Bạn đang ở đây

Tín đồ hàng hiệu lo lắng sau vụ Gucci giả bị phát hiện

Nhiều tín đồ hàng hiệu cho biết sẽ thận trọng hơn sau khi cảnh sát bắt giữ lô hàng hiệu mang mác Italy nhưng giá khai báo trên chứng từ nhập khẩu chỉ vài ba USD.

Chị Thu (quận 1, TP HCM ) là khách quen của cửa hàng Gucci & Milano tại 88 Đồng Khởi. Mấy ngày vừa qua, chị và bạn bè bức xúc sau khi biết tin lô hàng hiệu nhập về cửa hàng Gucci & Milano được khai báo xuất xứ từ Hong Kong với giá rất thấp. Những cái áo sơ mi, túi xách nữ giả da vẫn được cửa hàng bán với giá hàng triệu đến chục triệu đồng, thì trong tờ khai hải quan chỉ ghi giá 3-5,5 USD mỗi cái. Những chiếc túi Gucci thường được quảng cáo là hàng xịn, xuất xứ Italy thì trong tờ khai nhập khẩu lại cho thấy hàng được lấy từ Hong Kong.

"Cho đến nay, cửa hàng Milano vẫn không có động thái trấn an gì đối với khách hàng, mặc dù tôi được xếp vào diện khách hàng thân thiết", chị Thu cho biết.

Là một khách quen của cửa hàng, chị Thu thường chi hàng chục triệu đồng mỗi lần mua sắm tại đây và mỗi khi tới, chị cũng chỉ mua sản phẩm của Gucci. "Vì ở đây, chỉ có Gucci là được ủy quyền, nên không yên tâm nếu mua sản phẩm của thương hiệu khác", chị nói. Sau sự cố này, chị càng thận trọng với các cửa hàng chuyên bán hàng hiệu tại Việt Nam. Nhiều bạn bè khác của chị cũng rỉ tai nhau tránh xa cửa hàng bán hàng hiệu Italy nhưng lại nhập hàng có xuất xứ Hong Kong.

Các sản phẩm hàng hiệu đang được rao bán tại Gucci & Milano có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

 

Trên một diễn đàn chuyên thảo luận về hàng authentic, chủ đề về lô hàng hiệu giá rẻ do cửa hàng Gucci & Milano nhập về cũng thu hút nhiều người bàn tán. Một số người cho rằng đây chỉ là chiêu trốn thuế của cửa hàng, vì nếu là hàng fake (giả) cũng khó có giá vài ba USD một cái túi hay một bộ áo quần.

Tuy nhiên, một khảo sát nhỏ với hơn 110 người tham gia trên diễn đàn này lại cho thấy có gần 70% tin rằng cửa hàng Gucci & Milano trà trộn hàng thật và hàng fake để bán.

Thành viên Zaxuri còn kể lại câu chuyện một người chị từng mua túi tại đây, khi sang Pháp chơi thì bị hải quan giữ lại túi và tiêu hủy vì là hàng giả. Nhiều thành viên cũng tỏ ý nghi ngờ khi cửa hàng một năm mấy lần sale-off 50-70%, tính ra giá "rẻ bèo" nếu so với giá chính hãng.

Đến chiều 3/12, đại diện Gucci & Milano vẫn khẳng định với VnExpress.net rằng cửa hàng mình không bao giờ bán hàng trà trộn. "Lô hàng trên 4 chiếc xe tải tại khách sạn Sheraton là của chúng tôi. Chúng tôi có đầy đủ giấy tờ chứng thực lô hàng này được nhập khẩu từ Italy. Tuy nhiên, trước khi chuyển về Việt Nam, hàng được quá cảnh tại Hong Kong nên gây ra sự nhầm lẫn", vị này nói. Cũng theo đại diện công ty họ sắp mang lô hàng đi giám định và sau khi có kết quả sẽ công bố rộng rãi để chứng minh là hàng thật.

Sau sự cố trên, hiện cửa hàng Gucci & Milano vẫn đang buôn bán bình thường. Nhiều khách hàng cho biết vẫn nhận được tin nhắn sale off từ cửa hàng.

Không chỉ sau sự cố tại Gucci & Milano, nhiều tín đồ hàng hiệu lâu nay đã tự bảo nhau học thuộc lòng nhiều quy tắc khi muốn phân biệt thật giả. "Mua hàng LV xịn là tôi cảm thấy yên tâm nhất, dù hiện nay LV bị fake nhiều nhất trên thế giới", chị Bích, một tín đồ hàng hiệu khác tại TP HCM chia sẻ. Theo chị lý giải, trừ những người cố tình mua hàng fake, khách mua LV xịn luôn nhận biết được đó là hàng thật qua các phụ kiện đi kèm như Certificate (chứng nhận) cho từng sản phẩm, ghi rõ nơi sản xuất và serie sản phẩm.

Để yên tâm hơn, nhiều tín đồ hàng hiệu chọn cách mua hàng đắt tiền ở nước ngoài. Chị Thu cho biết mỗi lần đi du lịch hoặc công tác ngoài nước, chị thường tranh thủ mua sắm ở các cửa hàng chính hãng. "Mỗi lần đi nước ngoài như vậy tôi thường tiêu tốn nhiều hơn khi đi shopping trong nước vì mua sắm thoải mái, không bị canh cánh lo hàng giả, hàng thật", chị Thu nói.

Còn theo chị Bích, mua hàng ở nước ngoài khiến chị cảm thấy an tâm vì cửa hàng luôn xin tên, số liên lạc của mình để cho vào hệ thống và sẽ chăm sóc khách kỹ càng sau đó. "Chứ không như ở Việt Nam, cửa hàng chỉ xin số điện thoại để khi nào có sản phẩm mới, giảm giá thì mới nhớ đến khách", chị cho biết.

Nhiều khách hàng không có điều kiện ra nước ngoài thường xuyên chọn cách đặt hàng. Dịch vụ đặt hàng từ nước ngoài ngày càng đắt khách thời gian gần đây. Tuy nhiên, những khách hàng sành sỏi cho hay họ chỉ đặt hàng từ những người bán đã có uy tín nhất định. Ngoài ra, khi mua hàng, khách cũng yêu cầu người bán đưa ra đầy đủ các loại hóa đơn chứng từ khi mua ở nước ngoài.

Ngày 27/11, Phòng Cảnh sát Kinh tế TP HCM bắt giữ 4 chiếc xe ô tô tải chở hàng tấn áo quần, túi xách, dây nịt các loại ở dưới tầng hầm khách sạn Sheraton, 88 Đồng Khởi. Giấy tờ nhập khẩu lô hàng này do công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nam Đế đứng tên. Công ty xuất hàng nằm tại Quảng Đông, Trung Quốc. Đường đi của lô hàng bắt đầu từ Hong Kong.

Trong tờ khai nhập khẩu của Công ty Nam Đế, nhiều mặt hàng sơ mi nam, áo thun nữ, quần dài nam có giá nhập khẩu rẻ mạt dù mang mác xịn. Ví dụ váy ngắn chỉ 5,5 USD mỗi cái, giầy nam 3,8 USD mỗi đôi, áo khoác nữ 3,7 USD một cái. Toàn bộ lô hàng vào Việt Nam chỉ phải đóng 27 triệu đồng tiền thuế.

Đến sáng nay, đội trưởng Đội 6 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế TP HCM (PC46) cho biết vẫn chưa kiểm xong lô hàng "nghi là hàng lậu" trên 4 xe tải trên. Cơ quan điều tra vẫn chưa xác định số hàng quần áo, dây nịt, giày dép mang mác Dolce&Gabbana, Gucci... trên là hàng thật hay giả vì còn chờ kết luận từ cơ quan kiểm định.

 

Theo Thanh Bình - Vnexpress 

people like INLOOK.VN fanpage