Bạn đang ở đây

Cửa không cửa ở Phú Quốc

Ở những ngõ ngách miền Nam đã đi qua, chưa chỗ nào tôi thấy con người lại hồn nhiên và thân mật như ở Phú Quốc. Tất cả, nói tất cả vì tôi chưa gặp một ca ngoại lệ nào, cư xử với người lạ thiệt lòng.

Buổi tối cuối ở Phú Quốc, tôi lại ra chợ đêm Dinh Cậu lai rai. Chợ này nhỏ nhưng tổ chức khá hay. Chợ nằm trên con đường sát biển, bắt đầu từ Dinh Cậu, một nửa bán đồ trang sức biển, một nửa là hàng ăn uống. Hai đầu vào có hai cổng chào đẹp nhất nước nhờ giản dị, không rườm rà tam quan như các cổng chào thường thấy ở đường vào các tỉnh lị hay quận huyện.  

- Cậu ăn lớn hay nhỏ tới đầu này chọn đi.
Cô chạy bàn nói. Người miền Nam cứ đàn ông sồn sồn là gọi bằng cậu. Cậu là em mà cũng có thể là anh của mẹ. Nghe gần hơn chú. Tôi ngó mấy con  cá đang nằm trên lò than, con nào cũng bự, chắc phải hơn một ký. Cuối cùng kêu một cái lẩu.

Cô chạy bàn chừng hai mươi, mặc áo xanh đậm, da rám đen mặn mòi, tính tình có vẻ xởi lởi. Cô bê bếp ga ra trước, sắp đem tiếp nồi lẩu ra thì tôi ngăn lại:
- Cô đem ít cá thôi, tôi ăn không hết.
- Không sao đâu cậu. - Cô cười vui vẻ, vừa sửa sửa cái bếp cho ngay ngắn vừa nói. - Cứ đúng một phần thôi mà cậu, ăn không hết thì để lại.
- Ai lại đi ăn thừa, cô đem ít thôi, ăn không hết bỏ uổng, trả tiền đủ mà.
- Không sao đâu cậu, cậu ăn không hết có mấy con chó cho nó ăn.
- Ờ... cũng được!

 

Chợ Dương Đông.


Ở những ngõ ngách miền Nam đã đi qua, chưa chỗ nào tôi thấy con người lại hồn nhiên và thân mật như ở Phú Quốc. Tất cả, nói tất cả vì tôi chưa gặp một ca ngoại lệ nào, cư xử với người lạ thiệt lòng. Ở phi trường, anh xe ôm vào đề ngay: "Anh lấy xe em chạy ngày một trăm. Chừng nào anh đi chạy ra đây em lấy". Ở khách sạn, cô tiếp viên nói thẳng: "Khi nào anh tới gọi điện em ra đón, rồi lấy xe em mà chạy". Không cần giấy tờ tên tuổi gì cả".

Xe chạy ra chợ thì cứ dựng chống, vào chợ ăn uống, ra xe vẫn còn đó, không mất một đồng tiền gửi xe. Chiều đi ghe ra biển ngắm hoàng hôn, dựng xe ngay bờ biển nhờ bà nước mía coi, tối về bà nước mía đã dẹp hàng nhưng xe vẫn còn đó, mũ bảo hiểm xịn không ai lấy. Hình như cái cách sống đàng hoàng lây nhiễm mọi lưu dân. Ngay cả một cậu người Bắc làm ở khách sạn, cũng đổi giọng cho giống người Phú Quốc, mời mọc về nhà chơi thân tình, và "Cứ lấy xe em mà chạy cho khỏe".

Có điểm du lịch nào đàng hoàng như Phú Quốc không chớ!
 
Khó à. Đến nhiều danh lam thắng cảnh thường gặp chuyện không đâu. Có lần lên cao nguyên đi taxi, đến ngay trước điểm mình muốn đến, anh taxi còn giả vờ lấy bản đồ ra coi vì  "Em ở dưới Nha Trang mới lên nên chưa rành đường". Xuống nơi khác, mướn xe máy thì bị đưa toàn xe cũ, chạy chưa tới trạm xăng gần nhất, đã hết xăng.

Mướn xe máy ở Phú Quốc xăng lúc nào cũng đầy. Không thích tay ga thì có xe số, không thích Suzuki thì "để em đổi Dream cho huynh chạy", hoặc "huynh chạy lố vài tiếng cũng không sao mà". Chiếc nào cũng mới cáu, đi núi về xe bám đầy đất đỏ mà chủ xe cứ cười hì hì hà hà. Thật là hào sảng.

 

Phú Quốc không chỉ là thiên đường du lịch, mà đất và người ở đây đều rất chân tình.


Hôm nay tôi có một ngày rất lời, so với ngày hôm trước, và các hôm trước nữa. Tôi mướn xe, làm quen với ba cậu tuổi từ 16 đến 19, đều học chưa xong trung học bỏ ngang ở nhà trồng tiêu. Bốn đứa tôi đi hai chiếc, phom phom từ chợ Dương Đông ngược lên Bắc đảo.

Trung tâm hành chính và địa lý của Phú Quốc nằm ở Dương Đông. Bắc đảo còn hoang sơ và thưa dân hơn Nam đảo (gần phía Rạch Giá). Địa hình khó đi, dốc, chỉ vài cây số có đường nhựa, sau đó vào đường đất đỏ đang làm và chưa làm. Nói chung Phú Quốc đường sá còn xấu, chỉ tráng nhựa loanh quanh khu thị trấn Dương Đông. Hướng về phía Nam đảo có hai ba con đường tốt. Ngoài ra toàn đường đất, kể cả vào các bãi tắm danh trấn giang hồ như bãi Sao và bãi Khem. Hình như Phú Quốc nổi tiếng... oan là đảo du lịch. Chắc là trong tương lai. Hiện tại đường sá quá tệ.

Nhưng trong cái chưa phát triển lại là cái may. May là dân tứ xứ ra lập nghiệp chưa nhiều nên ít rác. May chỉ mới làm một cái sân gôn, nên rừng chưa bị phá nhiều. May là người ta dự tính xây một cái sòng bạc nhưng chưa xong. Chứ nó mà có đường sá lộng lẫy, nhà cao tầng chồng lên, rồi giữa triền núi xanh thẳm tự nhiên mọc lên một khách sạn cao ngất, trơ trẽn như ở vịnh Hạ Long thì tiêu đời hoang sơ.

 

Nghề cá truyền thống của Phú Quốc.

 

Đường lên phía Bắc, may là vậy. Tụi tôi chạy dọc đường đất đỏ song song với bãi Dài trắng phau cát trắng và vắng vẻ, lên gành Dầu, ngó qua Cam Bốt chỉ cách 4 cây số. Vô khu du lịch Tiếng Sóng Biển có món gỏi cá trích. Chạy cà rịch cà tang vì các cậu thế hệ 9x thỉnh thoảng ghé vô nhà bà con dọc đường. Chỗ nào ghé qua tôi cũng được niềm nở tặng một hũ tiêu ngâm dấm, hay "lấy ít tiêu Phú Quốc về ăn cho biết, cậu".

Những nơi tụi tôi ghé đều trồng tiêu. Một cậu vừa đi vừa giải thích sự phát triển của cây tiêu. Khi còn nhỏ người ta dùng giây cột dây tiêu vào một thân cây, khi tiêu lớn bám rễ vào thân cây thì sợi dây cột cũng vừa mục. Cậu chỉ cách phân biệt tiêu già tiêu non. Hái về phải đạp làm sao cho tróc vỏ. Cậu chở tôi thở dài, hất đầu chỉ những vườn tiêu xơ xác:
- Bây giờ tiêu rớt giá, người ta mới trồng xen với sầu riêng, chứ hồi trước trồng toàn tiêu không hà, ai trồng xen cây nầy cây kia bao giờ, coi đã lắm.

Nhiều vườn tiêu không được chăm sóc. Theo lời cậu thì "tiêu bỏ phế ngó biết liền". Mấy vườn này loắt choắt vài ngọn lá quấn quanh thân cây như bà già tám mươi. "Rớt giá, trồng tiêu cực hơn trồng lúa, bỏ". Vườn nào còn sống, đúng như cậu nói, coi rất đã. Những hàng cây xanh mướt thẳng tắp cách đều nhau một lối đi. Lá tiêu mơn mởn quấn quanh cây cao mút đầu. Đi giữa hai hàng tiêu, nghe vành nón quẹt nhẹ vào lá trong không gian phơn phớt.

Đến Gành Dầu, tụi tôi ngồi uống cà phê ngó qua đất Cam Bốt. Cậu tên Phận hỏi:
- Bây giờ anh muốn đi đâu?
- Mấy em đi đâu anh đi đó.

Phận lớn tuổi nhất trong ba đứa, có vẻ chín chắn. Nó học xong lớp 9 ở Gành Dầu rồi ngưng, hai đứa kia cũng bỏ học. Cả ba đứa ăn mặc đúng kiểu teen thời đại, áo banh nút ngực xuống tận rốn, quần ngắn quá gối, đi dép lẹp xẹp. Trên ngực áo đính những miếng sắt đủ hình trang trí. Đứa phụ nhà trồng tiêu, ai mướn đâu làm đó, đứa kia phụ quét dọn trong khách sạn, rảnh thì tụ tập đi vòng đảo chơi, nhậu nhẹt lai rai. Tôi không hỏi chuyện bỏ học của chúng nó. Đó là thói quen "xa-lông" của người thành phố. Biết thì làm được cái gì, có học hành đàng hoàng thì cũng lang bang nghêu ngao như chúng, ích gì đâu.
- Vậy mình đi thăm dinh ông Nguyễn. Phận nói.

 

Đền thờ Nguyễn Trung Trực.


Chúng tôi chạy xe ngang ngôi trường cũ của Phận, mới đến đình thần Nguyễn Trung Trực. Ông Nguyễn đánh một trận lẫy lừng ở Rạch Giá, rồi kéo quân ra Phú Quốc tử thủ, bị Tây bắt ở đây 142 năm trước. Trước đình là tôn tượng ông đang rút "kiếm bạt Kiên Giang". Ông đánh trận cuối ở đây, Cửa Cạn, bị vây khốn, hết đạn dược lương thực. Không biết bao nhiêu nghĩa binh đã chết. Khuôn viên ngôi đình thần rất rộng, sân trước lót gạch còn nhiều khoảng trống. Nếu bên hông điện chính, nơi cây phượng đang đỏ rực mùa hè, hoặc xích lên chỗ chiếc xe hơi phế liệu cũ nát trước sân, dựng một đài Chiến Sĩ Vô Danh để tưởng nhớ các nghĩa binh theo ông đền nợ nước, rồi khắc lên bia đá toàn bộ bài văn tế Lục tỉnh sĩ dân trận vong văn của Nguyễn Đình Chiểu; thì cả ngôi đền này càng thêm phần linh hiển, ông Nguyễn chắc sẽ vui hơn.

Chúng tôi đi băng qua rừng quốc gia trên con đường đất đỏ. Khỉ to khỉ nhỏ chí chóe băng qua đường. Tụi tôi ngừng xe coi khỉ trốn trên đọt cây. Phận kể, chỗ khu nghỉ mát ngoài kia, có con khỉ già khôn thầy chạy, nó rượt đàn ông nhưng thấy con gái là rình rình nhào vô ôm. Kể xong nó cười ha hả, đó là nụ cười thoải mái nhất suốt ngày đi rong. Nó lại chạy trước dẫn đường, băng ngang rạch Cửa Cạn, xuống Suối Cát, đi xuyên một con đường đất đỏ quanh co, ra bãi biển dinh Bà.

Phận nói:
- Mình đi vậy là quanh căn cứ của ông Nguyễn đó anh.
Không ngờ thằng nhỏ này khá thế. Trên con đường đất đỏ quanh co trước khi tới bãi biển, Phận đã ghé vào một ngôi trường trung học cơ sở Cửa Dương nơi có mấy đứa bạn nó đang học. Ngôi trường có hai trụ cổng bằng xi măng sơn tím, nhưng không ai đi qua cổng chính mà chạy bừa xuyên qua các hàng cây thưa vào bên trong. Cổng chỉ để cho có vì trường không có hàng rào. Một thứ cổng không cổng. Đàn bò đi lêu nghêu trong sân trường cát sậm, chung với một lớp đang tụ tập ngoài sân thi thể thao.

Một ông thầy cầm tu huýt thổi, học trò từng đứa một thi nhảy xa trên sân cát. Xong phần thi nhảy xa, thầy trò đổi chỗ để tránh đàn bò, thi tiếp phần chạy tốc độ. Tụi tôi vô sâu trong sân trường, tụ tập với mấy đứa bạn cũ của Phận nơi quán nước lợp tôn xập xệ dưới gốc cây bàng lớn. Mấy thầy giáo giờ nghỉ ngồi kế bên hút thuốc lá vặt, không ai để ý khách lạ. Tôi nhớ sực một lần về miền Trung vô thăm trường tiểu học cũ, mới loay hoay trước sân đã thấy một ông trong lớp đi ra, nói cần gì thì mời lên gặp thầy hiệu trưởng nói chuyện. Thật là nhiều chuyện! Ở đây, ai vô ra mặc kệ. Bò dàn hàng ngang hàng dọc đủng đỉnh, thật là một tâm trạng thoải mái không hàng rào.  

Một đứa bạn gái của Phận hỏi chú đã đi đâu chơi rồi. Tôi nói vừa đi thăm dinh ông Nguyễn. Nó nói chú đã đi thăm ông thì phải đi thăm bà cho công bằng.
- Bà nào?
- Bà vợ ông Nguyễn đó.
 
Dinh bà nằm trước bãi đá, sát bên phải là bãi Ông Lang cong vút những hàng dừa xanh và dương liễu. Đa số các tỉnh miền Tây đều có đình thờ Nguyễn Trung Trực, nhưng hình như chỉ ở Phú Quốc mới có dinh thờ Bà. Có vài tư liệu nói bà họ Lê, khi Pháp vây đảo bà sinh non ở rạch Cửa Cạn, bị băng huyết và hai mẹ con đều chết.

 

 

Trước chính điện thờ Bà, có ghi "lập năm 1946". Ngay gian chính là tượng bà, hai bên có hai hàng chữ "Trung trinh liệt nữ xứng danh. Anh hùng dân tộc Nguyễn Lê". Tượng Bà sơn đỏ, bệ vệ ngồi ở giữa, đầu đội mão như hoàng hậu, khuôn mặt phúc hậu, bên phải có để di ảnh Nguyễn Trung Trực. Chắc tượng Bà chỉ là tượng trưng chứ không phải giống người thật. Một phụ nữ theo chồng bôn ba chiến trận không thể phốp pháp và ung dung như thế.

Trước điện, gần bờ biển, có tượng ông Nguyễn thu nhỏ. Không gian quanh dinh thật khoáng đạt. Mấy cậu học trò còn chỉ cho tôi hai trụ xi măng bên hông dinh. Một trụ có hàng chữ nổi "Yêu cầu quý vị", trụ kia "Ra vào đóng cửa", nhưng chỉ có hai cột trụ chứ không có cánh cửa nào. Lại một hình ảnh cửa không cửa của Phú Quốc.

Chúng tôi ngồi trước dinh ngắm mặt trời lặn trên biển. Mấy con chó lưng có xoáy tròn từ trong nhà ông từ chạy vụt ra. Chó Phú Quốc đi đứng hiên ngang, chúng phóng qua người chúng tôi, nhào ra bãi cát đùa giỡn. Cả không gian vàng sẫm trời chiều.

 

           
Tôi ngồi lai rai bia bọt, cũng sắp hết nồi lẩu. Chợt cô gái chạy bàn đi qua đi lại hai lượt, ngó nồi lẩu mỉm mỉm cười. Tôi sực nhớ ra, kêu cô lại:     
- Chớ mấy con chó đâu không thấy?
- Dạ ở nhà chớ cậu.
- Vậy gói đồ dư này mang về cho chúng được à?
- Cũng được, cậu.

 

Xem thêm một số hình ảnh đẹp của đảo Phú Quốc:

 

Cảnh đẹp như tranh vẽ của bãi thuyền chợ Dương Đông.

 

Hình ảnh những ngư dân khỏe khoắn tô điểm thêm nét đẹp cho mảnh đất Phú Quốc hồn hậu.

 

Bãi Gành Dầu ở Bắc đảo Phú Quốc, biển xanh ngợp trời.

 

 

Xưởng nước mắm Khải Hoàn.

 

 

Hải sản tươi ngon ở chợ Dương Đông.

 

Quầy gia vị.

 

Đàn vịt nhà chờ người "dạm hỏi".

 

Gỏi cá trích.

 

Cá thu sốt cà.

 

Bánh canh chả cá. Thức ăn ở Phú Quốc rất tươi ngon, nêm vị thanh ngọt có hậu, khẩu phần nhỏ nhắn vừa ăn, giá cả lại rất phải chăng.

 

Bài: Tạ Phong Tần

Ảnh: Châu Minh

people like INLOOK.VN fanpage