Bạn đang ở đây

Long Nhật: 'Quốc Trung làm được gì cho nhạc Việt?'

"Chỉ có người không bình thường mới nghĩ vậy..." Long Nhật chia sẻ.
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao trước những phát ngôn gây sốc của nhạc sỹ Quốc Trung và Huy Tuấn xung quanh nhạc "sến". Khởi đầu là việc Quốc Trung với quan niệm cá nhân của mình cho rằng: "Thanh niên mà nghe nhạc sến là bất thường". Tiếp theo trào lưu đó, nhạc sỹ Huy Tuấn càng châm dầu vào lửa khi lên tiếng chỉ trích: "Ca sĩ đua nhau hát nhạc sến là adua thiếu nhận thức".

Ngay sau đó, danh ca Bảo Yến đã lên tiếng phản pháo lại những quan điểm sai lệch về nhạc sến, theo chị: "Trong từ điển nhạc Việt không có nhạc sến mà chỉ có nhạc trữ tình, thể loại gần gũi với quảng đại quần chúng, giúp người nghe tìm thấy những cảm xúc thật. Vậy Quốc Trung có hiểu được nhạc sến là gì không?"

 

Những phát ngôn gây sốc của hai nhạc sỹ Quốc Trung và Huy Tuấn

Cùng chung quan điểm với danh ca Bảo Yến, Long Nhật cho rằng phát ngôn của Huy Tuấn là sai lầm và thiếu chính xác: "Nhạc trữ tình đâu phải ai hát cũng được, thể loại này đòi hỏi các ca sĩ phải có giọng hát hay, luyến láy hợp lý không bay bổng khi lên cao… Vì vậy, thế hệ ca sĩ trẻ thành công với dòng nhạc này có mấy ai ngoài Cẩm Ly, Lệ Quyên còn Đàm Vĩnh Hưng thì đã thổi một làn gió mới vào nhạc trữ tình bằng chất giọng đặc biệt của mình. Từ "adua" chỉ nói đến những trào lưu sai trái còn hát nhạc trữ tình có gì sai mà dùng từ này.

ca sỹ Long Nhật

Bên cạnh đó, nam ca sĩ Mưa trên phố Huế cũng không đồng thuận với quan điểm của Quốc Trung về trào lưu nghe nhạc sến của thế hệ trẻ là bất thường: "Bằng chứng rõ ràng nhất là trong chương trình Giọng hát Việt nhí, hàng triệu trái tim yêu âm nhạc đã say mê chất giọng của Phương Mỹ Chi và những ca khúc trữ tình quê hương. Giới trẻ thích nghe nhạc trữ tình bởi vì nó gần gũi với cuộc sống và tâm hồn của họ thì sao lại là bất thường, hay chỉ có người không bình thường mới nghĩ vậy. Quốc Trung nên xem lại mình đã làm được gì cho âm nhạc nước nhà mà phát ngôn như thế. Quốc Trung nên tập trung cho dòng nhạc của mình đừng nên lấn sân sang những thứ không bao giờ thuộc về mình. Tôi thấy tiếc cho Quốc Trung”. Long Nhật chia sẻ

Ngoài ra, anh còn cho biết thêm bản thân là một ca sĩ chuyên hát những ca khúc nhạc trữ tình, quê hương anh cũng có rất nhiều khán giả còn rất trẻ: "Họ say mê nhạc quê hương như một cách để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống hằng ngày. Nếu người Việt Nam không biết nghe nhạc sến cũng giống như việc không biết thế nào là canh chua, cá kho, mắm đồng…"

 

Long Nhật chỉ trích Quốc Trung và Huy Tuấn

Đặc biệt, trữ tình là thể loại âm nhạc trường tồn qua thời gian, sống mãi trong lòng khán giả và những ca sĩ hát thể loại này cũng có một vị trí nhất định cùng năm tháng: "Những Tuấn Ngọc, Bảo Yến, Kim Anh, Hương Lan... đã trở thành những tượng đài âm nhạc trong lòng biết bao thế hệ khán giả. Những đêm nhạc của họ, cùng với sự xuất hiện của tôi ở những thành phố lớn như Hà Nội giá vé luôn tầm vài triệu cho một cặp nhưng vẫn cháy vé và diễn liên tục nhiều đêm. Vậy mới thấy được, nhạc trữ tình luôn được chào đón ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn".

Tuy nhiên có những ý kiến cho rằng, trào lưu ca sĩ trẻ chuyển sang hát nhạc trữ tình vì thể loại này dễ kiếm tiền hơn so với các dòng nhạc khác, Long Nhật cũng đồng tình với vấn đề này nhưng theo anh nó chưa đủ: "Đơn giản vì nhạc trữ tình dễ bán đĩa và được đại đa số công chúng đón nhận nên sẽ có thu nhập cao. Đơn giản vì khán giả của dòng nhạc này thường là những người có thu nhập, không phân biệt địa vị trong xã hội  từ tri thức đến những người lao động bình thường. Họ không thích nghe nhạc trực tuyến hoặc mua đĩa lậu. Vì vậy, họ sẵn sàng chi một khoản tiền xứng đáng để có được những sản phẩm hay và chất lượng. Tuy nhiên, nếu muốn kiếm tiền được thì phải hát thật hay và có cảm xúc".

 

Chính vì những lợi thế đó của nhạc trữ tình mà một số ca sĩ đang cố tình "bám" vào để kiếm sống nhưng không mấy thành công. Đơn giản vì thể loại này đòi hỏi người hát ngoài chất giọng còn phải mang được cảm xúc vào trong từng ca từ, khiến người nghe phải rung động chứ nó không phải thể loại nhạc thị trường đi vay mượn của nhạc Hàn hay nhạc ngoại. Ít người biết được điều này nên đã lầm tưởng nhạc trữ tình dễ hát và dễ tiến thân. Bên cạnh đó, những ca sĩ hát nhạc trữ tình họ không cần quá nổi tiếng trên báo hay những vị trí cao trên bảng xếp hạng. Giải thưởng quan trọng nhất của họ chính là sự yêu mến của khán giả qua thời gian.

Theo Báo Đất Việt

people like INLOOK.VN fanpage