Bạn đang ở đây

Trách nhiệm của nghệ sĩ Việt quảng cáo phòng khám TQ

Nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng thì không có lỗi nhưng có phần trách nhiệm, đừng đổ thừa vì "cơm áo gạo tiền"... Đến cái điều khả dĩ là đem lại chút an ủi cho khách hàng khi mua lầm hàng hóa không giống như quảng cáo, nghệ sĩ cũng không có nốt!

Việc bùng nổ thông tin về phòng khám Trung Quốc có chất lượng kém, kèm với hình ảnh một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo, mấy ngày qua đã được dư luận chú ý. Nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng thì không có lỗi nhưng có phần trách nhiệm.

Phải xác định trước hết, nhờ sức lan tỏa và thu hút mạnh mẽ của những nghệ sĩ nổi tiếng mà các nhà sản xuất khi muốn quảng bá cho sản phẩm của mình, họ đều nhắm đến đối tác lấp lánh này. Cũng có những đơn vị mời người tham gia quảng cáo là khách hàng bình thường, không tên tuổi, nhưng không nhiều và còn tùy thuộc vào sản phẩm loại nào. Ngoài phần lỗi "nghiệp vụ" của những đơn vị liên quan, chịu trách nhiệm chính trong việc duyệt nội dung quảng cáo, cấp phép quảng cáo thì những nghệ sĩ cũng được đưa lên... bàn giải phẫu.

Tất nhiên, nghệ sĩ không thể thẩm định, kiểm tra chất lượng sản phẩm để quyết định nên hay không nên nhận làm "quảng cáo viên" mà họ chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là một "thương vụ" ngắn hạn, các chuyện khác đã có nhà chuyên môn lo, nhiệm vụ của họ là đọc và nói những gì được biên soạn sẵn, sau cùng là nhận thù lao. Các nghệ sĩ cho rằng họ làm như vậy "để tăng thêm thu nhập, họ làm vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, đừng đổ lỗi cho họ".

Trên thực tế, đó là những lý do chính đáng. Và có một thực tế khác liên quan đến công việc của họ là không biết thì không có lỗi. Khi nhận lời làm quảng cáo, họ đâu có biết chất lượng sản phẩm này như thế nào. Người hưởng thụ thứ sản phẩm "nổ hơn kho đạn" ấy không trách họ, không cho rằng vì họ mà sản phẩm ra nông nỗi thế. Tuy nhiên, vì đây không phải là chuyện đóng phim (dù người xem vẫn quen gọi "phim quảng cáo"), không có vai diễn nào ở đây cả, mà chính là nghệ sĩ công dân ấy, với nghệ danh và hình ảnh xác thực của mình, xuất hiện trên màn ảnh nhỏ nói lên những điều về sản phẩm như là chính mình đã sử dụng sản phẩm ấy rồi và biết rõ hiệu quả của nó nên lên tiếng khuyên dùng! Trách nhiệm của nghệ sĩ là ở chỗ này.

Sau khi sự việc được phơi bày trước công luận, các anh chị nghệ sĩ ấy trả lời báo chí với đủ thứ lý do và thậm chí còn kêu lên "tội nghiệp nghệ sĩ lắm!". Chẳng hề thấy người nào tỏ ra hối tiếc khi mình lỡ cộng tác với một nhãn hàng thiếu trung thực, chẳng hề có chút áy náy nào khi mình đã ít nhiều góp phần quảng bá sản phẩm ấy, đưa bệnh nhân vào tròng! Qua những lời "tâm sự" của họ, người ta dễ bị dẫn đến suy nghĩ thiếu lành mạnh về nghệ sĩ: Hễ được thuê, được trả tiền là cứ làm! Thì thôi, điều đó là đã hẳn như thế, nhưng trước hậu quả tồi tệ mà sản phẩm gây ra cho bệnh nhân, nghệ sĩ tham gia quảng cáo ít ra cũng phải nhận thấy có phần tác động của mình trong đó. Hoặc tối thiểu nghệ sĩ cũng có thể "đổ thừa" đây là tai nạn nghề nghiệp, không ai muốn. Đến cái điều khả dĩ đem lại chút an ủi cho khách hàng khi mua lầm thứ sản phẩm không giống như quảng cáo, nghệ sĩ cũng không có nốt!

Khi đóng phim, diễn viên này vào vai kẻ lừa đảo, công chúng phân biệt được đâu là nhân vật, đâu là người đóng vai. Nếu có căm ghét, họ căm ghét nhân vật! Còn với những quảng cáo bằng hình, nghệ sĩ là khách hàng, thậm chí sang trọng hơn với chức danh "đại sứ thương hiệu", là những người chứng thực cho chất lượng sản phẩm, lên tiếng chiêu dụ khách hàng sử dụng sản phẩm đó. Vậy sao có thể không có trách nhiệm đối với thiệt hại của người tiêu dùng - mà sự thiệt hại ở đây là sức khỏe và mạng sống?

 

Video clip thâm nhập các phòng khám Đông y Trung Quốc.

 

Dân mình hãy thương lấy dân mình!
(Một độc giả giấu tên)

Dân mình ơi, bây giờ ngộ ra nhiều lẽ thiệt giả rồi đó. Nghệ sĩ quảng cáo là những người thành danh nhờ diễn xuất và đóng kịch rất tài. Cái sự đau bệnh đóng kịch quảng cáo đâu có giống nổi đau khổ bệnh tật ngoài đời của bá tánh dân mình. Nghệ sĩ cũng là dân mình mà. Những ai có lương tâm trách nhiệm làm người thì làm bất cứ nghề gì thì hãy tận tâm là đúng chức năng trách nhiệm của mình.

Đừng vì mảnh sắt hơi đồng (kim tiền) mà biến mình trở thành kẻ đóng kịch suốt đời, cười nhăn nhở, ăn ngon mặc đẹp, tận hưởng mọi tiện nghi ích kỷ nhưng sự sung sướng và hạnh phúc thật sự nó ngoảnh mặt không nhìn chớ đừng nói là nó cho đụng đến. Nên hành động có nghĩ suy đi mấy người có liên quan đến vụ phòng khám Trung Quốc gì đó đó và còn nhiều vụ khác ở các lĩnh vực trong đời sống này.

Dân mình phải biết thương dân mình. Dân mình trọng lấy dân mình. Đừng cho tiền bạc biến đổi trắng đen.

Trách nhiệm của người của công chúng
(Hùng)

Tôi rất kính trọng những nghệ sĩ tên tuổi trên, nhưng nói thật là tôi không đồng tình những trần tình của họ. Đành rằng ai cũng cần tiền, nhưng chỉ vì tiền mà tiếp tay cho những kẻ bất lương móc túi người khác là không nên. Ở đây còn là những lang băm TQ lừa đảo người bệnh Việt Nam. Tôi cũng là người lao động bình thường, nhưng chắc chắn tôi sẽ không giúp đỡ những người TQ kiếm tiền trên quê hương Việt Nam mình.

Lương tâm ở đâu?
(Văn Nhi)

Vì những đồng tiền bẩn kiếm được bằn cách moi tiền của những nghẹ dạ cả tin, giới nghệ sĩ, MC - những người được mệnh danh là người của công chúng, lại tiếp tay cho nhà kinh doanh quảng cáo sai sự thật, bốc phét, nổ tận trời xanh, giá bán trên mây.

Thử hỏi các nghệ sĩ, MC tham gia quảng cáo có đáng là người của công chúng không? Trách nhiệm của nhà đài thì sao? Trách nhiệm của những người cấp phép quảng cáo thì sao? Đáng xấu hổ khi biết sai sự thật mà vẫn tham gia quảng cáo, tiếp tay cho cái xấu.


C.M. (tổng hợp từ NLD, TTO)

people like INLOOK.VN fanpage