Bạn đang ở đây

Mr. Đàm ủng hộ lồng tiếng Việt cho phim hoạt hình

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, người lồng tiếng nhân vật Mèo đi hia trong phim hoạt hình Puss in Boots sẽ ra mắy ngày 25/11 tới, cho rằng việc lồng tiếng phim hoạt hình là rất thú vị và cần phát huy.

Trong những năm trở lại đây, các nhà nhập phim tại Việt Nam đã cố gắng mang về những bộ phim bom tấn của Mỹ, góp phần làm phong phú và sôi động hơn cho thị trường phim rạp tại nước ta. Dòng phim hành động, phiêu lưu, khoa học viễn tưởng thuộc hàng phim "bom tấn" vẫn được khán giả ưa chuộng nhất. Và vì thế, việc nhập phim hoạt hình cũng rất ít. Do vậy, lồng tiếng Việt cho phim hoạt hình Hollywood càng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, thậm chí chưa xét đến yếu tố kinh phí đầu tư.

Nếu tính đến thời điểm này, trong vòng 8 năm qua, những bộ phim hoạt hình nổi tiếng được chăm chút cho khâu lồng tiếng cũng chỉ vỏn vẹn con số 4.

 

Quá ít phim hoạt hình Hollywood được lồng tiếng Việt trong suốt 8 năm qua. Trong một năm, phim hoạt hình được nhập về nhỏ giọt, việc lồng tiếng Việt lại càng chỉ đếm trên đầu ngón tay.


Đó là bộ phim Finding Nemo (Truy tìm Nemo) - ra mắt năm 2003 tại Mỹ. Bộ phim kể về câu chuyện của hai bố con chú cá Nemo. Cá bố luôn muốn bảo bọc Nemo nhưng Nemo thì lại muốn bơi ra "biển đời" để mở rộng tầm nhìn, tích luỹ kinh nghiệm sống trong môi trường xung quanh. Sau bao va chạm, gặp nhiều nhân vật tốt xấu, chú cá bé Nemo đã trưởng thành hơn, dũng cảm hơn. Một bộ phim ý nghĩa, mang đến bài học hay cho khán giả nhỏ tuổi. Tại thời điểm đó, Diamond Cinema đã nhập phim này và đầu tư khâu lồng tiếng Việt cho phim với sự góp giọng của hai diễn viên kịch nói được yêu thích là NSƯT Thành Lộc và NSƯT Thanh Thủy cho nhân vật Marlin và Dory. Ngay lập tức bộ phim hoạt hình này cũng đã thu hút sự chú ý của khán giả dù là nó đã được phát hành ở Mỹ trước đó một năm, phải đến năm 2004 phim mới được nhập về chiếu tại Việt Nam, nhưng bởi nó là bộ phim hoạt hình Hollywood đầu tiên được lồng tiếng Việt.

Bộ phim Open Season (Gấu bự vào hươu còi), phát hành năm 2006 tại Mỹ và xuất hiện ở Việt Nam với tựa đề Gấu bự và hươu còi. Đây là câu chuyện cảm động về cuộc sống, tình bạn và những giá trị vô giá của môi trường thiên nhiên, được cụ thể hóa bởi cuộc hành trình của chú gấu Boog ngờ nghệch, dễ thương và người bạn hươu rừng lắm điều, quê mùa Elliot. Phim được BHD & Sài Gòn Media phối hợp nhập và lồng tiếng Việt, tập hợp hơn 80 diễn viên lồng tiếng, trong đó một lần nữa có sự góp giọng của NSƯT Thành Lộc.

Đến năm 2011, một sự đột phá trong khâu lồng tiếng Việt cho phim hoạt hình khi bộ phim hoạt hình 3D mang tên RiO, ra mắt vào ngày 15/4/2011 tại Mỹ và có mặt tại các rạp Việt Nam vào ngày 30/4 vừa qua. RiO là bộ phim hoạt hình lấy bối cảnh thành phố Rio de Janeiro và những cánh rừng nhiệt đới ở Brazil, bộ phim hài phiêu lưu tập trung vào Blu, chú vẹt đuôi dài Nam Mỹ, tưởng rằng mình là hậu duệ cuối cùng của giống loài. Khi khám phá ra còn có một cô vẹt nữa giống mình, Blu rời khỏi tổ ấm ở Minnesota và tới Rio. Định mệnh đẩy hai cô cậu vẹt đến với nhau, cả hai đã có một cuộc hành trình nhớ đời mà qua đó chúng học được về tình bạn, tình yêu, sự quả cảm và việc cởi mở lòng mình đối với những điều kỳ diệu của cuộc sống. Nhà phát hành MegaStar đã đầu tư 1 tỉ đồng để biến RiO trở thành bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên được lồng tiếng Việt tại thị trường phim rạp Việt Nam. Ba nghệ sĩ tham gia lồng tiếng có diễn viên Minh Tiệp, Đại Nghĩa và diễn viên - ca sĩ trẻ Minh Hằng.

Gần đây, ngày 5/8/2011, bộ phim hoạt hình 3D có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên bên cạnh các nhân vật hoạt hình đó là bộ phim The Smurfs (Xì trum). Nội dung bộ phim Xì trum 3D tạo cho khán giả những khoảnh khắc thư giãn, vui tươi, nhẹ nhàng với tình tiết phim gây cười tinh tế xoay quanh câu chuyện tìm đường trở về quê hương của đại gia đình Xì trum. Sau khi bị tên phù thủy áo đen gian ác Gà Mên phát hiện ra nơi trú ẩn tại thiên đường cổ tích tươi đẹp, các chú Xì trum tội nghiệp đã phải lẩn trốn và trú ẩn tại một hang động ngầm dưới mặt đất. Tuy nhiên, thật bất ngờ đây lại chính là cánh cửa thời gian, mang họ đến với một thế giới vô cùng xa xôi và kỳ lạ, đó chính là thế giới hiện đại - thành phố New York. Họ đã phải nương náu tại nhà của một cặp đôi mới cưới và tìm cách quay trở lại ngôi làng của mình trước khi tay phù thuỷ tìm ra họ. NSƯT Thành Lộc tiếp tục có duyên khi được hãng phim Thiên Ngân mời về lồng tiếng cho nhân vật Gà Mên và Tí Vụng Về trong bộ phim hoạt hình 3D Xì trum.

 

Phim Xì trum 3D với sự tham gia lồng tiếng của NSƯT Thành Lộc. Anh cũng là người có duyên với việc lồng tiếng phim hoạt hình Hollywood.


Tính từ đầu năm 2011 đến nay, chỉ có 8 bộ phim hoạt hình hay phim có sự diễn xuất của diễn viên bên cạnh các nhân vật hoạt hình được nhập về chiếu tại các rạp phim Việt Nam, đó là: Tangled, Rango, Hop, Mars Needs Moms, RiO, Kungfu Panda 2, Cars 2, The Smurfs 3D. Con số này liệu có đủ đáp ứng nhu cầu thưởng thức phim hoạt hình của khán giả?!

Như vậy, trong 8 năm qua, chỉ có 4 bộ phim hoạt hình Hollywood được lồng tiếng Việt, một con số khá ít ỏi. Nhìn nhận về thực tế khâu lồng tiếng Việt cho phim hoạt hình trên thị trường phim rạp vẫn còn nhiều hạn chế.

Nếu như bộ phim Truy tìm Nemo là phim hoạt hình đầu tiên được lồng tiếng Việt thì nó lại bị hạn chế bởi kỹ thuật lồng tiếng lúc bấy giờ không đủ tiêu chuẩn, không thể đáp ứng chất lượng âm thanh đủ tốt để tạo ra hiệu quả sinh động cho các nhân vật hoạt hình. Dù khả năng lồng tiếng của Thành Lộc không cần phải bàn cãi gì nhiều. Sang đến phim Gấu bự và hươu còi, ấn tượng để lại cho khán giả cũng không khá khẩm hơn, người xem không quan tâm lắm đến việc có lồng tiếng hay không?

Năm 2011 đánh dấu một bước phát triển trong khâu lồng tiếng Việt cho phim hoạt hình. Lồng tiếng cho phiên bản 3D của RiO được chính nhà sản xuất đến từ Hollywood là hãng phim 20th Century Fox phối hợp với đơn vị phát hành tại Việt Nam thực hiện. Dự án lồng tiếng cho bộ phim hoạt hình RiO với toàn bộ quy trình từ việc lựa chọn diễn viên, chỉ đạo diễn xuất, thu âm phần lồng tiếng, hòa âm... đều được đạo diễn Carlos Saldanha và ê-kíp làm phim RiO của hãng 20th Century Fox chỉ đạo và giám sát chặt chẽ. Rồi đến phim Xì trum 3D, phiên bản lồng tiếng Việt được đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn Hollywood: Kênh lời thoại của phim bằng ngôn ngữ gốc sẽ được rút ra để thay thế bằng kênh tiếng Việt, các kênh âm thanh khác của bộ phim vẫn được giữ nguyên.

Thế nhưng, ngoài yếu tố kỹ thuật, việc lồng tiếng Việt thành công còn phải tính đến những đặc thù riêng của từng bộ phim. Phim hoạt hình vốn hướng đến đối tượng khán giả nhí, nhưng đa phần các nhân vật trong phim dù là những con vật trẻ con, nhỏ tuổi nhưng lại có giọng... quá người lớn. Những tràn cười sảng khoái của khán giả Việt Nam cốt là dành cho giọng nói của các nghệ sĩ lồng tiếng nhiều hơn là cho cá tính của nhân vật trong phim. Ví dụ chỉ cần nghe giọng điệu nghệ của Thành Lộc, Đại Nghĩa thôi thì người xem cũng đủ phá lên cười.

Các nghệ sĩ nổi tiếng được mời tham gia lồng tiếng cũng có hai mặt hiệu quả và hạn chế. Tên tuổi của họ là yếu tố đảm bảo kéo chân khán giả đến rạp. Nhưng sự gượng gạo, thiếu tự nhiên của các nghệ sĩ không phải là diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp làm cho khán giả cảm thấy khó chịu. Một yếu tố cần xét đến nữa là văn hoá vùng miền trong phim kéo theo chất giọng của nhân vật cũng phải đáp ứng đúng tiếng địa phương của từng vùng.

Vậy, có nên lồng tiếng cho các bộ phim hoạt hình Hollywood hay không? Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, người lồng tiếng cho nhân vật Mèo đi hia trong phim hoạt hình Puss in Boots sẽ ra mắy ngày 25/11 tới - cho biết: "Thật sự phim hoạt hình được nhập về chiếu tại các rạp Việt Nam quá ít. Hưng ở mất năm bên Mỹ thấy người ta đi xem phim hoạt hình nhiều lắm. Số lượng vé bán ra rất là khả quan. Mọi người ở Việt Nam vẫn còn nghĩ phim hoạt hình chỉ dành cho con nít là không phải. Còn về việc lồng tiếng cho dòng phim này là rất nên, nó có nhiều điều thú vị lắm. Khi các ngôi sao được yêu thích lồng tiếng cho phim hoạt hình thì khán giả sẽ vừa nghe vừa có thể tập trung vào màn ảnh với một cảm giác rất thú vị".

 

Đàm Vĩnh Hưng khuyến khích việc lồng tiếng Việt cho phim hoạt hình nước ngoài.

 

Trailer Puss in Boots - phiên bản lồng tiếng Việt do "ông hoàng nhạc Việt" Mr. Đàm thể hiện.


Những dòng phim khác như hành động, phiêu lưu, khoa học viễn tưởng... việc lồng tiếng Việt đã chìm vào quá khứ do không còn phù hợp, nhưng với phim hoạt hình thì việc lồng tiếng vẫn được áp dụng và phát huy. Nhưng không phải khán giả nào cũng thích xem phim hoạt hình lồng tiếng Việt, bởi thế các nhà phát hành phim luôn ra mắt đồng thời phiên bản gốc có phụ đề dành cho các đối tượng người xem muốn thưởng thức tiếng gốc, chất giọng của chính các diễn viên lồng tiếng nước ngoài".

 

Harry Phúc

people like INLOOK.VN fanpage