Bạn đang ở đây

7 lý do khiến phim ‘Kẻ hủy diệt’ mới thất bại

“Terminator: Genisys” đang trên đường trở thành bom xịt tại khu vực Bắc Mỹ. Sự thờ ơ của khán giả và những lời chê bai của giới phê bình là hoàn toàn có cơ sở.

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ trước nội dung bộ phim

Ra mắt tại Bắc Mỹ từ ngày 1/7, Terminator: Genisys tới nay mới chỉ thu được 45 triệu USD. Nhờ sự hâm mộ của khán giả quốc tế dành cho Arnold Schwarzenegger và thương hiệu, thành tích ngoại địa của phim khá khẩm hơn một chút với 85,5 triệu USD. Song, chừng đó là chưa đủ so với kinh phí sản xuất lên tới hơn 150 triệu USD, chưa kể khoảng hơn 100 triệu USD tiền quảng bá, mà Skydance Pictures và Paramount phải bỏ ra cho dự án.

Điều đáng nói là giới phê bình cũng ghẻ lạnh Genisys. Điểm số trên chuyên trang tổng hợp Rotten Tomatoes của bộ phim chỉ dừng lại ở mức 27%, tức hiện còn kém hơn cả phần bốn Terminator Salvation (2009) vốn từng bị nhiều fan quay lưng.

Trước giờ Terminator: Genisys trình làng, đạo diễn James Cameron từng lên tiếng ông rất thích bộ phim, thậm chí coi đây mới là phần thứ ba của loạt phim. Tác giả của The Terminator (1984) và Terminator 2: Judgment Day (1991) vốn là một người khó tính và từng có lần chỉ trích hai tập Rise of the Machines (2003) và Salvation (2009). Song, lời chia sẻ của ông về tập phim mới xem ra không đúng sự thật cho lắm.

Tuyến phản diện đông đúc, nhưng không hiệu quả

The Terminator chỉ có một kẻ phản diện duy nhất: người máy T-800.Terminator 2: Judgment Day cũng chỉ có một kẻ phản diện: người máy chất lỏng T-1000. Nhưng màn thể hiện từ Arnold Schwarzenegger và Robert Patrick khiến cho khán giả ngày nay vẫn còn phải sợ hãi.

7 lý do khiến phim ‘Kẻ hủy diệt’ mới thất bại

Người ta hẳn sẽ tiếp tục nhớ tới nhân vật T-1000 của Robert Patrick, thay vì của Lee Byung Hun, sau Genisys.

Vậy Terminator: Genisys thì sao? Đầu tiên, người xem được gặp T-800 phiên bản trẻ tuổi của Arnie. Tiếp đó là sự xuất hiện của T-1000 bản mới do Lee Byung Hun thủ vai, nhưng gã bị hạ chỉ sau vỏn vẹn khoảng 20 phút. Điều lẽ ra là một sự bất ngờ thì bị tiết lộ ngay từ trailer: người máy mới T-3000 thực chất là nhân vật John Connor (Jason Clarke) trong tương lai bị hãm hại. Cuối cùng là Skynet, lần đầu xuất hiện dưới hình thù con người qua màn diễn xuất của Matt Smith.

Đông đúc là vậy nhưng chẳng có nhân vật nào để lại dấu ấn. Kế hoạch của Skynet thiếu đi tính logic và không thực sự rõ ràng. Còn sự lặp lại các nhân vật T-800 và T-1000 vô tình càng khiến khán giả nhớ tới hai tập đầu tiên. Nhưng đáng tiếc thay, những thứ mới mẻ chưa thể xứng tầm với giá trị xưa cũ, dù nay được công nghệ kỹ xảo tân tiến hỗ trợ.

Tuyến chính diện cũng không khá khẩm hơn

Trở lại The Terminator, Kyle Reese (Michael Biehn) và Sarah Connor (Linda Hamilton) là hai cá nhân bé nhỏ của nhân loại, phải một mình chống lại hiểm họa đến từ tương lai. Chàng là chiến binh đến từ năm 2029, chưa từng được sống trong thế giới hòa bình; còn nàng chỉ là một cô bồi bàn sợ hãi, cố gắng bắt nhập với những điều đang xảy ra. Cả hai đều là những nhân vật không có gì đặc biệt, nhưng diễn xuất của các ngôi sao giúp họ lưu dấu trong tâm trí khán giả.

7 lý do khiến phim ‘Kẻ hủy diệt’ mới thất bại

Sarah Connor và Kyle Reese mới đều không thể vượt qua nổi cái bóng của những người cũ.

Ở Terminator: Genisys, Kyle Reese và Sarah Connor thêm một lần nữa sắm vai trò chính trong tuyến nhân vật con người, do lần lượt Jai Courtney và Emilia Clarke thủ vai. Nhưng kịch bản khiến câu chuyện của họ phức tạp hơn mức cần thiết, thậm chí là đến mức tẻ nhạt vì một kết quả không có gì mới mẻ.

Lúc này, một dòng thời gian mới được thiết lập. Tại đó, cả T-800 lẫn T-1000 xuất hiện từ khi Sarah Connor mới 9 tuổi. Sau khi cha mẹ bị sát hại, cô bé được nuôi nấng và dạy dỗ bởi nhân vật của Arnie để chuẩn bị cho tương lai. Đặt chân tới năm 1984, Kyle Reese lúng túng khi nhiệm vụ trở về quá khứ để bảo vệ Sarah lúc này trở nên vô nghĩa.

Giống như tập phim gốc, hai người phải “giao phối” (theo lời T-800) để sinh ra John Connor, người lãnh đạo nhân loại trong cuộc chiến chống lại Skynet ở tương lai. Ban đầu, cả hai muốn chống lại số phận, nhưng rốt cuộc thì vẫn phải lòng nhau khi tập phim khép lại.

Câu chuyện tình cảm giữa Kyle Reese và Sarah Connor có nhiều tình huống hài hước, lãng mạn, nhưng lại thiếu đi chất đen tối cần thiết khi họ đang phải đối mặt với hiểm họa Skynet. Có thể sẽ có ý kiến cho rằng đây là một sự thay đổi táo bạo. Nhưng tất cả diễn ra tẻ nhạt dưới nhiều lời giải thích khó hiểu của T-800. Emilia Clarke là một sự lựa chọn thú vị cho Sarah Connor, nhưng...

Jai Courtney quá tệ

Diễn xuất của tài tử người Australia là một điều tệ hại khó có thể bỏ qua của Terminator: Genisys. Điều đáng ngạc nhiên là khán giả từng phải chứng kiến nhiều màn trình diễn kém cỏi của Jai Courtney trong quá khứ, mà điển hình chính là A Good Day to Die Hard, phần năm của loạt Die Hard. Thế nhưng, anh vẫn có cơ hội xuất hiện ở một trong những bom tấn lớn nhất mùa hè 2015 với kép chính.

7 lý do khiến phim ‘Kẻ hủy diệt’ mới thất bại

Nếu biến Kyle Reese thành một Kẻ hủy diệt, hẳn tài tử đã có một vai diễn thành công.

Gương mặt khô cứng, giọng nói thiếu biểu cảm vô tình khiến không ít người cho rằng Jai Courtney sẽ thành công nếu sắm vai một người máy Kẻ hủy diệt. Song, anh là một lựa chọn tồi cho vai Kyle Reese.

J.K. Simmons có quá ít đất

Với bộ phim Whiplash, J.K. Simmons là một trong những diễn viên thành công nhất trong năm qua. Hồi đầu năm, ông giành tượng vàng Oscar tại hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc qua vai diễn ông thầy hắc ám trong tác phẩm độc lập. Chiêu mộ được một nhân tài như J.K. Simmons, các nhà biên kịch chỉ dành cho ông đất diễn vô cùng ít ỏi.

7 lý do khiến phim ‘Kẻ hủy diệt’ mới thất bại

J.K. Simmons sẽ còn trở lại. Nhưng liệu khán giả có còn hào hứng với Terminator trong hai năm tới?

Càng đáng tiếc hơn khi viên cảnh sát O’Brien là một nhân vật thú vị. Năm 1984, ông vô tình chứng kiến cảnh T-1000 truy đuổi Kyle Reese và Sarah Connor. Suốt ba thập kỷ sau đó, O’Brien cố gắng thuyết phục mọi người về sự tồn tại của những cỗ máy giết chóc. Nhưng trong mắt đồng nghiệp, ông chỉ là một đề tài tiếu lâm, không hơn không kém.

Terminator: Genisys có thể đã khác nếu như được kể qua lăng kính của O’Brien, tức một người bình thường, chưa bao giờ trải nghiệm du hành vượt thời gian và chỉ vô tình phát hiện ra mối hiểm họa dành cho nhân loại. Theo lời của các nhà sản xuất, J.K. Simmons sẽ còn trở lại trong hai phần tiếp theo Genisys.

Arnold Schwarzenegger chưa được khai thác đúng

Có một thực tế rằng Arnie chưa bao giờ được đánh giá cao về biểu cảm diễn xuất. Nhưng bất ngờ thay, ông lại là người đem đến nhiều cảm xúc nhất trong Terminator: Genisys. Nhân vật T-800 già nua của ngôi sao hành động giống như một người cha đối với Sarah Connor, thậm chí bắt đầu có ý thức cảm xúc khi không lần ít nói rằng mình “già, nhưng chưa vô dụng”.

7 lý do khiến phim ‘Kẻ hủy diệt’ mới thất bại

"Nhân cách hóa" T-800 quá đà không phải là một điều hay.

Đây là một cỗ máy đang học cách làm cha, theo đuổi một nhiệm vụ mà nó không hiểu hết. Cùng lúc đó, T-800 còn bị bào mòn bởi thời gian. Nếu thử loại bỏ Kyle Reese, hay thậm chí là cả John Connor, khán giả có một câu chuyện đơn giản. Nhưng nó hẳn sẽ rất cảm động khi được lồng ghép đề tài tình phụ tử trong bối cảnh nhân loại đứng bên bờ vực diệt vong.

Song, ngoài một số pha hành động thông thường, nhân vật của Arnie lúc này còn được sử dụng để gây tiếng cười. Việc “nhân cách hóa” T-800 quá đà vô tình khiến nhân vật mất đi sự độc đáo như trong các bộ phim trước.

Có một điều thú vị là năm 1984, sau khi đọc kịch bản The Terminator, Arnold Schwarzenegger muốn được sắm vai Kyle Reese. Nhưng James Cameron đã ngăn ông khi nói rằng: “Đây là một bộ phim về Kẻ hủy diệt”. Nếu như đánh đồng T-800 với những con người, Arnie sẽ chẳng còn gì đặc biệt nữa.

Nhiều màn giải thích quá dài dòng

Các nhà khoa học tới nay vẫn còn bất đồng về lý thuyết dịch chuyển vượt thời gian. Chỉ một vài câu thoại ngắn ngủi của Arnold Schwarzenegger không thể giải thích mọi chuyện. Trái lại, nó càng khiến cho cốt truyệnTerminator: Genisys trở nên nhập nhằng, rối rắm hơn mức cần thiết.

Một điều khán giả muốn được giải đáp là ai đã gửi T-800 về thời điểm trước năm 1984. Có thể các nhà biên kịch muốn giải thích chi tiết đó ở tập sau. Nhưng mảnh ghép còn thiếu ấy chỉ cho thấy sự tham lam của đội ngũ sản xuất khi muốn vắt kiệt thương hiệu trước khi nó trở về tay James Cameron vào năm 2019.

Đạo diễn dường như cũng không hiểu chuyện gì xảy ra trong phim

Alan Taylor chia sẻ với tờ The Daily Beast rằng: “Arnold có một trong những câu thoại khó hiểu nhất trong phim rằng, ‘Ta có thể ghi nhớ hai dòng ký ức nếu như bước vào trường lượng tử tại một tiếp điểm của thời gian’. Không ai rõ ông ấy nói vậy là sao. Nhưng chúng tôi hy vọng không ai hiểu gì. Nói một cách khác, khán giả không cần phải hiểu điều đó mà bộ phim vẫn có thể tiếp diễn”.

7 lý do khiến phim ‘Kẻ hủy diệt’ mới thất bại

Không thể phủ nhận rằng đạo diễn Alan Taylor (đeo kính, áo xanh) đã mắc lỗi trong quá trình thực hiện Terminator: Genisys.

Đại chúng có thể không hiểu hết về các lý thuyết vật lý, nhưng họ cần sự logic về mặt cốt truyện. Taylor nói tiếp: “Một phần thú vị của công việc dành cho tôi là duy trì sự hài hước. Có thể nói rằng, ‘Bạn có thể không hiểu, nhưng ai quan tâm chứ? Hãy cứ tiếp tục thôi’”.

Nói một cách nào đó, đây là câu trả lời có phần thiếu trách nhiệm của Alan Taylor. Lẽ ra ông cần phải xây dựng nên một cốt truyện mạch lạc. Nhưng thay vào đó, nhà làm phim lại xua tan những điều thú vị mà James Cameron đã mất công dựng nên trong quá khứ.

Chưa kể, ông còn lồng ghép lộ liễu thông điệp cảnh báo loài người trước thói quen sử dụng smartphone hàng ngày, hàng giờ. Nhưng điều đó trở nên vô nghĩa, thậm chí có phần đạo đức giả, khi các nhà sản xuất cho phép người xem Genisys có cơ hội tương tác trực tiếp với bộ phim qua điện thoại ngay trong rạp.

Tất cả biến Terminator: Genisys trở thành một bộ phim thực sự đáng quên trong mùa hè 2015.

Theo Zing

 

people like INLOOK.VN fanpage