Bạn đang ở đây

Để mùa "thăm" lúa Tây Bắc không bao giờ chán

Đến hẹn lại lên, tháng 10, các nhóm đi lại nghe ngóng thông tin mùa lúa chín miền cao phía Bắc. Từ Hà Nội, tổ chức một chuyến đi hai ngày rưỡi cuối tuần khá dễ dàng để có một khám phá không bao giờ chán.

1. Địa điểm

Các điểm đến thường cách Hà Nội khoảng 300 km, dọc tuyến là các thửa ruộng bậc thang, cánh đồng lúa, thung lũng lúa nổi tiếng như Tú Lệ, Mù Căng Chải, Than Uyên, Sa Pa, Tả Giàng Phình, Ý Tý, Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Bản Giốc.

 

Quản Bạ.


Đây là những địa danh hết sức quen thuộc, và với dân đi chuyên nghiệp mùa lúa nào cũng đi thì mỗi lần đi về phía Bắc, họ lại tìm kiếm những địa danh xa xôi, cách trở và hẻo lánh hơn, với vẻ đẹp hoang sơ và đậm chất địa phương hơn như Lìm Mông, Chế Tạo, Trạm Tấu, Púng Luông (Yên Bái), Mường Chiến (Sơn La), Xín Mần (Hà Giang), Mường Hoa (Sa Pa), Dền Thàng, ChuLìn, Ngải Thầu (Bát Xát, Lào Cai)...

2. Thời điểm

Lúa ở miền núi phía Bắc gieo không đều, mỗi năm một vụ, theo kinh nghiệm thì lúa ở Sa Pa, Quản Bạ hay chín sớm và gặt sớm hơn các vùng khác, lúa Hoàng Su Phì gieo muộn nhất. Mù Căng Chải thì vô cùng phong phú, có những nơi gặt chênh nhau cả tháng. Tất cả khiến bức tranh lúa miền cao phía Bắc trở nên phong phú và đa dạng, tạo ra nhiều lựa chọn cho các nhóm đi.

Phần lớn các nhóm hay tìm thông tin của người mới đi về hoặc điện thoại lên để kiểm tra tình hình lúa chín, thời gian gặt để sắp xếp một chuyến đi đúng thời điểm mong muốn nhất.

 


3. Thời tiết

Mùa "thăm" lúa của dân phượt luôn gắn liền với sở thích chụp hình. Do vậy, thời tiết sẽ là một yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của chuyến đi, nếu mưa bão thì đường sá và di chuyển sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nếu gặp thời tiết tốt, trời trong xanh, nắng vàng, lại đúng mùa gặt "từng lớp lớp gánh về" thì thành quả của chuyến "thăm" lúa sẽ làm mãn lòng dân phượt. Nhưng nếu không may thời tiết không được hoàn hảo thì các chuyến đi vẫn thường có tác dụng giải stress cho nhiều bạn trẻ.

4. Ăn, ngủ

Đến các vùng thăm lúa, nếu vào vùng sâu, vùng xa, các nhóm đi nên chuẩn bị đồ ăn dự phòng. Nhà nghỉ có thể tìm sự giúp đỡ từ người dân hoặc chính quyền xã, bản. Nếu đi đến vùng biên giới phải mang theo giấy tờ tùy thân và tuân theo các quy định của vùng biên.

 


5. An toàn giao thông

Phần lớn các nhóm đi "thăm" lúa thường tự tổ chức đi ôtô riêng hoặc di chuyển bằng xe máy. Với điều kiện địa hình đèo cao, vực sâu, đường sá quanh co, an toàn giao thông luôn phải đặt lên hàng đầu. Không nên đi thành nhóm lớn, khó kiểm soát. Đặc biệt lưu ý khi dừng chân bên suối, trên cầu, tránh các tai nạn đáng tiếc.

Nhóm đi bằng xe máy nên chuẩn bị xe cộ thật tốt và mang theo đồ sửa xe dự phòng.

Chúc các bạn trẻ một mùa "thăm lúa" vui vẻ và an toàn!

 

Theo TTO

people like INLOOK.VN fanpage