Bạn đang ở đây

Trang phục dân tộc: cũ mòn, phô trương?

Trong thời gian gần đây, rất nhiều nhan sắc Việt đã có dịp để cọ sát với nước bạn trong những đấu trường nhan sắc Quốc tế. Với hầu hết các cuộc thi, thí sinh luôn có cơ hội để thể hiện văn hóa của đất nước thông qua phần thi Trang phục dân tộc. Và có thể nói, những trang phục dự thi ấy có cùng công thức: cũ mòn, phô trương và thiếu hiểu biết...

> Đẹp Fashion Show: Sáng tạo là chắp vá?

 

Chắc hẳn, khi nhắc đến Trang phục dân tộc thì điều đầu tiên mọi người nghĩ đến đó là chiếc áo dài. Qủa vậy, mặc dù chúng ta có áo bà ba, áo tứ thân nhưng áo dài luôn là lựa chọn hàng đầu bởi sự giản dị, kiêu sa nhưng vẫn phô diễn được nét đẹp hình thể của người phụ nữ. Tuy nhiên chiếc áo dài được mang đi dự thi trong mỗi một cuộc thi Hoa hậu nào đó trên Thế giới đa số đều gây thất vọng cho những người ủng hộ nhan sắc Việt.

 

Bắt đầu từ hai chiếc áo dài của Thùy Lâm (2008) và Hoàng My (2010) trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đoạt giải Trang phục dạ hội đẹp nhất. Có người trầm trồ bởi sự hoành tráng bởi những viên đá pha lê lấp lánh, cùng chú hạc dát vàng trên áo nhưng cũng có người cảm thấy nặng nề và mệt mỏi bởi thấp thoáng đâu đó là hình ảnh của các nước bạn chứ không riêng gì Việt Nam....Bên cạnh đó là sự lạm dụng các hạt pha lê lấp lánh, phản ánh mức độ tốn kém về tiền bạc cũng như về nhân lực thực hiện chứ chưa phản ánh được nét đẹp thuần khiết và sự sáng tạo của người Việt. Chính vì thế, cũng không thể trách khi có nhận xét cho rằng Trang phục dân tộc Việt Nam đoạt giải do cuộc thi được tổ chức ngay tại sân nhà.

Trang phục áo dài ở cuộc thi HHHV 2008

Trang phục dân tộc lấy ý tưởng từ áo tứ thân tại HHHV 2010

 

Tiếp theo đó là trang phục dự thi HHQT 2010 được cách điệu từ ý tưởng trang phục Mỵ Nương thời vua Hùng, thân áo dạng áo yếm, mang họa tiết rồng được thêu tay rất tinh xảo và đính đá pha lê. Toàn bộ trang phục được thiết kế trên chất liệu lụa tơ tằm và chiếc mão đội đầu được mô phỏng theo hình ảnh của nàng công chúa. Lại một lần nữa, việc tốn kém chi phí cho pha lê và kì công thực hiện được nhắc đến trong Trang phục dân tộc. Có lẽ, NTK không thể tự tin khi trang phục không có độ lấp lánh và rực rỡ.  Ngoài ra thì khi nhìn chiếc áo yếm cùng hình rồng xanh trên ngực khiến chúng ta nhớ ngay đến văn hóa Trung Quốc. Không biết khi nào các NTK mới có thể quên đi việc sử dụng rồng, phụng hay đá quí, pha lê để phô trương sự hào nhoáng thay vào đó là sự tinh khiết, nhẹ nhàng nhưng giới thiệu được cốt cách người dân Việt.

Và lại một chiếc áo mang hình ảnh rồng phụng và chiếc khăn đóng trên đầu cao chót vót khiến bộ trang phục trở nên nặng nề hơn, mất đi vẻ thanh thoát và gợi cảm từ gương mặt xinh xắn và thể hình khá chuẩn của các thí sinh Hoa hậu.

Việc lạm dụng hình ảnh rồng cũng đã mang đến cho Hoàng Yến sự phản ứng từ các người bạn phương Tây trong cuộc thi HHHV. Chiếc áo dài của cô đã khiến mọi người ngỡ ngàng bởi màu đen tang tóc và hình ảnh con rồng uốn lượn hết thân áo. Với người Châu Á nói chung, rồng là biểu tượng của sức mạnh thiên nhiên siêu việt. Nhưng trong khi đó, tại các nước phương Tây, hình ảnh con rồng lại gợi tới sự hung dữ và trong các câu chuyện cổ của người dân nơi đây, rồng là loài thú chuyên ăn thịt những cô gái đồng trinh. Điều này thể hiện sự tìm hiểu không cặn kẽ về biểu tượng mà NTK sẽ sử dụng trên áo cũng như nơi mà chiếc áo truyền thống sẽ xuất hiện có phù hợp với văn hóa hay không?

Gần đây nhất là 2 bộ trang phục gây tranh cãi của Trúc Diễm trong cuộc thi Hoa hậu Quốc Tế 2011 và Khánh Vy trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2011.

Với trang phục của Trúc Diễm có khá nhiều người cho là khác lạ hơn từ trước đến nay lấy ý tưởng từ Mẹ Âu Cơ nhưng cũng không ít người cho rằng không có chút gì thể hiện tính dân tộc và giống trang phục cho các trò chơi game online hay trong các phim cổ trang Trung Quốc thường xem. Không thể phủ nhận công sức mà NTK đã bỏ ra để tìm hiểu, vẽ mẫu và thực hiện thế nhưng tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu trang phục không thể hiện được linh hồn của dân tộc, tất cả sẽ không được công nhận nếu NTK không truyền tải được thông điệp tới người chiêm ngưỡng.

Bộ trang phục nặng 50kg của Trúc Diễm

 

Tương tự, bộ áo dài đính lông công của Thúy Vy cũng khiến mọi người "ngộp thở" khi nhìn thấy. 5000 chiếc lông công đã phản tác dụng và nhận được những nhận xét gay gắt từ những người hâm mộ nhan sắc Việt vì bị cho là "thiếu hiểu biết". Thế giới đã lên án việc sử dụng da và lông thú, Hội bảo vệ động vật ra sức tuyên truyền bảo vệ thú quý hiếm ấy vậy mà Thúy Vy lại mặc chiếc áo đính 5000 chiếc lông công. Cho dù là lông công thật hay giả thì hình ảnh thân thiện của Thúy Vy cũng sẽ bị vơi đi một phần nào đó trong mắt của bạn bè thế giới. Không những vậy, với chiếc áo quá rườm rà thì gương mặt của Thúy Vy không thể trở nên nổi bật cũng như gây khó khăn khi cô trình diễn trên sân khấu.

Chiếc áo đính lông công của Thúy Vy

 

Với các kết quả không mấy khả quan mà chúng ta đã nhìn thấy qua các cuộc thi quốc tế, nên chăng các NTK hãy nhìn lại và suy ngẫm: Chúng ta nên đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc tìm hiểu thật kĩ văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam và sự sáng tạo độc đáo hơn là đầu tư vào tiền bạc để thể hiện sự hoành tráng, lộng lẫy mà nó vốn không phải là bản chất người Việt.

people like INLOOK.VN fanpage