Bạn đang ở đây

Bí ẩn về nữ hoàng Ai Cập Cleopatra

Nữ hoàng Cleopatra được biết đến với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành thời cổ đại nhưng lại có thông tin cho rằng bà không hề xinh đẹp, thậm chí vừa béo vừa lùn.

 

 

a
Hình ảnh nữ hoàng Ai Cập xinh đẹp in sâu vào tâm trí mọi người qua các tác phẩm thi ca, hội họa, điện ảnh. Ảnh: Nasa

Cleopatra lên nắm quyền khi bà mới 17 tuổi và cai trị Ai Cập cổ đại từ năm 51 đến năm 30 trước Công nguyên. Là một thành viên của nhà Ptolemy, Cleopatra là người Macedonia, tuy nhiên bà vẫn là một vị nữ hoàng của Ai cập và được dân chúng tôn thờ như một vị chúa trời. Xoay quanh cuộc đời của bà còn nhiều tranh cãi và bí ẩn chưa được giải đáp.

Nữ hoàng tự sát hay bị mưu sát?

Cái chết của Cleopatra đến nay vẫn là một bí ẩn và có nhiều phán đoán khác nhau. Có giả thuyết cho rằng, sau khi Ai Cập thất thủ và bị sáp nhập thành một tỉnh của Đế quốc La Mã nằm dưới quyền cai trị của hoàng đế Augustus, Cleopatra đã cùng hai nữ tỳ tự sát bằng cách để rắn mào gà cắn chết vì tin rằng như vậy sẽ đạt tới "bất tử". Người Ai Cập rất sợ và tôn sùng rắn, vương miện và cây cây quyền trượng của bà cũng có hình con rắn.

Trong cuốn "Cleopatra: Nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập" xuất bản năm 2008, Joyce Tyldesley, giảng viên Đại học Manchester, Anh, đã đưa ra những lý lẽ chứng minh việc tự tử bằng cách cho rắn cắn là hoang đường. Bà Tyldesley nói với Discovery News rằng "có quá nhiều lỗ hổng trong giả thuyết rắn độc" và tin là Cleopatra cùng hai tỳ nữ đã chết vì một loại thuốc độc tự chế.

Một giả thuyết khác lại cho rằng Cleopatra bị Augustus, cháu trai của hoàng đế Caesar, mưu sát. Chuyên viên Pat Brown, được sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu đã dựng lại hiện trường và đưa ra kết luận có thể Augustus đã phái người tới giết Cleopatra và dàn dựng lên thành một vụ tự sát. 

Một con rắn cho dù độc đến đâu cũng không thể làm chết ba người khoẻ mạnh cùng một lúc. Do đó, Cleopatra không thể lựa chọn phương pháp không bảo đảm như thế. Giáo sư người Đức, Christoph Schaefer của Đại học Trier thì cho rằng nữ hoàng đã uống một ly rượu có pha thuốc độc. Tháng 8/2009, các nhà khảo cổ Hy Lạp tuyên bố đã tìm thấy xương sọ và hài cốt mà họ tin rằng của Cleopatra và tướng quân La Mã Antonius. Đây là tia hy vọng để biết được bí mật về cái chết của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra. 

Cleopatra có được chôn cùng Antony?

q

Nữ hoàng Cleopatra và tướng quân Antony trên màn ảnh. Ảnh: 

Theo sử sách ghi lại, trước khi mất, Nữ hoàng Cleopatra tới thăm lăng mộ của Antony và khóc: "Từ khi chàng mất, cuộc đời của em không còn ý nghĩa gì". Nhưng thực tế thế dường như không phải như vậy, bởi sự thực bà không hề có tình yêu với tướng quân Antony, cũng không có tình cảm gì với hoàng đế La Mã Caesar. Gắn kết cuộc đời với hai người đàn ông này, mục đích cuối cùng của bà chỉ là gìn giữ sự bình an cho Ai Cập, tình yêu lớn của đời bà. 
Tuy nhiên, theo phán đoán của nhà khảo cổ học Ai Cập Zahi Hawasi, sau khi mất, Cleopatra đã được Augustus chôn cùng Antony. Ông cũng cho biết, thông qua những tác phẩm văn học của La Mã, có thể thấy Antony từng mong muốn sau khi chết được chôn cất tại Ai Cập, còn Cleopatra khi sống đã cho xây một ngôi mộ đôi. Khi hai người chết, Augustus, anh họ của Antony, đã giúp ông thỏa nguyện.  Sắc đẹp của nữ hoàng

Trong lịch sử La Mã, Hy Lạp cổ, Cleopatra được ghi chép là vị nữ hoàng có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Nhưng những năm gần đây, giới nghiên cứu phương Tây lại đưa ra những ý kiến trái chiều về vẻ đẹp của nữ hoàng.
Tờ Time của Anh từng đăng tải thông tin nữ hoàng Ai Cập Cleopatra chỉ là một cô gái xấu xí, vừa béo vừa lùn: Cleopatra chỉ cao chưa đến 1,6m, thân hình hơi béo, cổ đầy ngấn thịt, răng cũng không được đẹp và khỏe mạnh. Thông tin này đã làm dấy lên những phản đối từ Ai Cập. Thậm chí một số người quá khích còn cho rằng người dân Anh có ý đồ xấu xa. Họ liên kết sự kiện này với cái chết của công nương Diana, cho rằng người Anh đã cố ý gây ra vụ tai nạn xe hơi của công nương để ngăn cản cuộc tình của Diana với một người Ai Cập, người Anh sợ công nương nước mình lấy người Ai Cập làm chồng.
Cho đến nay, người ta mới chỉ tìm thấy bằng chứng duy nhất về nhan sắc của Cleopatra là đồng tiền xu La Mã có khắc hình bà. Theo như bức chân dung trên mặt đồng xu, Cleopatra có dung nhan khá thô: cổ to, mũi khoằm, tai dài và cằm nhô. Cũng giống như đa số phụ nữ thời đó, Cleopatra chỉ cao dưới 1,6 m, thậm chí chỉ khoảng 1,5 m.

a
Đồng xu cổ in hình nữ hoàng Ai Cập. Ảnh: Wikipedia

Nhưng nhà khảo cổ Hawasi đã phản biện lại giả định này. Ông cho rằng, tượng nữ hoàng tìm thấy tại ngôi đền chứng tỏ Cleopatra có khuôn mặt xinh đẹp và rất quyến rũ. Những đồng xu nhỏ bé, khó có thể khắc họa được chân dung của một người nếu không có kỹ thuật tinh xảo.

Sự thật nữ hoàng xinh đẹp hay xấu xí chưa có lời giải đáp cuối cùng. Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu bà không xinh đẹp thì tại sao bà có thể chinh phục được trái tim của hai vị tướng quyền lực nhất thời bấy giờ? Theo tài liệu còn lưu lại tại các thư viện lớn của Ai Cập, hoàng đế Caesar say đắm Cleopatra bởi bà là một nữ thiên tài hiếm có thời đó. Nữ hoàng có thể nói 9 thứ tiếng và cực kỳ thông minh. Hơn nữa, bà may mắn được sở hữu một giọng nói ngọt ngào, một câu chuyện dù tẻ nhạt đến đâu nhưng được kể bằng chất giọng truyền cảm của nữ hoàng cũng trở thành một câu chuyện đầy lôi cuốn.
Còn nhiều điều về nữ hoàng Cleopatra cần làm sáng tỏ. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là Cleopatra là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho thi ca, nhạc họa, điện ảnh,…và hình ảnh quyến rũ của vị nữ hoàng Ai Cập cuối cùng đã đi sâu vào lòng người trên khắp thế giới.

Theo Zing
people like INLOOK.VN fanpage