Bạn đang ở đây

Võ Thiện Thanh: "Tôi sống thoải mái bằng nghề, chỉ không giàu"

“Mọi điều trong âm nhạc của tôi đều rất tự nhiên. Tại sao lại phải tự bó buộc mình với khái niệm, thể loại này nọ chứ? Nếu tôi không uống nước bằng cái ly mà uống bằng gáo dừa thì đã sao nào?”

 

Một trong những lý do chúng ta còn ít những ngôi sao âm nhạc thực sự cá tính là bởi thị trường âm nhạc non trẻ này còn quá ít các nhà sản xuất cá tính. Cái tên Võ Thiện Thanh gây dấu ấn không chỉ bởi những “bài hát Việt của năm”, 2 năm liên tiếp nhận giải Cống hiến - nhạc sĩ của năm… mà còn bởi tên anh được đóng dấu vào không ít sản phẩm âm nhạc cá tính và thành công nhất của nhiều ca sĩ mà anh hợp tác.

"Hết duyên thì chịu!"

- Nếu lấy con số 10 tròn trĩnh số lần hợp tác của anh với từng ca sĩ, đều thấy sản phẩm rất thành công, thậm chí là nhất trong số các sản phẩm của họ. Chúc mừng anh. Nhưng điều tôi thắc mắc, tại sao anh có thể thay đổi mình qua nhiều thứ âm nhạc tréo ngoe đến thế: Từ dân ca với Cẩm Ly, Quang Linh qua nhạc teenpop cho Quang Vinh, alternative cho Đoan Trang, điện tử cho Thu Minh rồi R&B cho Hà Anh Tuấn...?

- Tôi không để ý đến điều này, mọi điều trong âm nhạc của tôi đều rất tự nhiên. Tại sao lại phải tự bó buộc mình với khái niệm, thể loại này nọ chứ? Nếu tôi không uống nước bằng cái ly mà uống bằng gáo dừa thì đã sao nào? Cái quan trọng là nước chứ không phải là cái ly hay gáo dừa. Và điều quan trọng là phải am hiểu từng style âm nhạc đã, phải làm được ít ít là căn bản của thể loại ấy đã, rồi mới buông bỏ nó.

- Cũng có thể, chính anh là một khối đa diện, đa phong cách. Sự chuyển dịch con người âm nhạc trong anh từ dân ca, pop, sang Electronical hay R&B có khó không?

- Cũng như trong cuộc sống, thích ứng trong âm nhạc là khả năng riêng của từng người. Nếu trung thành với chỉ một dòng nhạc, thì anh sẽ khó thích ứng với thời đại có tốc độ phát triển chóng mặt như hiện giờ. Không có giới hạn cho vấn đề này, trung thành với một dòng nhạc hay đa dạng, cái nào cũng tốt cả, tùy khả năng và sở trường của từng người thôi.

 

 

- Nghệ sĩ làm việc với anh, tôi thấy từ những người còn nhiều hạn chế về năng lực như Quang Vinh, Nguyệt Ánh đến những ca sĩ có tố chất bẩm sinh, đặc biệt riêng như Quang Linh, Thu Minh… anh đều có thể làm việc hiệu quả và thành công? Vậy thưa anh, nghệ sĩ cần điều gì để có thể có một sản phẩm âm nhạc độc đáo?

- Theo tôi, vấn đề là đúng với khả năng của ca sĩ. Nếu âm nhạc vượt quá khả năng của ca sĩ, đương nhiên nhược điểm của người đó sẽ phơi bày rất rõ. Có khi, âm nhạc nâng tầm ca sĩ đó lên một bậc. nhưng cũng có trường hợp giọng hát bị “hụt hơi” so với phần âm nhạc. Tôi còn nhớ khi làm việc với Quang Linh, anh chàng này lo ngại rằng người nghe sẽ chú ý tới phần hòa âm nhiều hơn là giọng hát của chàng ta. Thực ra anh chàng quá lo xa, vì thực tế không như vậy!

- Giọng ca không phải là yếu tố tiên quyết biến một bài hát thành một ca khúc hay. Và một bài hát không đủ làm thành album ấn tượng?

- Đúng đấy! Trong mối tương quan bài hát - ca sĩ - người hòa âm - khán giả, yếu tố đầu tiên là then chốt, những cái còn lại chỉ hỗ trợ cho bài hát chắp cánh bay lên. Điều này cũng giống như không có bột chất lượng thì sẽ không có bánh ngon.

- Tôi thấy ca sĩ tìm đến anh là chính. Vậy ngược lại, anh có từng hoặc sẽ tìm kiếm một giọng ca như thế nào đó cho một dự định âm nhạc ấp ủ hoặc phong cách âm nhạc yêu thích không?

- Như đã nói, tôi làm việc theo quan điểm: có duyên thì gặp, không ai phải tìm đến ai cả, rất tự nhiên! Không phải ca sĩ tìm đến tôi, mà có lẽ trong một giai đoạn nào đấy, mục đích của họ tương đồng với cá tính âm nhạc của tôi. còn với những dự án của riêng cá nhân tôi, thời điểm hiện tại lại ít dính tới ca sĩ, chỉ vài bài đơn lẻ cho nhạc phim hoặc nhạc quảng cáo. Tôi ít hào hứng với cách làm album kiểu “The best collection of Võ Thiện Thanh”. Có chăng, CD “Listen or walk” là tập hợp các bài nhạc dành cho catwalk thôi, đã làm mà bỏ thì phí quá nên phát hành để ai cần thì sử dụng. Vì sao ư? Tôi còn làm cái mới được thì chưa đến lúc tổng kết! Có lẽ khi nào thật sự cảm thấy cần phải“lui về ẩn dật”, tôi sẽ làm một cái “collection”.

- Vậy những cuộc chuyển mình, liên tục qua nhiều phong cách âm nhạc để gắn với từng ca sĩ của anh chính là kết quả của những hợp đồng hợp tác đôi bên cùng có lợi?

- Đối với tôi, một mối quan hệ nào có kết quả ra sao, là điều rất tự nhiên không thể ép buộc. Càng ngày tôi càng thấy rõ điều này. Có người mình chỉ gặp duy nhất một dự án, không bao giờ có cái thứ hai. Vậy đấy, dù rất muốn gặp lại. hết duyên rồi!

 

 

- Có hai diva, một người từng hát vài bài của anh đều thành hit như Mỹ Linh, một người thì chưa bao giờ như Hà Trần, đều đánh giá anh rất cao. Tại sao mọi việc chỉ dừng lại ở những lời tán dương mà không phải là những hợp tác hiệu quả của tài năng với tài năng nhỉ?

- Lại phải dụng đến thuyết nhân quả: Không có duyên! Nói đùa, chứ Mỹ Linh thì có lão Anh Quân rồi (trừ khi tôi bước qua... xác lão). Còn Trần Thu Hà thì... tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Chúng tôi hẳn là chưa có duyên!

- Tại sao anh không gắn bó hẳn với một giọng ca nào, kiểu như Anh Quân hay Đức Trí ấy?

- Vì tôi không muốn bó buộc mình và bó buộc họ!

"Làm nghề nhạc đã là “phúc tám đời”!"

- Hãy quay trở lại câu chuyện về chính anh. Tên của anh rất đặc biệt: Thiện Thanh - đó là tên thật hay nghệ danh? Người đặt cái tên này có để vào đó một hy vọng nào cho âm nhạc không?

- Đây là cái tên thật, hoàn toàn không phải nghệ danh. Mẹ tôi chính là người đặt tên cho tất cả anh chị em tôi trong gia đình: Hoài Thanh, Quốc Thanh, Diệu Thanh, Mỹ Thanh, Thiện Thanh, Trang Thanh. Mẹ đã sống qua thời chiến tranh, nên mong ước của bà là một giấc mơ đến ngày đất nước thanh bình, thánh thiện.

- Anh có suy nghĩ về cái tên của mình và đặt nó vào công việc của anh: thiện thanh - hướng đến những thanh âm thiện mỹ?

- Tôi muốn khẳng định rằng, cái tên chính là kim chỉ nam, ảnh hưởng cả một cuộc đời mỗi người. Cho nên, thật là thiệt thòi cho những đứa trẻ nào mà ba mẹ chúng không cẩn trọng trong việc đặt tên cho chúng. mỗi cái tên sẽ nói lên một thiên hướng nào đó về nghề nghiệp tương lai của đứa trẻ. Hồi bé, tất nhiên tôi không thể hình dung tên mình là như thế nào, nhưng có một nhạc sĩ rất nổi tiếng là Trần Thiện Thanh được người trong Nam hâm mộ. Và thế là trong tôi luôn nghĩ rằng thế nào mình cũng thành nhạc sĩ nổi tiếng. Tư tưởng đó luôn dẫn dắt tôi cho tới bây giờ! Tôi quan niệm, làm nghề nhạc đã là “phúc tám đời” cho mình rồi. Đó là một nghề không thể nào không “thiện” được.

Tuy nhiên, trời cho người làm nhạc một khả năng nhạy cảm và cái tôi riêng biệt. Nhưng thay vì cái tôi là để anh ta được phân biệt rạch ròi với đồng nghiệp về cá tính nghệ thuật, anh lại muốn mình quan trọng hơn người khác. Điều này ít nhiều làm vơi bớt cái “thiện” trong nghệ sĩ. Còn “chân - thiện - mỹ” ư? Rất tương đối, bởi nó tùy theo khả năng và nhận thức của từng nghệ sĩ. Là nghệ sĩ, ai cũng mơ ước cống hiến cái tốt đẹp nhất cho công chúng bằng khả năng cho phép của mình. Nhưng oái oăm thay, ai cũng muốn sự cống hiến của mình là vĩ đại nhất.

- Anh mới nói đến Trần Thiện Thanh. cá nhân anh, một Thiện Thanh khác, đã chọn con đường sáng tác của mình như thế nào giữa hai giá trị cũ và mới trong âm nhạc Sài gòn lấy dấu mốc là 1975?

- Trước 1975, tất nhiên tôi không thể nào không bị ảnh hưởng bởi Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên... nhưng đặc biệt nhất là nhóm phượng hoàng cùng với hai thủ lĩnh Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà. Âm nhạc của họ ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Nhạc và ca từ của họ phóng khoáng, nhân bản và có cái gì đó thật tự do, cả một chút ngang tàng nữa. Sau 1975 trở đi, những người như anh Nguyễn Đức Trung, Trần Tiến luôn là những cái tên mà nhóm ca khúc chính trị của chúng tôi chọn để đi thi thố với các trường PTTH khác. những Giọt sương long lanh, Vết chân tròn trên cát, Mặt trời bé con... là những bài hát nằm lòng.

Đặc biệt, Vết chân tròn trên cát là bài hát nhiều tính nhân văn. Khi vào nhạc viện, tôi được củng cố lại kiến thức và mở mang tầm mắt. Tôi biết được phải làm thế nào để tiếp thu, học hỏi người khác một cách tốt nhất. Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà cho tôi sự phóng khoáng và tự do. Tôi học anh Trần Tiến cảm xúc rất thật. còn nhạc cổ điển củng cố những kiến thức nền tảng... Tất cả các yếu tố đấy tạo ra một Võ Thiện Thanh anh đang thấy!

- Nhớ sản phẩm đầu tiên của anh - "Mãi cho tình lênh đênh" từ cái nôi Kim Lợi studio. Đôi lúc thoáng nghe, tôi không hình dung ra đó là anh bây giờ, vì thật sự chúng khác với Võ Thiện Thanh tôi đã định hình? Hãy nói một chút về giai đoạn sáng tác này, có vẻ như Kim Lợi đã o bế anh rất kỹ?

- Không thể phủ nhận Kim Lợi là cái bệ phóng đầu tiên cho thế hệ các nhạc sĩ thời kỳ này. Lúc ấy, ở Sài gòn khan hiếm phòng thu thì Kim Lợi là đầu ra cho tác phẩm của các nhạc sĩ trẻ. Họ làm theo cách thức: Biên tập album, sau đó phân phối ra cho nhiều người hòa âm. cách làm này so với thời ấy thì có vẻ hợp lý, vì người viết bài hát thì ít khi biết hòa âm. nhưng với đa số các bài hát của tôi, người khác hòa âm lại không được hiệu quả như mong muốn.

Vì sao? Đa phần khi viết ca khúc, tôi hoàn thiện phần hòa âm trước cả giai điệu và ca từ. nếu tách phần hòa âm của bài hát ra và thay vào là phần hòa âm khác thì có khác nào Hồn Trương Ba, da hàng thịt. nếu anh nghe bản demo ban đầu của Mãi cho tình lênh đênh hay Tình 2000, biết đâu anh sẽ nói: Trời! Sao lạ vậy! Đây mà là Võ Thiện Thanh à? Nhưng nói như thế không có nghĩa là nhạc sĩ đã hòa âm bài của tôi dở, mà cách làm cũ giờ không còn phù hợp. Một bài hát khi thai nghén, phần hòa âm như bào thai của người mẹ bao bọc lấy đứa bé. Tách phần hòa âm ra không khác nào cho đứa bé nằm trong lồng kính.

- Giai đoạn này có ý nghĩa thế nào đối với anh. thời điểm ấy, cái tên anh còn mới tinh trong khi đó lại là thời thế thuộc về những Dương Thụ, Phú Quang, Bảo Chấn, Phó Đức Phương...?

- Tôi kính trọng các anh ấy, mỗi người một vẻ. Có thể xem đây là giai đoạn rực rỡ của nhạc đại chúng Việt Nam. Thế hệ các anh chính là “người mở đường” cho chúng tôi tiếp bước. Các anh có may mắn hơn chúng tôi là được tung hoành trong một thế giới không internet, không ipod và nói chung là không digital. Một môi trường tương đối trong lành! Thời đó, người ta chỉ có thể nghe nhạc qua băng đĩa chính hãng, hoặc xem ở các tụ điểm ca nhạc, không có khái niệm download.

Thời đó, người ta chỉ có vài lựa chọn cho món ăn tinh thần. hiện nay, không biết diện mạo của nhạc sĩ phải như thế nào nhỉ? Không sống được bằng băng đĩa, không sống được bằng tác quyền (download free, tiền tác quyền không thể chạy theo giá xăng, từ 500 ngàn lên 1 triệu đồng đã gặp phản đối). Người sáng tác là yếu tố then chốt trong chu trình được trả rẻ mạt như vậy, liệu anh ta sẽ mang bộ mặt như thế nào? Có thể nhận ra bộ mặt ấy sau đây:

Anh ấy không vung vãi bài hát cho ai muốn hát thì hát, anh ấy chính là nhà sản xuất cho tác phẩm của mình. Vậy thì không còn khái niệm các hãng, các ca sĩ lấy nhạc của anh ấy làm cd rồi trả cho hắn 500 ngàn đồng nữa! Ở quán cà phê đông người rất dễ nhận ra anh ta: lúc nào cũng dí mắt vào laptop để theo dõi tình hình nhạc quốc tế có gì mới, phần mềm nào “hot”, “sound” nào đang cần mua càng sớm càng tốt...

"Vẫn làm, thậm chí kĩ hơn, nhưng không nhiều kỳ vọng!"

- Anh còn nhớ cậu sinh viên nhạc viện Võ Thiện Thanh ngày ấy tập tễnh vào nghề suy nghĩ điều gì không?

- Ngay từ thời trung học, tôi đã ham thích nhạc trẻ và ước mơ cháy bỏng là lập một ban nhạc trẻ và chơi chính tác phẩm của mình (có lẽ do bị ảnh hưởng bởi ban nhạc phượng hoàng). Vào Sài gòn, tôi đã từng bôn ba rất nhiều ban nhạc, nhà hàng. Từ ban nhạc đầu tiên Lagi tập hợp những anh em đồng hương quê ở thị xã Lagi - Bình Thuận, cho đến ban nhạc Five man. nhưng rồi, tôi nhận thấy môi trường lúc ấy không thể thành công với ước mơ này vì kinh tế quá bấp bênh, không có môi trường cho các ban nhạc trẻ phát triển.

- Cho đến khi nào thì anh có một định hình rõ nhất về cái mà anh theo đuổi?

- Những năm 2000 trở đi, tôi quyết định từ bỏ con đường bôn ba với các ban nhóm nhạc trẻ, các nhà hàng ca nhạc, chính thức hoạt động như một người sáng tác và hòa âm độc lập. Chơi nhạc hàng đêm chỉ mang đến cảm giác mệt mỏi, nhàm chán, biệt lập với thế giới bên ngoài. Suốt đời anh chỉ làm mỗi một việc là “cover” tác phẩm của người khác. Công việc này thích hợp với những người thuần túy hành nghề nhạc công. Còn với người sáng tác thì không tốt tí nào!

- Vậy khát vọng nghề nghiệp và xây dựng thương hiệu của cậu sinh viên trước đây và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh bây giờ khác nhau thế nào?

- Có một sự đổi khác căn bản. Trước kia, tôi làm gì cũng kỳ vọng quá nhiều. Còn bây giờ, vẫn làm, thậm chí kĩ hơn, nhưng lại không nhiều kỳ vọng!

- Nhóm sáng tác mang tên “Ký túc xá” ngày nào, tại sao giờ thiếu đi sức sống như thời các anh mới vào nghề mà chỉ còn vài cá nhân trụ lại?

- Tôi vẫn không hiểu từ đâu mà có thông tin tôi là thành viên nhóm sáng tác “Ký túc xá”. Có lẽ mọi người quý mến tôi nên đưa tên tôi vào. Chẳng lẽ mình đi cải chính chuyện này? Thôi, cứ để yên như vậy để khỏi tổn thương người khác!

- Một câu tôi thường hỏi các nhạc sĩ: anh nhìn thấy mình thế nào trong tương quan với các đồng nghiệp thế hệ trước và thế hệ 8x sau này?

- Thế hệ trước cho tôi nấc thang đầu tiên, thế hệ sau lại cho tôi thấy không có nấc thang cuối cùng!

- Điều làm anh trở nên khác biệt với họ là gì?

- Tôi khác biệt, đơn giản chỉ vì tôi là chính tôi, không thể là ai khác. Cùng thời với tôi - thời uống cà phê cóc 3/2, lão Tuấn Khanh biệt tích giang hồ, lâu lâu lại thấy lão xuất hiện với vai trò giám khảo. Tôi thích phông văn hóa của Tuấn Khanh, người Bohemieng cuối cùng của “trường phái” Lê Hựu Hà - Nguyễn Trung Cang: phóng khoáng, tự do và bất cần. Còn tôi, tôi thích viết về cuộc đời, về nhân sinh hơn là bản thân. Thế hệ sau tôi thì hay viết về bản thân - điều này không tệ nhưng tương lai thế nào thì tôi không hình dung được.

- Yếu tố trẻ và cập nhật của giới sáng tác trẻ cũng biểu hiện rõ trong sản phẩm của anh đấy chứ! Vậy yếu tố ấy có tiếp tục tồn tại trong tư duy sáng tác của anh lâu dài như một lợi thế?

- Tôi có thể nói rằng, trong giới hạn của một đời người, sản phẩm sau của tôi sẽ không giống cái đã làm trước đó. Và hình như càng ngày tôi càng tĩnh lặng và sâu hơn. Anh sẽ thấy rõ điều này trong những sản phẩm sắp được tung ra của tôi.

- Đúng! Nhạc của anh ngày càng cởi mở, đề cập nhiều đến ngóc ngách cuộc sống. Đó là từ đâu?

- Tôi cũng không biết tại sao. Có lẽ, tôi trưởng thành từ mọi ngó ngách của cuộc đời, đã nếm đủ mọi đắng cay chăng? Một tuổi thơ cực nhọc. con đường học nhạc cũng trắc trở. Lên Sài Gòn, dời chỗ ở không biết bao nhiêu lần. Rồi tình yêu lận đận...

"Tôi sống bằng nghề thoải mái, chỉ không giàu"

- Âm nhạc cởi mở có mâu mâu thuẫn với lối sống độc lập và nhẹ nhàng kín tiếng của anh bây giờ không?

- Không có gì mâu thuẫn cả. Khi anh đã rất cực nhọc để có được hạnh phúc, anh sẽ không dại gì phơi nó ra cho thiên hạ dòm ngó.

- Tôi đã nghĩ anh là một người Sài Gòn bởi những gì anh viết mang nhịp sống nơi này. Vậy tình yêu của anh đối với mảnh đất này thế nào?

- Sài Gòn, tôi ví nó như một Hollywood của Việt Nam. Một môi trường khoáng đãng, rộng mở và cạnh tranh khốc liệt cho những ai muốn khẳng định tài năng của mình.

- Nhưng anh có tình yêu với thị trường âm nhạc và thị hiếu âm nhạc nơi đây hay không?

- Môi trường và thị hiếu âm nhạc thì luôn biến đổi theo thời gian. Sài Gòn rất đáng tự hào với những kỳ tích nhạc trẻ một thời của Lê Hựu Hà, Thanh Tùng, Quốc Dũng, Bảo Chấn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện... còn môi trường âm nhạc hiện nay, nếu anh đi taxi từ Nội Bài hay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố thì âm nhạc trên xe cũng như nhau thôi.

- Tôi không muốn hỏi to tát. nhưng vẫn muốn biết anh có trông đợi vào một sự khác biệt với những gì đang diễn ra ở Sài Gòn và làng văn nghệ của chúng ta không?

- Chúng ta phải chấp nhận thực tế, một thực tế do chính chúng ta tạo ra chứ không ai khác. Và muốn tương lai tốt hơn, chúng ta phải chăm chút cho hiện tại. chuyện thời cuộc là vấn đề quá khả năng của từng cá nhân đơn lẻ, và nó nằm trong tương quan của tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Tôi chỉ mơ ước một điều: giá trị của sức lao động nghệ thuật được công nhận xứng đáng. Chừng nào mà chỉ cần một bài hát nổi tiếng là nhạc sĩ có thể giàu, lúc ấy âm nhạc sẽ khác nhiều lắm...

- Anh từng bị tiếng dính nghi án đạo nhạc với bài hit đình đám nhất của mình là “Ứơc gì”. Sau những thành công bền bỉ của anh, nếu nhìn lại, anh thấy điều gì?

- Ngay cả tượng đài Trịnh Công Sơn mà người ta còn chẳng đắn đo, thì huống chi là tôi. Sự ấu trĩ trong kiến thức âm nhạc, thói háo thắng cộng với tâm lý muốn nâng tầm bản thân bằng cách hạ người khác xuống của một vài người, đã làm cho dư luận hoang mang. Con người ta thường hay đánh giá vội vàng mọi sự, mọi việc theo con mắt chủ quan, cùng với kiến thức giới hạn của mình.

Cứ tưởng như mình vừa “khám phá một lịch sử động trời”. Chuyện rằng, một nhà sư bị nghi đã làm cho một cô gái có bầu. mọi người đến buông không biết bao nhiêu lời sỉ vả thậm tệ, vị sư chỉ nói một câu “Thế à?”. Rồi đến khi mọi việc được sáng tỏ, mọi người đến xin lỗi nhà sư cũng nói “Thế à?”. Và, nếu Trịnh Công Sơn còn sống, tôi biết ông sẽ nói “Thôi kệ!” với những ồn ào gần đây về mình... Khi cái rủi đến, càng chống trả anh càng bị nó hành hạ. Hãy chấp nhận.

Mọi rủi ro trong đời sống đều là nghiệp của quá khứ. Tôi tâm đắc quan niệm này của đạo phật, và xem tai nạn ấy như trả nghiệp mà thôi.

- Cơm, áo, gạo, tiền - có phải là lý do mà người làm nhạc cũng cần tỉnh táo?

- Một đồng nghiệp nói với tôi rằng, nếu chú tâm với nghề thì không thể đói được, chỉ không giàu thôi. Tỉnh táo hay không là vấn đề anh đừng xem mình là “thiên tài bị lãng quên”, mà hãy như con tằm nhả tơ, không cần biết mình sẽ là tấm long bào hay chiếc áo nâu.

- Anh sống thoải mái bằng nghề chứ?

- Tôi sống bằng nghề thoải mái, chỉ không giàu!

- Anh có hài lòng với vị trí nghề và cuộc sống vật chất của mình?

- Tôi thật sự hài lòng.

 

Theo Đẹp

people like INLOOK.VN fanpage