Bạn đang ở đây

Ca sĩ, người mẫu phải có giấy phép hành nghề từ 1/2014

Những nghệ sĩ được cấp phép mới có quyền tham gia các chương trình nghệ thuật biểu diễn.

Sáng 3/6, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý Đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn và nhiều cơ quan, ban ngành liên quan.

thanhhang[1306086110].jpg
Lĩnh vực thời trang và âm nhạc nằm trong 'tầm ngắm' của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong đợt áp dụng cấp thẻ hành nghề đầu tiên.

Gần đây, việc biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam liên tục có những sai phạm nghiêm trọng. Các nghệ sĩ đua nhau hát nhép, mặc trang phục phản cảm, phát ngôn gây sốc… làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống tinh thần của khán giả, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, Bộ cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề trong thời điểm này là hợp lý, để tránh “vàng, thau lẫn lộn” trong hoạt động biểu diễn.

Việc cấp phép sẽ áp dụng với tất cả nghệ sĩ, nhưng trước mắt là ca sĩ và người mẫu. Bởi, thời trang và âm nhạc là hai lĩnh vực đang có nhiều sai phạm nhất. Những người được cấp thẻ phải hội đủ ba điều kiện: Tư cách đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề trước đó.

Bộ dự định cấp hai loại thẻ. Loại thứ nhất dành cho các nghệ sĩ được đào tạo tại các trường nghệ thuật và có danh hiệu. Loại thứ hai dành cho các nghệ sĩ không được đào tạo bài bản nhưng có năng khiếu và được công chúng yêu mến. Đối với các NSND, NSƯT hay những nghệ sĩ được nhà nước phong tặng danh hiệu, việc cấp chứng chỉ hành nghề là điều đương nhiên. Họ sẽ không phải làm hồ sơ để xin cấp thẻ như các nghệ sĩ khác.

Bộ khẳng định, chứng chỉ hành nghề của mỗi nghệ sĩ sẽ được sử dụng cho tất cả chương trình họ tham gia. Mã số của chứng chỉ cũng được cấp trùng với mã số thuế thu nhập cá nhân của từng người để tiện cho việc quản lý. Nếu nghệ sĩ nào vi phạm trong hoạt động nghệ thuật sẽ bị treo chứng chỉ hành nghề từ sáu tháng đến hai năm. Trường hợp vi phạm nặng có thể bị phạt tiền từ 10 triệu cho đến biện pháp chế tài cao nhất là thu hồi thẻ. Hiện, Bộ đang băn khoăn về việc nên cấp phép có thời hạn 5 năm đối với những người được đào tạo chuyên nghiệp và 3 năm với những người còn lại, hay sẽ cấp thẻ một lần và có hiệu lực vĩnh viễn.

Trong hội nghị kéo dài gần ba giờ đồng hồ, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn chủ trì và chốt lại vấn đề, chứng chỉ hành nghề không phải là giấy chứng nhận chuyên môn, mà là công cụ để các cơ quan dễ dàng hơn trong việc quản lý nghệ sĩ đang hoạt động nghệ thuật tại địa phương. Việc cấp phép cũng sẽ giúp các nghệ sĩ có ý thức hơn trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trau dồi chuyên môn để cống hiến những giá trị nghệ thuật đích thực cho khán giả.

Năm 1999, Bộ từng cấp thẻ hành nghề cho hàng nghìn nghệ sĩ hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật công lập lẫn nghệ sĩ hoạt động tự do. Nhưng, đến năm 2002, việc cấp thẻ bị bãi bỏ vì có quá nhiều bất cập và hạn chế. Bộ nhận thấy, việc cấp giấy phép hành nghề không phát huy được những mặt tích cực đối với nghệ sĩ hoạt động trong các đơn vị công lập. Trong khi đó, đối tượng cần được ưu tiên là các nghệ sĩ tự do thì lại không được cấp phép.

trinh-3-1369094668-500x0[1048086627].jpg
Chương trình Đêm hội chân dài 7 bị phạt vì để người mẫu diễn trang phục không kiểm duyệt. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.

Trong hội nghị sáng 3/6, ý kiến của các cá nhân và đại diện các đơn vị nghệ thuật chủ yếu xoay quanh vấn đề cấp thẻ hay không cấp thẻ, thay vì thảo luận việc nên cấp thẻ có thời hạn hay vô thời hạn như câu hỏi mà Bộ đưa ra.

NSND Trần Bình cho rằng, đề án lần này có nhiều điểm tích cực hơn đề án lần trước. Song, trong đề án vẫn nói nhiều về sai phạm của các nghệ sĩ, người mẫu nhưng lại không thấy nhắc đến những sai phạm của nhà tổ chức. Theo ông, chính những người tổ chức sự kiện phải có trách nhiệm với sai phạm của họ và đây là đối tượng rất cần thiết phải cấp phép.

Ý kiến này cũng được NSND Lê Ngọc Cường đồng thuận. Theo ông Cường, phải phạt thật nặng những người đứng đầu các công ty xã hội hóa, các công ty tổ chức biểu diễn nếu có sai phạm. Ông cũng nói thêm, không nhất thiết phải cấp chứng chỉ hành nghề cho những người được đào tạo nghệ thuật chính quy, bởi họ đã có bằng tốt nghiệp nơi họ theo học.

Việc cấp hai loại thẻ cũng được quan tâm. Đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận và NSƯT Lê Chức nghĩ rằng, không nên phân biệt thẻ dành cho nghệ sĩ được đào tạo hay không đào tạo, nghệ sĩ hoạt động ở đơn vị công lập hay nghệ sĩ tự do, mà chỉ nên làm một loại thẻ. Nghệ sĩ Lê Chức phát biểu, dù có được đào tạo hay không được đào tạo, các nghệ sĩ đều là công dân và họ phải tuân thủ những quy định của ngành nghề.

Riêng ông bầu Hoàng Tuấn, đại diện cho hai ca sĩ Đan Trường và Cẩm Ly thì đề nghị, nên đặc cách những nghệ sĩ đã được kết nạp vào hội âm nhạc. Theo ông, những nghệ sĩ này đã được xét duyệt về năng lực, đạo đức.

Ngoài vấn đề trên, một số cán bộ quan tâm đến những bất cập có thể có như tình trạng "cấp phép thông thoáng". Vì vậy, Bộ cần có những người thẩm định kỹ càng để không xảy ra tình trạng hỗn loạn.. Một ý kiến khác cho rằng, ở Việt Nam rất dễ xảy ra tình trạng “xin, cho” hoặc “lạng lách”. Vì vậy, thay vì quá tập trung vào việc cấp phép hay không cấp phép, cần suy nghĩ đến việc làm cách nào để nâng cao trình độ biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và nâng cao trình độ thưởng thức của quần chúng. Có như vậy, sẽ hạn chế việc những người được đào tạo lại không có đất để biểu diễn. Từ đó, xảy ra vấn đề lãng phí trong đào tạo chuyên môn.

Sau buổi họp lấy ý kiến sáng 3/6, Bộ sẽ có một buổi lấy ý kiến các cơ quan liên quan trong tháng 7 để hoàn thiện dự án vào tháng 9, bắt đầu triển khai trong tháng 10. Từ 1/1/2014, Bộ chính thức áp dụng việc cấp chứng chỉ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu.

Theo Hàn Quốc Việt/ VNE

 

people like INLOOK.VN fanpage