Bạn đang ở đây

Những địa điểm du lịch dưới lòng đất hấp dẫn nhất

Cùng khám phá những nơi dưới thế giới lòng đất khiến bạn muốn tới tham quan ngay lập tức.
 
Coober Pedy, Nam Australia: Hầu hết người dân ở thị trấn vùng Nam Úc này đều sống và sinh hoạt dưới lòng đất để tránh cái nóng gay gắt của mặt trời phả ra. Thị trấn ngầm này cũng có đầy đủ cửa hàng, quán ăn và khách sạn như bất cứ nơi nào trên mặt đất.
Hầm mộ Paris, Pháp: Địa điểm này chắc chắn là một nơi lý tưởng cho những người muốn có một chyến du lịch rùng rợn. Có đến 6,000 bộ xương người được xếp gọn gàng tại nghĩa địa dưới lòng đất này khi các khu nghĩa địa trên mặt đất không còn đủ sức chứa. Hầm mộ Paris từ lúc mở cửa vào cuối thế kỷ XVIII đã gây tò mò cho không biết bao nhiêu người.
Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ: Thành phố ngầm Cappadocia rộng đến mức có thể chứa đến vài nghìn người. Dù chưa xác định được chính xác nó có từ khi nào, nhưng theo những bằng chứng để lại, có thể Cappadocia đã được hình thành từ thế kỷ thứ VIII TCN, cách đây 3000 năm. Thành phố hang động rộng lớn này đã được UNESCO vinh danh là di sản thế giới.
Mary King's Close, Edinburgh, Scotland: Địa điểm này đã từng là con phố đông đúc nhất Edinburgh cho đến khi bệnh dịch hạch bùng phát vào năm 1645. Con phố ngầm này là một phần quá khứ đau buồn của Edinburgh khi nó được sử dụng làm nơi cách ly những người dân bị bệnh. Thậm chí có người còn bị bỏ lại đó cho đến chết. Vì vậy mới có những câu chuyện hồn ma ám ảnh nơi này.
Thành phố ngầm Seattle, Seattle, Washington, Mỹ: Khi trận đại hỏa hoạn thiêu rụi một phần Seattle vào năm 1889, những người đứng đầu thành phố đã quyết định xây lại cao hơn 1 hoặc 2 tầng. Do xây trên một bãi bùn nên ban đầu những đường phố này thường xuyên bị lụt. Sau khi đổ rất nhiều bê tông để làm phần móng cứng hơn, thành phố Seattle mới đã cao hơn hẳn 10m so với lúc trước.
Hầm xả lũ G-Can, Tokyo, Nhật Bản: Được xây dựng từ năm 1992, đường hầm này sâu 50m và dài 6km dưới lòng đất. Đây là nơi chứa các máy bơm và bồn chứa nước để giúp thành phố Tokyo khô ráo trong suốt mùa mưa. Điểm nổi bật nhất của hầm này là bồn chứa nước chính có hình dáng giống một ngôi đền với 59 cột trụ khổng lồ và một máy bơm có công suất 78 mã lực.
Đường hầm Bắt cóc, Portland, Oregon, Mỹ: Đường hầm này là một loạt các lối đi kết nối tầng ngầm của rất nhiều quán rượu và khách sạn đến bờ sông Willamette ở bang Oregon. Những lối đi này trước đây được sử dụng để di chuyển hàng hóa từ các tàu cập cảng sông. Cái tên của đường hầm này được bắt nguồn từ việc mọi người tin rằng nó có liên quan đến việc những người đàn ông bị bắt cóc để làm thủy thủ.
Hầm trú ẩn Greenbrier, Tây Virginia, Mỹ: Vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, chính phủ Mỹ đã yêu cầu những người chủ của khách sạn 700 phòng Greenbrier cho phép xây dựng một hầm trú ẩn dưới lòng đất nối đến tòa nhà Quốc hội trong thời kỳ chiến tranh hạt nhân. Căn hầm này được dự trữ đầy đủ mọi thứ trong suốt 30 năm trước khi ngừng hoạt động vào đầu thập niên 90. Bên trong căn hầm còn có 18 phòng ở, một bệnh xá và một phòng khử trùng.
Địa đạo Củ Chi, Việt Nam: Trong phần lớn thời kỳ chiến tranh, các chiến sĩ hoạt động cách mạng của Việt Nam đã sinh hoạt dưới những căn hầm này. Trung tâm dưới lòng đất bao gồm trạm xá, kho chứa lương thực và nhu yếu phẩm, thậm chí còn có cả một chiếc xe tăng. Địa đạo dài 120km này bây giờ được mở cửa để đón khách tham quan đến khám phá và tưởng nhớ về cuộc chiến đã chấm dứt cách đây gần 40 năm.
Hầm Moose Jaw, Saskatchewan, Canada: Những căn hầm này được xây dựng bên dưới thành phố Moose Jaw đầu thế kỷ XX để bảo vệ những công nhân đường sắt người Trung Quốc khỏi họa phân biệt chủng tộc khi hàng ngàn người nhập cư châu Á đến Canada tìm việc làm. Tất cả các gia đình nhập cư đều sống dưới hầm sau khi làm việc vào ban ngày trên mặt đất. Có thời gian những đường hầm này đã được dùng để vận chuyển hàng buôn lậu.
Thành phố hang động, Nottingham, Anh: Những hang động này đã được dùng làm nhà ở từ thế kỷ XI đến tận năm 1845 khi một bộ luật cấm cho người nghèo thuê để làm nơi sinh sống ra đời. Các nhà khảo cổ vẫn đang cố gắng tìm hiểu một số hang động đã mở rộng đến đâu. Du khách đến tham quan có thể nhìn thấy những chiếc giếng và kênh đào từ thời trung cổ.
Mỏ muối Wieliczka, Krakow, Ba Lan: Mỏ muối ở miền nam Ba Lan này đã hoạt động từ thế kỷ XIII đến tận năm 2007. Hiện nay một đoạn hầm mỏ dài 2 dặm đã được sử dụng để làm nơi cho khách du lịch đến tham quan. Tại đây, những người thợ mỏ đã tạo nên một nhà nguyện và thánh đường tuyệt đẹp được trang trí bằng những chiếc đèn chùm làm từ muối mỏ.
Theo Zing
 
 

 

people like INLOOK.VN fanpage