Bạn đang ở đây

Sóng điện thoại có thực sự gây cháy nổ tại cây xăng?

Dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh đầy đủ việc sử dụng điện thoại di động tại khu vực chứa nhiều xăng, dầu sẽ gây cháy, song theo các nhà khoa học, hiểm họa cháy nổ tại cây xăng do sóng điện thoại di động là không thể bỏ qua.

Phó Trưởng phòng 7 - Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) Hoàng Ngọc Huynh cho biết, quy định cấm sử dụng điện thoại di động tại các kho xăng, dầu, các điểm bán lẻ đã được các Tổ chức, Tập đoàn Dầu lửa trên thế giới quy định trong mọi hoạt động của họ. Ông Huynh cũng thừa nhận, trên thế giới và cả ở Việt Nam, đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh đầy đủ việc sử dụng điện thoại di động tại khu vực chứa nhiều xăng, dầu sẽ gây cháy.

Tuy nhiên, vừa qua đã có một số tai nạn có thể liên quan đến điều này. Cụ thể, hồi cuối tháng 11/2011, anh Vũ Trọng Khanh ở Gia Lâm, Hà Nội đã bị bỏng khá nặng vì lửa bùng cháy khi anh nhận một cuộc gọi đến điện thoại di động của mình trong lúc đi vệ sinh tại một cây xăng ở cầu Phù Đổng, quận Long Biên. Nạn nhân cho biết trước khi nghe điện thoại anh cũng đã ngửi thấy mùi xăng nồng lên và khi nhận cuộc gọi thì lửa lùa vào, bốc quanh người… 

Theo ông, Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex (chuyên gia về an toàn cháy nổ xăng dầu), khi bật điện thoại lúc có cuộc gọi sẽ gây ra hiện tượng đoản mạch, tạo ra tia lửa điện. Nếu không may xung quanh chỗ người sử dụng có nồng độ xăng dầu đủ lớn để phát hỏa thì sẽ kết hợp với tia lửa điện từ điện thoại gây ra cháy.

Trong khi trên thị trường Việt Nam, thiết bị điện thoại lậu, không chính hãng là rất nhiều, do đó nhiều khi không đảm bảo an toàn về mạch và pin. Cùng với đó là một số tính năng mở rộng của điện thoại liên quan đến đèn flash cũng gây ra cháy khi tiếp xúc với khu vực có nồng độ xăng, dầu lớn.

Sóng điện thoại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Sóng điện thoại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ 

Cùng trao đổi về vấn đề này, TS Huỳnh Quyền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh), cũng khẳng định, hiện trên thế giới, trong tất cả các cơ sở nhà máy lọc hóa dầu đều thực hiện lệnh cấm sử dụng điện thoại di động để đề phòng nguy cơ cháy nổ. Khi có sóng điện thoại, nguồn nhiệt phát sinh từ điện thoại rất lớn, có thể gây chập mạch dẫn đến phát sinh tia lửa điện. Khi đó, tại các vòi bơm xăng nếu có rò rỉ sẽ rất dễ gây ra nguy cơ cháy nổ. Dù trên thế giới chưa có kết luận cuối cùng về việc sóng điện thoại có khả năng gây cháy nổ tại các trạm xăng hay không, cũng như thực tế ở Việt Nam có rất ít các vụ cháy nổ do sóng điện thoại gây ra, song để đảm bảo tính mạng cho người dân thì không thể chủ quan.

Trả lời câu hỏi, sử dụng điện thoại trong bán kính bao nhiêu thì gây nguy hiểm tại các trạm xăng? TS Quyền nhận định: “Hiện chưa có khảo sát để đưa ra con số chính xác về khoảng cách an toàn giữa vị trí cây xăng với người sử dụng điện thoại. Các con số 3m, 5m chỉ là các con số ước lượng. Muốn tìm ra bán kính an toàn thì phải khảo sát kỹ nồng độ xăng dầu bốc hơi trong không khí ở từng cây xăng”.

Đã có ý kiến cho rằng nên lắp đặt các công cụ phá sóng điện thoại tại các cây xăng. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, về mặt kỹ thuật có thể tiến hành phá sóng điện thoại nhưng do cây xăng ở nước ta hầu hết không nằm biệt lập nên sẽ dẫn tới khóa sóng của cả khu vực gần đó, ảnh hưởng rất nhiều tới nhu cầu thông tin liên lạc của người dân xung quanh.
 
Một vấn đề nữa là hiện nay rất nhiều trạm xăng được xây dựng tại các khu đông dân cư, gần đường giao thông, gần chợ… Nếu xảy ra sự cố cháy nổ, bán kính sát hại sẽ rất lớn. Hiện Đà Nẵng đang đi đầu trong việc di dời các cây xăng ra khỏi trung tâm thành phố.
 
 

 Việc xử phạt gặp khó!

Nghị định 52/2012/NĐCP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, trong đó hành vi sử dụng điện thoại tại các cây xăng có mức phạt từ 2-5 triệu đồng, đã chính thức có hiệu lực từ ngày 5/8. Tuy nhiên, thị sát tại các cây xăng trong chiều 6/8, các vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, việc xử lí chủ yếu dừng ở việc nhắc nhở. Việc xử phạt gặp khó vì nhiều nội dung trong nghị định còn khá mập mờ, trong khi lực lượng chức năng cũng không thể bố trí người túc trực tại các cây xăng để “rình” người dân vi phạm…

Đại úy Phạm Đình Hải – Phó Trưởng Công an phường Bách Khoa – địa bàn đang quản lí cây xăng trên phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội) cho biết, hiện tại đơn vị vẫn chưa nhận được văn bản nào hướng dẫn về việc xử phạt, cũng không biết thẩm quyền được giao đến đâu.

Chị Thanh Mai (phường Tân Mai, Hà Nội) lại chia sẻ: “Nghị định còn nhiều điểm chưa rõ, ví dụ nếu để điện thoại trong cốp xe, vào đổ xăng, vô tình có cuộc gọi đến, tức là đã có sóng điện thoại rồi, khi đó kể cả không nghe máy có bị xử phạt không? Hay đang đi trên đường, tới gần vị trí có cây xăng mà có điện thoại, dừng lại nghe thì có phạm luật không?”.

Theo chị Mai, trước mắt, các trạm xăng cần có những biển báo khuyến cáo, nhắc nhở người mua xăng nên tự giác tắt điện thoại để dần dần tạo thói quen mới cho người dân.

 

Theo DT

 

people like INLOOK.VN fanpage