Bạn đang ở đây

Chế Linh - nghiệt ngã duyên tình

16 tuổi, chưa biết chữ, cậu bé người Chăm bỏ xứ lên Sài Gòn làm ăn. Từ đây bắt đầu câu chuyện như huyền thoại về cuộc đời của "ông hoàng nhạc vàng" Chế Linh và những cuộc tình đầy ngang trái: Tình chị duyên em, hai lần bắt cóc vợ, cái chết tự tử bí ẩn của người vợ thứ ba...

16 tuổi chưa biết chữ, chưa nói thông thạo tiếng Kinh, cậu bé người Chăm bỏ xứ lên Sài Gòn với chồng bánh tráng và một bộ đồ. Từ đây bắt đầu câu chuyện như huyền thoại về cuộc đời của ông hoàng nhạc vàng Chế Linh với bốn đời vợ và những cuộc tình đầy ngang trái: Tình chị duyên em, hai lần bắt cóc vợ, cái chết tự tử bí ẩn của người vợ thứ ba...

Sau tất cả giông tố đã đi qua, anh cho biết giờ đây mình đã thực sự bình an.

Xuất hiện trước mặt tôi là một người đàn ông nhỏ nhắn, tóc muối tiêu, nước da đen sạm. Tôi tự hỏi, người đàn ông đã đánh cắp biết bao trái tim thiếu nữ sao lại đơn giản và mộc mạc thế. Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện khi đêm đã về khuya tại sảnh khách sạn. Có những lúc giọng Chế Linh trầm xuống, lạc đi khi tôi hỏi anh trực diện về bốn cuộc hôn nhân đã qua. Đôi lần né tránh, nhưng rồi cuối cùng anh nói: "Nếu vì khán giả thương mến bao nhiêu năm phải nghe những tin đồn thì nhân đây tôi cũng muốn một lần chia sẻ những bí mật đời mình, những điều tôi định sẽ chỉ viết trong cuốn sách đời tôi, nó chỉ được phát hành khi tôi không còn sống nữa".

Đời tôi khổ lắm, nhưng may mắn lại lớn hơn cái khổ

(Phóng viên)
Đã hát suốt hơn nửa thế kỷ, anh có nhớ những ngày đầu tiên mình đã bắt đầu thế nào không?

(Ca sĩ Chế Linh) Gia đình tôi ở Ninh Thuận, nghèo lắm. Tôi nghĩ nếu cứ bám quê thì mình sẽ không không học hỏi được những gì khác hơn ngoài ruộng rẫy. Tôi nhủ phải lên thành phố, gặp gỡ nhiều người hơn, có thêm cơ hội để học hỏi nhiều điều. 16 tuổi, tôi bỏ mẹ, bỏ cha, bỏ gia đình vô Sài Gòn, cũng giống như là đi ra nước ngoài vậy. Tôi leo lên xe lửa chỉ với một chồng bánh tráng, một bộ đồ, phía đó không có một người quen biết nào cả nhưng tôi đã nghĩ chỗ nào cũng là con người, rồi sẽ có tình thương, bao cậu bé đánh giày cũng sống được cơ mà. Khi ấy tôi thậm chí chưa nói thông thạo được tiếng Kinh, chưa biết chữ nên việc đầu tiên là tôi lo kiếm việc để sống chứ chưa có ý thức sẽ học nhạc.

Đến Sài Gòn, ba ngày đầu tôi chẳng có nơi ngủ, chẳng có gì ăn ngoài bánh tráng. Đến ngày thứ tư một ông xích lô đã chở tôi đến gặp gia đình người Tàu để nhận trông con giúp. Ban ngày trông trẻ, buổi tối tôi tự học nhưng không dám thắp đèn của chủ, mà tự mua đèn dầu để học. Thấy tôi như vậy, họ sợ cháy nhà và thương tôi nên đã mua bàn, mua đèn neon cho tôi học. Từ đó gia đình coi tôi như con, ông bà cho tôi đi học.

Có lời đồn rằng gia đình cưu mang anh những ngày đầu ở Sài Gòn chính là gia đình bố mẹ vợ đầu tiên của anh. Thực hư chuyện này thế nào?

Không phải, không phải. Thấy ông bà người Tàu quá tốt quá, tôi nghĩ mình phải ra đi, bởi sự đùm bọc có thể khiến mình trở thành người thụ động. Tôi đã bỏ trốn với một chiếc xe đạp và một bộ đồ. Một tuần sau, tình cờ xem báo thấy có mẩu tin đăng rằng tôi đã ăn cắp đồ đạc của gia đình họ và bỏ trốn. Tôi vội vã quay về gặp ba má nuôi, thưa rằng: "Con không có lấy bất cứ thứ gì của gia đình ba má ơi, con chỉ lấy duy nhất một bộ đồ thôi". Ông bà già nói: "Nếu tao không làm như vậy thì sao mày quay về". Khi đó ông bà cho tôi thêm tiền để thuê nhà, để bắt đầu cuộc sống tự lập.

Tôi thấy cuộc đời mình khổ lắm nhưng may mắn lại lớn hơn cái khổ. Khi bỏ gia đình người Tàu để đi, tôi ra ngoại thành sống, học nhạc và học chữ. Mãi đến khi thấy mọi thứ có vẻ ổn hơn tôi mới vô nội thành. Khi ấy may mắn tôi đã gặp ban nhạc, gặp anh Châu Kỳ, Trúc Phương, các anh ấy đã hướng dẫn cho tôi rất nhiều.

 


Với gia đình người Tàu ấy bây giờ anh giữ mối liên hệ thế nào với họ?

Hai ông bà đã mất, giờ họ chỉ còn lại những người con. Chúng tôi coi nhau như ruột thịt và vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên

Vì sao anh không dùng tên thật để đi hát mà lại lấy nghệ danh "Chế Linh"?

Tôi nghĩ nếu lấy tên thật thì người ta sẽ không biết xuất thân thực sự của mình. Chữ "Chế" xác định rõ rằng tôi là người dân tộc Chăm. Tôi vẫn nghĩ nếu mình `có ngôi thứ trong làng văn nghệ thì tình thương mến của khán giả dành cho mình sẽ tạo thành tình thương mến dành cho người Chăm, hai dân tộc này sẽ gần gụi với nhau hơn.

Người ta đồn rằng thời gian đầu, Chế Linh từng đến xin các đoàn cho hát lót khi ca sĩ chạy show đến trễ nhưng đã bị từ chối rất nhiều lần?

Việc tôi từng đi xin hát lót ở các đoàn và bị đuổi là chưa bao giờ xảy ra, đó là những hư cấu khiến tôi từng rất buồn cười. Tôi bắt đầu đi hát sau khi đã chuẩn bị cho mình hành trang khá vững vàng về chuyên môn, về âm nhạc. Tôi đã chủ trương, mỗi bước mình đi đều phải được một cái gì đó. Sau này đoàn văn nghệ bị giải thể, tôi về thành phố thì đã được một hãng đĩa ký hợp đồng.

Tình chị duyên em

Chế Phi, con trai của anh với vợ đầu từng chia sẻ, người có công đưa anh vào làng nhạc là mẹ của anh ấy?

Không có chuyện đó, có thể là do Chế Phi chưa thực sự biết tất cả mọi chuyện. Khi ra khỏi gia đình người Tàu, tôi mướn nhà bên ngoài sống và gặp người vợ đầu. Lúc đó cô ấy vẫn còn đang đi học, còn tôi đã thành thạo phát âm, thành thạo âm nhạc và tham gia vào ban nhạc rồi. Chúng tôi kết bạn và trở thành vợ chồng năm tôi 21 tuổi. Vợ tôi chia sẻ bằng việc nuôi con cũng như không làm phiền tôi trong con đường ca hát. Tôi sống với vợ cả chừng hơn bốn năm, có với nhau năm mặt con thì chúng tôi chia tay, các con lúc đó còn nhỏ lắm.

Được biết cuộc hôn nhân đầu tiên của anh tan vỡ bắt nguồn từ một sự ngang trái lớn: Anh yêu em gái của vợ mình và có con với cô ấy?

Tôi nghĩ nếu nhắc lại những chuyện này thì sẽ làm đau những người đàn bà. Tôi thực sự không muốn nhắc đến nhưng tôi không có quyền khắt khe với khán giả khi họ dành cho mình quá nhiều tình thương mến nên sẵn đây tôi cũng chia sẻ rằng, người thứ hai là em ruột của người vợ trước.

Mọi người đều cho rằng đây là một chuyện hy hữu nhưng thật ra nếu xét theo quy luật tình cảm, tôi thấy nó bình thường. Tôi sống chung với gia đình vợ cả, gặp gỡ với người em nhiều nên tình cảm đã nảy sinh từ sự gần gũi. Khi xảy ra những chuyện không hiểu nhau với người vợ đầu, tôi có em gái vợ là người chia sẻ, và rồi chúng tôi yêu nhau. Người vợ thứ hai thực sự không làm gì khiến tôi phiền lụy cả nhưng sau hơn ba năm chung sống tôi vẫn quyết định phải chia tay. Gia đình vợ có hỏi tôi tại sao lại chia tay cô ấy, tôi nói rằng đó là vì máu mủ. Nếu cô em làm buồn tôi, tôi bỏ cô em lấy cô chị thì được, nhưng bây giờ cô chị làm phiền tôi, tôi bỏ chị lấy em trẻ hơn thì xã hội sẽ lên án tôi rất nặng, thành thử tôi phải bỏ cả hai, dù rất đau lòng. Bây giờ người vợ hai đó đã được con gái của chúng tôi bảo lãnh sang Mỹ.

Anh hiểu được nếu sống với em mà bỏ rơi chị xã hội sẽ lên án, vậy tại sao trước đó anh lại lao vào cuộc tình ngang trái với người em, bất chấp hậu quả như vậy?

Chị biết đấy, thời trai trẻ đồng thời tôi là nghệ sĩ, chỉ khi đi vào sâu thì mới nhận ra rằng mình phải có trách nhiệm. Sự ầm ĩ chỉ xảy ra khi hai người phụ nữ ấy không chấp nhận, nhưng tôi hạnh phúc vì được cả hai người chấp nhận, gia đình vợ cũng chấp nhận sự lỡ dở này nhưng cuộc sống xảy ra những chuyện khác không thể nói ra bằng vài câu.

Chúng tôi chia tay trong êm thấm nhưng và đến ngày hôm nay họ vẫn yêu thương nhau. Việc này khiến tôi thấy mình đã hành động đúng bởi nếu để sự việc tàn tệ hơn mới chia tay thì có thể cả ba bây giờ vẫn hận thù nhau hoặc sẽ không tôn trọng nhau.

Ý anh là một người đàn ông ở giữa hai người đàn bà, phơi bày thế giới riêng tư trước mặt nhau thì đến một ngày nào đó sẽ xảy ra những mâu thuẫn không thể giải quyết. Vì thế anh đã quyết định chia tay cả hai?

Đúng thế. Sau này dù đã chia tay cả hai nhưng khi quyết định lấy vợ ba tôi vẫn nói với hai cô ấy. Tiếc là với người vợ thứ ba tôi chỉ sống cùng được ba năm thì cô ấy mất.

Người ta đồn tôi đã mang tới cái chết quá bí ẩn cho vợ ba

Có thông tin rằng anh đã bắt cóc vợ ba rồi sau đó mới cưới?

Cái câu chuyện tôi sắp kể ra đây có lẽ người ta không tin. Thúy Hằng thương tôi lắm và tôi cũng rất thương. Hằng quê gốc Nam Định, không biết ăn cá. Người Bắc khắt khe lắm nên sau khi yêu nhau một thời gian tôi đến xin cưới ba lần không được, có lẽ cái lý lịch của tôi đã làm gia đình Hằng sợ. Lúc đó chú ruột của Hằng đã hỗ trợ cho tôi bắt cóc cô ấy, bởi chú hiểu chúng tôi yêu nhau, không thể không cưới.

Tôi nghĩ phải để gia đình Hằng biết mới có cớ để gỡ mối rối này nên sau 14 ngày gia đình không tin tức, tôi chở Hằng về, đi vòng vòng qua khu nhà cô ấy để người nhà biết Hằng đang đi với tôi. Gia đình Hằng khi biết chuyện đã tố cáo tôi dụ dỗ trẻ vị thành niên (khi ấy Thúy Hằng 17 tuổi). Tôi và chú Hằng phải lo làm giấy tờ cho Hằng mang về nhà thưa với ba mẹ rằng, tôi mang Hằng đi để lo cho cô ấy đi làm ở một cơ sở chứ không phải bắt cóc. Tôi thoát tội. Hằng ở nhà 4-5 ngày giải quyết vụ việc với công an, cảnh sát rồi quay lại với tôi. Khi ấy cô ấy ở lại nhà tôi đường đường, chính chính, chúng tôi được công khai mối quan hệ.

Nghĩa là gia đình Thúy Hằng cuối cùng đã phải chấp nhận mối quan hệ của hai người?

Không công nhận thì lúc đó con mình cũng xong rồi (cười lớn). Tôi có nói với bác của Hằng ngày đó đang giữ một chức vụ rất lớn ở thành phố: "Cháu muốn cưới thực sự nhưng gia đình không cho nên cháu phải bắt cóc thôi. Cái này cháu lỗi thật, nhưng cháu muốn cưới". Chúng tôi tổ chức tiệc cưới, gia đình tôi đồng ý cả nhưng không ai có điều kiện ra Sài Gòn nên người đứng ra đại diện họ trai toàn là bồi bàn, bồi bếp ở khách sạn. Đằng gái đi tới dự mặt mày cũng méo lắm vì họ buộc phải đồng ý chứ không vui vẻ gì. Không có ai làm chủ hôn nên người đứng đại diện cũng là bồi bàn luôn (lại cười).
 


Cái chết của chị Hằng ngày đó đã làm rùm beng dư luận ở Sài Gòn. Người ta cho rằng vì anh mà chị ấy phải ra đi tức tưởi. Một lần anh có thể chia sẻ về nguyên nhân thực sự của sự việc đó?

Việc ra đi của Hằng sau này là một câu hỏi rất lớn với tôi, người ta đồn tôi đã mang tới cái chết quá bí ẩn cho vợ.

Thực ra lý do rất đơn giản. Hằng bị suyễn. Mỗi lần cô ấy lên cơn tôi thường hủy tất cả các show diễn để ở nhà chăm sóc vợ. Thời gian đó đang chuẩn bị diễn ra giải Kim Khánh, tôi có đăng ký tham gia. Hôm ấy tôi ra phi trường đón một số bạn trẻ nhưng máy bay bị delay chuyến nên chậm tới bốn giờ. Khi trở về, mâm cơm Hằng nấu vẫn đậy lồng bàn, nghĩa là Hằng vẫn đợi tôi về để cùng ăn. Bình thường tôi sẽ nói với vợ: "Em à, ăn cơm đi, anh cũng ăn sơ sơ rồi" nhưng hôm đó tôi lại nói: "Anh ăn cơm rồi, không ăn nữa đâu" và vội vã đi tắm sau đó đi ngủ.

Khi ba cha con tôi ngủ, Hằng xách giỏ đi đến mướn một phòng ở nhà nghỉ trên đường Gia Long, nơi chúng tôi đã có những cuộc hẹn hò đầu tiên. Ngày ấy, theo luật, phụ nữ tự mướn phòng ngủ là không được nhưng vì chúng tôi là khách quen nên Hằng chỉ cần nói tôi đi hát, nhờ vợ đến mướn phòng trước là khách sạn đồng ý. Lên phòng cô ấy đã uống thuốc tự vẫn. 10 giờ sáng hôm khách sạn phát hiện ra, đưa Hằng tới bệnh viện nhưng không kịp nữa, Hằng đã chết. Trách nhiệm về cái chết của Hằng tôi nhận hết. Nhưng chính quyền tin tôi không phải là người giết vợ. Sau này họ có đòi mổ xác vợ nhưng tôi không đồng ý.

Hai vợ chồng đang rất yêu thương nhau như vậy tại sao chị ấy lại muốn hủy hoại đời mình? Anh có bao giờ lý giải được hành động ấy?

Có, đó là lá thư Hằng để lại chỉ có hai dòng: "Em ra để anh còn mãi trong tim em và Em cũng còn mãi trong tim anh". Tôi hiểu rằng, sự khủng hoảng về căn bệnh suyễn đã làm Hằng không tỉnh táo. Hằng nghĩ rằng nếu tôi cứ bỏ bê công việc để chăm sóc cô ấy mãi thì làm sao tranh được giải Kim Khánh. Hằng gửi cho em trai của mình một lá thư rồi dặn dò phải ba ngày sau khi sự việc xảy ra mới được đưa cho tôi và cậu ấy khi đó cũng khờ quá, nghe răm rắp theo lời chị. Nhưng chính lá thơ đó giúp những người bên gia đình vợ hiểu tôi không là người dồn ép và cũng không phải là người giết vợ. Câu chuyện này tôi chưa từng chia sẻ vì mỗi lần nhắc tới tôi cảm thấy rất đau lòng.

Tôi thắc mắc tại sao người vợ bỏ nhà đi suốt đêm không về mà anh không đi kiếm? Trách nhiệm người đàn ông Chế Linh ở đâu trong những sự việc này?

Lúc Hằng đi không về tôi không nghĩ gì, cảm thấy mình không làm gì xúc phạm đến cô ấy nên đã trách vợ. Tôi đã nhờ anh em bạn bè đi kiếm khắp nơi, đến 2-3 giờ khuya rồi mà không thấy đâu, tôi nói anh em thôi khỏi đi kiếm nữa, người đàn bà đi như vậy là hư rồi. Tôi nghĩ mình không làm gì xúc phạm cô ấy nên đã trách vợ. Đến 11 giờ sáng hôm sau, cảnh sát tới gõ cửa, vừa nhìn thấy người mặc quân phục, linh tính tôi mách bảo vợ mình gặp vấn đề rồi. Đúng như vậy, họ báo vợ tôi đang ở bệnh viện và đã chết.

Ngày ấy thiên hạ đồn đại nhiều chuyện lắm. Người ta nói rằng tôi có nhiều đào quá, muốn giết vợ, người ta cũng nói hai người phụ nữ trước của tôi dồn ép nên cô ấy chịu không nổi. Nhưng lúc đó tôi chỉ cần người trong gia đình hiểu thôi, người ngoài hiểu sao cũng được.

Xin yêu tôi bằng tình người

Và cuộc tình lớn thứ 4 trong đời lại đến, người phụ nữ này theo nhiều người nhận xét thì có nhiều điểm rất giống chị Thúy Hằng, và đó là lý do anh đã theo đuổi?

Khi Hằng mất, tôi rất sợ những mối quan hệ mới, cũng rất ngại ngần trước những cô gái đã có anh chàng nào đã theo đuổi. Vương Nga là người ở cùng khu nhà với tôi, một lần tôi thấy Nga đứng trên ban công, vẻ đẹp ấy khiến tôi giật mình. Tôi nhờ người theo dõi xem có ai đang theo cô ấy không, chỉ cần biết có một cậu nào đi bên cạnh thôi là tôi rút lui. Sáu tháng sau, hai người em về báo chưa có ai đi theo cô ấy cả và tôi bắt đầu gặp gỡ

Một ngày, tôi chặn Nga cùng 6 cô bạn trên đường đi học về, mời các cô vô uống nước ở một quán ven đường. Mấy cô ấy không chịu, tôi phải giở bài dọa: "Nếu không vô uống nước thì phiền lắm, có cảnh sát bên kia rồi (cười). Tôi đảm bảo các cô không về được đâu. Mà tôi cũng không bắt cóc đâu, tôi chỉ cần nói chuyện với cô này một vài câu thôi, nhưng đảm bảo là không có sự xúc phạm nào vì thế cần có người làm chứng". Nói thế mấy cô mới đồng ý. Vào quán mỗi người gọi một ly nước nhưng không ai uống cả, hình như họ sợ tôi bỏ thuốc độc vô vậy đó (cười). Tôi đề nghị chở mấy cô về bằng xe của tôi để cho kịp giờ nhưng các cô không chịu. Có lẽ sau buổi gặp, tôi cũng tạo được chút ít thiện cảm với Nga. Noel năm 1974, tôi đến nhà xin bố mẹ cho Nga đi chơi và hứa đến 12 giờ sẽ trả về. Hôm đó tôi chở Nga bằng xe Jeep, vô cửa hàng mua một bó bông rồi chở thẳng cô ấy vào trong... mả (nghĩa địa). Trên đường vào mả chắc Nga nghĩ vào đó làm gì bậy bạ đây (cười), nhưng tôi chỉ chở cô ấy đến để dâng bông (đặt hoa) cho vợ cũ. Sau đó tôi đưa Nga đi hát và chở cô ấy về nhà đúng giờ hẹn.

Năm 1975, tôi sang gia đình Nga xin cưới, xin không được thì lại lập kế hoạch bắt cóc. Tôi bắt cóc Nga khỏi gia đình ba tháng, ba của Nga đi kiếm, tìm thấy rồi ông ở luôn lại với chúng tôi. Má Nga thấy ba đi không về lại cho em trai Nga đi kiếm, gọi cả ba chúng tôi về nói chuyện và gia đình chấp nhận. Chúng tôi cưới nhau cuối năm 1975.

Tôi có ca khúc Xin yêu tôi bằng tình người dành tặng riêng Nga, trong đó có câu: "Nếu tới thật thì đừng bỏ tôi đi như người đã chết". Hình dáng Nga cũng có nhiều nét giống Thúy Hằng nên tôi nhiều lúc giật mình, sợ Nga sẽ bỏ tôi đi như người vợ thứ ba. Nếu có chuyện gì xảy ra nữa tôi chắc sẽ vô chùa đi tu thôi.


Khi quá khứ vẫn hiển hiện ngay trong cuộc sống hiện tại của hai vợ chồng anh bởi những người con riêng, chị Vương Nga đã chia sẻ như thế nào với anh?

Các đứa con tôi dù khác mẹ nhưng đều rất quý mến Nga. Bản thân Nga biết rằng hạnh phúc hiện tại là hạnh phúc của những người khác. Niềm hạnh phúc lớn của tôi là Nga san sẻ được với tôi điều này, Nga cũng làm tôi yên lòng, không phải bận tâm với những suy nghĩ riêng.

Tính đến hôm nay, cuộc hôn nhân thứ tư của anh đã kéo dài được 36 năm. Điều gì đã giữ người đàn ông đa tình như Chế Linh ở lại với chị Nga lâu như thế?

Cũng có thể từ những người đàn bà trước đây đã cho tôi một sự chững chạc và bản thân tôi cũng cho vợ biết, có một số việc đừng để lặp lại, có những khoảng đừng chạm vào.

Về phía mình tôi không thể giải thích hết được cho những đổ vỡ của mỗi cuộc tình. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu sống với nhau không êm đẹp thì nên chia tay, bởi nếu cứ sống với nhau trong sự dằn vặt thì giá trị sống sẽ cạn.

Những cuộc tình đã qua giúp cho tôi rất nhiều. Những mất mát tức tưởi đều rất giá trị. Bằng chứng là cuộc sống êm đềm với Vương Nga gần bốn chục năm qua, tôi nghĩ phần lớn cũng nhờ những sự gãy đổ phi lý trước đây. Tôi thực sự cảm ơn những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời mình, không chỉ bốn người phụ nữ từng là vợ, họ gồm cả những người tình không phải vợ, đến hôm nay họ có thể đã trở thành bà.



Tôi nghĩ rằng không ai sống bằng những bài học đã qua bởi sai lầm hôm nay ngày mai không lặp lại. Nhưng những mất mát trong cuộc đời có giúp anh đúc kết được bài học nào đó cho mình?

Tôi không dám nói mình đào hoa. Nhưng cuộc đời tôi có những người phụ nữ tự nguyện tới xin làm người tình, không tính toán, đắn đo, không đòi hỏi bất cứ điều gì ở mình. Dĩ nhiên không chỉ riêng Chế Linh mà tất cả đàn ông trong thiên hạ sẽ đều chấp nhận, nhưng tiến tới đám cưới thì không có. Sau này sống với Vương Nga rồi tôi vẫn nhận được những lời đề nghị đó, nhưng may mắn là tôi có nhiều chuyện có thể chia sẻ được với Nga.

Tôi không thể giải thích hết được những đổ vỡ của mỗi cuộc tình. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu không êm đẹp thì nên chia tay, bởi nếu cứ sống với nhau trong sự dằn vặt thì giá trị sống sẽ không còn. Nếu tôi không ra đi sớm, không chia tay sớm thì chúng tôi bây giờ không thể nhìn nhau như những người bạn. Tôi đã từng mong chúng tôi chia tay nhau, tôi sẽ có vợ, các cô ấy sẽ có chồng. Rất đau cho tôi, tôi có vợ nhưng những người kia (hai người vợ đầu) không chịu lấy chồng và đó chính là điều tôi quý trọng họ.

Trong một bài phỏng vấn mới đây anh có chia sẻ rằng, dù lấy vợ bốn lần nhưng chỉ khi ly dị xong người trước anh mới lấy người sau. Anh có thể xác thực lại chuyện đó một lần nữa?

Tất cả những người vợ của tôi, ba người có hôn thú, một người không có hôn thú, đó là vợ thứ hai, em gái của vợ cả.

Anh cũng từng khẳng định cuộc đời mình rất bình an, mặc dù những chia sẻ ở trên của anh lại chứng tỏ điều ngược lại. Anh có thể lý giải về sự mâu thuẫn này?

Sự bình an có nhiều ý nghĩa. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình như ngày hôm nay là bình an chứ. Tôi có nhiều vợ, nhiều con nhưng tất cả những cuộc chia tay đều diễn ra trong êm đẹp, những người vợ, người con luôn ủng hộ, tin và chia sẻ với tôi. Bình an, cái thứ yếu mình thấy là khán thính giả dành cho mình nhiều tình cảm nữa.

Sự bình an làm cái tâm mình không dao động, những quá khứ đã qua, những người phụ nữ đã đi qua không xuất hiện trở về làm xáo động cuộc sống của mình và đáng quý hơn họ tạo cho mình sự tĩnh tâm để mình có thể sống hết mình với giọng hát. Nếu không bình an, tôi không thể có sức khỏe tốt và sẽ không thể hát đến bây giờ.

Anh yêu rất mãnh liệt, như với hai người vợ sau, anh phải bắt cóc để lấy bằng được. Thế nhưng sau mỗi lần tan vỡ, ngay cả trước cái chết của người vợ thứ ba, anh vẫn có thể bình tâm lại rất nhanh. Động lực nào giúp anh đứng lên những lúc như thế?

Tôi phải đứng lên vì tôi còn khán giả.

Anh luôn nói là mình còn có khán giả. Thành thực mà nói thì với Chế Linh cái gì quan trọng hơn: Sự nghiệp hay gia đình, người vợ và những đứa con?

Người vợ là bản thân của mình rồi. Họ luôn muốn mình bình an, luôn lo lắng cho mình. Nhưng tôi coi công chúng hơn bản thân mình. Vợ thì có thể đòi hỏi ở mình, ví dụ như nếu mình đi làm không mang tiền về, vợ có quyền hỏi, đúng không. Nhưng công chúng không đòi hỏi gì ở mình cả, họ chỉ tốn tiền vì mình không à. Những người vợ đều hiểu cho tôi rằng chồng mình là người của công chúng chứ không phải chỉ là một ông chồng trong gia đình.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!
 

Chế Linh là người Việt, gốc Chăm tên thật là Chà Len, tên tiếng Việt là Lưu Văn Liên, sinh năm 1942 tại Paley Hamu Tanran, nay là làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận. Khi đi hát anh lấy nghệ danh là Chế Linh và viết nhạc thì lấy nghệ danh Tú Nhi.

Năm 1959 Chế Linh dời quê vào Sài Gòn. Sau những năm đầu bôn ba, chừng bốn năm sau anh nổi danh trong làng văn nghệ với dòng nhạc bolero mà người ta quen gọi là nhạc "sến" với rất nhiều đĩa hát được thu âm. Năm 1972 Chế Linh được giải thưởng Kim Khánh, Huy chương vàng đệ nhất hạng nam ca do một tờ báo tổ chức. Năm 1980 anh rời Việt Nam qua Malaysia và sau đó đến Canada và định cư ở đó đến nay.

Chế Linh đã kết hôn ba lần chính thức và sống với một bà vợ không kết hôn (vợ hai nhưng có đến bốn mặt con). Hiện tại Chế Linh sống cùng người vợ thứ tư là Vương Nga, kết hôn được 36 năm.

 

Theo Mốt & Cuộc Sống

people like INLOOK.VN fanpage