Bạn đang ở đây

Bánh Trung thu không có tội

Nói đến Trung thu nhiều người sẽ nghĩ ngay đến bánh Trung thu. Đúng ra nên nghĩ đến trăng trước, không có trăng rằm tháng 8 đẹp như vậy thì không có Trung thu, mà không có Trung thu thì cũng không có bánh để vừa ăn vừa ngắm trăng.

Nếu ngắm trăng rồi đi ngủ thì buồn lắm, phải có cái gì vừa nhâm nhi, vừa thường thức, vừa hàn huyên suốt đêm, cái gì đó phải vừa nhẹ nhàng, vừa tao nhã nó mới xứng với vẻ đẹp của trăng rằm tháng 8, nên bánh Trung thu ra đời là một trong những lý do đó.

Bánh Trung thu người Hoa gọi là bánh Trăng (Nguyệt), ngày xưa còn gọi là bánh Hồ (bánh của người Hồ), bánh nhỏ, bánh đoàn (đoàn tụ), bánh đoàn viên. Những loại bánh trên người Tàu ngày xưa dùng để cúng tế, dần dần trở thành bánh dùng để cúng và ăn vào ngày Trung thu.

 

 

Bánh Trung thu truyền thống có hai dạng là bánh tròn - tượng trưng cho trời và bánh vuông - tượng trưng cho đất. Sau này còn có thêm bánh hình đàn heo - tượng trưng cho sự ấm no hanh phúc sum vầy của gia đình hay bánh hình cá - tượng trưng cho thành công, phú quý. Bánh vuông và bánh tròn thì có đủ cả hai loại nhân ngọt và mặn, còn bánh hình cá hay bánh hình heo chỉ là bánh nướng đơn thuần, nếu có cũng chỉ là nhân ngọt.

Bánh Trung thu dù là bánh ngọt hay bánh mặn thì trong nhân luôn có 1-2 lòng đỏ trứng vịt muối vừa để trung hòa vị, vừa tượng trưng cho mặt trăng ngày rằm vừa tròn vừa sáng rực rỡ. Nói đến nhân bánh, theo truyền thống thì thường là nhân ngọt làm từ đậu xanh; đối với nhân mặn ngoài các loại jambon, lạp xưởng, thịt quay, thập cẩm... thì không thể không kể đến các loại mứt - thứ quà quen thuộc để đãi khách và nhâm nhi những ngày Tết Nguyên Đán, không biết có phải vì thế mà Trung thu cũng trở thành một cái Tết rất dịu dàng trong những tháng gần cuối năm?

 

 

Bánh hồi xưa đặt tên đơn giản, trong nhân có gì ghi hết lên nhãn bên ngoài, đọc vào là hiểu được, nên cũng dễ kén chọn. Bây giờ để thu hút khách hàng, các nhà làm bánh ngoài việc sáng tạo ra nhân bánh còn sáng tạo cả tên bánh: Nào là "Long Phụng Tranh Châu", "Hằng Nga Thưởng Nguyệt", thôi thì đủ các kiểu để bánh của nhãn hiệu mình "sang" nhất, nổi bật nhất, ý nghĩa nhất. Người ta đôi khi quên mất việc đặt cái tên bánh quá cầu kỳ lại phần nào làm khách hàng bị rối và vô hình trung ảnh hưởng đến cả hương vị bánh.

 

Bánh Trung thu hình cá tượng trưng cho thành công.

 

Trẻ con mỗi lần Trung thu chỉ nhớ đèn lồng thôi, không để ý bánh trái gì đâu, ai cho gì ăn nấy, chủ yếu là chơi cho sướng đã, chỉ thích được nhìn mấy cái bánh người ta tặng bày la liệt trong nhà, nhìn cho hả hê rồi thôi.

Lớn lên một chút bắt đầu biết thưởng thức, bánh nào ngon, tại sao ngon? Bánh nào không ngon tại sao không ngon? Tuy vậy cũng không để ý đến nhãn hiệu lắm, chỉ cần có người tặng cho hộp bánh trung thu gồm 4 cái, 2 mặn 2 ngọt, lại thêm gói trà bé xíu để pha uống chung là đã quý lắm rồi. Hồi nhỏ làm gì được thức khuya, mà có thức được đi nữa cũng không hiểu được cái gọi là "ăn bánh - ngắm trăng" vì lúc đó chưa ý thức được cái sự đẹp trong đêm rằm, hơn nữa từ trước rằm đã được ăn bánh phủ phê rồi.

Lại lớn lên thêm một tí mới biết bánh người ta cho nhiều đến mức người này cho mình, mình lại cho lại người khác, cứ thế tạo thành cái vòng luẩn quẩn.

 

Bánh Trung thu hình đàn heo tượng trung cho sự sung túc, hạnh phúc.

 

Ngày xưa người ta làm bánh Trung thu để cúng cỗ đêm rằm. Một số người cũng nhân dịp rằm Trung thu để đi thăm hỏi họ hàng, anh em... mang theo bánh như một món quà tình nghĩa. Hồi xưa có người đến nhà tặng bánh là quý lắm. Người lớn thì để lên bàn thờ để thắp nhang, hay chưng ở phòng khách. Đám con nít lại đợi khách về để mở ra coi bên trong là bánh gì rồi...  xí phần. Lớn lên một chút lại ít quan tâm, ai cho gì thì ăn nấy, cũng chẳng có thời gian mà kén chọn, đói thì lấy đại một miếng rồi nhâm nhi. Ai tặng cũng trở nên không quan trọng nữa.

Bây giờ, người Việt Nam vẫn luôn giữ truyền thống tặng nhau bánh Trung thu trong ngày rằm tháng tám. Tuy nhiên "phú quý sinh lễ nghĩa", một bộ phận quên mất ông cha đã dạy rằng "của cho không bằng cách cho" lại biến truyền thống tốt đẹp này thành cơ hội để thể hiện đẳng cấp hay thành một lý do để "gởi gắm", "nhờ vả", khiến dư luận dần có cái nhìn không đúng đắn về việc cho, tặng bánh Trung thu đầy ý nghĩa này.

 

 

Có những chiếc bánh bình dân vừa túi tiền những gia đình trung lưu nhưng vẫn có thể tự thưởng cho mình một đêm thưởng nguyệt đúng nghĩa. Cũng có những chiếc bánh lên đến cả triệu bạc làm nhiều người xót xa khi biết và tỏ ra không đồng tình với những loại bánh Trung thu quá xa xỉ như vậy. Thật ra, điều này thật ra có thể lý giải được, vì nhu cầu thưởng thức của mỗi người nên việc làm ra những chiếc bánh phục vụ cho nhiều tầng lớp nhân dân khác nhau là không thể tránh khỏi.

Vì những "vết đen" hay vì những "chênh lệch" hiển nhiên này mà người ta vô tình nghĩ tất cả chỉ tại cái bánh Trung thu.

 

 

Chung quy bánh Trung thu đâu có tội, con người cũng chỉ vì cái ham muốn được hưởng thụ của bản thân mà ngày càng cải tiến, sáng tạo, chế biến bánh Trung thu sao cho hợp ý nhất, đúng kiểu nhất là người ta thích. Có người thích kiểu đơn giản, có người thích kiểu rườm rà, cầu kỳ, có người ăn theo kiểu dân dã, có người lại ăn theo kiểu nhỏ nhẹ quý phái, có người thích ăn không, lại có người thích bày vẽ ăn kèm cái này, uống kèm cái kia. Nhưng ai cũng vì một mục đích là thưởng thức được hết những tinh túy của món bánh chỉ duy nhất dịp rằm tháng tám mới có, nên vì thế mà tốn kém một chút người ta cũng chịu thì cũng không trách được: "Một năm mới có một lần mà".

 

Nhật Nguyệt

Ảnh: Google

people like INLOOK.VN fanpage