Bạn đang ở đây

Điện ảnh và những lễ cưới nhìn qua cứ tưởng vui

Có một thực tế không mấy vui cho các cặp cô dâu và chú rể là Hollywood không thích làm phim về họ. Lý do đơn giản thôi: Bản thân đám cưới chỉ là một cái mốc. Tình yêu trước nó và hôn nhân sau nó đều có kịch tính, chứ đám cưới thì ra kịch bản hay làm sao?

Nhìn vào phim đám cưới, chợt nhận ra một triết lý hay. Đấy là người ta luôn nghĩ rằng ngày cưới là một ngày vui, một sự kiện hấp dẫn và gây hào hứng cho những người tham gia nó.


Lướt mắt qua bảng xếp hạng doanh thu của những bộ phim có chủ đề đám cưới của Mỹ được phát hành sau nam 1982 mà trang thống kê uy tín boxofficemojo đưa ra, nhận ra ngay sự thê thảm: Bộ phim đứng đầu - My Big Fat Greek Wedding (Đám cưới linh đình kiểu Hy Lạp của tôi) đạt doanh thu 241 triệu USD, một con số chỉ tương đối khá ở tầm vóc Hollywood. Đến vị trí thứ 15, Bride Wars (Cô dâu đại chiến) doanh thu đã chỉ còn là 58 triệu USD, mức thất bại với nhiều tác phẩm điện ảnh có sự tham của kiều nữ Anne Hathaway. Đến vị trí thứ 37, phim The Groomsmen với diễn xuất của Brittany Murphy, thì doanh thu đã ở mức 129.000 USD, con số đáng để một tác phẩm như Bẫy rồng hay Để mai tính cười nhạo. Tiếp tục nhìn xuống thì ôi thôi, vị trí thứ 41 thuộc về My First Wedding, bộ phim có doanh thu 14.982 USD, không bằng ngày công chiếu đầu tiên của Bóng ma học đường.

 

My Big Fat Greek Wedding - phim về đám cưới ăn khách nhất mọi thời đại.


Rất khó để xây dựng kịch tính nếu muốn lấy một đám cưới làm trung tâm. My Big Fat Greek Wedding thành công co lễ bởi nó là một bộ phim hài, lấy những tình tiết nhỏ nhặt để mua vui cho người xem. Còn mâu thuẫn chính kịch trong đám cưới, thì chắc cao trào nhất cũng chỉ đến như cô dâu chạy trốn trong bộ phim cùng tên là tối đa. "Người đàn bà đẹp" Julia Roberts trong phim ấy đã chạy trốn đến bốn cái đám cưới, bắt bốn chú rể phải chưng hửng trong ngày cưới chỉ vì sự thiếu nhất quán trong tình yêu, để đến cuối phim mới gặp được anh chàng phóng viên do Richard Gere thủ vai rồi có đám cưới thật sự của đời mình.

Nghĩa là ngẫm lại, đó là một bộ phim lấy việc tiêu diệt các đám cưới làm tiền đề của sự hấp dẫn, chứ không phải bản thân cái đám cưới. Nó cũng giống như một bộ phim mang tiếng là làm về chính trị (đề tài vốn rất khó nhằn), nhưng hóa ra lại nói về một sát thủ đi ám sát chính khách (rất dễ câu khán giả). Một sự ăn khách không thực sự liên quan đến ám cưới.

 

 

Julia Roberts trong phim Runaway Bride (ảnh trên) và Brittany Murphy trong phim The Groomsmen.


Hãy phân tích một bộ phim khác về đám cưới tạm coi là thành công (dựa trên tiêu chuẩn thành công nghèo nàn của chủ đề này): Bride Wars, được phát hành ở Việt Nam năm 2009 dưới tên Cô dâu đại chiến. Mâu thuẫn trong phim được tạo ra khi đôi bạn thân do Kate Hudson và Anne Hathaway thủ vai cùng chọn một nhà tổ chức đám cưới danh tiếng cho lễ cưới của mình, cùng cưới một ngày, và tranh chấp nhau từng bó hoa hay chiếc váy với mong mướn mọi thứ được hào hảo, khiến cho tình bạn rạn nứt. Một ý tưởng tuyệt vời. Nó cho người ta thấy được những nét chính yếu nhất của một đám cưới. Từ sự háo hức của các cô dâu, sự vất cả trong từng khâu chuẩn bị cho đến lòng mong mỏi có được một ngày lễ hoàn hảo. Nhưng đến khi triển khai ra thì lại rất thiếu muối.

Nếu cuộc đại chiến diễn ra giữa hai cao thủ võ thuật, hai nhạc công hay thậm chí là... hai nhà toán học, quá trình khó khăn để giành giật từng mẩu thành tựu của họ trên phim sẽ hấp dẫn hơn nhiều: Chúng được tô điểm bởi chính vẻ đẹp của lĩnh vực rộng lớn mà họ đang tham gia. Nhưng quá trình tạo ra một đám cưới, về cơ bản là một tổ hợp các hành động cơ học vụn vặt, mua thứ này, sắp xếp thứ kia. Cao trào của phim - cái đám cưới - lại là một hình ảnh rất khó phá cách. Nó tuân theo tươi đối nhiều quy phạm về thời trang, diễn tiến và hàm chứa nhiều quãng đơn điệu.

 

Kate Hudson (trái) và Anne Hathaway trong phim Brides War.


Bất kỳ cao trào nào cũng hay hơn đám cưới. Một trận đấu quyền anh có thể ngốn hai mươi phút trên phim, vì mỗi cú đấm đều có thể tạo ra những thước phim đẹp. Bài phát biểu của một chính trị gia có thể khiến người ta xúc động trong mười lăm phút, khi góc máy hướng vào khuôn mặt của từng tầng lớp trong số nhân dân của ông ta. Nhưng một đám cưới, ngoài đời thực cũng diễn ra trong từng ấy thời gian, nhưng lên phim thì ba phút đã là dài (trừ khi có một tên khủng bố ôm bom lao vào bắt cóc tất cả làm con tin và cảnh sát bao vây nhà thờ).

Chỉ có lúc cô dâu bước lên, chú rể trao nhẫn, một vài điệu nhảy vui vẻ trong bữa tiệc là các thước phim đáng giá. Còn cô dâu trang điểm, cô dâu và chú rể đi chúc rượu hai trăm thực khách, chú rể chụp ảnh với ba vạn chín nghìn cậu bạn học cũ, những thứ gây quỹ thời gian chủ yếu cho một đám cưới, không liên can mấy đến điện ảnh.

 

 

Cảnh trong phim My Best Friend's Wedding (ảnh trên) và Mama Mia!.


Nhìn vào phim về đám cưới, chợt nhận ra một triết lý hay. Đấy là người ta luôn nghĩ rằng ngày cưới là một ngày vui, một sự kiện hấp dẫn và gây hào hứng cho những tham gia nó. Nhưng cũng giống như phim về đám cưới, những góc máy đẹp thì ít, mà những thứ vất vả không tên và chẳng lãng mạn chút nào đằng sau nó thì nhiều.

Và xa hơn nữa, thì đám cưới không phải là một sự kiện mang tính kết luận như người ta hay nghĩ về nó. Đó chỉ là một cột mốc lớn trên đại lộ tình yêu, có giá trị ương đương với ngày quen nhau, nụ hôn đầu và chắc chắn không ý nghĩa bằng ngày chào đời của đứa con đầu lòng. Đó là một nghi thức mang tính tuyên bố, tình yêu diễn trong, trước và sau nó, chẳng phụ thuộc gì.

Gọi đám cưới là một sự thăng hoa có lễ hơi cưng chiều khái niệm ấy quá. Cứ nhìn phim là thấy: Người ta thăng hoa sau những hờn ghen, sau gian khó, thăng hoa khi tìm thấy nhau chứ mấy khi thăng hoa trong đám cưới.

 

Trailer phim My Big Fat Greek Wedding.

 

Đức Hoàng

people like INLOOK.VN fanpage