Bạn đang ở đây

Tết đến, thầy đồ cũng lên mua chung "cho" chữ

Thầy đồ Khánh nổi tiếng Hà thành lên website bán hàng theo nhóm "cho" chữ làm nhiều người giật mình thú vị.

Deal "Đón năm mới với Tranh chữ thư họa" của thầy Khánh đang "hót hòn họt" những ngày này. Bởi chỉ 100 ngàn đồng khách hàng có thể nhận được một phiếu "lấy chữ" của thầy đồ Kiều Quốc Khánh, chủ CLB Việt Tâm Bút có tiếng tại Hà Nội. 

Tết đến, thầy đồ cũng lên mua chung "cho" chữ 1
Ông đồ cho chữ ...online. 


Với một phiếu mua hàng, người mua sẽ được tư vấn, chọn chữ sao cho hợp "tâm", hợp người. Kích thước giấy đã mặc định sẵn, bằng ấy tiền anh chỉ được nhận một bức với chiều dài 63 chiều rộng 27 thôi, đảm bảo nét chữ vẫn được vẽ thủ công "rồng bay phượng múa" chứ không phải thứ chữ in sẵn.  

 
Tết đến, thầy đồ cũng lên mua chung "cho" chữ 2
Thầy đồ Khánh đang cho chữ khách.
 
Tuy nhiên, nếu khách trót "ưng" kích thước giấy lớn hơn cũng không hề gì, thầy đồ linh động cho bù thêm tiền để có được bức tranh như ý muốn.
 
Deal vừa mới lên nhưng đã thu hút kha khá lượt vào xem và like, chưa đầy 30 phút đã có người đặt mua và bình luận. Người biết chơi chữ và biết tiếng thầy đồ thì khen: "Thầy Khánh viết chữ có hồn và có phong cách riêng... Mình cảm thấy mỗi năm không ghé qua xin chữ thầy đồ Khánh thì thật là tiếc". 
 
Tết đến, thầy đồ cũng lên mua chung "cho" chữ 3
Tết đến, thầy đồ cũng lên mua chung "cho" chữ 4
Nhiều người thích xin chữ Lộc và Thịnh của thầy đồ Khánh.
 
Cũng có những người có lẽ không hiểu biết về chữ thư pháp lắm, "thấy hay hay vào chém cho vui", cò kè so sánh đắt rẻ, rằng: "Sao đắt thế, có nơi viết tận... 2 chữ Nôm, lại được chọn giấy mà chỉ có 50 ngàn". 50 ngàn, rẻ hơn hẳn ...1 nửa số tiền đã được giảm giá. Qủa đúng là tâm lý người mua hàng thời kinh tế khó khăn, càng rẻ càng ưng. Comment này bị chê trách: "Tục này thật ra là "xin chữ" chứ không phải mua, cốt ở cái tâm... Xin là xin cái thần khí của người viết chữ". 
 
Tết đến, thầy đồ cũng lên mua chung "cho" chữ 5
"Cò kè bớt một thêm hai"
 
Trong xã hội hiện đại, người Việt Nam vẫn luôn coi trọng những giá trị văn hóa xưa. Trong dịp tết đến xuân về mọi người vẫn tìm đến những ông đồ để xin chữ - mỗi chữ như một lời cầu phúc, và thể hiện ước nguyện của mỗi người trong năm mới. Và những bức tranh thư pháp vẫn luôn là món quà ý nghĩa dành tặng ông bà, bố mẹ, con cái và cho cả với chính mình.
 
Thế nên, cứ vào dịp đầu năm, người dân thường có cái thú dạo phố ông đồ, người chưa thành công xin chữ Đạt, người còn cô đơn xin chữ Tình, người vừa trải qua một năm sóng gió bằng lòng với chữ An. Với việc giảm giá chữ, người dân yên lòng kiểu gì cũng xin được chữ ưng ý, mà không làm mất đi cái thú nhìn ông đồ "thảo nét mực", cái thú được trò chuyện tâm tình với người viết. Thôi thì, hình thức này âu cũng là một chọn lựa "thức thời" của thầy đồ giữa mùa bão giá, mà Tết Ta thì đang sầm sập đến rất gần.
 
Tết đến, thầy đồ cũng lên mua chung "cho" chữ 6
 
 
Cuối cùng, tôi vẫn click vào nút "Đặt mua", trong lòng ngay ngáy vừa mừng vừa lo. Mừng vì bây giờ thích quá, ngồi một chỗ cũng tha hồ sắm Tết, tha hồ chơi Tết. Có khi mấy hôm nữa người ta lại bán cả đào mai quất cảnh cam sành trên mạng, lại giảm giá nữa thì thật tuyệt vời, chẳng sợ mua hớ chẳng cần mặc cả. Lo vì dạo này cân nặng đang báo động, trong năm cứ tự an ủi: "Chờ gần Tết đi mua hàng mướt mồ hôi sẽ chuẩn phom ngay thôi", nhưng cứ đà ngồi nhà click chuột thế này, mong muốn đó còn lâu mới thành hiện thực.
 
Theo TTVN
people like INLOOK.VN fanpage