Bạn đang ở đây

Kỳ lạ cây biết khóc, biết cười chỉ có ở Việt Nam

Nhiều người ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến cây “ổi cười”, “dừa khóc”... nhưng những hiện tượng này vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải đáp thuyết phục.

"Cây ổi cười" trong khu di tích

Tại khu di tích lịch sử Lam Kinh, tỉnh Thanh Hoá, có một cây ổi mà khi người ta gãi nhẹ vào thân cây, cả cây ổi rung lên bần bật. Người dân và khách du lịch đều rất tò mò về cây ổi “biết cười” này. 
 
 Khi gió lặng, chỉ cần chạm nhẹ vào thân là lá ổi rung lên bần bật. 

 

Cây ổi nằm ở góc phải khuôn viên Vĩnh Lăng, phía sau hàng tượng quan hầu và tượng con giống chầu trước mộ vua. Cây ổi khẳng khiu gầy guộc, cao chừng 3m, lá nhỏ, quả rất nhiều, nhỏ bằng ngón tay. Khi gió thật lặng, lá trên các ngọn cây xung quanh im phăng phắc, nhẹ nhàng dùng đầu ngón tay gãi nhẹ vào thân cây, di di đầu ngón tay như thể đang cù nách, gãi bàn chân người thì những chiếc lá nơi đầu nhánh cây bỗng giật giật rung rinh, lay động nhè nhẹ. Trong khi đó, cây cối xung quanh vẫn lặng im, không xao động. 

 

Ông Vũ Đình Sỹ, Phó trưởng Ban quản lý Lam Kinh xác nhận, chuyện "cây ổi cười" trong Vĩnh Lăng là có thật. Về nguồn gốc cây ổi, ông Sỹ cho biết, năm 1933, một người tên là Trần Hưng Dẫn quê ở Nam Định hiếm muộn con cái nên đến đây cầu tự. Sau khi sinh được con, ông đã cung tiến 4 con voi, trồng 2 cây long não, và một cây ổi. Đến năm 1942, một người Pháp khi đến nghiên cứu ở Lam Kinh phát hiện ra việc “cây ổi biết cười". 

Khi cây gốc già, chết, một số nhánh cây được các cán bộ khu di tích chiết giữ giống cũng vẫn còn “gen cười”. Tuy nhiên, khi người trong ban quản lý chiết cành đem trồng ngoài khuôn viên Vĩnh Lăng thì cây không "cười" nữa.

Cây dừa lạ biết... khóc

Tháng 5/2012, thông tin cây dừa nhà vợ chồng ông Mai Văn Cảnh (54 tuổi), bà Đỗ Thị Loan (53 tuổi), ở xóm 5, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa biết “khóc” cả ngày lẫn đêm khiến nhiều người ngạc nhiên.
 
 Cây dừa nhà ông Cảnh cả ngày lẫn đêm cứ nhỏ giọt nước từ trên tán lá và nách bẹ dừa xuống đất.

 

Ông Cảnh cho biết, cây dừa được ông nội của ông trồng cách đây khoảng 75-76 năm. Hiện nay, cây dừa này cao khoảng 17-18m, thân hình già cỗi.

Bỗng dưng gia đình ông Cảnh phát hiện cây dừa cả ngày lẫn đêm cứ nhỏ giọt nước từ trên tán lá và nách bẹ dừa xuống đất. Bà Loan thì cho hay, càng những hôm trời càng nắng, nóng thì trên tán cây dừa càng phun nước xuống nhiều.
 

 

Nước hứng từ cây dừa có màu vàng như nước chè nhạt, uống vào thì thấy không mùi, không vị. Hàng xóm nhà ông Cảnh cho biết, đây là điều kỳ lạ, vì xung quanh xóm có rất nhiều nhà trồng dừa nhưng không thấy nhà ai có “cây dừa khóc” lạ như thế. 

Người dân nơi đây phân tích, hiện tượng này rất lạ vì không không biết cây dừa này hút nước từ đâu mà nhỏ giọt suốt ngày đêm. Một số thanh niên trai tráng có ý định bắc thang, trèo lên ngọn dừa xem nguồn nước từ đâu ra mà giọt suốt ngày theo tán lá, nhưng ai cũng sợ gặp phải điều không hay nên không ai dám leo lên.
 
Cây lim “hiến thân”?
 
Tại khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, ngoài "cây ổi cười" còn có một cây khác cũng đặc biệt bí ẩn. Đó là cây lim cổ thụ, khoảng 600 tuổi, cao nhất nhì rừng Lam Kinh, được người dân địa phương gọi là cây “lim cò”, do trước đây cò thường về đậu trắng trên ngọn cây. 
 
Có một sự ngẫu nhiên là cây lim đang xanh tốt bỗng nhiên vào tháng 2/2010 cây trút lá hàng loạt rồi chết khô. Trong khi đó, dự án xây dựng cung điện sẽ được khởi công vào tháng 10 cùng năm. 
 
Ông Vũ Đình Sỹ, Phó trưởng Ban quản lý Lam Kinh xác nhận, có sự trùng hợp hết sức ngẫu nhiên về thời điểm cây lim chết và thời điểm Dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt. Khi cây chết là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành.  Khi cây được hạ xuống, thông thường lim rất hay bị rỗng ruột, nhưng đằng này cây lại hoàn toàn đặc, rất thuận lợi cho việc làm trụ cột Chính điện với quy mô 9 tòa gỗ lim đồ sộ nhất Việt Nam. 
 

 

Chỉ một cây lim nhưng thân và cành đủ để làm một bộ gồm: cột cái, cột quân, cột góc và thượng lương để phục vụ Lễ phạt mộc khởi công cung điện vào tháng 10/2010. Đường kính phần gốc cây lim trùng khớp với gương tảng cột cái (xấp xỉ 0,8m), phần ngọn khoảng 0,65cm, vừa với gương tảng cột quân. 

Lý giải cho sự “ra đi” bất thường của cây lim, các cụ cao niên xung quanh khu di tích cho rằng, dường như cây lim cò 600 năm tuổi này sinh ra để phục vụ cho việc phỏng dựng Chính điện.
 
Xác nhận các hiện tượng lạ từ các loài cây tại khu di tích này nhưng người dân nơi đây chưa tìm được lời giải thích thuyết phục. Các hiện tượng này vẫn là bí ẩn với du khách và chính những người dân trong vùng.
 
Theo Anh Tuấn - Kiến thức
people like INLOOK.VN fanpage