Bạn đang ở đây

Bí ẩn về dòng họ nuôi Rồng ở xứ Mường

Xung quanh khu vực được cho là nơi Rồng trú ngụ chứa đựng rất nhiều những hiện tượng kì lạ mà đến nay chưa có lời giải…

Nơi Rồng trú ẩn…

Qua lời kể của cụ ông Quách Văn Tiến (72 tuổi, trú tại xóm Khuyển, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình), một trong những người đã gắn bó gần trọn đời mình với mảnh đất Mường Rụng linh thiêng và của sư thầy Quách Thị Giang, một hậu bối đời sau của dòng họ nuôi Rồng ở xứ Mường Rụng, PV đã lần theo những tư liệu còn sót lại để dò tìm về nơi xưa kia được cho từng là nơi trú ngụ của loài Rồng.

Bí ẩn về dòng họ nuôi Rồng ở xứ Mường (kỳ 2) 1

Đầm Ấm được cho là nơi Rồng trú ngụ

Vượt qua những con đường đất lầy lội, treo leo, một bên là vách núi cao ngút tầm mắt, một bên là vực sâu thăm thẳm, chúng tôi tìm về khu vực đầm Sao và đầm Ấm, đây được cho là nơi cụ ông dòng họ Quách tìm thấy trứng Rồng. Đồng thời đây cũng là nơi mà sau khi Rồng lớn được cụ ông thả về với thiên nhiên, đất trời.

Đầm Ấm và đầm Sao hiện nay thuộc địa phận của xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Ngày nay, khu vực xung quanh đầm, tuy đã có nhiều dân cư sinh sống, nhưng nó vẫn được bao bọc bởi rất nhiều lau sậy, những cánh đồng cỏ hoang dại cao lút đầu người. Những dấu tích còn sót lại như ngôi đền nhỏ thờ Rồng, giếng cổ cùng cảnh vật hoang vắng xung quanh như tô đậm thêm cho vẻ linh thiêng và huyền bí của nơi này.

Đầm Sao và đầm Ấm được trải dài trên một diện tích ước chừng khoảng trên 5000m2, mặt hồ nước xanh ngắt, trong vắt, trên mặt hồ là những rặng lau sậy mọc um tùm. Một bên là vách núi cao, một bên là con đường mòn xuyên qua xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, cùng không gian tĩnh lặng và thanh bình như càng khiến cho cảnh vật nơi đây càng trở nên hữu tình hơn.

Theo như tích xưa, qua lời kể của sư thầy Quách Thị Giang, thì sau khi cõng Rồng đi thả rất nhiều nơi, lần cuối cùng ông cụ dòng họ Quách đã mang rồng tới đầm Ấm để thả. Tại đây, sau khi thả xuống nước, con Rồng lặn xuống rất lâu thăm dò địa hình, rồi ngoi đầu lên gật đầu với ông lão tỏ ý nơi đây chính là nơi thích hợp để Rồng có thể trú ngụ. Sau khi đã tìm được nơi trú ngụ thích hợp cho Rồng, ông lão an tâm trở về.

Về nguồn gốc tên của đầm Ấm và đầm Sao, ông Tiến giải thích theo những câu chuyện cũng huyền bí. Theo đó, sở dĩ có tên đầm Ấm, tại vì đầm nằm ngay dưới chân một ngọn núi mà nếu nhìn một cách bao quát, thì giống hình một chiếc ấm, còn đầm Sao được hình thành do xưa kia có một mảnh sao băng đã rơi xuống vùng đất này mà tạo nên. Ngày nay duy chỉ có đầm Ấm là còn giữ lại nét hoang sơ như xưa, còn đầm Sao đã bị con đường đất liên xã cắt ngang, phân nửa.

Bí ẩn về dòng họ nuôi Rồng ở xứ Mường (kỳ 2) 2

Những đồ vật của dòng họ Quách được cho là để nuôi Rồng

Sự tích rồng trả ơn…

Mỗi lúc, PV như càng bị sức hút của câu chuyện do sư thầy Quách Thị Giang kể về dòng họ nuôi Rồng lôi cuốn. 

Chuyện kể rằng, sau khi đã tìm được nơi ở cho Rồng, ông lão trở về với cuộc sống trước đây, nhưng chưa bao giờ ông bỏ quên con vật mà ông đã từng nuôi dưỡng từ khi mới nở trong trứng ra. Vì vậy, mỗi khi đi đánh tôm cá, hay khi buồn không có người để tâm sự, ông thường tìm tới bên đầm Ấm để gọi người bạn Rồng lên tâm sự.

Chỉ cần nghe thấy tiếng gọi của cụ ông, Rồng sẽ ngoi lên để lắng nghe những lời ông nói. Mối lương duyên của ông cụ và con Rồng cứ thế khăng khít theo thời gian. Cho đến một ngày, ông cụ lâm trọng bệnh rồi ra đi. Tương truyền, trước thời điểm ông cụ mất, trong khu vực đầm Ấm, nơi Rồng cư ngụ vang lên ba hồi trống rất lớn.

Liền sau đó, là một trận lụt rất to, làm cho khắp vùng xứ mường ngập trong biển nước. Và rồi, không biết từ đâu, có rất nhiều cá chép bơi vào nhà ông cụ nuôi Rồng, khi nước rút, cá chép đã mắc cạn lại ở đó. Nhiều người cho rằng, đó chính là việc làm của con Rồng, khi thấy nhà ông cụ quá nghèo khó không có gì làm ma đã ban cho cá chép, người ta truyền tai nhau đó chính là sự trả ơn công nuôi dưỡng của rồng với ông cụ.

Kể từ ngày ông cụ mất, Rồng cũng biến đâu mất, không một ai hay biết. Nhiều hiện tượng kỳ lạ liên tiếp xảy ra tại khu đầm Ấm đã khiến cho người dân thêu dệt nên nhiều câu chuyện ly kỳ, huyền bí.

Linh thiêng khu đầm rồng…

Trao đổi với PV, sư thầy Quách Thị Giang cho biết: Khu đầm Ấm này thực sự vô cùng linh thiêng, từ trước tới nay đã có rất nhiều câu chuyện kỳ lạ xảy ra xung quanh khu đầm này. Trước đây, khu vực đầm Ấm có rất nhiều cá to, mà không rõ từ đâu. Khu vực gần giữa đầm có một cái giếng sâu, thông với mạch nước chảy từ trong lòng núi ra, nước đầy quanh năm không bao giờ cạn.

Nhiều người cho rằng từ sâu trong lòng giếng này chính là nơi cư ngụ của Rồng và cũng chính là nơi sinh sống của hàng ngàn con cá xuất hiện trên đầm Ấm. Vì hám lợi mà một số kẻ xấu đã dùng rất nhiều cách nhằm tận diệt cá trong đầm. 

Theo như lời sư thầy và những cụ già nơi đây cho biết, sở dĩ có nhiều cá như vậy, đó chính là Rồng đã ban lộc cho dân cư vùng này. Nhưng có một điều cấm kị rằng, người dân chỉ được bắt những loài cá nhỏ và tầm trung, nếu khi thấy những con cá to và có màu sắc kỳ lạ không giống như những con cá bình thường mà cứ cố tình đánh bắt thì sẽ bị thánh thần trừng phạt.

Có trường hợp, một người đàn ông ở vùng này, trong khi đánh bắt ở khu vực đầm Ấm thì bất ngờ thấy xuất hiện một con cá rất lớn, người này liền dùng giáo phi trúng con cá lạ. Liền sau đó, con cá biến dạng sang màu sắc khác, rồi chết đi. Nhiều người đã khuyên rằng, đó là cá thần không nên giết thịt, nhưng bỏ ngoài tai những điều can ngăn, ông này vẫn đưa con cá về nhà làm thịt ăn. Hậu quả là, vài ngày sau đó, người đàn ông này mắc căn bệnh lạ mà không rõ nguyên nhân từ đâu, rồi chết.

Theo những người dân ở đây kể lại, khu vực chiếc giếng cổ là nơi tập trung nhiều cá và cũng là nơi sâu nhất của đầm. Một lần khác, có hai thanh niên tới khu vực đầm đánh cá, thấy khu vực giếng có rất nhiều cá lạ bơi ra đã ném mìn để tận diệt cá. Trước đó, trên bề mặt giếng cổ dưới đầm còn có một tảng đá xanh lớn như tấm chiếu, nhưng sau lần đánh mìn đó, tấm đá đã bị vỡ và rơi xuống lòng giếng sâu. Hai chàng thanh niên kia sau lần đó, về cũng bị mắc bệnh lạ rồi lần lượt qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ. 

Kể từ đó, người dân truyền tai nhau về sự linh thiêng của khu đầm này và không bao giờ dám đánh bắt mỗi khi thấy xuất hiện loài cá kì lạ nữa.

Bí ẩn về dòng họ nuôi Rồng ở xứ Mường (kỳ 2) 3

Ở giữa đầm này có một chiếc giếng cổ với nhiều câu chuyện huyền bí xung xung nó

Huyền bí giếng cổ…

Giếng cổ khu vực đầm Ấm nơi được người dân đồn thổi là nơi trú ngụ của Rồng còn hàm chứa trong đó một câu chuyện hết sức ly kỳ. Theo như những cụ cao niên ở đây cho biết, những ai ở xứ Mường trước khi muốn làm bà đồng, bà cốt thì thường tới khu vực giếng cổ nơi đầm Ấm này để tắm rửa nhằm gột sạch bụi hồng trần.

Mỗi lần như vậy, những người sắp trở thành cô đồng sẽ được thần linh chỉ dẫn tới đây. Sau đó ngụp lặn xuống giếng cổ rất lâu, hàng giờ đồng hồ, không biết họ làm gì. Nhiều người cho rằng, chắc dưới lòng giếng sâu kia sẽ có một hang động không có nước, và có không khí cho con người hít thở. 

Theo sư thầy Quách Thị Giang cho biết, điều cấm kị nhất khi một người sắp thành cô đồng đang tắm rửa ở giếng cổ để gột sạch bụi trần là không muốn bị bất cứ ai làm phiền. Nếu ai dám mạo phạm thì sẽ phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề.

Ông Quách Văn Tiến, kể cho PV nghe một trường hợp rằng, một lần vào đêm khuya khi có một người phụ nữ tới khu vực giếng cổ của đầm Ấm rồi trầm mình lặn xuống giếng cổ như người mất hồn, thì có một người đàn ông khi đó đi đánh cá đêm cũng tại khu vực này, tưởng rằng người phụ nữ kia định tự vẫn nên đã lại can ngăn. Mấy ngày sau, người đàn ông này đang khỏe mạnh tự dưng đột tử rồi chết đột ngột.

Theo ông Bùi Văn Bè, trưởng CA xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy, Hòa Bình thì đầm Ấm thực sự là một khu vực khá linh thiêng, nó gắn liền với nhiều sự tích và truyền thuyết của người dân xứ Mường. 

Theo ông Bè, dù vùng này có bị hạn hán, mọi hồ, đầm khu vực xung quanh có bị cạn nước thì đầm Ấm vẫn không bao giờ bị cạn, nước vẫn trong xanh, cây cỏ trên mặt đầm bao giờ cũng xanh tốt hơn ở những khu vực khác. Một điều kỳ lạ nữa là vào mùa hè thì nước trong khu vực đầm Ấm mát lạnh như nước đá, nhưng về mùa đông thì dù nhiệt độ thấp đến mấy, nước trong hồ cũng ấm như suối nước nóng.

Hiện tại dòng họ Quách vẫn lưu giữ lại được một chiếc quạt có hình Rồng, tuy đã mục nát, cùng 2 ấn triện và một tấm vải thêu hình Rồng cũng những họa tiết khá kỳ lạ nay đã bạc màu.

Hiện tại, để tưởng nhớ tới nơi từng có rồng trú ngụ, người dân đã tự dựng một ngôi miếu nhỏ để thờ cúng thần Rồng. Bên cạnh đó, một ngôi đình cũng được dựng lên cạnh mảnh đất thiêng này để làm công việc thờ cúng.

Theo Soha

people like INLOOK.VN fanpage