Bạn đang ở đây

Fashion show Việt: cuộc dạo chơi tốn kém?

Thời trang Việt Nam vẫn đang từng bước hòa nhập vào nền thời trang thế giới, càng ngày càng nhiều những Fashion show được tổ chức ở Việt Nam. Thế nhưng, với những người yêu thời trang Việt vẫn còn khá nhiều trăn trở....

Nhìn ra thế giới: những cuộc chơi kiếm ra tiền

Ở các nước có ngành công nghiệp thời trang phát triển hay những kinh đô thời trang như New York, Milan, Paris, London của thế giới thì việc giới thiệu các fashion show như một cuộc chơi sống còn, bởi lẽ các Fashion show (chủ yếu là các Fashion week cho 2 mùa: xuân/hạ và thu/đông cho mỗi năm) sẽ chi phối hầu hết các xu hướng thời trang của người tiêu dùng. Chính vì thế việc đi xem fashion show là một điều cực kì quan trọng. Thậm chí có nhiều nơi, các đại lý bán lẻ sẽ đặt hàng các mẫu trang phục được trình diễn trên sàn diễn ngay tại fashion show và sau đó nhà sản xuất sẽ tập hợp các đơn hàng và sản xuất. Do đó, việc giới thiệu những mẫu thiết kế kích thích khả năng mua hàng của người tiêu dùng dường như là một việc làm sống còn của thương hiệu, chính vì thế fashion show đa số mang đến cho khán giả những mẫu thời trang ứng dụng và gần gũi với thực tế.

Fashion show Việt và cuộc chơi.... tốn tiền:
Quay lại Việt Nam, trong những năm gần đây có rất nhiều những Fashion show hay những cuộc thi thiết kế được tổ chức để tìm ra những NTK hay để thỏa mãn "cơn khát" thời trang của người hâm mộ. Tuy nhiên, đa số các chương trình được mở ra vẫn chưa chạm được đến trái tim người hâm mộ, và "cơn khát" vẫn chưa được giải tỏa!
Đầu tiên phải kể đến cuộc thi được xem là nơi tìm kiếm tài năng và tạo nguồn lực cho ngành công nghiệp thời trang nội, Việt Nam Collection Grand Prix bỗng dưng “đứt gánh giữa đường”. Năm 1999, lần đầu tiên, cuộc thi Vietnam Collection Gran Prix (VCGP) được Viện mẫu Fadin khởi xướng tổ chức. Trong số các nhà thiết kế (NTK) được phát hiện từ VCGP thời gian qua, nhiều NTK đã trưởng thành, định hình được phong cách, có thương hiệu riêng hoặc nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty dệt may lớn của Việt Nam. Có thể kể ra những cái tên: Công Trí, Trương Anh Vũ, Quốc Bình, Thương Huyền... Được biết, một số NTK còn có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ.
Mỗi năm, đến hẹn lại lên, vào khoảng tháng 10, 11, đêm chung kết xếp hạng của VCGP là một sự kiện văn hóa đáng chú ý. Dù sau đêm trình diễn, công chúng nhiều khi tỏ ra hoài nghi về tính ứng dụng của không ít bộ sưu tập, nhưng phải nói rằng, VCGP đủ sức “hâm nóng” địa hạt thời trang vốn tĩnh lặng quanh năm. Còn với các bạn trẻ yêu thời trang và những “nhà thiết kế tương lai”, cuộc thi là một sự kiện được chờ đón trong cả chục năm qua. Theo dõi trên nhiều diễn đàn, các thành viên trao đổi rất nhiều vấn đề liên quan tới chủ đề, thời hạn nộp tác phẩm... Thậm chí, không ít bạn còn kiên trì “chinh chiến” từ năm này sang năm khác mà không hề nản.
Khách quan mà nói, sau 11 lần thi, VCGP đi vào lối mòn trong cả cơ cấu giải thưởng lẫn chất lượng các bộ sưu tập. Không phải không có lý khi nói rằng, thí sinh thường trông vào các mẫu thiết kế đoạt giải của năm trước mà chưa thực sự quan tâm tới xu hướng, nhu cầu thị trường hay tính ứng dụng.

Một trong những BST dự thi Vietnam Collection Grand Prix
 

Tuần lễ thời trang Việt Nam - Vietnam Fashion Week - đầu tiên ra đời vào năm 2001 tại khách sạn Sofitel (TP.HCM), được xem là “con đẻ” của cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix - cuộc thi thiết kế thời trang do Hiệp hội dệt may Việt Nam, Tập đoàn dệt may Việt Nam, Hiệp hội da giày Việt Nam (LEFASO) và Viện mẫu thời trang Việt Nam kết hợp tổ chức bắt đầu từ năm 1999. Được hậu thuẫn bởi các “đại gia” trong ngành công nghiệp dệt may và thời trang Việt Nam, như một luồng gió mới, cả cuộc thi thiết kế lẫn Tuần lễ thời trang đều đã có bước khởi đầu rất đẹp. Hàng loạt các tên tuổi những nhà thiết kế được phát hiện từ cuộc thi, nhanh chóng được đẩy lên sàn catwalk. Vietnam Fashion Week 2001 gần đủ các anh tài: từ Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Valerie McKenzie, Kiều Việt Liên đến Công Trí, Thanh Phương, Khánh Hòa, Lê Minh Khoa, Sơn Ngọc, Vũ Thu Giang, Ngô Thái Uyên, Quốc Bình, Huyền Trang, Diệu Anh (nhóm sau đều là những nhà thiết kế đoạt giải từ cuộc thi nói trên). Hai năm đầu (2001, 2002) chỉ có một Tuần lễ thời trang được tổ chức, nhưng kể từ năm 2003, Vietnam Fashion Week bắt đầu theo mùa như thông lệ quốc tế (Xuân Hè và Thu Đông), với danh sách các nhà thiết kế tham gia khá xôm tụ. Trên sàn catwalk cũng tụ hội hầu hết những tên tuổi của làng người mẫu trong nước. Tất cả chỉ chờ nhân vật chính dưới hàng ghế khán giả, nhưng nhân vật này đã không tới.

(Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)
 

Nhắc tới thời trang Việt Nam thì không thể không nhắc tới Đẹp Fashion show. Năm 2004, khoảng 300 khách mời đã ngây ngất và choáng váng với một show diễn thời trang diễn ra tại không gian ngoài trời của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, để từ đó, khái niệm “fashion show” dần trở thành thời thượng. Đó chính là năm đầu tiên của Đẹp Fashion Show (ĐFS), chỉ với 3 nhà thiết kế: Công Trí, Ngô Thái Uyên và Thaka. Lần đầu tiên người ta xem người mẫu trình diễn thời trang không trên sàn catwalk. Cũng là lần đầu tiên nhà thiết kế Ngô Thái Uyên bế con trai đầu lòng mới hơn tháng tuổi trở thành nhân vật chính trong phần trình diễn bộ sưu tập ấn tượng của cô. Theo kế hoạch ban đầu, ĐFS sẽ thực hiện luân phiên giữa thời trang catwalk và thời trang trình diễn. Tiếc là ĐFS đã không đi được đúng con đường đã vạch ra cũng bởi thực tế vẫn là thực tế: thời trang VN quá thiếu thời trang ứng dụng đủ “chất lượng” để “lên sàn”. ĐFS 2 và 4 (cùng diễn ra ở TP.HCM) là những show catwalk thuần túy hiếm hoi trong số 10 show của ĐFS. Thời trang không đủ “tiếng nói” của mình, buộc phải hòa giọng cùng nhiều thứ khác. Sau khi xem ĐFS 5 với chủ đề Bí ẩn của linh hồn, cái “bí ẩn” nhất đối với nhiều khán giả chính là… thời trang. Ra về từ một show thời trang nhưng nhiều người lại xuýt xoa: âm nhạc (Quốc Trung) hay quá!


Những fashion show với kết cấu “vở diễn thời trang” của Đẹp Fashion Show,
biến tất cả - thời trang, âm nhạc, múa, ánh sáng… thành một tác phẩm
nghệ thuật đã khiến công chúng Việt Nam bắt đầu nhìn thời trang
bằng một con mắt khác

 

Có công đưa thời trang trở thành một nghệ thuật và đưa fashion show thành một sự kiện trình diễn thời trang “nội địa” gây được tiếng vang trong khu vực, bằng chứng là ĐFS từng được giới thiệu trên FTV và năm ngoái đã nhận được giải thưởng Asian Top Fashionable contest Of The Year tại Lễ trao giải thời trang châu Á (Fashion Asia Award), ĐFS đã cống hiến cho người xem những màn trình diễn ấn tượng. Nhưng nhìn dưới con mắt giới làm thời trang chuyên nghiệp thì đó vẫn là những cuộc chơi và khá tốn tiền. Tiền tỷ được đổ ra để tạo không gian trình diễn - linh hồn của các cuộc chơi ĐFS. Các bộ sưu tập mang tính trình diễn theo những chủ đề của cảm xúc hoặc một ý tưởng nào đó (Cơn ác mộng của người thợ may, Thời trang và ánh sáng, Bí ẩn của linh hồn, Cảm hứng đương đại…) thay vì định dạng theo thời trang (theo mùa, theo phong cách hoặc chủng loại). Tiếp tục, trong năm nay - để kỉ niệm 10 năm ĐFS thì cuộc chơi ấy lại càng trở nên tốn kém hơn, và khán giả lại một lần nữa được xem những màn trình diễn ngoạn mục hơn là tiếp nhận những cái mới lạ của thời trang Việt.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Fashion Show Việt nên đầu tư vào những thiết kế thiết thực và ứng dụng hơn là đầu tư vào những mảng miếng, chiêu trò để hấp dẫn khán giả vốn đang mong chờ được xem thời trang đúng nghĩa.

Thanh Truc tong hop

people like INLOOK.VN fanpage