Bạn đang ở đây

Cẩn thận khi đi 'xe dù'

Chỉ cần một chút lơ là có thể bị lùa lên "xe dù" xấu.

Cẩn thận khi đi 'xe dù'

Một cảnh chèo kéo khách ở bến xe.

Dù chưa Tết, nhưng trong thời gian gần đây, nhiều “xe dù” đang làm loạn ở các bến xe cũng như dọc quốc lộ 13, khu du lịch Suối Tiên,... Và chẳng biết đến lúc giáp Tết thì còn loạn tới mức nào, nếu các cơ quan chức năng không ra tay ngăn chặn kịp lúc.

Giành giật ở bến xe

Vì có việc phải về quê, chị Lan, 35 tuổi đang làm công nhân ở một nhà máy tại Gò Vấp mới xách giỏ ra bến xe miền Đông để mua vé về Nghệ An. Vừa bước xuống xe ôm, chưa kịp vào bến xe mua vé, chị đã thấy một người đàn ông, khoảng 40 tuổi hùng hổ đi tới, hỏi chị về đâu. Thật thà, chị Lan nói là chị muốn về Nghệ An. “Nghệ An hả? Có sẵn xe rồi, lên xe chạy ngay không cần phải mua vào bến xe mua vé gì cho mệt?”.

 

Phía ngoài bến xe luôn là nỗi ám ảnh của hành khách.

Và rồi, không kịp để chị suy nghĩ, cò 40 tuổi bước tới dằng lấy túi xách của chị mặc kệ chị đang la oai oái. Không còn cách nào khác, chị đành phải chạy theo cò, lòng tự trấn an, đi xe ngoài chắc sẽ tiết kiệm hơn khi đi xe trong bến. Tuy nhiên, khi thấy chiếc xe, chị Lan có phần hối hận vì đã không quyết liệt hơn, bởi chiếc xe mà cò dẫn chị tới vô cùng "xuống cấp", đến mức chị chẳng biết nó có thể chạy nổi đến Nghệ An hay không nữa?

Trong lúc chờ cò trao đổi gì đó với lái xe, thì có một người thanh niên tầm 30 tuổi đến làm quen: “Chị đang về quê hả?”. Thấy thanh niên đó hỏi lễ phép, chị Lan cũng đáp đại: “Ừ, chị về Nghệ An”. “Vậy hả. Vậy thì chị đi xe của em đi. Em sẽ lấy rẻ hơn xe trong bến mà xe em còn đẹp và mới hơn xe này nữa”.

Một lơ "xe dù" không cho khách xuống xe (ảnh minh họa).

Sau khi nghe, chị cũng hơi xiêu lòng, do đang sợ chiếc xe cũ kỹ này và cảm tình với giọng đồng hương. Nhưng, ngay lúc đó, cò thứ nhất bỗng quay lại, anh ta vội lật đật chạy tới giật túi xách từ tay anh này. Và rồi chị Lan đã có một pha hoảng hốt khi thấy hai người đàn ông đó chửi nhau loạn xạ, còn hành lý của chị thì bị quăng qua, quật lại.

Nhận thấy mọi việc có vẻ nghiêm trọng, chị Lan mới tới nói hai người đó thôi đi, chị sẽ vào bến mua vé. Cò thứ nhất, nói giọng tức giận: “Chị đã nhận lời đi xe của tôi rồi sao lại thay đổi. Chị cứ đứng đó, tôi sẽ thu xếp chuyện này”. Hoảng sợ, chị Lan đành phải bước sang một bên để hai cò tiếp tục giải quyết với nhau.

 

Việc các lơ xe dù tranh chấp vớ nhau xảy ra như cơm bữa.

Ngay sau đó,một nhóm người quen biết của hai cò đến trợ giúp cho cuộc khẩu chiến nhằm quyết định xem chị Lan xứng đáng đi xe nào nhất đã diễn ra khá căng thẳng và chỉ được dập tắt khi có sự can thiệp của bảo vệ.

Với những chiếc “xe dù” như thế này, chuyện bán khách, hư xe, ăn cơm tù, trấn lột, bắt chẹt,… xảy ra như cơm bữa. Nhưng sức cô, thế yếu nhiều hành khách chẳng biết phải làm sao. Chị Lan không phải là trường hợp duy nhất bị các xe “dù” quây lại tranh giành, chèo kéo. Nếu bạn ham rẻ hoặc yếu bóng vía thể nào cũng có thể bị các cò xe dù ở các bến xe Miền Đông, Miền Tây, Ngã Tư Ga đưa vào tròng.

“Bắt cóc” tại quốc lộ

Không chỉ ở bến xe, tình trạng tranh giành khách giữa các “xe dù” cũng diễn ra vô cùng quyết liệt ở các điểm đón xe vùng ngoại ô. Những ai thường đi lại xa lộ Đại Hàn đều không ít lần chết khiếp vì sự ngang ngược của các “xe dù” trong việc đón, giành giật khách bất chấp luật phát và an toàn của chính chủ xe, khách, cũng như người đi đường,...

 

Những hành khách đón xe dọc đường rất dễ đi nhằm "xe dù" xấu.

Hễ cứ thấy có ai đó đứng cạnh đường, các “xe dù” ngay lập tức tấp vào lề mà không cần nhìn trước, ngó sau. Rồi ngay sau khi dừng lại, lơ xe lập tức nhảy xuống, nắm ngay tay của của hành khách trước khi hỏi đi đâu, mà không cho khách có cơ hội thương lượng giá, quan sát xem xe có còn chỗ hay chất lượng chiếc xe,...

 

Nhiều lơ xe có hành động rất ngang nhiên, coi thường các quy tắc an toàn.

Ở cây xăng đầu tiên từ phía bến xe Miền Đông đi về đụng quốc lộ 1A rồi rẽ phải, không ngày nào là không xảy ra xô xát giữa các tài xế và lơ xe, giữa lơ xe và hành khách do tranh giành khách. “Mới hôm qua thôi, có một ông người Huế xuýt bị đánh vì dám đổi xe. Sau khi bị kéo lên xe nhưng thấy không có ghế trống, ông ta đòi xuống để đợi xe khác, thì bị lơ xe và tài xế chặn cửa không cho xuống”, chị Nguyệt bán hàng rong ở khu vực đó kể.

Với những người đón xe dọc đường, chuyện có bình an vô sự được đến quê hay không là hên xui. Không phải quy chụp, song hầu hết “xe dù” chuyên đón khách dọc đường thường làm ăn không đàng hoàng. Họ coi lợi nhuận là hàng đầu mà không cần quan tâm đến uy tín, lương tâm hay an toàn. Thế nên, họ sẽ tìm cách bán khách nếu quá ít hoặc quá tải; tìm quán “cơm tù” để được ăn uống miễn phí hoặc sẵn sàng trấn áp những vị khách khó tính, yều cầu này nọ.

Theo Báo Đất Việt

 

people like INLOOK.VN fanpage