Bạn đang ở đây

“Nhiều đạo diễn đang phá vỡ các giai đoạn làm phim”

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình, VFC có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí về thực trạng đáng báo động của phim truyền hình hiện nay.

Những vấn đề của phim truyền hình đã được nói đi nói lại nhiều lần, thậm chí, cả thập kỷ nay người ta vẫn mải mê tranh cãi xem, vì sao phim truyền hình Việt Nam kém chất lượng. Kinh tế thay đổi, truyền hình xã hội hóa kéo theo những khoản đầu tư rầm rộ cho phim Việt, cơ sở kỹ thuật nâng cấp hiện đại, diễn viên trẻ đẹp, chân dài… Theo anh, vì đâu, phim truyền hình Việt vẫn mờ nhạt trên “giờ vàng”?

Sự thật, chúng ta vẫn đang gặp những khó khăn về tài chính, về đội ngũ làm phim. Đúng, những năm gần đây, đã có sự thay đổi lớn trong sự đầu tư và phát triển cho dòng phim truyền hình. Tuy nhiên, so với nước ngoài, đơn cử như Hàn Quốc, Trung Quốc, chúng ta vẫn còn thua xa về mọi mặt. Họ được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp về hệ thống sản xuất phim truyền hình, họ có trường quay để dàn dựng bối cảnh, trong khi đó, trường quay vẫn còn là… xa xỉ với chúng ta. Các đoàn làm phim hiện tại vẫn phải đi thuê mướn, thậm chí… xin xỏ để có bối cảnh quay. Chưa kể, bối cảnh là nhà người ta, không thể thay đổi theo ý mình muốn.

 

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

 

Gần đây nhất, khi trao đổi kinh nghiệm làm phim truyền hình với các đạo diễn, nhà sản xuất của hãng phim Châu Giang-Trung Quốc, họ cho biết mỗi năm Trung quốc sản xuất khoảng 10.000 tập phim truyền hình và giá thành sản xuất mỗi tập phim, ít nhất là 100.000 USD ( khoảng hơn 2 tỷ). Còn đơn giá sản xuất hiện nay của chúng ta chỉ khoảng 1/10 chi phí đó, chưa kể đội ngũ con người, sự đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực làm phim truyền hình của chúng ta đều mới hình thành trong thời gian gần đây. Hầu hết người có nghề làm phim truyền hình của chúng ta đều được học cách làm phim điện ảnh rồi dần dần qua kinh nghiệm thực tế mà vận dụng thành kỹ năng làm phim truyền hình.

Những khó khăn của phim truyền hình là một câu chuyện dài kỳ và có thật. Chúng ta đã nói đi nói lại nhưng nó vẫn tồn tại…Và nếu phải so sánh với các phim truyền hình Hàn quốc, Trung Quốc thì việc thua thiệt, chất lượng thấp hơn là rất bình thường. Nhưng bù lại, phim truyền hình Việt đang được khán giả ủng hộ.

Vì thế, theo anh, khán giả nên thấu hiểu, thông cảm, và đừng phàn nàn về chuyện phim truyền hình Việt Nam kém chất lượng nữa? Rằng, vì phim sản xuất trong điều kiện khó khăn, nên khán giả phải biết tha thứ cho những sản phẩm được trình chiếu, cho dù, sản phẩm ấy coi thường khán giả?

Có 2 điều tôi muốn khẳng định: Đối với những người làm nghề, thứ nhất, không có nhà làm phim nào dám coi thường khán giả. Không ai muốn làm ra một bộ phim để bị chê bai, la ó cả. Thứ 2, tài năng là điều nhà làm phim nào cũng muốn được công nhận. Trong điều kiện sản xuất khó khăn, có những bộ phim làm hay, và có những bộ phim dở. Tôi quan điểm, những bộ phim chưa được số đông khán giả đón nhận là những tai nạn nghề nghiệp, không ai muốn. Để dẫn đến những tai nạn, có lý do chủ quan, có lý do khách quan. Mỗi nhà làm phim khi bắt tay vào một bộ phim họ đều muốn chuyển đến khán giả những quan điểm sáng tác, những thông điệp nghệ thuật của mình, nhưng có chuyển đến được hay không, khán giả có đón nhận những thông điệp ấy hay không, lại là chuyện khác. Và điều này, nằm ngoài khả năng kiểm soát của nhà làm phim. Nhưng đấy là với những người làm nghề, còn gần đây, một số phim truyền hình kém hấp dẫn, thậm chí được làm cẩu thả, các công đoạn làm phim bị thả nổi… dẫn đến chất lượng phim bị khán giả phàn nàn là do nhà sản xuất, đội ngũ làm phim đã lựa chọn cách làm phim kiểu chộp giật, chỉ biết đến lợi nhuận. Những phim như vậy thì không những không được tha thứ mà đáng lên án mạnh mẽ.

 


Nhiều bộ phim đã làm... phiền khán giả (ảnh có tính minh họa)

 

Gần đây nhất, Anh chàng vượt thời gian và Xin thề anh nói thật- 2 bộ phim đã thể hiện một gương mặt “nhợt nhạt” điển hình của phim truyền hình Việt Nam hiện tại. Được biết, anh có tên trong danh sách của Hội đồng duyệt phim cho 2 bộ phim kia lên sóng?

Trước hết , không phải vì chất lượng 2 bộ phim này bị khán giả phàn nàn mà tôi muốn thanh minh. Nhưng do thông tin chưa đầy đủ nên có sự nhầm lẫn. Tôi khẳng định lại một lần nữa, tôi chỉ là một thành viên trong Hội đồng thẩm định kịch bản vì vậy, Hội đồng duyệt kịch bản và duyệt phim hoạt động độc lập, Tùy từng dự án phim mà các thành viên trong hội đồng được phân công đọc. Người nào đọc đề cương, người nào đọc kịch bản chi tiết, đọc bao nhiêu tập kịch bản đều do phân công, chứ không phải tất cả các thành viên trong hội đồng thẩm định đều cùng đọc đầy đủ toàn bộ kịch bản gửi về đăng ký sản xuất. Vì vậy, tôi không thẩm định phim Xin thề anh nói thật và với phim Anh chàng vượt thời gian, tôi không được phân công duyệt phim, chỉ được phân công đọc 5 tập kịch bản và đã nêu ý kiến về nội dung kịch bản mình đã đọc. Tôi không có quyền đồng ý hay phủ quyết việc đưa kịch bản vào sản xuất.

Và với kinh nghiệm của người làm phim, tôi biết rằng: từ kịch bản đến phim là cả một quá trình sáng tạo tiếp theo, thâm chí thay đổi lại của đạo diễn. Với cùng một kịch bản, mỗi đạo diễn sẽ có một cách xử lý riêng. Với Anh chàng vượt thời gian, quá trình tổ chức sản xuất của họ bị hổng, họ đã bỏ qua nhiều công đoạn sản xuất và thời gian sáng tạo bị gián đoạn liên tục, thậm chí nhân sự trong đoàn phim không đồng lòng với nhau nên kịch bản sửa đổi, diễn viên quay rồi lại bỏ, lại thay đổi, chưa kể áp lực về thời gian phát sóng. Những lý do đó đủ để hiểu vì sao chất lượng phim bị kém.

Bên cạnh Anh chàng vượt thời gian- còn có rất nhiều những… thảm họa khác của phim truyền hình. Việc đưa phim truyền hình vào sản xuất ồ ạt, việc đưa các “chân dài” vào tràn lan để “câu” quảng cáo… đã khiến phim truyền hình trở nên hỗn loạn với xu hướng nghiệp dư hóa. Là một người làm nghề anh hẳn phải có cái nhìn thực tế hơn việc cố gắng “bào chữa” cho các đồng nghiệp bằng những chứng cứ “thiếu thốn”, “khó khăn” đã cũ mòn?

So với những bộ phim sản xuất thời kỳ trước, quả thực, càng ngày càng hiếm những bộ phim hay. Số lượng phim sản xuất ngày càng tăng, nhưng tỉ lệ phim có chất lượng lại không tăng, đó là một thực tế. Khu vực phía Bắc chỉ có VTV, thỉnh thoảng HTV( TH Hà nội) là có phim TH phát sóng hàng ngày, Khu vực phía Nam thì tốc độ sản xuất và phát sóng nhộn nhịp gấp nhiều lần vì ngoài HTV( TH TPHCM) còn có rất nhiều Đài TH khu vực, TH Cáp, TH các tỉnh lân cận cũng phát sóng phim TH.

Phim làm nhiều, sản xuất liên tục, trong khi người có chuyên môn làm phim được bổ sung thêm không đáng kể vì mỗi năm, trường Sân khấu điện ảnh chỉ có khoảng chục đạo diễn ra trường. Trước kia, chúng tôi được đào tạo xong, mất thêm vài năm đi theo làm trợ lý, phó đạo diễn để có kinh nghiệm, sau đó được giao làm thử vài phim ngắn tập, dần dần mới dám nhận phim dài tập để làm. Nhưng với tốc độ sản xuất phim như hiện nay, các đạo diễn trẻ bị đẩy vào cuộc quá sớm, lại được giao ngay các phim dài tập nên nhiều người hụt hơi. Số đạo diễn được đào tạo cũng không đủ để cung cấp cho nhu cầu sản xuất, cộng với việc “năng động” từ kinh doanh nên khi không có đủ người làm, những đạo diễn sân khấu, những diễn viên, những trợ lý, thậm chí, một phụ việc nào đó cũng có thể trở thành đạo diễn, quay phim!

 


"Các đạo diễn hãy biết từ chối những kịch bản ngớ ngẩn...!" (ảnh minh họa)

 

Để nhanh chóng hoàn thành bộ phim, để tiết kiệm kinh phí sản xuất, các nhà sản xuất xã hội hóa có thể cắt giảm, phá vỡ những giai đoạn trong một quá trình sản xuất phim. Các đạo diễn được trả tiền theo số tập phim, họ có thể sản xuất 1 tập phim trong khoảng thời gian là hơn một ngày. Tôi nghĩ, với khoảng thời gian ấy, không biết ra đến hiện trường, họ có kịp nghĩ ra cái gì không! Đến minh họa cho đúng nội dung còn khó thì làm sao hy vọng cung cách làm phim ấy sẽ có phim hay phục vụ khán giả

Chúng ta đang có rất nhiều phim chỉ mang tính minh họa, minh họa bằng hình ảnh cho một đoạn đối thoại, tình huống nào đó. Để chạy đua với thời gian sản xuất, để tiết kiệm chi phí, những nhà sản xuất xã hội hóa đã lao vào một cuộc chạy đua, ở đó họ “băm vằm” những công đoạn sản xuất phim một cách vô lối. Dễ nhận thấy nhất là biểu hiện bối cảnh phim loanh quanh vài phòng ngủ, phòng khách, góc công viên và diễn viên cứ ngồi đối thoại, nói hết nội dung nhằm kể chuyện phim là xong. Gần đây nhất, tôi vô tình xem được một phim mà tiếng động rất lõm bõm, âm thanh lúc thì có tiếng động, lúc chỉ có lời thoại, lúc thì lẫn tạp âm, lúc thì tiếng nền mất sạch. Dường như công đoạn hòa âm, xử lý âm thanh đã bị bỏ mặc hoàn toàn.

Cách thức sản xuất phim xã hội hóa đã và đang “tiếp tay” cho nghề diễn trở nên nghiệp dư hóa. Việc để những “chân dài”, những ca sỹ ồ ạt lên phim và đóng những nhân vật gần như chẳng có nội dung gì, theo anh, có góp phần làm cho phim truyền hình trở nên… “thảm họa” hơn?

Một nhân vật khi lên phim không thành công, theo tôi, lỗi nằm ở đạo diễn 80%, diễn viên chịu trách nhiệm 20%. Đạo diễn có quyền quay lại, nếu cảnh đó diễn viên đóng không đạt. Đạo diễn cũng có quyền thay diễn viên nếu như nhận thấy diễn viên ấy không ổn.

Hiện nay, các đạo diễn nhiều khi bị đặt vào thế khó. Họ bị các nhà sản xuất ấn định sẵn diễn viên. Nhà sản xuất nhận thấy cô người mẫu A, cô ca sỹ B đang hot, có thể bán được quảng cáo, họ ấn định sẵn các cô ấy phải có mặt trong phim.

Đạo diễn tặc lưỡi, thôi thì làm phim vì tiền, họ thỏa hiệp với nhà sản xuất. Trong khi đó, đạo diễn là người có quyền tối cao về mặt sáng tạo trong một tác phẩm nghệ thuật.

Tôi cho rằng, những đạo diễn muốn làm nghề thực thụ, hãy đòi lại quyền lực tối cao của mình, quyền được từ chối những kịch bản ngớ ngẩn, quyền được từ chối những diễn viên ngớ ngẩn. Nếu không biết từ chối, anh chỉ là một cỗ máy mà thôi.

Được biết, trung tâm sản xuất phim truyền hình đang chuẩn bị tuyển diễn viên cho khóa đào tạo diễn viên phim truyền hình năm 2011. Anh dựa vào những tiêu chí nào để tuyển lựa diễn viên giữa môi trường làm phim đang “vàng thau lẫn lộn”?

Không phủ nhận, môi trường làm phim “vàng thau lẫn lộn” đã và đang ảnh hưởng đến hãng phim chúng tôi. Khán giả dễ có cái nhìn “cá mè một lứa” về những người làm phim truyền hình. Vì thế, chúng tôi phải tìm ra một hướng đi riêng cho mình.

Về khóa đào tạo diễn viên phim truyền hình, chúng tôi đã làm trong nhiều năm trở lại đây. Sau khi khóa học kết thúc, có rất nhiều diễn viên trưởng thành và trở nên nổi tiếng như Việt Anh, Danh Tùng, Diệu Hương, Minh Hương, Thanh Vân…

Những diễn viên được đào tạo từ trường ĐH Sân khấu Điện ảnh thường học theo những giáo trình về sân khấu, họ có thể đóng những cảnh dài rất tốt, nhưng phim truyền hình yêu cầu phải có kỹ năng diễn phản ứng, diễn phù hợp với những cảnh quay ngắn hoặc biết kỹ thuật diễn với máy quay.

Vì thực trạng trên, và vì nhu cầu của một đơn vị sản xuất phim truyền hình, chúng tôi đã quyết định tuyển học viên cho khóa học mới- khóa học về đào tạo diễn viên cho phim truyền hình. Các bạn học viên sẽ được đào tạo bởi những đạo diễn, diễn viên có kinh nghiệm, và sẽ sớm được tiếp xúc với những kịch bản có vai diễn phù hợp.

 

Theo Dân Trí

people like INLOOK.VN fanpage