Bạn đang ở đây

Đến cù lao Chàm thưởng thức cua đá và ốc vú nàng

Vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí, hấp dẫn của rừng xanh, biển trong, của những bãi cát trắng trải dài và những sản vật không nơi nào có đang mời đón bạn đến với Cù Lao Chàm.

Cù lao Chàm - Đảo ngọc giữa lòng biển Đông

Từ bãi biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) chỉ cần đi tàu cao tốc khoảng 15km là bạn đến Cù Lao Chàm (thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An), nơi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. 

Cù Lao Chàm là một quần thể gồm 8 hòn đảo nhỏ, trong đó đảo Hòn Lao là lớn nhất và có người dân sinh sống hàng nghìn năm nay.Với 1.549 ha rừng tự nhiên và 6.716 ha mặt nước, Cù Lao Chàm mang trong mình một sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Chỉ cần đi thuyền ra khỏi bờ chừng vài chục mét, khoác tấm áo phao, mang ống thở úp mặt xuống làn nước trong xanh là có cảm giác như mình đang lạc vào cõi thủy cung. Ở đó là những rừng san hô rực rỡ, sinh động, rập rờn như một cơ thể sống phập phồng dưới làn nước, những con cá lượn lờ, con sao, con ốc đủ hình thù, màu sắc làm mê đắm lòng người.  Những bãi san hô đẹp nổi tiếng ở Cù lao Chàm là Bãi Xếp, Hòn Tai, Hòn Dài, Hồn Mồ. Bãi san hô Hòn Tai đẹp nhất, lộng lẫy nhất nhưng cũng rất sâu, góp phần tạo nên thiên đường dưới đáy biển Cù lao Chàm.

Biển Cù lao Chàm trong xanh có thể nhìn thấy đáy sâu hàng chục mét. Làn nước trong vắt ấy như mời gọi ta xuống tắm, rồi phơi mình trên những bãi cát mịn tưng sạch sẽ. Cát ở đảo sạch đến độ, đặt lưng ướt xuống rồi nhổm dậy những hạt cát rơi xuống không bám chút bụi đất nào trên da.

Ngoài ra nơi đây còn có một lượng hải sản vô cùng phong phú mà lại cực ngon. Tuyệt nhất trong các loại hải sản ở đây phải kể đến món ốc vú nàng, cua đá..

Độc đáo ốc vú nàng

Chỉ với tên gọi thôi, loài ốc độc đáo này đã khiến nhiều người muốn tò mò tìm hiểu. Và khi nhìn tận mắt, bạn hẳn sẽ cảm thấy rất thú vị.  Vào mùa trăng tròn ốc vú nàng mới xuất hiện nhiều. Thật ra vú nàng là loài ốc hình chóp lệch, trên đỉnh có một cái núm nhỏ trông tựa như bầu vú của cô gái dậy thì, vỏ ngoài màu đen xám, mặt trong lấp lánh xà cừ.

Vì số lượng có hạn, nên dân bắt ốc chuyên nghiệp phải ngâm mình dưới nước hàng giờ, dùng đèn soi rọi vào tận kẽ đá, dùng mũi dao nhọn tách từng con ốc đang bám chặt vào thành đá. Thưởng thức từng con ốc giòn giòn, ngòn ngọt mới hiểu hết kỳ công của người đi bắt ốc. Người dân xứ biển có thể chế biến ốc vú nàng thành nhiều món: luộc, gỏi, nướng...

Nói là luộc nhưng chẳng cần tí nước nào, những con ốc vú nàng tự thân khá nhiều nước, tự nó đủ nước luộc lấy. Ốc bắt về ngâm nước cho sạch, xếp vào nồi, trong khi luộc, mở nắp nồi, dùng đũa đảo ốc để cho thịt chín đều, sau đó vớt ra. Trong giây lát những con ốc vú nàng đã bắt đầu co dần, khi thịt đã chuyển sang màu vàng, mùi thơm lan tỏa là ốc chín. Món này ăn nóng cùng với muối tiêu, chanh, người sành ăn dùng tay húp luôn nước trong con ốc.
 
Món gỏi ốc vú nàng cũng đầy hương vị đậm đà khiến người thưởng thức khó mà quên được. Thịt ốc thái mỏng trộn với da lợn, thịt ba chỉ, dưa chuột, rau răm, rau húng, đậu phộng rang giã dập nhỏ, chanh tươi, ớt và nước mắm ăn với bánh tráng nướng, chấm với nước mắm gừng là tuyệt không gì bằng.
Món nướng cũng ấn tượng không kém món luộc. Theo dân “ghiền” đặc sản biển, món ốc vú nàng ngon nhất vẫn là ốc vú nàng chín khi được nướng trên lò than. Sắp ốc lên vỉ nướng, vài phút sau nước ốc nhỏ ra vỉ nướng xèo xèo, mùi thơm bốc lên nưng nức hai cánh mũi. Ốc vú nàng nướng phải vừa chín tới ăn mới ngon, để quá lửa thì thịt bám chắc hay săn quắt lại rất khó gỡ ra. Cứ một miếng ốc vú nàng, một ngụm rượu, trong chốc lát số vỏ ốc đã bỏ đầy một góc.

Không quá béo như thịt, không quá dai như sò, nghêu, không nhỏ như hàu và có hương vị đậm đà khó quên, ốc vú nàng được xem là loài ốc quý trong danh mục ốc xứ Quảng.

Thơm lừng cua đá

Cua đá có hình dáng như cua thường, nhưng điểm khác biệt là môi trường sống của chúng khác với các loại cua khác. Cua đá thường sinh sống ở những vùng núi đá thuộc hải đảo (như cù lao Chàm - Quảng Nam, đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi)..., thức ăn chính là lá cây. Đến mùa sinh sản thì bò xuống những vùng biển có nhiều bãi đá nổi để đẻ trứng. Và điều đặc biệt nữa là đôi càng cua cứng như đá, muốn ăn phải dùng chày để đập hoặc dùng kiềm để kẹp mới có thể lấy được phần thịt bên trong.

Để bắt cua đá, phải đi vào ban đêm, vì ban ngày chúng ở trong hang; đồng thời, nếu có động thì sẽ nhanh chóng tìm chỗ bò vào hang đá hay tót lên cây lẩn trốn; ban đêm là thời gian cua đá ra khỏi hang để kiếm ăn, lúc đó, nó cũng sẽ không nhìn thấy gì khi bị ánh sáng rọi vào mắt. Ở cù lao Chàm, khi ánh nắng mặt trời tắt hẳn, thì những người bắt cua đá mới chuẩn bị đồ nghề lên đường cho một đêm thức trắng. Theo những người  bắt cua đá thì đây cũng là nghề đầy bất trắc, đòi hỏi phải có sức khỏe và sức chịu đựng bền bỉ. Chuyện tai nạn trên biển, lạc suốt đêm trong núi, té ngã gãy chân tay bươu đầu sứt trán hay “tai nạn nghề nghiệp” khi bị cua kẹp  bầm người... là chuyện thường ngày.

Cua đá thường được chế biến một cách đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn và ngon tuyệt vời là món cua đá hấp bia. Chọn những con cua đá cái, thịt săn, gạch (trứng) dưới mai nhiều... cho vào nồi lớn 4-5 con rồi đổ vào 1 chai bia, sau đó hấp trong vòng 30 phút. Cua đá hấp bia có màu rất bắt mắt, toàn thân là một màu đỏ hồng như màu gạch, vỏ bóng loáng. Ăn cua đá đúng điệu phải kèm với các loại rau rừng của vùng rừng núi cù lao Chàm, chấm với muối tiêu, chanh, ớt. Thịt cua hấp có màu trắng, rất thơm, ăn có vị ngọt, dai dai rất ngon. Với những loại cua, ghẹ khác khi ăn hai cái càng, người ta chỉ cần cho vào miệng cắn “bụp” một cái là xong; còn  với cua đá, ăn kiểu như vậy thì ê ẩm hàm răng ngay. Khách du lịch đến cù lao Chàm, khi gọi món cua đá thì bên cạnh đĩa cua bắt mắt, ngon lành nhà hàng không quên kèm theo một cái chày bằng gỗ hay một cái kiềm bằng sắt để khách ăn càng cua...

Ngoài món cua đá hấp bia, người dân ở cù lao Chàm còn chế biến cua đá thành những món khác không kém phần hấp dẫn và ngon miệng như: cua đá rang muối, bún riêu cua đá, chả trứng cua đá... Món nào cũng ngon hết chỗ chê và có mùi vị rất đặc trưng, ăn một lần bảo đảm du khách sẽ nhớ mãi và mong muốn trở lại cù lao Chàm để thưởng thức những món ăn được chế biến từ cua đá...

"Bí kíp" du lịch cù lao Chàm:

Giá cho mỗi tour 1 ngày đi Cù Lao Chàm từ bến Cửa Đại là 430 nghìn đồng/khách, miễn phí cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Với số tiền đó, bạn được đi tham quan khắp làng cổ của người Chàm trên đảo, đi chợ hải sản, mua sắm đồ lưu niệm làm quà cho người thân, đi tắm biển, lặn biển ngắm san hô, ăn bữa cơm đậm chất địa phương và trở về trước 3g chiều để nghỉ ngơi. Ở cù lao Chàm còn khá hoang sơ, cửa hàng chưa nhiêu nên bạn nhớ mang theo đồ ăn vặt và chuẩn bị hành lí chu đáo.

Bạn có thể tham quan Cù Lao Chàm trong một ngày nhưng nếu qua đêm cũng có rất nhiều thú vị, nhớ phải thuê một chiếc lều để ngủ. Thời gian có điện đến 22h đêm, các bãi biển ở Cù Lao Chàm rộn ràng những điệu nhảy, lời ca do các công ty lữ hành tổ chức. Khi điện phụt tắt, bãi biển chỉ còn lại những nhóm nhỏ quây quần bên bếp than hồng cùng nhau thưởng thức bữa tiệc nướng bằng ốc Vú Nàng, ốc Nón, rượu đế và ca hát. Kết thúc bữa tiệc, bạn nên lót dạ bằng nồi cháo điệp nóng hổi và sau đó đánh một giấc ngon lành trên bãi biển.

 
PT tổng hợp/ theo nguoidothi
people like INLOOK.VN fanpage