Bạn đang ở đây

TH True Milk có nguy cơ đổ đi 200 tấn sữa tươi/ngày

Tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất bị chậm do không được giải ngân vốn theo cam kết, đẩy dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Nghĩa Đàn-Nghệ An với công suất 1,7 triệu lít sữa/ngày vào thế khó.
TH True Milk có nguy cơ đổ đi 200 tấn sữa tươi/ngày

Hiện có trên 27.000 con bò, trong đó có 9.000 con cho sữa với sản lượng bình quân khoảng 40 lít sữa tươi/ ngày/con, và đến cuối tháng 3.2013 sẽ có thêm 5.000 con bò cho sữa nữa tại huyện miền núi Nghĩa Đàn - tỉnh Nghệ An.

Trong khi đó, tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất sữa vẫn “đứng yên tại chỗ” do không được giải ngân vốn theo cam kết. Do vậy, nguy cơ thiệt hại khoảng 200 tấn sữa tuơi/ ngày tại địa phương này từ đầu tháng 4 tới là vô cùng quan ngại. 

Mô hình doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên

Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp” là dự án đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên một địa bàn miền núi nghèo thuộc phía tây tỉnh Nghệ An, được UBND tỉnh này cấp phép hoạt động cho Cty cổ phần thực phẩm sữa TH từ tháng 9.2009.

Theo đó, dự án là sự kết hợp đầu tiên được thực hiện giữa doanh nghiệp, chính phủ hai nước Việt Nam - Israel trên cơ sở lợi thế về khả năng công nghệ cao trong nông nghiệp của Israel và tài nguyên dồi dào (thiên nhiên, con người) của Việt Nam. 

Ông Lê Xuân Đại - Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - nói: “Tỉnh đã cấp cho dự án sữa TH trên 8 nghìn hécta đất để phát triển trang trại và xây dựng nhà máy. Đến thời điểm này, dự án đã có 27.000 con bò sữa, tạo ra trên 2.000 chỗ làm với thu nhập ổn định; ngày 26.12.2010, Cty đã chính thức đưa sản phẩm sữa tuơi TH True Milk sản xuất từ Nghĩa Đàn - Nghệ An ra thị trường, và nó đã nhanh chóng khẳng định bằng tốc độ tăng trưởng thị phần, chiếm được khoảng trên 30% thị phần sữa tươi ở VN, có những thời điểm sản phẩm sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu. Thành công từ mô hình này đã là hiện thực”. 

Năm 2011, tổng doanh thu của Cty CP thực phẩm sữa TH là 616 tỉ đồng, năm 2012 đã tăng lên 1.600 tỉ. Ngày 7.3.2012, Bộ NNPTNT đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao- công nhận đây là dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa đầu tiên tại Việt Nam.

TH True Milk có nguy cơ đổ đi 200 tấn sữa tươi/ngày (1)
Thu hoạch cây cao lương làm thức ăn cho bò tại huyện miền núi Nghĩa Đàn - Nghệ An.

 

Nợ trên 600 tỉ đồng thiết bị 

Ngày 16.1, ông Võ Đức Việt - Phó Tổng Giám đốc Cty CP thực phẩm sữa TH - chua xót thông báo: “Đến hết tháng 3.2013 mà chúng tôi vẫn chưa được các đối tác cung cấp tín dụng theo hợp đồng cam kết thì mỗi ngày sẽ có khoảng 200 tấn sữa tươi phải đổ đi. Hiện đã có 9.000 con bò cho sữa, đến cuối tháng 3 này sẽ có thêm 5.000 con nữa cho sữa, nhà máy chế biến sữa hiện có không đáp ứng được, trong khi nhà máy mới thì ngừng tiến độ do không có vốn”.

Tại công trường nhà máy sản xuất sữa, anh Lê Văn Quyền - Giám đốc dự án - nói: “Nếu được cấp tín dụng đúng hợp đồng thì nhà máy này đã hoàn thành từ tháng 9.2012. Thiết bị nhập khẩu về cảng từ tháng 6.2012, nhưng mãi đến nay mới được đưa về nhà máy, lắp đặt.

Nhưng hầu hết các phân đoạn trong toàn bộ dây chuyền đều chưa được cung cấp để lắp đặt đầy đủ, lý do là chưa trả tiền cho nhà cung cấp nên họ buộc phải “nắm đằng chuôi”. Hiện đang nợ khoảng 600 tỉ đồng tiền thiết bị.

Trước mắt, cần có ngay 350 tỉ đồng để trả cho nhà thầu cung cấp, để họ cấp ngay những chi tiết thiết bị còn thiếu mà họ đang giữ làm con tin. Nếu không sẽ không kịp tiến độ đưa nhà máy vận hành vào đầu quý II/2013”. 

Hành động ngay, trước khi quá muộn 

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) ngày 28.1.2011 đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ cho dự án này số tiền 3.522 tỉ đồng, với thời hạn không quá 2 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên. 

Đến nay, đã quá 2 năm so với hợp đồng, nhưng VDB chỉ mới cấp vốn được 985 tỉ đồng. Và đó là nguyên nhân chính làm chậm dự án. Trả lời PV Lao Động ngày 16.1, bà Đào Dung Anh - Phó Tổng Giám đốc VDB - nói rằng, tiến độ cấp vốn chậm không chỉ thiệt hại cho nhà đầu tư sữa TH, mà cũng gây khó khăn cho VDB trong việc thu hồi vốn. 

“VDB nhận thức rất rõ thực trạng và vô cùng sốt ruột, chia sẻ với doanh nghiệp. Nhưng, do nhiều khó khăn chung của cả nền kinh tế trong thời gian qua nên mới xảy ra tình trạng ngoài mong muốn đó” - bà Đào Dung Anh nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, trước câu hỏi của giám đốc dự án nhà máy sản xuất sữa Lê Văn Quyền rằng “trong quý I này có cấp vốn được không chị?”,Phó TGĐ VDB cũng chỉ nói rất thận trọng “sẽ rất cố gắng để sắp xếp”. 

Một nguyên nhân góp phần “sẽ phải đổ 200 tấn sữa tươi/ ngày” là khoản vay 100 triệu USD từ phía Israel. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho vay số tiền này và giao Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục để thực hiện cho vay lại đối với dự án theo Nghị định số 78. Mọi thủ tục đối với phía Israel hoàn tất từ ngày 1.4.2012 và Bộ Tài chính đã giao Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) là cơ quan cho vay lại. Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt cho vay lại, BIDV vẫn chưa triển khai với lý do không chấp nhận tài sản đảm bảo là đàn bò. 

Từ “vùng nóng” miền tây Nghệ An, phóng viên Lao Động cho rằng vấn đề chậm tiến độ nhà máy sản xuất sữa tại huyện miền núi Nghĩa Đàn cần được phát tín hiệu S.O.S ở cấp độ cao; và quan trọng hơn, thực tiễn cũng cho thấy vấn đề đã vượt ra ngoài tầm giải quyết của địa phương và VDB. 

Do vậy, chúng tôi kiến nghị: UBND tỉnh Nghệ An và VDB cần khẩn trương báo cáo rõ, toàn diện thực trạng về dự án nuôi bò sữa lên Chính phủ để xin có giải pháp kịp thời giải cứu cho dự án sản xuất 1,7 triệu lít sữa/ngày này.

 
Theo Lâm Chí Công - Lao Động

 

people like INLOOK.VN fanpage