Bạn đang ở đây

"Đạo" tour du lịch: Cốc mò cò xơi

Chuyện sao chép các chương trình du lịch của các hãng lữ hành đã trở nên phổ biến. Trong khi một doanh nghiệp đầu tư thiết kế tour với nhiều chi phí thì hãng lữ hành khác tha hồ "đạo" tour.

Chuyện "đạo" tour bùng nổ khi Công ty (CT) du lịch Thế Hệ Trẻ gửi công văn đến Sở Văn hóa - Thể thao - Du Lịch thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch thành phố yêu cầu làm rõ việc chi nhánh TPHCM của CT Hanoitourist chép nguyên tour Khám phá Đông Bắc của CT du lịch Thế Hệ Trẻ. Trước đó, trong hai năm 2008-2009, CT du lịch Thế Hệ Trẻ đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát các tuyến điểm ở các tỉnh vùng Đông Bắc nhằm xây dựng tour mới. Đến tháng 9/2010, Thế Hệ Trẻ đã có tour được thiết kế hoàn chỉnh Khám phá Đông Bắc trên thủy lộ sông Gâm và sông Năng (Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Phú Thọ).

Để mở được tour này, Thế Hệ Trẻ đã khảo sát, liên kết, quảng bá tour với các địa phương, các doanh nghiệp (DN) trong khu vực. Tuy nhiên, lượng khách tham gia tour của CT bị giảm khá nhiều trong thời gian gần đây, và CT cho rằng do CT Hanoitourist, chi nhánh TPHCM đã "đạo" chương trình và thu phí thấp hơn nhiều so với Thế Hệ Trẻ. Ông Trần Thế Dũng - Giám đốc CT du lịch Thế Hệ Trẻ thừa nhận, sự na ná chương trình trên cùng một hành trình tour là khó tránh, nhưng đơn vị này đã "bê nguyên" chương trình tour của Thế Hệ Trẻ từ lộ trình đến các điểm tham quan, nơi ăn chốn ở và ngay cả những lời giới thiệu điểm đến.

 


Việc sao chép tour không phải là chuyện mới của ngành du lịch. Chỉ cần nhấc điện thoại xin chương trình tour là các đơn vị lữ hành cung cấp hàng loạt tour có sẵn, cứ thế DN chỉ đến trao đổi với đối tác để hình thành tour riêng cho mình. Nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm du lịch luôn mang tính kế thừa, bởi lẽ đó là một hoạt động công khai, người này làm được thì người khác cũng có thể thực hiện, nhưng với cách làm CT Hanoitourist chi nhánh TPHCM như trên thì liệu có thể chấp nhận?

 

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty lữ hành dã ngoại Lửa Việt cho biết, có thể cùng khai thác, nhưng không thể có chương trình giống 100 %. Dù vậy, hãng lữ hành bị sao chép tour cũng không biết kiện như thế nào và bắt đầu từ đâu... trong khi Luật Du lịch và các quy định hiện hành lại chưa có chế tài xử lý vi phạm đối với tình trạng này.

 


Khi so sánh danh sách các tour của nhiều hãng lữ hành, dễ dàng nhận thấy hầu hết các tour đều na ná nhau, chỉ khác tên gọi, giá tiền, còn chương trình tham quan thì y chang. Cụ thể tour khám phá thiên đường miền Trung, nhiều hãng lữ hành giống nhau về thiết kế thời gian, điểm đến. Phần lớn khách hàng khi cầm hai chương trình tour giống nhau của hai đơn vị, thì giá cả thấp vẫn là sự ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Vì vậy, việc sao chép tour, tiết kiệm chi phí khảo sát, thiết kế đã được một số DN... vận dụng.

 

Thực tế, các hãng lữ hành mới hoặc nhỏ thường dùng chiêu "cải biên" dịch vụ để giới thiệu với khách. Đại diện Fiditour nêu: "Việc thiết kế tour mới sẽ rất tốn kém, bởi phải trải qua một giai đoạn thể nghiệm thị trường, đôi khi gặp nhiều bất lợi. Chưa kể khi DN đang hoàn thiện tour dịch vụ cho hoàn hảo thì cũng là lúc những đối thủ cạnh tranh khác sao chép với giá rẻ hơn".

Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM thừa nhận, có rất nhiều hãng lữ hành thiết kế tour giống nhau. Theo bà Khánh, điều này là bất cập của ngành du lịch Việt Nam cần phải chấn chỉnh.

 

Theo PNO

people like INLOOK.VN fanpage