Bạn đang ở đây

Vì sao giá xăng thường tăng vào 'giờ hiểm'?

Lý giải việc liên bộ cố tình chọn giờ "hiểm", ông Quyền cho hay, chọn thời điểm điều chỉnh giá vào những khung giờ trên là để thuận lợi cho việc kiểm kê hàng tồn, quản lý sổ sách..
Thời gian gần đây các quyết định tăng, giảm giá xăng dầu bán lẻ trong nước của liên Bộ Tài chính - Công thương thường xuyên được đưa ra vào thời điểm tối muộn, thậm chí là nửa đêm. Đơn cử đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1/4 vừa qua, thời điểm được điều chỉnh là 0h. Tăng, giảm giá xăng vào giờ “hiểm” phải chăng liên bộ cố tình “chơi khó” người dân, doanh nghiệp sản xuất?

Lý giải việc liên bộ cố tình chọn giờ "hiểm", ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, chọn thời điểm điều chỉnh giá vào những khung giờ trên là để thuận lợi cho việc kiểm kê hàng tồn, quản lý sổ sách... “Việc tăng hay giảm giá được liên bộ quyết định vào buổi tối hoặc đêm là do sản xuất kinh doanh diễn ra ban ngày, nên thời điểm điều chỉnh sau 8h tối sẽ thuận lợi cho việc kiểm kê, quản lý sổ sách...”, ông Quyền nói.

Theo đó, sau 8h tối thì các hoạt động kinh doanh chuẩn bị kết thúc, doanh nghiệp tiến hành công việc kiểm kê, vào số liệu sổ sách để chuẩn bị cho giá mới vào ngày hôm sau. “Không thể điều chỉnh giá thời điểm ban ngày hoặc giờ cao điểm 17h - 17h30, vì không thể bắt người dân xếp hàng dài tại các trạm xăng chờ kiểm kê hàng tồn, vào sổ sách được. Luật không hề quy định tăng giảm vào khung giờ nào, nhưng qua quá trình thực hiện chúng tôi thấy thời điểm tối hoặc đêm sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh quản lý hàng tồn, quản lý sổ sách và thuận lợi phục vụ người dân”, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nói thêm.

Nhập mô tả cho ảnh
Gần đây cơ quan điều hành hay chọn thời điểm tối khuya hoặc nửa đêm để điều chỉnh giá xăng dầu.

Liên quan tới việc chậm trễ ban hành Nghị định 84 sửa đổi, thay thế nghị định cũ bộc lộ nhiều điểm bất cập trong điều hành mặt hàng xăng dầu, ông Quyền bác lập luận, không phải Nghị định 84 quá nhiều sai sót, lạc hậu nên mới cần sửa đổi. Mà nghị định này là bước tiếp theo của quá trình chuyển đổi từ bù lỗ sang kinh doanh theo tín hiệu thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Thêm nữa, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm có tác động trực diện tới đời sống người dân, nên từng điều chỉnh nhỏ cũng phải cân nhắc thật kỹ lưỡng. Ví như quy định trao quyền tự định giá cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, không phải doanh nghiệp muốn tăng lúc nào thì tăng, giảm lúc nào thì giảm mà có sự quản lý và can thiệp của Nhà nước. “Những đối tượng tham gia thị trường này chưa tạo được sự cạnh tranh hoàn hảo, mà ở đây là nhóm có vị trí có thể gây ra hạn chế cạnh tranh, do vậy cần phải kiểm soát", ông nhấn mạnh thêm.

Tới thời điểm này, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến cuối cùng về dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 84, Bộ Công thương đang cùng các bộ liên quan rà soát lại lần cuối câu chữ để hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt thời gian tới.

 

people like INLOOK.VN fanpage