Bạn đang ở đây

Phạt nặng hát nhép: Lại "rung cây" doạ .. nghệ sỹ?

Không phải bây giờ chuyện hát nhép mới được dự thảo để cấm. Từ 2006, với Nghị định 56/2006/NĐ-CP, chuyện hát nhép đã có chế tài xử phạt. Nhưng, cũng mới chỉ phạt trên văn bản. Việc Cục Văn hóa Nghệ thuật biểu diễn lên tiếng sẽ cấm trong Nghị định mới – lại dấy lên luồng dư luận.

Hát nhép – Chuyện không có gì mới

Cô nàng cá sấu Vũ Vũ lộ hát nhép trong một sự kiện thương mại. Những tưởng ở một sự kiện nhỏ, sẽ chẳng ai để tâm, nhưng chỉ ngay sau sự cố, một clip dài chừng 45 giây đã xuất hiện trên mạng Internet với hình ảnh “Cá sấu chúa” mặc chiếc váy ngắn màu vàng cực kỳ gợi cảm, bốc lửa với vũ đạo trong ca khúc “Người tình mùa đông”. Và trong lúc quá nhập tâm với ca khúc, cô đánh rơi micro khi hát. Dù đã nhanh tay bước xuống bục nhặt chiếc micrô và dùng quạt che miệng để chữa thẹn nhưng vẫn không đánh lừa được khán giả khi mic rơi mà tiếng hát cô vẫn véo von.

 

Cô nàng cá sấu Vũ Vũ lộ hát nhép trong một sự kiện thương mại.

 

Vận đen của Quỳnh Nga cá sấu chúa vừa qua, thì ca sĩ trẻ Thu Thủy lại bị phát hiện nhép khi nhảy rất sung trong ca khúc Microphone và đánh rơi micro ngay trên sân khấu H2Teen Concert tại Hà Nội.

Lùi lại thời gian trước đó, năm 2007, họa mi Khánh Linh cũng gây phản cảm khi làm rơi micro nhưng tiếng hát vẫn vang lên để lộ hát nhép một cách lố bịch trong chương trình "Khát vọng mùa xuân" tại Rạp xiếc trung ương.

Ngay cả những giọng ca đàn chị được coi là chuyên nghiệp cũng bị lộ hát nhép. Hiền Thục cách đây một năm gây sóng gió với ca khúc "Yêu dấu theo gió bay". Nhưng trên sân khấu trao giải Album Vàng, cô lại để lộ hát nhép với chính ca khúc này.

“Duyên dáng Việt Nam” – một chương trình ca nhạc có thương hiệu và uy tín cũng bị rơi vào trường hợp này khi ca sĩ Mỹ Lệ vô tình bị rơi mic khi biểu diễn trên thuyền, trong khi, giọng hát của “mỹ nhân ngư” này vẫn tràn ngập không gian.

Ấy chỉ là những trường hợp điển hình bị lộ hát nhép một cách lộ liễu không thể chối cãi. Việc lạm dụng hát nhép đồng nghĩa với việc ca sĩ đang bán rẻ sĩ diện của mình nhằm che giấu sự kém cỏi nghề nghiệp bị khán giả kịch liệt phản đối. Nhưng có bao nhiêu chương trình, bao nhiêu ca sĩ lên sân khấu mà dám tự vỗ ngực không bao giờ hát nhép khi căn bệnh này tràn lan từ sân khấu ca nhạc, sang cả cải lương, sân khấu...

Một động thái tích cực của giới ca sĩ là có riêng một buổi hội thảo “Khả năng ứng phó stress trong nghề nghiệp của ca sĩ” được tổ chức trong khuôn khổ Ngày Hội ca sĩ diễn ra tại TP Quy Nhơn (Bình Định) năm 2010. Tại đó, câu chuyện về hát nhép của giới ca sĩ hiện nay trở thành chủ đề nóng khi phần lớn những tiếng nói ở đó thể hiện dị ứng với kiểu hát đớp lời và tuyên chiến tẩy chay nạn hát nhép. Nhưng xem ra, đó chỉ là những lời tuyên bố cho vui, giữ sĩ diện ở chốn phải giữ sĩ diện. Nếu chung tay đẩy lùi hát nhép, thì đâu tới nỗi, khán giả cứ xem ca nhạc là nhanh mắt bắt lỗi đớp lời theo đĩa bật sẵn của các ca sĩ nhà ta.

Tăng chế tài – vẫn chỉ là “rung cây dọa khỉ”

Chế tài xử phạt hành chính được ban hành trong các Nghị định từ năm 2006 nay vẫn chỉ nằm ở trên giấy. Trong Nghị định 56/2006/NĐ-CP, lúc ấy, nếu phát hiện “Dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện âm thanh khác đã thu sẵn để thể hiện thay cho giọng của người biểu diễn” sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Đến 2010, trong Nghị định 75/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa lại làm khán giả nức lòng khi lần nữa, Cục NTBD lên tiếng mạnh mẽ, cấm hát nhép theo "Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng" đã được ban hành kèm Nghị định 103/2009/NĐ-CP.

Theo đó, mức phạt vi phạm các quy định về biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang được quy định rõ tại Điều 16, dao động từ 2 đến 40 triệu đồng. Theo quy định này, ca sĩ tự ý thêm - bớt lời ca, động tác biểu diễn, thay đổi trang phục biểu diễn khác với khi duyệt hoặc mặc trang phục biểu diễn phản cảm thì bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Nghệ sĩ dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện kỹ thuật âm thanh khác đã thu sẵn để thay cho giọng hát thật thì bị xử phạt từ 3 đến 6 triệu đồng.

Nhưng, mọi thứ có lẽ vẫn chỉ dừng ở Nghị định và truyền thông. Các đơn vị tổ chức biểu diễn đợi chờ cho qua cơn bão nhăm nhe xử phạt, vẫn duy trì tình trạng hát nhép. Khó có thể tìm được một chương trình ca nhạc nào mà không có ít nhất một bài bị nhép.

Vào tháng 8 tới đây, Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật lại sắp ban hành cũng đặt lên bàn cân chuyện xử phạt hát nhép. Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Vương Duy Biên nhận định, việc xử phạt hát nhép được đề cập 5 năm qua (Không kể cả thời điểm có Quyết định 47 của Bộ VH-TT năm 2004) nhưng không đủ tính răn đe. Trong dự thảo mới này, mọi người cũng đang hướng tới không sử dụng chế tài phạt tiền nữa, thay vào đó có thể sẽ cấm biểu diễn hát nhép.

Ở nước ta, việc quản lý sát sao các chương trình ca nhạc không hát nhép dường như là chuyện ngoài tầm tay. Phạt vài triệu đồng, xem ra cũng chỉ như muối bỏ bể với một show diễn. Vậy chúng ta học tập gì ở nước bạn khi tuyên chiến cấm hát nhép.

Mới đây Hàn Quốc đưa ra dự luật cấm hai hành vi hát nhép (lip-sync) và giả chơi nhạc cụ (hand-sync) trong các buổi biểu diễn có bán vé hoặc các chương trình truyền hình, nơi các nghệ sĩ được trả tiền catse. Nếu dự luật được thông qua, thì nếu nghệ sĩ vi phạm luật này, họ sẽ phải ngồi tù ít nhất một năm hoặc phạt tiền ít nhất 10.000 USD. Trong trường hợp nghệ sĩ buộc phải lip-sync hoặc hand-sync, họ phải công bố để các khán giả biết trước khi biểu diễn.

Trong dự thảo mới của Cục, liệu sự cấm này có thật sự khả thi. Bởi cứ nhìn vào thực trạng cấm hoài, nói phạt hoài suốt 5 năm qua mà vẫn để lọt tình trạng hát nhép thì sẽ hiểu, muốn cấm hát nhép, phải cần một con đường rất dài nữa.

Theo Vnmedia

people like INLOOK.VN fanpage