Bạn đang ở đây

Ngày càng nhiều siêu phẩm công nghệ được sản xuất ở Việt Nam

Việt Nam đang trên bước đường trở thành một “công xưởng” mới của thế giới, khi ngày càng có nhiều đại gia công nghệ đặt nhà xưởng ở nước ta, kéo theo đó là không ít siêu phẩm được dán mác “Made in Vietnam”.

Concept Samsung Galaxy S5 bị rò rỉ

Concept Samsung Galaxy S5 bị rò rỉ

Những ngày gần đây, bên cạnh thông tin Samsung đang ráo riết cho ra đời siêu phẩm Galaxy S5 để kịp cạnh tranh với iPhone 5S của Apple, người tiêu dùng Việt lại được biết thêm một thông tin thú vị, chiếc S5 này sẽ được sản xuất ở Việt Nam, mà chính xác hơn là ở nhà máy Samsung đặt ở Bắc Ninh.

Động thái này nhằm trong một loạt chuyển biến mới đây của Samsung về sản xuất thiết bị. Theo Bloomberg, Samsung đang rút dần những nhà máy của hãng ở Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam vì nước ta có giá nhân công rẻ hơn và những chính sách ưu đãi với doanh nghiệp công nghệ. HIện tại, Samsung đang xây dựng một tổ hợp công nghệ chuyên sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử ở Thái Nguyên với giá trị đầu tư gần 4 tỷ USD.

Ngoài Samsung, đầu tháng này Intel vừa phát đi thông cáo cho biết hãng sẽ sản xuất vi xử lý Bay Trail ở Việt Nam. Theo Intel, vi xử lý Atom™ Z3000 Series này là vi xử lý mạnh nhất cho máy tính bảng hiện nay, Bay Trail hỗ trợ cả hai hệ điều hành là Windows 8 và Android. Dự kiến, cuối tháng 12, lô hàng Bay Trail đầu tiên sẽ được xuất xưởng.

Bên cạnh Samsung và Intel, Nokia vừa mới khánh thành nhà máy Nokia Việt Nam ở Bắc Ninh hồi cuối tháng 10. LG thì đang gấp rút chuẩn bị cho việc khởi công nhà máy sản xuất thiết bị điện tử trị giá 1,5 tỷ USD vào Hải Phòng. Nhà máy này, sẽ “tập trung vào cao cấp vì đây mới là dòng sản phẩm tạo ra nguồn lợi cao cho nhà máy”, theo ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc LG Việt Nam.

Lợi ích từ “siêu phẩm”

Hàng loạt ông lớn công nghệ đầu tư xây dựng nhà xưởng ở Việt Nam vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương. Ví như dự án của Samsung ở Thái Nguyên dự kiến sẽ thu hút khoảng 80.000 lao động. Và quan trọng hơn, những ông lớn này khi vào Việt Nam sẽ kéo theo các nhà thầu vệ tinh của họ, những đơn vị sản xuất linh phụ kiện cho các thiết bị công nghệ.


Nhà máy Nokia Việt Nam tại Bắc Ninh

Nhà máy Nokia Việt Nam tại Bắc Ninh

Với sự gia nhập của Samsung, Canon và hàng loạt nhà máy khác vào các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, nơi đây đang trở thành một đầu tàu sản xuất công nghệ của cả nước. Đã có 126 nhà sản xuất thiết bị điện, điện tử hoạt động ở Bắc Ninh. Ở đầu phía Nam, Bình Dương mà trọng tâm là khu công nghiệp Việt Nam – Singapore giữ vị trí tương tự.

Lợi ích khác mà các ông lớn đem lại đó là tăng xuất siêu cho Việt Nam. Chỉ tính riêng nhà máy của Samsung trong năm 2013 đã có thể đạt kim ngạch khoảng 23 tỷ USD. Nâng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm nay lên khoảng 132 tỷ USD, giảm dần phụ thuộc vào các mặt hàng như dầu thô hay tài nguyên.

Còn đó những băn khoăn

Tuy giúp nước ta xuất siêu là thế, nhưng Samsung chỉ đóng góp khoảng 50 triệu USD tiền thuế cho nước ta trong năm nay. Điều đó là do Samsung, Nokia hay các đại gia công nghệ sẽ được miễn thuế trong vòng 4 năm đầu và giảm 50% thuế thu nhập DN trong 9 năm tiếp theo. Bởi khi vào Việt Nam, các hãng này đã vận động chính phủ để được hưởng cơ chế dành cho doanh nghiệp công nghệ cao. Việc nhà máy Nokia chậm trễ đi vào hoạt động một phần cũng do việc doanh nghiệp này đã điều đình để được hưởng chế độ thuế xuất ưu đãi.

Một vấn đề băn khoăn khác của giới công nghệ nước ta là việc “ưu đãi ngoại, chặt chẽ với nội” của những người làm chính sách. Đầu tháng 10, Bộ Tài chính đã bác tờ trình xin được giảm thuế linh kiện phục vụ sản xuất điện thoại trong nước của Viettel. Tập đoàn viễn thông quân đội cho rằng Công ty Samsung Electronics Việt Nam được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu trong vòng 5 năm cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ phục vụ cho sản xuất, lắp ráp điện thoại di động, không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa sản xuất được những nguyên liệu, vật tư, linh kiện đó. Thì Viettel cũng phải được ưu đãi tương tự khi tổ chức sản xuất trong nước. Có ý kiến thì cho rằng, Viettel chỉ nhập linh, phụ kiện ở Trung Quốc vào để ráp thành điện thoại, còn các doanh nghiệp như Samsung, khi vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà sản xuất vệ tinh khác để phục vụ dây chuyền của họ.

Kết

Dẫu sao, ở vị trí là người dùng, người viết cũng rất mừng vì ngày càng có nhiều siêu phẩm công nghệ made in Vietnam ra mắt. Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, khi lật mặt sau chiếc đồng hồ Casio có ghi Made in Malaysia, người viết tự hỏi tại sao nước ta chưa sản xuất được những thiết bị hiện đại như vậy? Giờ thì ít ra những chiếc Galaxy S5 sẽ có chữ Made in Vietnam và được bán ra toàn cầu…

 

 

Theo Genk

people like INLOOK.VN fanpage