Bạn đang ở đây

Tips để du lịch Lễ tết không bị "chặt chém"

Các kỳ lễ tết là dịp tất cả mọi người đều được nghỉ, không phải đi làm hay đi học nên thường rủ nhau đi du lịch. Với số lượng du khách đông như vậy, lượng cầu tăng đột biến nên các hàng quán ở những điểm du lịch có rất nhiều chiêu chặt chém khách du lịch không thương tiếc trong các dịp lễ tết này.

Tuy nhiên, những cái bẫy chặt chém này không phải quá khó nhận biết và phòng tránh. Dưới đây là một số bí quyết giúp tránh nạn chặt chém khi đi du lịch dịp lễ tết mà bạn nên tham khảo. 

 

 Vũng tàu - một trong những nơi có nạn chặt chém nặng nhất  

Tìm hiểu kỹ khi đi du lịch

 

 

Đây là điều cần thiết đầu tiên trước khi đi du lịch, đặc biệt là trong dịp lễ tết. Bạn cần lên kế hoạch cụ thể sẽ đi những đâu, di chuyển bằng gì, cư trú tại đâu, ăn uống những chỗ nào và nên tránh những chỗ nào đã từng có tiền sử chặt chém. Điều này cực kỳ hữu ích để bạn không vô tình rơi vào cái bẫy của các chủ hàng quán bất lương. Thực tế, ngày nay các cộng đồng du lịch phát triển rất lớn mạnh nên việc chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm rất dễ dàng, bạn nên tận dụng điều đó. Bạn cũng nên gọi điện hỏi giá và đặt chỗ trước những khi đến địa điểm du lịch để mình chủ động hơn. 

Đi cùng người dân địa phương

 

Thật tuyệt nếu bạn đi du lịch đến một nơi mà có người thân hay bạn bè của bạn ở đó, bạn sẽ không phải lo về việc bị chặt chém khi đi cùng với họ. Nhưng nếu không có người thân bạn bè là dân địa phương, bạn cũng có thể kết thân với một người dân địa phương như chủ khách sạn, chủ cho thuê xe, tài xế… để hỏi họ kinh nghiệm nên đi những đâu, nên tránh chỗ nào. Khi vào hàng quán, bạn đừng nên mua vội mà chịu khó đứng quan sát một người dân địa phương mua như thế nào, với giá bao nhiêu để chuẩn bị trước.

 

Đây chính là bí quyết của rất nhiều khách quốc tế khi đến Việt Nam, họ thường đứng quan sát xem người dân địa phương trả bao nhiêu cho sản phẩm họ định mua, nếu người bán bán cho họ với giá cao hơn, họ sẽ từ chối mua.

Dùng GPS khi đi taxi

 

Ở các thành phố lớn như  Hà Nội hay Hồ Chí Minh, taxi luôn là nỗi lo ngại với các du khách quốc tế lẫn nội địa từ nơi khác đến. Tài xế sẽ không chạy thẳng đến nơi bạn yêu cầu mà sẽ chạy lòng vòng để tính tiền dựa trên số km tại đồng hồ. Hoặc nếu họ thoả thuận thuê nguyên chuyến họ cũng sẽ đưa ra mức giá rất cao. Điều bạn cần làm là trang bị sẵn bản đồ hoặc thiết bị có chức năng định vị GPS để biết được quãng đường và cách họ lái để không bị bắt nạt.

 

Ngoài ra, các ứng dụng bắt taxi trên di động hiện nay như Grabtaxi, Uber cũng giúp bạn biết trước số km sẽ đi và ước tính số tiền phải trả. Nếu bị chặt chém, bạn có thể khiếu nại đến công ty phát triển các ứng dụng này.

Hỏi giá trước 

Trước khi mua một sản phẩm hay chọn một dịch vụ gì, việc hỏi giá trước là hết sức cần thiết. Nhiều người với tâm lý ngại hỏi giá trước khi ăn uống đã trở thành nạn nhân của các vụ chặt chém không thương tiếc trong các dịp lễ tết. Không những phải hỏi giá trước, mà bạn còn phải hỏi thật kĩ. Hỏi tổng số lượng cụ thể và có thể có chi phí phát sinh gì không vì họ có muôn vàn lý lẽ để chặt chém, chèn ép khách du lịch.  

 

Có trường hợp, một khách du lịch ở Vũng Tàu khi hỏi giá một trái dừa bao nhiêu, người bán hét 40.000/trái. Người này mặc cả được với giá 15.000/ trái, nhưng sau khi uống 2 trái dừa thì bị tính tiền 55.000. Người bán giải thích là: “Anh chỉ trả giá 15.000 cho trái dừa đầu tiên chứ chưa trả giá cho trái dừa thứ hai”.

Kiểm tra hóa đơn

 

Thực tế, có nhiều người bán gian lận thường khi thêm hoặc cố tình tính sai giá tiền của sản phẩm, đặc biệt là các nhà hàng ăn uống vì họ cho rằng danh sách các món ăn dài và đi với số lượng đông thì khách du lịch không thể nhớ rõ giá và số lượng từng món. Vì vậy, trước khi thanh toán, bạn cần phải rà soát hoá đơn thật kỹ để không bị mất tiền oan uổng.

Nắm số điện thoại của cơ quan chức năng địa phương

Bạn nên ghi lại số điện thoại của các cơ quan chức năng địa phương để nhờ hỗ trợ nếu xảy ra tình trạng chặt chém, có thể dẫn đến ẩu đả, xô xát. Hiện nay, ở một số địa phương đã có đường dây nóng phục vụ riêng cho việc tiếp nhận xử lý các vụ chặt chém để bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch. Trước khi du lịch đến một địa điểm, bạn nên tìm hiểu qua thông tin này để có thể yên tâm hơn về chiếc ví của mình khi đi du lịch trong những ngày lễ tết.

 

Nền du lịch Việt Nam đang cải thiện dần, một trong các vấn đề được ưu tiên hàng đầu là dẹp bỏ nạn chặt chém. Tuy nhiên phải mất một thời gian dài nữa mới có thể dẹp bỏ hoàn toàn vấn nạn này. Trước mắt, bản thân chúng ta khi đi du lịch vào dịp lễ tết cần trang bị các kiến thức và kĩ năng cần thiết để đối phó với việc bị chặt chém khi đi du lịch, đặc biệt là vào các ngày lễ tết.

Theo depplus

people like INLOOK.VN fanpage