Bạn đang ở đây

Mùa đèn sao Báo Đáp

Từ rằm tháng bảy trở đi là thời điểm làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định nhộn nhịp làm đèn ông sao phục vụ Tết Trung thu khắp mọi miền đất nước.

Cách thành phố Nam Định khoảng 13 km, Báo Đáp là làng nghề duy nhất làm đèn ông sao cho trẻ em vào mỗi dịp Trung thu. Làng 10 xóm thì có đến 9 xóm làm nghề đèn sao, với khoảng 500/1.000 hộ làm nghề, mỗi năm sản xuất khoảng 1,5 triệu đèn bán khắp miền Nam, Bắc. Trong đó nhiều nhất là xóm 3 (xóm nhà thờ) và xóm 4. Tại đây, những hộ mới làm nghề "khiêm tốn"  cũng sản xuất vài nghìn chiếc đèn, còn những hộ lâu năm thì số lượng lên đến vài vạn chiếc, như gia đình ông Vũ Văn Kháng mỗi năm sản xuất 7-8 vạn chiếc.

Có mặt ở Báo Đáp những ngày cuối tháng 8, mới thấy không khí tất bật của một làng quê thanh bình. Dưới bóng những nhà thờ cổ tráng lệ xúm xít người lớn và trẻ con đang cùng tô vẽ những chiếc đèn sặc sỡ rồi đem phơi trước hiên nhà. Những chiếc xe cút kít hối hả chở đèn qua từng ngõ nhỏ. Những xe tải, xe máy ăm ắp đèn sao nối đuôi nhau chở hàng lên Hà Nội, đi Hải Phòng, Sài Gòn... vào mỗi buổi chiều.

 

Những chiếc đèn sao được làm và bày chật lối trong nhà.

 

Bên cạnh nghề làm đèn sao, hầu hết các hộ gia đình vẫn làm ruộng hoặc làm hoa giấy, hoa vải - vốn được xem là hai nghề khởi thủy của làng. "Do sản xuất hoàn toàn thủ công nên người dân thường bắt đầu làm đèn từ tháng giêng trở đi và dần hoàn thiện trong lúc nông nhàn" - bác Hoàng Trung Tín, 54 tuổi, một trong những hộ gia đình làm đèn sao nhiều nhất trong làng, cho biết.

Cũng theo bác Tín, vật liệu làm đèn khá đơn giản và được giao tới tận nơi như tre nứa người Thanh Hóa mang ra, giấy bóng kính từ Hà Nội, xương cây đay làm cán lấy của những người Thái Bình đi xe thồ đến bán.

"Làm một chiếc đèn sao phải qua trên dưới 30 công đoạn phức tạp. Từ chẻ/vót tre, in hoa văn, màu sắc trên giấy bóng đến cắt khung, làm xương đèn, lắp cán... mới tạo thành một chiếc đèn ông sao hoàn chỉnh" - bác Vũ Văn Nhất (50 tuổi), trú tại xóm 3, chỉ vẽ.

Thật vậy, mỗi loại đèn với kích cỡ khác nhau lại đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ từ bàn tay và con mắt của người thợ. Nếu làm một chiếc đèn cỡ nhỏ (25 cm) đã khó vì phải tỉ mẩn từng chi tiết thì làm một chiếc đèn lớn (từ 1-2 m) lại càng khó hơn.

Bác Nguyễn Văn Đình - trú tại xóm 2, là hộ gia đình duy nhất trong làng làm đèn sao cỡ lớn - tâm sự: "Làm đèn sao lớn tốn rất nhiều thời gian, công sức. Các khâu chọn và chế tác nguyên liệu thô, làm xương đèn, dán giấy bóng... phải cần 4-5 người cùng làm và với cường độ nhanh nhất cũng chỉ được 15 chiếc/ngày".    
 


Cán đèn làm từ ruột cây đay và được nhuộm đỏ cho có màu rực rỡ.

 


Đèn ông sao loại siêu nhỏ được làm phổ biến nhất ở Báo Đáp hiện nay. Loại đèn này đòi hỏi sự công phu, khéo léo của người thợ, giá thành dao động từ 3.000-4.500 đồng/chiếc.

 


Xếp đèn ngăn nắp để cho vào kho hàng.


Năm nay, do thị hiếu ưa chuộng đèn ông sao truyền thống cũng như giá nguyên liệu tăng khiến giá mỗi chiếc đèn tại Báo Đáp dao động từ 3.500-5.000 đồng/chiếc. Đây không chỉ là niềm an ủi lớn đối với dân làng Báo Đáp mà còn là tín hiệu vui với đồ chơi Trung thu nội khi cơn lốc đồ chơi ngoại đang liên tục hoành hành trên thị trường Việt.

 


Đóng gói đèn ông sao để xuất đi các nơi. Mỗi gói hàng có 350 chiếc đèn.

 


Làm diềm trang trí cho đèn ông sao.

 


Hình ảnh gần gũi, quen thuộc tại Báo Đáp: Từ người lớn đến trẻ em đều tham gia làm đèn ông sao.

 


Các khung đèn được chở đi để tiếp tục gia công thêm.


Và bạn có biết để gìn giữ hình ảnh đèn ông sao truyền thống, ở Báo Đáp đã luôn có một hình ảnh quen thuộc: Ngày ngày sau khi tan học, cùng những ông bố bà mẹ đang say sưa chẻ tre, làm xương đèn là những đứa trẻ tập tành học nghề bằng việc ngồi dán giấy kính, trang trí diềm đèn... như người thợ đã thạo việc.

 

Theo TTO

people like INLOOK.VN fanpage