Bạn đang ở đây

Nhà ngoại cảm tìm xong mộ, liệt sĩ trở về

8 năm sau khi nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội tìm được mộ liệt sĩ Thuấn, anh Thuấn bỗng trở về quê nhà.

Sau khi nhận giấy báo anh trai mình là Nguyễn Viết Thuấn (sinh năm 1950) đã hy sinh tại chiến trường miền Nam, những người em của ông Thuấn đã nhờ tới “nhà ngoại cảm” Nguyễn Đức Phụng ở Thụy Khuê, Tây Hồ (Hà Nội) giúp đỡ, mong tìm lại phần mộ người thân đã thất lạc. Năm 2005, một ngôi mộ được cho là của ông Thuấn đã được nhà ngoại cảm này tìm ra tại nghĩa trang Bình Phước, sau đó gia đình đã đưa về tập kết tại nghĩa trang quê nhà.

Trở về sau 42 năm mất tích

Những người ở thôn An Thọ, xã An Khánh, Hoài Đức (Hà Nội) vẫn chưa hết xôn xao trước việc một liệt sĩ trong thời kháng chiến chống Mỹ là người con của làng bất ngờ trở về quê hương sau mấy chục năm không tung tích, chính quyền cũng xác nhận anh đã hy sinh.

Cậu bé Thuấn sinh ra trong gia đình thuần nông gồm có 5 anh em trai: Nguyễn Viết Thuấn (sinh năm 1950), Nguyễn Viết Tuynh (sinh năm 1958), Nguyễn Viết Huỳnh (sinh năm 1961), Nguyễn Viết Minh (sinh năm 1966) và Nguyễn Viết Nhật (sinh năm 1969). Tháng 4 năm 1971, chàng trai tuổi đôi mươi xung phong lên đường nhập ngũ, hừng hực khí thế đánh giạc giữ nước. Thuấn hòa cùng hàng trăm thanh niên các nơi tập trung về Xuân Mai, Hà Tây (cũ) để tập kết rồi sau đó chuyển vào chiến trường miền nam chiến đấu.

Ông Nguyễn Viết Tuynh, em trai của ông Thuấn, cho biết: "Năm đó, trong số các anh em trai, chỉ có một mình anh Thuấn đến tuổi nhập ngũ. Ngày anh lên đường, rất đông người thân cùng làng tới tiễn đưa, mong chờ ngày đất nước yên bình sẽ được đoàn tụ. Sau thời gian huấn luyện, anh Thuấn được chuyển vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Từ đó, chúng tôi không còn tung tích về người anh trai, người con cả trong gia đình".

“Tháng 6.1976, chúng tôi bất gờ nhận được mảnh giấy báo tử thông báo anh Thuấn đã hy sinh tại chiến trường miền Nam. Gia đình chúng tôi rất đau đớn trước nỗi mất mát này. Từ đó, anh tôi được công nhận là liệt sĩ của quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng tung tích về phần mộ của anh đã bị thất lạc, không ai biết anh đang được chôn cất ở đâu”, ông Tuynh chia sẻ.


Ảnh minh họa


Khoảng hơn 1 tháng trước, ông Nguyễn Viết Thuấn đã trở về thăm lại quê hương sau 42 năm mất tích. Những người trong gia đình ông cũng xác định ông còn sống và vào tận An Giang nơi ông đang ở để đón về, “Trước đây, vì tin theo lời nhà ngoại cảm rởm Nguyễn Đức Phụng ở Thụy Khuê, chúng tôi đã đi bốc về một ngôi mộ của một liệt sĩ vô danh đang yên nghỉ tại nghĩa trang tỉnh Bình Phước”, ông Tuynh bức xúc.

Tin lời nhà ngoại cảm, đưa mộ người lạ về nhà

Theo ông Tuynh, từ khi nhận được tin anh trai mình đã hy sinh, lúc nào gia đình  cũng mong tìm để đưa hài cốt của anh Thuấn về quê hương. Đến năm 2005, lúc rộ lên phong trào tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp của nhà ngoại cảm, mở ra hy vọng tìm được hài cốt của nhiều liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh, bố mẹ không còn, mấy anh em ông Tuynh đoàn kết lại để thực hiện nguyện vọng tìm và đưa hài cốt anh trai về tập kết tại nghĩa trang quê nhà.

Được nghe nhiều người truyền tai nhau về nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng, rằng đó là người có khả năng đặc biệt, có thể dùng khả năng ngoại cảm của mình tìm được chính xác rất nhiều mộ liệt sĩ, tháng 6.2005, 4 anh em nhà ông Tuynh quyết định tìm đến nhà ngoại cảm để được giúp đỡ tìm lại mộ của anh trai.

“Ngôi nhà khá rộng của nhà ngoại cảm nằm trong một con ngõ hẹp trên đường Thụy Khuê, từ ngoài đường chính đã có biển chỉ dẫn lối vào nhà của nhà ngoại cảm. Tôi cùng vợ chồng bác Tuynh rẽ vào ngõ được khoảng 300 mét thì thấy trước mặt là một căn nhà khang trang, người ra vào lúc nào cũng tấp nập, từ bên ngoài đã có một đội ngũ nhân viên hoạt động một cách chuyên nghiệp, nhưng có vẻ giống cò hơn. Từ người dắt xe tới người đưa vào rồi tư vấn, làm thủ tục để gặp được nhà ngoại cảm đều phải tuân thủ theo một quy trình rõ ràng. Phía trong nhà đang có rất nhiều người tứ xứ, người nói giọng Bắc – Trung – Nam đủ cả, đông quá phải xếp thành hàng dài”, ông Nguyễn Viết Nhật kể lại.

Theo lời ông Nhật, sau khi lần lượt đặt lễ vào những bàn thờ theo sự hướng dẫn, họ được một người đưa vào một phòng rộng, trong đó có một mình nhà ngoại cảm đang ngồi. Hai điện thoại, cả máy bàn lẫn di động réo liên tiếp khiến cho cuộc trò chuyện bị ngắt quãng liên tục. Bất ngờ có một cuộc điện thoại, nhà ngoại cảm Phụng đã bật loa ngoài để mọi người nghe cho rõ.

Qua cuộc trò chuyện, họ biết được rằng ông Phụng đang hướng dẫn một nhóm người tìm mộ tổ của chi mình từ xa qua điện thoại. Ông chỉ dẫn những người kia đào sang bên trái hay bên phải gì đó rồi một lúc sau thì tìm thấy. Vậy nên anh em ông Nhật càng tin vào nhà ngoại cảm.

Rời gia đình nhà ngoại cảm với sơ đồ nghĩa trang và ngôi mộ được cho là của anh trai được đánh dấu đỏ chót, mấy ngày sau, 4 anh em ông Nhật, Huỳnh, Minh, Tuynh tìm đến nghĩa trang Bình Phước tại huyện Bình Lăng, tìm đến ngôi mộ nằm đúng vị trí như trên sơ đồ. Ngôi mộ có bát hương và được bài trí đúng như lời kể của ông Phụng, từng hàng lối nghĩa trang được xếp theo đúng thứ tự.

“Không một chút nghi ngờ, chúng tôi đến ngay huyện đội và chính quyền địa phương để làm thủ tục xin được đưa hài cốt anh trai về. Chính quyền địa phương vui vẻ đồng ý cũng không đòi hỏi xét nghiệm AND nữa vì lúc đó tôi đã đặt sự tin tưởng vào khả năng đặc biệt của nhà ngoại cảm", ông Nhật cho biết thêm.

Ngày đưa hài cốt liệt sĩ trở về, địa phương làm lễ tiếp đón rất trang trọng, có sự tham gia của nhiều ban ngành hội cựu chiến binh, rồi gia đình đưa liệt sĩ ra nghĩa trang liệt sĩ xã nhà để an táng.

Một ngày, hai cuộc gặp định mệnh

Ông Tuynh kể: “Khoảng 1 tháng trước, đêm 16.5.2013, mấy anh em chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước việc một người tên là Đinh Văn Toản (sinh năm 1974, ở đội 6, thôn Minh Đức, Yên Nậm, Ý Yên, Nam Định) gọi điện qua trưởng thôn để nối máy tới gia đình. Qua cuộc trò chuyện, Toản cứ khăng khăng rằng anh trai tôi còn sống. Tôi nghe thấy đâm ra nghi ngờ".

"Tôi nói rằng anh trai tôi có giấy báo tử mấy chục năm nay, hài cốt đã được xác định và mang về quê nhà an táng, lẽ nào có người thứ hai giống anh mình khiến họ nhầm lẫn chăng, nhưng anh ấy vẫn không nghe. Dù chưa biết người lạ này ra sao nhưng nghe anh ta kể về vóc dáng, khuôn mặt người cho là anh tôi thì tôi cũng hơi ngờ ngợ vì qua đó tôi cũng hình dung được phần nào về người anh trai của mình. Chúng tôi quyết định cũng hẹn gặp anh Toản một lần, có nhầm lẫn thì cũng chẳng sao”.

Ba anh em ông Tuynh hẹn gặp anh Toản sáng hôm sau gặp nhau tại đình Mai Động, Hoàng Mai để trò chuyện. Khi vừa xuất hiện ở điểm hẹn, chưa kịp rút điện thoại ra gọi thì bỗng có tiếng gọi từ quán nước ven đường: “Anh Tuynh ơi anh Tuynh”. Mấy anh em quay lại thì anh ta nói là Toản, nhận ra họ vì trông có nét giống người anh đang nói đến ở trong Nam.

Theo lời của Toản thì vào tháng trước, anh nhận một công trình xây dựng trong miền nam rồi hai bố con ghé  lên nhà người chị ở ấp An Thạnh, huyện An Phú, An Giang chơi. Trong bữa rượu, được nghe chị gái kể về người đàn ông ở nhà đối diện bên kia đường là người bị thất lạc từ thời chiến tranh, mấy chục năm nay không tìm được đường về ngoài bắc, anh Toản liền sang chơi nhưng hỏi han gì ông ấy cũng không nói. Một lúc sau, ông ta mới kể hoàn cảnh của mình cho anh nghe và cho biết tên tuổi, quê quán và địa chỉ nhà.

Để khẳng định rõ ràng hơn, anh còn mở điện thoại di động ra cho mấy anh em nhà ông Tuynh xem ảnh và photo cả chứng minh nhân dận cho nhận dạng.

Ông Tuynh kể lại: “Lần gặp này, tôi đã thấy anh Toản nói đúng đến 90% vì không lẽ người lạ lại biết rõ quê quán, tên tuổi của mình đến vậy ư. Sau đó chúng tôi mời anh ta về nhà ăn cơm cùng gia đình. Ngay trong đêm, anh Toản cùng ba anh em chúng tôi mua vé máy bay vào Sài Gòn rồi thuê ô tô vào An Giang để gặp và xác minh cho rõ".

"Để cho khách quan, anh Toản sẽ là người chỉ đường cho chúng tôi gặp một cách vô tình, Khi gần đến nhà thì chúng tôi đi bộ vào và gặp một người đàn ông đang giúp vợ bán bún vào buổi sáng. Khi vừa trông thấy, giữa hai chúng tôi có một thứ linh tính gì đó rất khó nói. Cả hai ấp úng không biết nói gì, tim đập thình thích khiến tôi như muốn lao ra ôm anh mà khóc".

"Sau một lát, anh hỏi luôn: 'Anh đây vô làm chi?'. 'Anh em ở ngoài Bắc vào đây tìm người thất lạc trong chiến tranh, nghe nói có người ở đây có hoàn cảnh như vậy có đúng không?'. 'Đúng là tôi đây!'. Cố kìm nén lại cảm xúc, chúng tôi mới hỏi han về quê hương của anh, anh ấy kể ra vanh vách về làng xóm, tên tuổi của anh em, bố mẹ, bác chú ruột, duy chỉ có người cô là không nhớ tên".

"Mọi lời anh nói đều khớp như ngoài đời. Rồi anh tả đến ông bác có ngôi nhà năm gian, cửa cao, còn nhớ đúng ngày giỗ mộ tổ của cả họ. Không chần chừ gì nữa, 4 anh em chúng tôi lao vào ôm nhau mà khóc. Lúc đó, anh Thuấn còn trách tôi rằng: 'Anh em vô đây đón tôi, sao còn nỡ thử thách tôi như vậy?”.

Trở về khi thân không lành lặn

Sau hôm gặp gỡ định mệnh đó, ông Nguyễn Viết Thuấn đã thu xếp cùng 2 người con và cô con dâu ra thăm lại quê hương sau hơn bốn chục năm xa cách. Trở về từ chiến trường xưa với một vết thương sau gáy, tuổi đã cao, sức đã yếu khiến ông không thể nhanh nhẹn như ngày xưa nữa, trí nhớ đã bị giảm sút đi nhiều.

Trong thời gian chiến đấu tại chiến trường miền Nam, ông Thuấn cũng không hề biết mình có giấy báo tử về gia đình. Hiện 3 người con của ông đã trưởng thành, gồm chị Nguyễn Thị Lan, anh Nguyễn Viết Sang và chị Nguyễn Thị Vân.

Ông Nguyễn Viết Thuấn kể lại: Ngay khi vào chiến trường, ông đã tham gia đánh nhiều trận trên cả đất Lào, Campuchia và Việt Nam. Trong trận đánh theo hướng từ Solum (Campuchia) về Việt Nam, trên mặt trận núi Bà Đen, Tây Ninh và chiếm thị xã Tây Ninh thì có lệnh của quân khu rút về. Sau đó ông chuyển về đóng quân tại huyện An Phú, An Giang thì nhận được tin giải phóng đất nước. Năm 1976, ông được giải ngũ tại Vân Hồ, Vĩnh Long.


Ra quân, số tiền được trợ cấp là mấy trăm đồng, trong thời gian lưu lạc, ông Thuấn đã dùng hết. Lúc đó chẳng hiểu sao cái duyên cái số đưa đẩy ông trở lại An Giang và gặp được vợ ông bây giờ là bà Lê Thị Nhanh (năm nay 63 tuổi), chuyên làm nghề buôn bán tại huyện An Phú. “Biết tôi là bộ đội giải phóng, bà Nhanh đã rất mực yêu quý và thương yêu tôi. Từ ngày gặp và xây dựng gia đình, bà ấy là người chăm sóc tôi từ hồi đó tới giờ, chứ tôi chẳng có gì ngoài bàn tay trắng”, lời ông Thuấn.

Sau 5 năm 3 tháng phục vụ trong quân đội, ông Thuấn muốn trở lại thăm quê hương, cũng nhớ anh em xóm làng lắm, nhưng do thương tích đầy mình, vết đạn địch xuyên qua sau gáy khiến cho tinh thần ông không được minh mẫn. “Trước đó, tui nào có được học hành đến nơi đến chốn đâu nên trình độ lại càng không có, rất ngại đi xa, muốn viết thư cũng chẳng biết địa chỉ nào mà gửi. May thay, hôm vừa rồi có chú Toản vô, tình cờ gặp rồi mới báo cho gia đình tôi, khi ấy mới có điều kiện ra thăm. Vì hoàn cảnh tui trong đó còn khó khăn lắm, thật sự là không có điều kiện ra ngoài này”, lời ông Thuấn.

Bác Nguyễn Viết Tăng, người anh họ của ông Thuấn, bày tỏ: “Người em của tôi bị thương khi tham gia chiến đấu nhưng nay bị mất giấy tờ nên không được giải quyết chế độ và chính sách gì cả. Vì trong thời loạn lạc, việc giữ giấy tờ rất khó. Mấy anh em chúng tôi chỉ có nguyện vọng là nhà nước xác minh lại và giải quyết theo đúng chế độ và chính sách của người có công để giảm bớt một chút gánh nặng trong cuộc sống hằng ngày, hơn nữa cũng là để ghi công cho những người đã đổ máu vì đất nước”.

Ông Nhật bức xúc: “Anh trai tôi còn sống sờ sờ ra đấy, không hiểu vì sao nhà ngoại cảm rởm lại đưa chúng tôi tới tận nghĩa trang Bình Phước để bốc một ngôi mộ liệt sĩ vô danh khác về. Tôi mong muốn những người khác muốn đi tìm mộ liệt sĩ thì tìm những nhà ngoại cảm chân chính thực sự, được nhà nước công nhận để chính xác và khách quan, kẻo tiền mất rồi còn mang nỗi oan như gia đình tôi”.

Theo Hôn Nhân & Pháp Luật

people like INLOOK.VN fanpage