Bạn đang ở đây

Nghệ sĩ Phương Dung: Nhọc nhằn danh vọng

Thời mà tiểu phẩm hài "Tội phạm sứt môi" của nghệ sĩ Hữu Phước và chị làm mưa làm gió trên các sàn diễn, chị đi show suốt. Hết các tụ điểm ở Sài Gòn, lại đến tỉnh. Hết phía Nam, ngược lại ngược về phương Bắc. Hết trong nước lại sang đến tận Hoa Kỳ... Chị đi biền biệt. Chị nghĩ đơn giản thôi, vận mình đang đến, phải cố cày để kiếm được bao nhiêu thì kiếm. Vậy mà, đến khi chị giật mình tỉnh ra, người đàn ông của chị đã rời xa chị...

1. Phương Dung nhắc chuyện xưa đã không còn nhiều nuối tiếc nhưng vẫn thảng thốt nỗi buồn. Anh với chị gặp nhau cũng muộn, thương chị, anh từ Úc hồi hương về Việt Nam để thành vợ thành chồng. Chị, theo nghiệp diễn từ hồi đầu những năm của thập kỷ 80 ở thế kỷ trước, danh vọng vẫn đang chờ, nên khi tiểu phẩm Tội phạm sứt môi thắng lớn, chị cứ mải miết kiếm tìm.

Nghệ sĩ mà, lại là nghệ sĩ nữ, thì sàn diễn và mái ấm đôi khi phải đánh đổi. Chị với anh chia tay nhẹ tênh, dẫu nói như chị thì "Chị bị sốc nhiều lắm. Chị nghĩ, chị kiếm ra tiền cũng chỉ để lo cho gia đình thôi. Chị lại xinh xắn, chung thủy... Có thua gì người ta đâu mà ổng tìm đến người phụ nữ khác". Nói thì nói vậy, qua cơn sốc ban đầu, chị hiểu, người đàn ông luôn cần một nơi để tìm về. Mà chị thì lại không làm được điều đó. Thôi thì coi như duyên phận chỉ chừng ấy thôi.

Chị hỏi, khoảng chừng ba năm trở lại đây chị mới nổi tiếng, đúng không em? Tôi đáp, dạ rất chính xác. Hiện tại, chị đang đổ bộ vào tất cả các đài truyền hình tại miền Nam. Chị cười, nói cái nghiệp diễn này ngộ lắm. Có những người mới bước vào nghề phút chốc thành ngôi sao. Còn chị, theo nghề gần 30 năm, giờ mới may mắn được khán giả nhớ tên tuổi. Cũng giống như, người ta đi thang máy còn chị đi cầu thang bộ vậy.

Phương Dung có lối diễn rất thích, thật cứ như không phải đang vào vai. Chị diễn hài kịch, bi kịch… vào vai thứ chính, vai phản diện… vai nào cũng hay. Hay đến mức về quê bị hàng xóm đón đầu chặn lại, chỉ mặt mắng: "Ngoài đời mày cũng dễ coi quá mà, sao lên phim ác vậy". Mắng xong, tát một cái cật lực vào vai rồi bỏ đi. Phương Dung đứng cười trừ, chứ biết là làm sao. Có thành công thì khán giả mới nhớ, mà nhớ kiểu này thì... hơi cực mình. Dẫu sao, còn đỡ hơn là người ta quên hẳn.

 

Nghệ sĩ Phương Dung.


Năm 1982, khi còn đang là nữ sinh trung học, nhóm bạn học cùng lớp của chị hứng chí, rủ chị sang trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh nộp đơn thi cho vui. Có khi, nghiệp diễn của chị khởi đầu từ đây. Cả hội cùng thi, chỉ có mình chị đậu.

"Hồi đó, chị có tính học đâu em. Chị thích học Đại học Hàng hải hơn. Vậy nên, khi chị trúng tuyển vào Cao đẳng Sân khấu, nhà trường gửi giấy báo về chị có để ý đâu. Mãi đến lần thứ hai, đọc thấy nhà trường ghi "Cô Lê Thị Phương Dung, nếu cô không đăng ký học, vui lòng mang giấy trúng tuyển đến nộp lại cho nhà trường. Nhà trường sẽ lấy thí sinh có số điểm gần kế cô thay thế". Nghe vậy, chị mới cầm giấy lên trường", chị kể.

Ngày chị vào trường để trả lại giấy trúng tuyển, ngay thời điểm trường đang phát nhu yếu phẩm cho sinh viên. Thấy người ta hớn hở lãnh tiền, gạo, đường, thịt... Chị đâm ra bần thần. Níu áo một sinh viên, chị hỏi: "Nhà trường bán hả chị?". "Đâu có em, tiêu chuẩn của mỗi người mà", trả lời.

Phương Dung nghĩ rất cà tửng, mình đi học, lại có tiền, có thực phẩm, mắc mớ gì mà không đi. Theo chị nhớ thì tiêu chuẩn của mỗi sinh viên trường Cao đẳng Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh thời điểm đó là tiền, 20 kg gạo, 2 kg thịt, 2 kg đường, 100 gr bột ngọt... mỗi tháng. Nhưng đổi lại, thí sinh phải mang sổ hổ khẩu bản chính đưa cho trường giữ. Học xong 4 năm, trường điều về tỉnh nào phải về tỉnh đó. Công tác ở tỉnh hơn năm thì ngược lại về Sài Gòn.

Vậy mà, Phương Dung học đến năm II thì nghỉ hẳn.

2. Thời điểm đó, đoàn kịch Kim Cương của nghệ sĩ Kim Cương cần người. Sài Gòn năm ấy, hai đoàn kịch nổi tiếng nhất là đoàn Bông Hồng của tài tử Thẩm Thúy Hằng và đoàn Kim Cương. Nghệ sĩ Kim Cương xem chị diễn trong chương trình Trong nhà Ngoài phố của đạo diễn Thế Ngữ trên sóng Đài truyền hình TP HCM, xem có một vở mà kết luôn. Chị về với Đoàn Kim Cương từ đó.

Để mang chị về, nghệ sĩ Kim Cương phải trả tiền bồi hoàn cho hai năm học của chị ở trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh.

Nhớ lần chị đi cùng đoàn Kim Cương ra Huế lưu diễn, chị vào vai cô Ba Hội đồng, nhân vật rất hắc ám trong vở diễn. Không hiểu hôm ấy Phương Dung nhập tâm diễn như thế nào mà khán giả ở Huế nhặt đá ném lên sân khấu tới tấp. "Ném đi, ném cho chết cái con mụ ác nhơn thất đức đó đi", họ gào lên phẫn nộ. Đá ném đến mức, chủ đoàn phải cho nhân viên kéo màn lại. Bố trí cho Phương Dung chỗ núp an toàn, chủ đoàn mới ra thưa chuyện: "Thưa bà con, bà con nhớ cho là Phương Dung chỉ là nghệ sĩ hóa thân thành vai diễn thôi. Chứ ngoài đời, Phương Dung hiền khô. Bà con đừng ném đá nữa, để Phương Dung hát tiếp", nói cứ nói, giải thích giải thích, còn ném đá cứ... ném đá. Mãi một lúc sau, khán giả ở Huế mới nguôi ngoai để ngồi xuống xem diễn tiếp.

 

Phút sum vầy của Phương Dung và mẹ.


Cũng ngộ, diễn là diễn vậy mà ra đường người ta chỉ toàn nhớ vai diễn chứ không biết Phương Dung là ai. Ở đoàn Kim Cương một năm, lên một cơn chán đời, chị nghỉ diễn ở nhà ra chợ An Đông phụ mẹ bán... bún thịt nướng.

Nhà chị có tiệm bán bún thịt nướng nổi tiếng khắp chợ An Đông theo kiểu mẹ truyền sang con gái. Nổi tiếng đến mức, có bà chủ kinh doanh cửa hàng thức ăn ở Mỹ, về nói với bà ngoại chị rằng "Con sẽ bỏ tiền cho bà sang Mỹ định cư. Đổi lại, bà dạy con cách pha nước mắm chan bún thịt nướng". Bà ngoại chị từ chối đề nghị đó. Đơn giản, bà có tuổi, bà không muốn xa Việt Nam.

Ở nhà được hơn năm, nhớ sân khấu quá chị chịu không nỗi. Nghe chị kể thương thương. Chị nói, tất bật cả ngày ngoài chợ phụ mẹ bưng bê thì còn đỡ nhớ chứ đêm về ánh đèn sân khấu, đồng nghiệp, khán giả trong ký ức cứ làm mình cồn cào ruột gan. Để đỡ nhớ, chị lục lại đồ trang điểm, cũng đánh phấn tô son, soi mình trước gương... rồi lặng lẽ buồn.

Có ai đó rủ chị về đoàn Bông Hồng, chị nhanh chóng nhận lời. Chị diễn ở đoàn Bông Hồng ít lâu thì đoàn Bông Hồng sát nhập với đoàn Cửu Long Giang, thành Đoàn kịch Thành phố. Cây đa cây đề về cả đoàn kịch này, khiến lớp diễn viên như chị phút chốc trở thành... diễn viên trẻ. Chị đói vai diễn, lắm khi phải đứng cánh gà nhắc tuồng cho nghệ sĩ khác. Chán, lại bỏ ngang nghề.

Một ngày, đang nằm ở nhà thở dài thì chị bất thần nghe tiếng của Công Hậu gọi, "Chị Dung ơi, thay đồ nhanh, đi diễn với em". Nghe nói quýnh quáng lên là thay đồ, ngồi lên yên phía sau xe gắn máy của Công Hậu, chưa kịp hỏi là diễn cái gì, ở đâu. Công Hậu chở Phương Dung thẳng đến phim trường của bộ phim nhựa Phạm Công Cúc Hoa.

Đây là bộ phim tạo nên cơn sốt thời điểm những năm 90. Lý do đạo diễn tìm đến Phương Dũng cũng ngộ. Nữ nghệ sĩ vào vai Tào Thị, đang quay ngon trớn tự dưng nghỉ diễn, đạo diễn hoảng quá mà không biết làm cách nào. Họp đoàn phim, hỏi thẳng "Ai biết nghệ sĩ nào đóng vai ác được không?". Công Hậu ở dưới nghe vậy, giơ tay đáp "Có!". Vậy là, Phương Dung có mặt tại trường quay. Đọc sơ thoại, là chị nhào vào diễn luôn.

Chị diễn tốt đến mức, cho đến giờ người ta vẫn gọi chị là Tào Thị. Ngày bé, tôi xem bộ phim này đến mê mẩn. Ghét Tào Thị như thù, hóa ra lại có ngày được ngồi với chị.

Nghĩ cuộc đời cũng lạ.

Rồi chị làm trụ cột ở đoàn kịch Sài Gòn, làm tiếp sang Idecaf..., trước khi bén duyên với phim truyền hình và thành công luôn cho đến ngày nay.

3. Giờ Phương Dung có vẻ viên mãn mọi thứ. Chị có một tình yêu đẹp với người đàn ông cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Mỗi năm, chị vẫn tranh thủ sang Mỹ thăm anh vài tháng, rồi lại về. Hỏi sao chị không sang đấy luôn. Chị mỉm cười, nói chị còn nhiều thứ ở Việt Nam. Mà bên đó cuộc sống hiện đại quá, gấp gáp quá, chị không quen. Về Việt Nam, cả ngày cắm mặt ở trường quay, đêm lại bật webcam trò chuyện với người yêu, kể cũng hạnh phúc.

Chị có gia đình ăm ắm niềm vui, với mẹ, vợ chồng cô em gái và đứa cháu xinh xắn. Căn nhà trên lầu bảy ở chung cư Thiên Nam của chị rất đẹp. sang trọng.

Lịch diễn của chị dày đặc, có lúc, chị theo cùng lúc 5 phim truyền hình dài tập. Được cái, trời thương nên cho chị trí nhớ tốt. Gần như chị luôn nhớ kịch bản ngay lần đọc đầu tiên.

 

Ngoài thời gian cho nghệ thuật, Phương Dung dồn hết tình cảm cho gia đình của mình.


Chán nhất là học kịch bản. Nhớ có lần đạo diễn Đinh Thái Thụy rủ tôi xuống Vũng Tàu vào vai một trung úy Bắc Việt trong bộ phim truyền hình đình đám Đoàn tàu không số. Mình ham vui, hưởng ứng nhiệt liệt. Đến khi trợ lý của Thụy email kịch bản, thoại vài mươi câu mà học hoài không thuộc. Nản quá nhắn tin: "Thụy, tha lỗi cho mình. Về Sài Gòn, mình xin lỗi Thụy sau". May là Thụy không bắt lỗi.

Kể tếu táo cho vui, trở lại chuyện của Phương Dung. Hỏi chị thời điểm khốn khó nhất của chị là lúc nào?. Chị trả lời, khi mà mỗi suất diễn của chị cát sê 20 nghìn, mà tiền xe ôm mất hết 15 nghìn. Có khi, đêm chỉ diễn được một suất.

Tội nghiệp, chị nhờ cô hàng xóm chạy xe ôm chở chị. Mặc cảm với đồng nghiệp, chị dặn cô chạy xe honda ôm: "Em mặc đồ đàng hoàng xíu, nghen. Có gì, chị giới thiệu em với mấy nghệ sĩ khác rằng, em là em của chị".

Giờ thì đã có Phương Dung khác, nhất là khi chị cười nói: "Chị cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có. Như vậy là đủ lắm rồi, chị chỉ mong trời cho mình sức khỏe tốt hơn thôi".

Mà tình thiệt thì Phương Dung ở ngoài xinh hơn Phương Dung trong phim rất nhiều.

Còn những trúc trắc khác về cuộc đời của chị, mà tôi đã ghi chép chật kín mấy trang sổ tư liệu.

Nhưng chuyện đã qua cứ để qua nhẹ như gió thổi ngoài song.

 

Ngô Kinh Luân

Ảnh: Nhân vật cung cấp

people like INLOOK.VN fanpage