tuần.
Những sản phẩm bánh Trung thu cao cấp thường kén khách
 
Giải phẫu bánh trung thu siêu sang
 
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: liệu những hộp bánh siêu sang với giá ngất ngưởng như thế có thực sự ngon và bổ dưỡng hay không? Nhiều loại bánh của khách sạn lớn giá khủng nhưng chỉ là những loại nhân phổ biến như sen, hạt dẻ, lá dứa... Tuy nhiên, các nhà làm bánh siêu cao cấp vẫn quảng bá rằng: Bánh của họ đắt do quy trình làm bánh của họ cực kỳ khắt khe, tuyệt đối đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với công nghệ tiên tiến. Các sản phẩm đi kèm như rượu vang, rượu mạnh hay trà xanh hảo hạng đều có nguồn gốc uy tín, được kiểm tra về chất lượng, nồng độ... Vì thế, khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng bánh và sản phẩm đi kèm.
 
 
Ăn bánh trung thu kèm rượu mạnh?

Theo các nhà sản xuất, bánh trung thu cao cấp chiếm khoảng 30% thị trường bánh trung thu. Nhưng các hãng vẫn quảng cáo rầm rộ những sản phẩm này nhắm đến đối tượng khách hàng có thu nhập cao hoặc để làm quà biếu. Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu có đúng như quảng cáo? Những loại nhân bánh nghe đầy chất tây có tên trong bánh Trung thu năm nay là: Nấm đông cô xốt rượu vang, cua Tứ Xuyên, vây cá mập... cua Huỳnh Đế sốt XO, đậu xanh Collagen, tảo Spirulina, hạt sen Cranbery, cá hồi, bào ngư, jambon ngũ hạt, nhân sâm, hải sâm hay quý hiếm hơn như đông trùng hạ thảo, trứng cá, linh chi, vây cá mập, vảy tê tê, bào ngư, tôm càng Bách Hoa, cua Alaska... liệu có thật không và nếu có thì tỉ lệ ra sao, hay kiểu chạy lướt qua hàng cua, hàng cá?

Bên cạnh đó trên thị trường có một số loại bánh được dán mác là bánh cao cấp nhập ngoại của Hồng Kông, Nhật Bản... bày bán, nhưng trên các sản phẩm này không hề có chữ tiếng Việt và bán với giá rất đắt. Người tiêu dùng đang băn khoăn trước sự nở rộ của dòng bánh trung thu cao cấp năm nay. Bỏ ra hàng trăm, có khi hàng triệu đồng để mua một hộp bánh, nhưng chất lượng có thật sự tương ứng?

Người tiêu dùng khi mua bánh không có cơ hội để kiểm chứng mà chỉ biết tin vào những lời quảng cáo của các hãng bánh, nhưng ngay trên nhãn sản phẩm, nhà sản xuất cũng có khi "quên" không công khai cho người mua biết thành phần nguyên liệu cụ thể có bao nhiêu gram. Nhưng điều này cũng chẳng quan trọng gì đối với những khách hàng của dòng sản phẩm này vì hầu hết họ mua không phải để ăn mà là đi biếu, đã biếu thì càng đắt, càng lạ tai, khác người càng tốt.

Bánh trung thu là loại hình kinh doanh có tính chất thời vụ. Và có lẽ phần lớn trong giá cả đó, khách hàng phải trả cho thương hiệu và sự quảng bá các sản phẩm là chính.  Cầm trên tay hộp bánh của nhãn hàng bánh Trung thu cao cấp mới thấy hết sự cầu kỳ. Hộp vân gỗ có màu sắc hài hòa, bên trong lót giấy lụa, mỗi chiếc bánh lại được bọc trong một chiếc hộp nhỏ cũng rất đẹp. Loại bao bì sang trọng này đã nâng tầm chiếc bánh lên rất nhiều. Có điều những thứ này chính là thứ đẩy giá bánh lên cao chứ không chỉ phụ thuộc vào chất lượng. Tuy nhiên, tất cả những chất liệu mới cho bánh cũng như thiết kế kiểu dáng, có vẻ cũng chưa nâng tầm được hộp bánh lên như những người muốn dùng nó để tỏ "thành ý" khi đem tặng. Thế là, nhiều sự kết hợp ra đời, dù đôi khi có phần khiên cưỡng. Kết hợp cùng trà còn nghe được, chứ kết hợp bánh cùng nước yến và rượu mạnh thì xem chừng hơi đá nhau.

Ông Nguyễn Xuân Thành, nghệ nhân 20 năm làm bánh ở Hà Nội cho biết:

“Thường mỗi hộp bánh nặng khoảng 800 - 960gr thì bột, đường, trứng muối đã chiếm đến hơn 400gr. Hơn một nửa trọng lượng còn lại là các nguyên liệu như đậu xanh, hạt dưa, hạt mè, mứt bí, lạp xưởng… pha trộn với sơn hào hải vị (nếu có) được bán với giá tiền triệu thì quá đắt. Hơn nữa, chưa chắc đã có sơn hào hải vị mà có khi chỉ là “hương” của sơn hào hải vị. Vì không ai kiểm chứng được khi nhân bánh luôn được xay nhuyễn trộn đều”. Người tiêu dùng đang bị bóp chẹt, mua vỏ hộp chỉ để ngắm trong khi kinh tế đang khó khăn. Tính ra giá trị thực của bánh chỉ chiếm khoảng 20 – 25% trị giá số tiền phải trả”.

Dù có nhiều phi lý, nhưng chừng nào tết Trung thu còn "không dành cho trẻ con" thì bánh Trung thu cao cấp vẫn sẽ còn liên tục phát triển.

Baiyu tổng hợp

 

people like INLOOK.VN fanpage