Bạn đang ở đây

Doanh nghiệp Bình Dương gồng mình hồi sinh

Đống đổ nát được dọn dẹp, công nhân bắt đầu đi làm trở lại, nhà ăn được một số doanh nghiệp linh hoạt chuyển đổi thành địa điểm sản xuất trong lúc chờ xây xưởng mới...

Bình Dương là một trong những địa phương có lượng doanh nghiệp bị thiệt hại nhiều nhất sau cuộc đập phá vừa qua. Ngày 26/5, trong buổi làm việc với Tổng cục Thuế, ông Huỳnh Đình Trí, Phó cục trưởng Cục Thuế Bình Dương cho biết trong số 600 doanh nghiệp được cho là thiệt hại có 44 đơn vị chịu thiệt hại nặng, trong đó 22 doanh nghiệp bị đốt cháy nhà xưởng, văn phòng.

"Chúng tôi đang chờ tỉnh Bình Dương hoàn tất việc điều tra hiện trường, thẩm định các thiệt hại để có chính sách hỗ trợ về thuế phù hợp. Đến thời điểm này đã có hơn 90% số doanh nghiệp hoạt động trở lại", ông Trí nói.

thue.jpg

Lãnh đạo Cục Thuế Bình Dương làm việc với Tổng cục Thuế về việc hỗ trợ doanh nghiệp bị tổn thất. Ảnh: LC

Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp thuộc diện ảnh hưởng nặng do nhà xưởng bị đốt cháy, sáng 26/5 cũng đã mở cửa đón công nhân trở lại. Một số lao động được phân công dọn dẹp đống đổ nát, tiến hành sơn sửa lại bảng hiệu, nhà xưởng, số khác bắt tay vào làm việc.

Tại Công ty quốc tế ChuTex (100% vốn nước ngoài, chuyên sản xuất các loại áo thun xuất khẩu) có 6.000 công nhân, bị thiệt hại nặng do bị đốt nhà xưởng. Sáng qua, đã có hơn 85% công nhân đi làm trở lại sau gần hai tuần xảy ra vụ đập phá.

Trong ngày đầu tiên doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhiều đoàn đại diện cho chính quyền địa phương tới chia sẻ, động viên. Ông Nguyễn Trường Thi, Giám đốc nhân sự và trách nhiệm xã hội của ChuTex cho biết thiệt hại ban đầu của công ty khoảng hơn 300 tỷ đồng (phần nhà xưởng, sản phẩm, máy móc, thiết bị khác, nguyên liệu, bán thành phẩm, phụ kiện bị đốt cháy, đập phá....).

nha-may-1-2921-1401157994.jpg

Công nhân sơn sửa lại tên công ty. Ảnh: LC

Để khuyến khích công nhân trở lại làm việc, doanh nghiệp cam kết trong những ngày nghỉ việc vừa qua (13-25/5), công nhân vẫn được nhận 100% lương cơ bản (2,7 triệu đồng một tháng) để họ yên tâm. Tuy nhiên, vị giám đốc này tâm sự, hiện công ty rất khó khăn về tài chính do sản phẩm bị cháy phải bồi thường hợp đồng cho khách hàng, mặt khác nguyên phụ liệu bị thiệt hại phải mua lại...

"Sau khi nhận được Công văn 207 cùng các ý kiến khác của UBND tỉnh Bình Dương, chúng tôi mong muốn có những hành động cụ thể. Chẳng hạn như hỗ trợ cho doanh nghiệp 50% tổng số tiền lương cơ bản mà công ty phải trả cho người lao động trong những ngày nghỉ việc. Điều này vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa hỗ trợ người lao động yên tâm trở lại làm việc", ông nói.

Với mặt bằng diện tích xưởng bị đốt cháy hơn 18.000 m2, ông Thi dự tính phải sau 4 tháng mới xây dựng lại xong. Trong lúc chờ đợi, công ty ông đã linh động dẹp toàn bộ nhà ăn với diện tích 5.000 m2 (công nhân sẵn sàng chia sẻ khó khăn với công ty bằng việc ra ngoài ăn) để tận dụng làm nhà cắt vải. Các khâu khác sẽ tạm thời thuê địa điểm để sản xuất.

Nha-may-2-4426-1401157994.jpg

Ngày 26/5, hơn 85% công nhân ChuTex đã đi làm trở lại. Ảnh: LC

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, sự kiện đáng tiếc xảy ra không phải do công nhân của họ thực hiện mà là những phần tử quá khích bên ngoài tổ chức đập phá vào ban đêm. "Cần phải xử lý công khai, thích đáng, kịp thời với những phần tử quá khích, kích động này và quan trọng hơn là phải ngăn ngừa những chuyện tương tự có thể xảy ra trong tương lai để doanh nghiệp yên tâm làm ăn", lãnh đạo một công ty bày tỏ.

Một số doanh nghiệp khác mong muốn được miễn, giảm thuế trong thời gian tới theo đúng chủ trương và rất cần tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phục hồi sản xuất.

Về việc tháo gỡ khó khăn, Bộ Tài chính vừa có văn bản hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tổn thất. Theo đó, những doanh nghiệp bị thiệt hại sẽ được gia hạn toàn bộ số tiền thuế phát sinh đến 30/4 chưa nộp ngân sách nhưng không vượt quá giá trị thiệt hại. Ngoài ra sẽ được xem xét miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt bằng...

Theo VnExpress

people like INLOOK.VN fanpage